Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự phát triển kinh tế và sự biến đổi của tình hình quốc tế, máy bay không người lái (UAV) ngày càng được các quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Ngành công nghiệp hàng không không người lái toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ. Để nắm bắt cơ hội, Nga đã tiến hành quy hoạch sâu rộng trong việc phát triển ngành công nghiệp hàng không không người lái, nhằm chiếm lĩnh vị trí chủ động trong lĩnh vực này.
Ngành công nghiệp hàng không không người lái là một ngành công nghiệp mới nổi có tính chiến lược, là một phần quan trọng của hệ thống trang bị hàng không, và cũng là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, có ảnh hưởng nhất và tiềm năng nhất trong ngành hàng không nói chung và nền kinh tế. Nó đã trở thành một chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực công nghệ, khả năng đổi mới và trình độ sản xuất công nghệ cao. Theo mục đích sử dụng, máy bay không người lái (UAV) có thể được chia thành UAV quân sự và UAV dân sự. UAV quân sự đã thể hiện giá trị quân sự to lớn trong nhiều cuộc chiến tranh như Chiến tranh Trung Đông, Chiến tranh Vùng Vịnh, xung đột Nga-Ukraine và xung đột Israel-Palestine, trở thành nhân tố quan trọng trong các cuộc chiến tranh trên bộ, trên biển và trên không của thế kỷ 21. UAV dân sự cũng đã được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như khảo sát địa chất, kiểm tra lưới điện, khảo sát lập bản đồ hàng không và nhiều lĩnh vực khác. UAV đã trở thành thiết bị quân sự và dân sự quan trọng của nhiều quốc gia. Những năm gần đây, các nước phương Tây như Anh và Mỹ không ngừng thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển UAV, và Nga cũng đặc biệt chú trọng phát triển UAV ở tầm chiến lược quốc gia. Ngày 21 tháng 6 năm 2023, Nga đã phê duyệt và công bố “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035”, cung cấp hỗ trợ về nhân lực, vật lực và tài chính để Nga phát triển các dòng UAV trong nước.
Bối cảnh đề xuất chiến lược hàng không không người lái của Nga
Việc phát triển máy bay không người lái (UAV) ở Nga có thể quay ngược về thời kỳ Liên Xô. Ngay từ những năm 1930, Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển UAV. Những chiếc UAV dân sự đầu tiên xuất hiện vào những năm 1960–1970, khi đó công nghệ UAV của Liên Xô đã từng đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, do sự suy thoái kinh tế và chậm phát triển công nghệ, công nghệ UAV của Nga đã bị đình trệ trong một thời gian dài.
Phải đến năm 2011, sau cuộc nội chiến Syria, Nga mới bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào phát triển công nghệ UAV. Điển hình là việc công ty Kronstadt của Nga bắt đầu phát triển các loại UAV tiên tiến. Năm 2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng “cần phải đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu và sản xuất UAV từ góc độ chiến lược.”
Đến tháng 10 năm 2021, Chính phủ Nga đã phê duyệt “Khái niệm tích hợp máy bay không người lái vào không phận chung của Liên bang Nga” và “Kế hoạch triển khai phát triển công nghệ theo Khái niệm tích hợp máy bay không người lái vào không phận chung của Liên bang Nga”.
Ngày 21 tháng 12 năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố trong một cuộc họp rằng việc cải tiến và nâng cấp các hệ thống máy bay không người lái nên được xem là “nhiệm vụ khẩn cấp” của ngành công nghiệp quốc phòng trong năm 2023. Vào cuối tháng 12 năm 2022, Putin đã phê duyệt một loạt các chỉ thị liên quan đến phát triển ngành hàng không không người lái, bao gồm việc thành lập “Ủy ban Chính phủ về Phát triển Hệ thống Hàng không Không người lái”. Phê duyệt “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035”. Phê duyệt “Kế hoạch phát triển hệ thống hàng không không người lái quốc gia” đến trước năm 2030 v.v..
Trong đó những tài liệu chiến lược này yêu cầu Chính phủ Nga phải phê duyệt “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035” trước ngày 1 tháng 6 năm 2023.
