Bán đảo Triều Tiên chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Tình hình căng thẳng gần đây trên Bán đảo Triều Tiên đã đặt ra dấu hỏi về tính hiệu quả của chính sách ngoại giao Mỹ đối với bán đảo này. Liệu rằng Mỹ sẽ có những bước đi chiến lược nào để làm thay đổi cục diện Bán đảo Triều Tiên hay không, và nó sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Á nói riêng và thế giới nói chung như thế nào?
Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Hàn Quốc từ thời Obama đến nay
Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế và đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở Châu Á. Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Hàn Quốc năm 1953 cam kết Mỹ sẽ giúp Hàn Quốc tự vệ. Quan hệ giữa hai quốc gia không chỉ dựa trên mối quan hệ song phương về chính trị và kinh tế, mà còn có mối quan tâm chiến lược chung trong việc đối phó với Triều Tiên.
Thời Tổng thống Barack Obama (2009-2017)
Trong nhiệm kỳ từ 2009 đến 2017, cách tiếp cận của chính quyền Obama đối với Hàn Quốc bao gồm một liên minh bền chặt được đặc trưng bởi sự hợp tác mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, an ninh và quân sự.
Mối quan hệ chính trị Mỹ – Hàn tương đối sâu sắc dưới thời chính quyền Obama. Cả hai quốc gia đều nhấn mạnh bản chất lâu dài của liên minh, bắt nguồn từ các giá trị dân chủ và lợi ích an ninh chung. Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ cấp cao đối với cả hai vị Tổng thống của Hàn Quốc trong giai đoạn này là ông Lee Myung-bak (2008-2013) và bà Park Geun-hye (2013-2017). Các cuộc gặp này là nền tảng để thảo luận các vấn đề song phương và các cam kết của hai bên đối với các vấn đề liên quan. Chính quyền Obama đã ủng hộ nỗ lực của Seoul trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G-20 vào năm 2010 và đề xuất Hàn Quốc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ hai như một phần trong nỗ lực của chính quyền Obama nhằm tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu.
Trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác song phương Mỹ-Hàn đã chứng kiến những bước phát triển đáng kể dưới thời chính quyền Obama. Tháng 3/2012, Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ – Hàn có hiệu lực sau sáu năm đàm phán. Đây là Hiệp định Thương mại Tự do song phương lớn nhất mà Mỹ đã ký kết ở thời điểm đó, mở đường cho quan hệ đối tác kinh tế và liên minh quân sự giữa hai nước ngày càng thân thiết. Năm 2016, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận từ Đối thoại Không gian Dân sự lần thứ 2 nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc khám phá không gian vì mục đích hòa bình của cả hai nước. Sự kiện này cũng đánh dấu thỏa thuận hợp tác không gian đầu tiên của Mỹ và một quốc gia châu Á.
Về quân sự, hai nước duy trì quan hệ đồng minh thân thiết thông qua các cuộc tập trận chung hàng năm như Foal Eagle và Key Resolve. Những cuộc tập trận này không chỉ nhằm năng cao khả năng quân sự mà còn thể hiện sức mạnh của liên minh Mỹ – Hàn và răn đe các hành động từ Triều Tiên. Mỹ cũng thể hiện những cam kết của mình đối với đồng minh thông qua việc gửi các hỗ trợ quân sự tới Hàn Quốc. Năm 2013, Mỹ đã gửi máy bay ném bom B-2 có khả năng hạt nhân đến Hàn Quốc. Năm 2016, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã triển khai hệ thống “Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD)” nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của Hàn Quốc trước những hành động đe dọa từ phía Bắc. Hai nước đã đạt được thỏa thuận với để mở rộng tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc nhằm cho phép Seoul có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ khu vực nào của Triều Tiên và giúp tạo điều kiện thuận lợi đối với việc tiêu diệt các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên trong một cuộc tấn công giả định.
Dưới thời chính quyền Donald Trump (2017-2021)
Sau khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, Donald Trump có những chiến lược tiếp cận bán đảo Triều Tiên khác biệt so với người tiền nhiệm. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết” và những nguy cơ gia tăng từ Triều Tiên, Tổng thống Trump đã có những cân nhắc về liên minh Mỹ – Hàn và khiến mối quan hệ đang tốt đẹp ở giai đoạn trước bước vào một giai đoạn có nhiều biến động hơn.