Ngày 29 tháng 12 năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật trao quyền cho các cơ quan an ninh bắn hạ máy bay không người lái khi cần thiết. Ngoài ra, theo chỉ thị của Putin, Điện Kremlin đã ban hành thông tư cho biết Bộ Công Thương Nga sẽ hợp tác với “Chính quyền Moscow” và “Sáng kiến Công nghệ Quốc gia” (một tổ chức phi lợi nhuận nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nga trở thành người dẫn đầu trong các thị trường công nghệ cao mới) để đảm đảm bảo rằng các diễn đàn, triển lãm về các sản phẩm và giải pháp công nghệ trong lĩnh vực UAV được tổ chức hàng năm.
Putin kêu gọi giải quyết những trở ngại về quản lý hành chính, kỹ thuật và các hạn chế khác đang cản trở sự phát triển của UAV. Đồng thời cũng đề xuất “Ngân hàng Trung ương”, “Bộ Tài chính” và “Bộ Giao thông Vận tải” thiết lập một hệ thống bảo hiểm cho UAV.
Ngày 21 tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký một sắc lệnh, chính thức phê duyệt và công bố “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035”. Chiến lược này xác định rằng Nga sẽ phát triển các dòng UAV nội địa, và văn bản chính thức được công bố trên trang web của chính phủ. Điều này khẳng định quyết tâm của Nga trong việc tăng cường năng lực sản xuất và triển khai UAV trong các lĩnh vực quân sự và dân sự.
Việc Tổng thống Putin và Chính phủ Nga đặc biệt coi trọng phát triển máy bay không người lái-UAV có liên quan mật thiết đến chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành tại Ukraine. Hình ảnh phái đoàn đại diện Bộ Quốc phòng Nga tham quan mô hình thực tế UAV “Lightning” (hình 2) minh chứng cho điều này.
Theo bài viết trên tạp chí “National Interest” của Mỹ, sự tiến bộ công nghệ đang làm thay đổi cơ bản đặc điểm của chiến tranh. Bài viết chỉ ra rằng “so với các máy bay chiến đấu đắt đỏ và các hệ thống quân sự khác, UAV quân sự và thương mại đóng góp nhiều hơn cho chiến tranh”. Điều này dẫn đến những khái niệm tác chiến sáng tạo, khi mà các khái niệm này cho thấy sức mạnh của những công nghệ đơn giản, rẻ tiền và dễ sử dụng có hiệu quả hơn so với các lực lượng quân sự truyền thống đắt đỏ và khó phát triển.
Bên cạnh đó, theo một báo cáo nghiên cứu do Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ công bố ngày 15 tháng 3 năm 2023 với tiêu đề “Nghiên cứu về ứng dụng hệ thống không người lái của Nga trên chiến trường Ukraine”, Nga đang cố gắng sử dụng UAV dân dụng giá rẻ và UAV quân sự từ nước ngoài để đối phó với những thách thức trên chiến trường. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề thiếu số lượng và năng lực UAV, Nga đang nỗ lực huy động toàn lực quốc gia để phát triển công nghệ máy bay không người lái.
Chiến lược phát triển hàng không không người lái của Nga
“Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035” (hình 3) là một tài liệu quy hoạch chiến lược ngành, cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình phát triển ngành hàng không không người lái ở Nga. Tài liệu này mô tả các triển vọng phát triển, tình hình tài chính, nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, cũng như các thách thức và cơ hội mà Nga đang phải đối mặt. Nó xác định các hướng ưu tiên phát triển UAV, các mục tiêu hàng năm, thông số thị trường và các bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển rộng rãi của ngành công nghệ cao, mở rộng cơ sở hạ tầng sử dụng UAV an toàn và tăng cường đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này.
Phó Bộ trưởng Công Thương Nga, Vasily Osmakov, đã phát biểu rằng: “Mục tiêu chính là xây dựng một ngành UAV dân dụng trưởng thành và đạt được chủ quyền công nghệ trong lĩnh vực sản xuất UAV dân dụng. Đồng thời, tỷ lệ UAV nội địa trong các phương tiện bay này cần tăng từ 22% hiện tại lên 70% vào năm 2030 và lên 80% vào năm 2035.”
Tình hình phát triển chung của ngành
Thị trường hàng không không người lái của Nga có tiềm năng to lớn. Từ năm 2018 đến năm 2022, quy mô thị trường UAV của Nga đã tăng trưởng trung bình 27% mỗi năm, vượt mức tăng trưởng trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng từ mức cơ sở thấp.
Năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng của thị trường UAV đạt mức cao nhất, lên tới 150%, nó có liên quan đến việc đơn giản hóa quy định quản lý không phận bay đối với UAV dưới 150m.
Theo thống kê năm 2022, công suất thị trường cho máy bay không người lái và dịch vụ ứng dụng của Nga là khoảng 50 tỷ rúp, chiếm chưa đến 1% thị trường toàn cầu. Theo ước tính của các chuyên gia, sản lượng hàng năm của UAV và các linh kiện tại Nga dao động từ 16 tỷ đến 20 tỷ rúp. Năm 2023, giá trị thị trường UAV và các dịch vụ ứng dụng của chúng ở Nga được cho là đã vượt 50 tỷ rúp.
Những thách thức phát triển
Sự phát triển của ngành hàng không không người lái của Nga đang phải đối mặt với những thách thức từ môi trường bên ngoài và bên trong, bao gồm các thách thức về công nghệ, địa chính trị và kinh tế. Chẳng hạn như khung pháp lý, quy định và kỹ thuật liên quan đến quản lý các hoạt động của hệ thống hàng không không người lái chưa hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng để thử nghiệm bay và vận hành hệ thống hàng không không người lái còn thiếu. Rủi ro chính trị ở thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp, nhà phân phối và trung tâm dịch vụ nước ngoài bị đứt gãy. Tiếp đến là sự phụ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu các bộ phận quan trọng, khả năng sản xuất động cơ, linh kiện điện tử và hệ thống điều khiển còn hạn chế. Họ cũng còn thiếu một hệ thống đào tạo nhân tài hoàn chỉnh v.v..
Định hướng phát triển
Đến năm 2030, thị trường UAV của Nga dự kiến sẽ có tổng số lượng máy bay lên tới hơn 180.000 chiếc, và đến năm 2035 con số này sẽ khoảng 200.000 chiếc. Nếu quy đổi thành giá trị tiền tệ, điều này tương đương với gần 200 tỷ rúp vào năm 2030 và hơn 220 tỷ rúp vào năm 2035.
Theo kế hoạch phát triển, trong kịch bản cơ bản, thị trường UAV của Nga sẽ ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 14%. Trong đó dự kiến sản lượng UAV sẽ tăng mạnh nhất từ năm 2025 đến năm 2027.
Trong kịch bản lạc quan, trong suốt thời gian thực hiện chiến lược, tỷ lệ tăng trưởng trung bình sản lượng UAV sẽ đạt 25%, đồng thời tỷ lệ UAV sản xuất trong nước trong tổng nhu cầu sẽ gia tăng. Dự kiến, đến năm 2030, 75% nhu cầu UAV sẽ được các nhà sản xuất Nga đáp ứng, ngoại trừ các UAV dùng cho đào tạo huấn luyện.
Cơ sở ngành
Hệ thống hàng không không người lái có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, vận chuyển logistics, dữ liệu địa lý không gian và kiểm soát môi trường. Kinh nghiệm từ các hệ thống UAV hiện có có thể được sử dụng làm nền tảng cho việc xây dựng ngành công nghiệp này. Ví dụ, chúng đã được sử dụng để kiểm tra tình trạng lưới điện, giúp giảm thời gian kiểm tra xuống còn 1/5. Nhờ phát hiện kịp thời các sự cố, rủi ro về sự cố lưới điện cũng giảm xuống còn 1/8. Trong lĩnh vực bản đồ địa lý, việc sử dụng máy bay không người lái đã giảm chi phí cho các công việc phức tạp xuống 20%. Trong lĩnh vực kiểm soát môi trường, số lượng giám sát hành vi vi phạm bằng máy bay không người lái có thể đạt gấp 4 lần so với giám sát bằng nhân lực.