Tổng thống Donald Trump đã tham gia nhiều cuộc họp với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau vào năm 2017 và năm 2018 để phác thảo nhiều vấn đề song phương và khu vực, trong đó có vấn đề quan hệ với Triều Tiên. Ngày 30/06/2017, Hội nghị thượng đỉnh song phương giữa hai lãnh đạo đã diễn ra tại nhà Trắng, đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai Tổng thống sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc. Sau đó, ông Trump và ông Moon đã gặp lại nhau 2 lần nữa trong năm 2017 (tại Liên Hợp Quốc vào tháng 9 và chuyến du công châu Á của ông Trump tháng 11). Tổng Thống Trump và Tổng thống Moon đã tham gia các cuộc tham vấn cả trước và sau Hội nghị Thượng đỉnh Singapore – Triều Tiên tháng 6/2018, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tới ngày 30/6/2019, sau khi rời hội nghị G20 tại Nhật Bản, ở khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in cùng gặp nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un, mở ra những tín hiệu tích cực sau khi Thượng đỉnh Mỹ-Triều tháng 2/2019 khép lại mà không đạt được thỏa thuận.
Về khía cạnh kinh tế, Tổng thống Trump cho rằng Mỹ chịu thiệt nhiều hơn trong mối quan hệ thương mại với Hàn Quốc, do đó ông đã khởi xướng các cuộc đàm phán để giải quyết sự mất cân bằng thương mại và các khía cạnh của Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ – Hàn (KORUS) đã có hiệu lực từ chính quyền trước. Đến tháng 3/2018, hai quốc gia đã đạt được thỏa thuận về sửa đổi KORUS, trong đó đã giải quyết những vấn đề liên quan đến ô tô của Mỹ khi tiếp cận thị trường Hàn Quốc, và giải quyết thêm về quy định áp thuế đối với thép và nhôm của Hàn Quốc khi phải chịu ảnh hưởng từ chính sách áp thuế chung của chính quyền Trump.
Dưới thời Tổng thống Trump, quan hệ an ninh giữa Mỹ và Hàn Quốc chủ yếu xoay quanh việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên cũng chính điều này đã khiến Liên minh quân sự Mỹ – Hàn dưới thời ông Trump đã chịu một số tổn thương do vị Tổng thống Mỹ không thực sự coi trọng quan điểm của người đồng cấp ở Hàn Quốc. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Hàn Quốc và cam kết bảo vệ nước này, Mỹ cũng đặt ra những dấu hỏi cho quan hệ liên minh khi ông Trump tuyên bố hoãn các cuộc tập trận song phương có ý nghĩa chiến lược để thể hiện thiện chí đàm phán trước Kim Jong-un. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng yêu cầu Hàn Quốc tăng cường đóng góp tài chính để hỗ trợ sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters tháng 4/2017, ông Trump đã nói rằng ông muốn Hàn Quốc phải trả phí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, mà ông ước tính khoảng 1 tỷ USD[1]. Các cuộc đàm phán đã diễn ra để gia hạn Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), quy định các khoản đóng góp tài chính của Hàn Quốc. Đến tháng 3/2020, hai nước đã đạt được thỏa thuận SMA mới.
Những hành động của Tổng thống Trump đã ít nhiều gây nên sự rạn nứt trong mối quan hệ liên minh xuyên Thái Bình Dương.
Thời Tổng thống Joe Biden (2021 – nay)
Cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden đối với Hàn Quốc là chú trọng gia tăng quan hệ đồng minh và lôi kéo nước này thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Sau khi ông Yoon Suk-yeol trở thành Tổng thống Hàn Quốc, ông cũng có cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên khác biệt hơn so với người tiền nhiệm ông Moon Jae-in. Tổng thống Yoon đã thúc đẩy hợp tác nhiều hơn với Washington để đối trọng với Bình Nhưỡng. Cùng với sự nhiệt tình của Tổng Thống Yoon, Tổng thống Mỹ Biden cũng chú trọng đến mối quan hệ liên minh với Hàn Quốc.
Tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Biden đã thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc, sau cuộc gặp với Tổng thống Yoon, hai vị lãnh đạo đã tuyên bố rằng họ xem xét mở rộng tập trận quân sự để răn đe mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên, thể hiện cam kết của Mỹ đối với Hàn Quốc dưới chính quyền Biden. Tuyên bố trên đã cho thấy sự thay đổi so với định hướng của hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm là cựu Tổng thống Trump và cựu Tổng thống Moon. Trong thời kỳ tại vị, ông Trump đã xem xét bỏ tập trận với Hàn Quốc để bày tỏ thiện chí với ông Kim Jong Un, còn ông Moon cam kết đối thoại với ông Kim đến phút cuối trong nhiệm kỳ của mình. Mối quan hệ Mỹ – Hàn được cải thiện đáng kể và trở nên khăng khít trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
Tháng 4/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đến thăm Washington và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Hàn cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo đã cùng đưa ra “Tuyên bố Washington” nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc mở rộng khả năng răn đe đối với Hàn Quốc, được hỗ trợ bởi toàn bộ năng lực của Mỹ, bao gồm cả năng lực hạt nhân. Hai tổng thống cũng đã tuyên bố thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG) mới để tăng cường răn đe mở rộng, thảo luận về kế hoạch chiến lược và hạt nhân cũng như quản lý mối đe dọa từ phía Triều Tiên. Trong bối cảnh, căng thẳng gia tăng dọc biên giới với Triều Tiên, ngày 29/11/2023, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã cho biết các binh sĩ Mỹ từ Đơn vị Hóa học, Sinh học, Phóng xạ, Hạt nhân số 59 đã cùng với lực lượng mỹ tại Hàn Quốc và quân đội Hàn Quốc tham gia tập trận chung gần Khu phi quân sự với Triều Tiên.
Tổng thống Biden đã thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhằm đưa Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành một phần trong chiến dịch tăng cường các liên minh quân sự châu Á trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình. Tháng 8/2023, Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Hàn đầu tiên đã được tổ chức tại Trại David (Mỹ) nhằm hợp tác đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tăng cường an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả mối lo ngại Trung Quốc.
Về mặt kinh tế, Mỹ và Hàn Quốc đã tăng cường liên kết hợp tác chung giữa hai nước. Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Seoul năm 2022, chính quyền Yoon đã tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu. Các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, như Samsung và Hyundai Motor, đã cam kết hàng tỷ USD để xây dựng các cơ sở sản xuất pin bán dẫn và xe điện tại Mỹ. Tại Đối thoại kinh tế cấp cao lần thứ 7 vào tháng 12/2022, Mỹ và Hàn Quốc đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác kinh tế. Tiếp theo, tại cuộc gặp gỡ tháng 4/2023, hai vị Tổng thống cũng đã thảo luận về việc củng cố trụ cột kinh tế Mỹ – Hàn, hỗ trợ lẫn nhau các nguồn lực về kỹ thuật, xây dựng năng lực và các sáng kiến khác nhằm nâng cao nền kinh tế hai nước.
Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên từ thời Obama đến nay
Đối với Mỹ, việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân gây ra sẽ đe dọa đến Mỹ trên nhiều mặt. Thứ nhất, công nghệ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tiếp tục phát triển, và sự kết hợp của cả hai sẽ tạo thành khả năng tấn công các mục tiêu không chỉ các đồng minh gần đó là Hàn Quốc mà còn bao gồm cả Mỹ ở nửa kia Thái Bình Dương. Điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ khi không thể đoán định được các tính toán của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thứ hai, việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đặt ra mối đe dọa đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, điều này sẽ không chỉ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Đông Bắc Á, mà còn làm lung lay nền tảng của liên minh quân sự giữa Mỹ – Nhật Bản và Mỹ – Hàn Quốc, trong khi hai liên minh này không chỉ để kiềm chế Triều Tiên mà còn có vai trò chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Thứ ba, Triều Tiên có thể trở thành một nguồn phổ biến công nghệ và vật liệu hạt nhân. Một khi công nghệ và vật liệu hạt nhân được phổ biến cho những người mua như các tổ chức khủng bố, Mỹ sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa lớn hơn. Thứ tư, sự thành công của Triều Tiên sẽ khuyến khích các quốc gia khác tham gia vào con đường phát triển vũ khí hạt nhân, biến thế giới trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Và cuối cùng, nếu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát, nó sẽ tạo ra một tình huống không thể khắc phục. Do đó, xuyên suốt chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên là mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn đất nước này.
Các tiếp cận của chính quyền Tổng thống Barack Obama
Từ năm 2009 đến năm 2016, chính quyền Obama và chính quyền Hàn Quốc Lee Myung-bak (2008-2013) cùng Park Geun-hye (2013-2017) đã duy trừ sự phối hợp chặt chẽ về chính sách đối với Triều Tiên, được gọi là “Kiên nhẫn chiến lược”, là gây áp lực bằng các biện pháp lên chính quyền ông Kim Jong-un và chờ đợi Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa.