Hỗ trợ tài chính và nguồn vốn
Về mặt tài chính, trong 5 năm qua Nga đã đảm bảo sự ổn định cơ bản cho sự phát triển của ngành hàng không không người lái thông qua việc thực hiện các chính sách như “Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hàng không của Liên bang Nga” và “Chiến lược phát triển toàn diện ngành công nghiệp chế tạo của Liên bang Nga đến năm 2024 và năm 2035”. Cơ chế hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không không người lái sẽ được thực hiện theo các quy định của dự án hệ thống hàng không không người lái quốc gia, với các nguồn tài trợ bao gồm ngân sách liên bang, ngân sách của chính quyền địa phương và thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách dựa trên cơ chế chia sẻ rủi ro. Khi “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035” được triển khai và rủi ro giảm xuống, về nguyên tắc, tỷ lệ tham gia của nguồn vốn nhà nước sẽ được giảm bớt.
Các giai đoạn thực hiện chiến lược hàng không không người lái của Nga
“Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035” đã chỉ ra hai giai đoạn phát triển cụ thể cho ngành hàng không không người lái của Nga trước năm 2030 và năm 2035, được thực hiện theo hai giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: 2023–2024 bao gồm các biện pháp cụ thể sau đây:
-Thiết lập cơ chế tổ chức và pháp lý: Đảm bảo xây dựng hệ thống phân loại, kế toán và nhận dạng từ xa cho các hệ thống hàng không không người lái. Đáp ứng nhu cầu quốc gia đối với hệ thống hàng không không người lái.
-Thiết kế cơ chế tài chính: Hỗ trợ tất cả các bên tham gia trong ngành, bao gồm các nhà phát triển và nhà sản xuất hệ thống hàng không không người lái, cơ sở hạ tầng mặt đất và người tiêu dùng dịch vụ. Các nhà phát triển và nhà sản xuất hệ thống hàng không không người lái và các bộ phận của chúng.
– Định nghĩa và áp dụng hệ thống UAV: Đối với các hệ thống hàng không không người lái có trọng lượng cất cánh không vượt quá 100kg, áp dụng phương pháp quản lý dựa trên rủi ro. Điều này bao gồm việc cấp phép hoạt động, chứng nhận cho các nhà điều hành và tổ chức bảo trì, đảm bảo yêu cầu an toàn hàng không và yêu cầu đào tạo nhân sự.v.v..
– Xác định yêu cầu về khả năng bay: Thiết lập các tiêu chuẩn cho khả năng bay của hệ thống hàng không không người lái.
-Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hóa năng lực mới cho chuyên gia: Áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn hóa năng lực hiệu quả cho các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không không người lái.
– Hình thành quy trình giáo dục và đào tạo thống nhất: Đào tạo các chuyên gia trong ngành, bao gồm cả các nhà điều hành.
– Khởi động các dự án thí điểm: Bắt đầu các dự án thí điểm phù hợp với các mục tiêu của kế hoạch Quốc gia “Phát triển hệ thống hàng không không người lái”.
– Phát triển nền tảng kỹ thuật số: Thiết kế và phát triển nền tảng kỹ thuật số cho tất cả các bên tham gia trong ngành, bao gồm người tiêu dùng dịch vụ, nhà phát triển và nhà sản xuất hệ thống và linh kiện UAV, cũng như các nhà điều hành và những người tham gia vào việc phát triển, xây dựng và sử dụng cơ sở hạ tầng mặt đất.
Giai đoạn 2: 2025–2035 bao gồm các biện pháp sau:
– Khuyến khích các bên tham gia thị trường chuyển đổi sang xây dựng hệ thống hàng không không người lái quy mô lớn.
– Tăng cường việc sử dụng các dịch vụ liên quan đến hệ thống hàng không không người lái, bao gồm việc mở rộng các công cụ và công nghệ đã thử nghiệm trong giai đoạn 1 đến tất cả các hệ thống hàng không không người lái đang hoạt động, cũng như các lĩnh vực dịch vụ khác của hệ thống hàng không không người lái.
Phân tích nội dung trọng điểm chiến lược hàng không không người lái của Nga
Trong “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và giai đoạn 2035”, Nga đã xác định 5 hướng phát triển chính cho hệ thống hàng không không người lái.
Một là kích thích nhu cầu nội địa đối với hệ thống hàng không không người lái của Nga. Chiến lược này đề ra các biện pháp để hình thành các thị trường phân khúc mới, trong đó ưu tiên sử dụng các hệ thống và linh kiện hàng không không người lái sản xuất tại Nga. Ngoài ra, dự kiến sẽ triển khai các công cụ nhằm kích thích nhu cầu, bao gồm trợ cấp một phần chi phí cho giờ bay của UAV, cho thuê ưu đãi các hệ thống hàng không không người lái và cơ sở hạ tầng mặt đất liên quan.
Hai là phát triển, tiêu chuẩn hóa và sản xuất hàng loạt hệ thống và các thành phần của hàng không không người lái. Bao gồm việc phát triển và sản xuất hàng loạt UAV. Phát triển cơ sở hạ tầng mặt đất, thiết lập và đồng bộ hóa quy trình sản xuất các linh kiện. Phát triển ngành sản xuất UAV và các linh kiện, vật liệu liên quan.Tạo lập và phát triển nền tảng kỹ thuật số của Nga để tối ưu hóa phương pháp thiết kế UAV cùng các linh kiện của nó. Xây dựng giao thức liên lạc riêng. Hình thành và triển khai hệ sinh thái công nghệ thông tin cần thiết cho ngành hàng không không người lái. Ngoài ra, sẽ thành lập các công ty công nghệ hàng không không người lái mới và phát triển các công ty nhỏ hiện có. Theo kế hoạch, tổ chức tiêu chuẩn hóa của Nga sẽ xây dựng một loạt tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm các tiêu chuẩn nhằm thực hiện giao thức kiểm soát hệ thống hàng không không người lái của Nga. Thực tế, từ năm 2016, Nga đã nỗ lực xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực hệ thống hàng không không người lái, và đã đưa ra khoảng 10 tài liệu tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó xác định thứ tự phát triển hệ thống hàng không không người lái, phân loại, các đặc tính chức năng của thiết bị điều khiển từ xa, yêu cầu ứng dụng của UAV trong các hoạt động trên mặt đất v.v..
Ba là phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh và thiết lập hệ thống chứng nhận chuyên dụng cho hệ thống hàng không không người lái. Phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc vận hành hệ thống hàng không không người lái. Tối ưu hóa các hạn chế hành chính, kỹ thuật và các hạn chế khác cản trở sự phát triển của hàng không dân dụng không người lái. Xây dựng hệ thống chứng nhận chuyên dụng cho hệ thống hàng không không người lá. Sử dụng các biện pháp bảo vệ thông tin mã hóa được Cơ quan An ninh Liên bang Nga chứng nhận để đảm bảo an toàn thông tin và an ninh cơ sở hạ tầng hàng không, ngăn chặn việc sử dụng trái phép máy bay không người lái. Thiết lập nền tảng kỹ thuật số cho việc kiểm soát không lưu đối với hệ thống hàng không không người lái. Thực hiện các nguyên tắc cấp phép bay dựa trên định hướng rủi ro, dịch vụ kỹ thuật số phê duyệt (hoặc điều chỉnh) kế hoạch bay tự động dựa trên phân tích tình huống, hỗ trợ và kiểm soát hoạt động bay, thông báo cho nhà khai thác hệ thống hàng không không người lái và các phi công bên ngoài. Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng mặt đất liên quan, máy bay không người lái được trang bị khả năng nhận dạng và định vị.
Bốn là đào tạo nhân lực ngành hàng không không người lái. Phát triển các module hệ thống hàng không không người lái phải được tích hợp vào chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề trung cấp, các khóa học chuyên ngành bổ sung liên quan, các khóa đào tạo nghề cơ bản và giáo dục bổ trợ cho trẻ em. Xây dựng danh sách các kỹ năng, tiêu chuẩn chuyên môn và tiêu chuẩn giáo dục nghề nghiệp. Danh sách này được cập nhật định kỳ, cùng với cơ chế đánh giá và công nhận bằng cấp trong các lĩnh vực phát triển, sản xuất và vận hành hệ thống UAV. Tổ chức các cuộc thi và cập nhật các bằng cấp liên quan đến phát triển, sản xuất và vận hành hệ thống máy bay không người lái. Xây dựng sổ đăng ký chuyên gia trong lĩnh vực hệ thống hàng không không người lái và cần được cập nhật thường xuyên. Bao gồm các tiêu chuẩn về chuyên môn, kỹ năng, đào tạo trong lĩnh vực phát triển, sản xuất và vận hành hệ thống hàng không không người lái.
Năm là nghiên cứu cơ bản và nâng cao trong lĩnh vực hệ thống hàng không không người lái. Tạo lập và phát triển một nền tảng tích hợp, xây dựng các yêu cầu kỹ thuật đối với công nghệ đang được phát triển. Tiến hành các nghiên cứu tổng hợp để đánh giá tác động của các đặc tính kỹ thuật quan trọng của từng công nghệ đối với hiệu suất tổng thể của toàn bộ hệ thống hàng không không người lái. Nghiên cứu mô hình số song song của các thành phần trong hệ thống. Lập kế hoạch và hỗ trợ việc thử nghiệm hệ thống hàng không không người lái. Xây dựng các nhiệm vụ tương tác giữa các nhóm hệ thống hàng không không người lái. Mô hình hóa bay cho tổ chức quản lý không lưu và sử dụng không phận. Tổ chức và tiến hành các cuộc thi công nghệ kỹ thuật, tạo ra các nhóm nghiên cứu khoa học và công nghệ mới. Đồng thời cho phép họ tham gia vào việc phát triển công nghệ mới hoặc cải tiến các công nghệ hiện có trong lĩnh vực hệ thống hàng không không người lái.
Đồng thời, trong “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035” cũng nêu rõ cần phải thiết lập các trung tâm nghiên cứu và sản xuất lớn về UAV, nhằm rút ngắn đáng kể chu kỳ từ nghiên cứu đến sản xuất và ứng dụng công nghệ mới. Ví dụ, Nga đã xây dựng Trung tâm Hệ thống Máy bay Không người lái Liên bang tại Rudnev.
Ngoài ra, “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035” còn xác định các thành phần nghiên cứu quan trọng của máy bay không người lái, bao gồm hệ thống đẩy bằng điện, nguồn năng lượng cho hệ thống đẩy bằng điện, động cơ đốt trong và hệ thống đẩy hỗn hợp điện, các cơ cấu truyền động, thiết bị thu vệ tinh an toàn và hệ thống định vị thay thế trên máy bay.
Kết luận
Chính phủ Nga đã xây dựng chiến lược phát triển hệ thống hàng không không người lái cho hai giai đoạn trước năm 2030 và trước năm 2035, cho thấy sự cấp bách của các nhà lãnh đạo quân sự Nga trong việc đạt được những bước đột phá trong lĩnh vực UAV. Thông qua việc tăng cường quy hoạch từ cấp cao, Nga đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ các hệ thống không người lái khác nhau. Việc phê duyệt “Chiến lược phát triển hàng không không người lái đến năm 2030 và xa hơn đến năm 2035” cho thấy sự coi trọng đặc biệt của chính phủ Nga đối với ngành công nghiệp UAV.
Nga có kế hoạch đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp UAV trong nước nhằm nâng cao trình độ công nghệ và thị phần. Động thái này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao của Nga mà còn tăng cường khả năng tự chủ trong lĩnh vực công nghệ UAV.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả Cao Tĩnh Hiên là Kỹ sư Viện Nghiên cứu Thiết kế Động cơ Hàng không Quý Dương, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, chuyên về nghiên cứu thông tin khoa học và công nghệ về động cơ hàng không.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]