Sự đổ vỡ của cuộc đàm phán sáu bên bao gồm Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao vào năm 2009 đã đưa vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc. Sau đó, chính quyền Obama đã nỗ lực tăng cường sự đồng thuận quốc tế về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chính sách thời chính quyền Donald Trump
Dưới thời chính quyền Trump (2017-2021), chính sách đối với Triều Tiên được đặc trưng bởi sự kết hợp giữa can dự ngoại giao và lập trường quyết đoán hơn, bao gồm cả việc sử dụng áp lực kinh tế và đàm phán trực tiếp.
Những tiến bộ nhanh chóng của Triều Tiên về khả năng tên lửa và vũ khí hạt nhân trong các năm 2016 và 2017 đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải đánh giá lại về mối đe dọa này. Trong hai năm 2016 – 2017, Triều Tiên đã tiến hành hơn 20 vụ phóng tên lửa mỗi năm. Đến năm 2017, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM đầu tiên vào tháng 7 và các vụ thử tên lửa tầm trung (IRBM) trên bầu trời nhật bản vào tháng 8 và tháng 9. Bên cạnh đó, Triều Tiên đã tiến hành thử ba vụ thử hạt nhân từ tháng 1/2016 đến tháng 9/2017[2]. Sự gia tăng năng lực này đã khiến Triều Tiên trở thành vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ.
Ban đầu, chính quyền Trump phản ứng bằng cách áp dụng chính sách “gây áp lực tối đa” nhằm tìm cách ép buộc Bình Nhưỡng thay đổi hành vi thông qua các biện pháp kinh tế và ngoại giao. Nhiều yếu tố trong chính sách được tuyên bố chính thức tương tự như những gì chính quyền Obama sử dụng: (1) tăng áp lực trừng phạt kinh tế; (2) cố gắng thuyết phục Trung Quốc – cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, và những quốc gia khác nhằm gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng; (3) mở rộng khả năng của liên minh Mỹ – Hàn và Mỹ – Nhật để chống lại các mối đe dọa mới từ Triều Tiên. Mỹ đã có tác động tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) thông qua bốn nghị quyết trừng phạt mới để mở rộng các yêu cầu đối với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc trong việc ngăn chặn hoặc cắt giảm tương tác quân sự, ngoại giao và kinh tế của họ với Triều Tiên.
Các vụ thử hạt nhân cũng như tên lửa của Triều Tiên và nhận thức của Trump về sự thất bại trong chính sách của chính quyền Obama đối với Triều Tiên đã khiến vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ chuyển sang trạng thái răn đe khi liên tục nhấn mạnh phương án tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống lại Triều Tiên. Tháng 2/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thăm Hàn Quốc và cảnh báo Triều Tiên rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Mỹ hoặc các đồng minh đều sẽ bị ngăn chặn và Mỹ sẽ phản công mạnh mẽ bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào.
Sau đó, Trump đã điều chỉnh cách tiếp cận với Triều Tiên theo một cách chủ động và nhiệt tình hơn trong các hoạt động đàm phán ngoại giao. Trong thời gian tại vị, ông Trump đã gặp ông Kim ba lần: lần đầu tiên ở Singapore vào tháng 6/2018, sau đó tại Hà Nội vào tháng 2/2019 và lần thứ ba tại khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vào tháng 6/2020. Ngày 12/6/2018, Tổng thống Trump cùng Chủ tịch Kim Jong Un đã gặp nhau tại Singapore và đạt được sự đồng thuận bốn điểm. Tiếp nối sự thành công tại Singapore, hai vị lãnh đạo đã có cuộc gặp thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2/2019 với kỳ vọng đạt được một thỏa thuận về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, những khác biệt vẫn còn quá lớn và sự thiếu tin tưởng giữa hai bên đã khiến lần đàm phán này khép lại mà không có thỏa thuận nào được tuyên bố.
Trong chính quyền Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson khi đó đã đưa ra chính sách “bốn không”, nghĩa là không tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên, không tìm cách hạ bệ chế độ Triều Tiên, không tìm cách đẩy nhanh quá trình thống nhất miền Bắc và miền Nam, và không tìm cách tìm lý do để vượt qua “vĩ tuyến 38” nhằm thể hiện thiện chí đối với Triều Tiên. Mỹ và Triều Tiên cũng đã cố gắng tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa hai bên ngay từ định nghĩa cơ bản nhất về “phi hạt nhân hóa”. Bolton, khi đó là Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ủng hộ “mô hình Libya”, yêu cầu Bình Nhưỡng tháo dỡ đầu đạn hạt nhân, vật liệu hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đồng thời đưa chúng ra khỏi Triều Tiên; Mặt khác, Triều Tiên sẽ chỉ dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon và từ bỏ một phần khả năng hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt. Mục tiêu của hai bên cách xa nhau, và các cuộc đàm phán đã kết thúc trong thất bại.
Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội thất bại, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tưởng chừng lại rơi vào bế tắc. Sự gặp mặt giữa Tổng thống Trump, Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim ở khu phi quân sự vào tháng 6/2020 đã thắp lên những hi vọng mới. Tổng thống Donald Trump đã trở thành vị Tổng thống tại vị đầu tiên của Mỹ đặt chân đến Triều Tiên và có cuộc hội đàm ngắn với lãnh đạo của nước này. Chủ tịch Kim cho biết: “Tổng thống Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm đất nước chúng tôi. Đây là biểu hiện cho thấy sự sẵn sàng bỏ qua những xung đột trong quá khứ và mở ra một tương lai mới.”[3]
Tuy nhiên, kể từ đó, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên lại rơi vào bế tắc cho đến khi Trump kết thúc nhiệm kỳ và Biden nhậm chức Tổng thống với một chiến lược mới.
Chiến lược mới của chính quyền Joe Biden
Sau khi đánh bại Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Biden đã từ bỏ cách tiếp cận của người tiền nhiệm và tuyên bố sẽ có một chính sách hiệu quả đối với Triều Tiên. Các quan chức của chính quyền Biden đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết, nhưng Bình Nhưỡng không đưa ra phản hồi nào ngoài sự im lặng. Chính sách của Tổng thống Biden được xem như “Kiên nhẫn chiến lược II” khi không có sự đột phá nào trong mối quan hệ với Triều Tiên.
Hai nước cùng tồn tại trong một sự bế tắc đối kháng và đầy nguy cơ. Trong khi chính quyền ông Kim tập trung vào tăng cường răn đe thông qua vũ khí hạt nhân, chính quyền Biden tiếp tục duy trì cưỡng chế áp lực dựa trên sự cô lập về ngoại giao, tập trận răn đe và trừng phạt kinh tế để ngăn chặn những hành vi thách thức của Triều Tiên. Kết quả là hai bên đã không nói chuyện trong hơn 4 năm và đẩy rủi ro về mặt quân sự đến mức nguy hiểm. Triều Tiên đã phát triển và thử nghiệm một loạt hệ thống vũ khí hạt nhân mới, bao gồm tên lửa siêu thanh, tên lửa tầm xa sử dụng nhiên liệu rắn, nhấn mạnh việc triển khai vũ khí hạt nhân trong học thuyết hạt nhân của mình. Liên minh Mỹ – Hàn cũng đẩy nhanh việc triển khai tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân, máy bay ném bom B-52 và các tài sản chiến lược khác của Mỹ đến bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Joe Biden sau đó đã xích lại gần hơn với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đảm bảo họ phối hợp và liên kết hơn về vấn đề Triều Tiên cũng như Trung Quốc và các mối quan tâm rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ cũng tăng cường tập trận và triển khai thêm khí tài quân sự, bao gồm tàu ngầm trang bị hạt nhân và tàu sân bay cỡ lớn gần bán đảo Triều Tiên.
Mới đây, bán đảo Triều Tiên tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng khi Triều Tiên liên tục bắn thử các tên lửa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên kể cả khi Bình Nhưỡng chưa chấp nhận lời đề nghị các giải pháp ngoại giao của chính quyền Biden[4].
Đánh giá các chính sách của Mỹ đối với Bán đảo Triều Tiên
Mỗi đời tổng thống Mỹ sẽ có một cách tiếp cận khác nhau đối với bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên, vẫn có một sự liên tục nhất định trong chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng. Một số thực tiễn của Mỹ không thay đổi bao gồm: (1) không từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên và không công nhận Triều Tiên là nước sở hữu hạt nhân; (2) duy trì sự hiện diện quân sự và phối hợp chính sách an ninh với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản; (3) đều thúc đẩy các nước trên toàn cầu cắt giảm và/hoặc hủy bỏ mối quan hệ của họ với Triều Tiên.
Chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Obama thực tế đã không vạch ra giới hạn về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và đã bị chỉ trích vì ngầm chấp nhận quy chế hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Bởi thực tế, những áp lực mà Mỹ tạo ra cho Triều Tiên không đủ để nước này tạm dừng hay từ bỏ hạt nhân. Ngược lại, chính sách này tạo không gian và thời gian cho Triều Tiên để nâng cấp khả năng hạt nhân và tên lửa của mình. Theo bà Cristina Varriale, một nhà nghiên cứu về chính sách phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, London, “kiên nhẫn chiến lược” là thụ động và thực sự không hiệu quả[5]. Chuyên gia an ninh Đông Á Dan Blumenthal nhận xét rằng chiến lược phi hạt nhân hóa Triều Tiên của Obama đã dựa trên hai giả định sai lầm cơ bản. Thứ nhất, Mỹ khẳng định “tất cả các bên tham gia đàm phán đều coi phi hạt nhân hóa Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của họ”. Thứ hai, Mỹ đã sai lầm khi cho rằng “Triều Tiên có thể được thuyết phục từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.” Ngoài hai giả định thiếu sót này, điều quan trọng cần lưu ý là “kiên nhẫn chiến lược” phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc như một tác nhân chính, cả về mặt hỗ trợ các hành động của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và bằng cách hỗ trợ các biện pháp trừng phạt quốc tế, tất cả đã khiến “kiên nhẫn chiến lược” của Obama trở nên gần như vô hình đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao về các vấn đề Quốc hội và Thương mại tại Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ cho rằng Tổng thống Obama đã làm tốt trong nhiệm kỳ của mình khi duy trì và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với đồng minh Hàn Quốc, đồng thời tránh được các sai lầm đối với Triều Tiên[6].
Chính sách Triều Tiên của Trump khác xa với chính sách của người tiền nhiệm, là một cái gì đó giống như một tàu lượn siêu tốc[7]. Bắt đầu từ những lời đe dọa chiến tranh với Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump đã tích cực theo đuổi đàm phán song phương với Triều Tiên thay vì đa phương như người tiền nhiệm. Những tín hiệu tích cực ở Singapore đã mở ra những cơ hội cho một thỏa thuận hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, sự khác biệt còn quá lớn, đàm phán đã đổ vỡ ở Hà Nội. Mặc dù vậy, những cuộc gặp này là một bước tiến lớn, dù chưa thành công nhưng nó có ý nghĩa hơn sự chờ đợi thụ động, nó đã mang lại những sự tiếp xúc để hiểu nhau và là tiền đề cho những lần thỏa thuận sau.
Cũng giống như Obama, cách tiếp cận của Tổng thống Biden đến bán đảo Triều Tiên không mang lại nhiều hiệu quả. Jenny Town, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, nói với Washington Post rằng việc chính quyền Biden không bổ nhiệm một quan chức cấp cao phụ trách Triều Tiên thực sự làm giảm khả năng đàm phán và đạt được tiến bộ với Triều Tiên. Theo ông Go Myong-hyun, thuộc Trung tâm Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia, chính sách mơ hồ của ông Biden phản ánh thực tế rằng Triều Tiên không còn là ưu tiên chính sách hàng đầu của Mỹ trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng, chính sách này của ông Biden không phải một mục tiêu giữa hai nước về Triều Tiên mà còn gắn với Nhật Bản[8]. Dù chính quyền Biden luôn nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết, chính sách của Biden giống như đang chờ đợi ông Kim Jong-un nhượng bộ và thiếu đi thành ý rõ ràng về một tương lai ổn định giữa các quốc gia liên quan.
Ngoài ra, Mỹ và đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có sự khác biệt trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên và có những toan tính chính trị riêng. Tham mưu trưởng quân đội ba nước đã gặp nhau tại Hawaii vào ngày 30/4/2022, trong khi Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng huy động tất cả các lực lượng quân sự để giúp Hàn Quốc và Nhật Bản mở rộng sự răn đe, đồng thời phía Nhật Bản tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc đối với CHDCND Triều Tiên, thì phía Hàn Quốc cho rằng ba nước nên hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Còn tiếp
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Stephen J. Adler, Steve Holland and Jeff Mason, Exclusive: Trump says ‘major, major’ conflict with North Korea possible, but seeks diplomacy, Reuters, https://www.reuters.com/article/us-usa-trump-exclusive-idUSKBN17U04E/
[2] 2017 Report to Congress on Military and Security Developments Involving the Democratic People’s Republic of Korea, December 15, 2017
[3] Minh Hạnh (2019), “Toàn cảnh cuộc gặp chớp nhoáng của lãnh đạo Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm”, Báo Tiền phong, https://tienphong.vn/toan-canh-cuoc-gap-chop-nhoang-cua-lanh-dao-my-trieu-tai-ban-mon-diem-post1121291.tpo
[4] TTXVN/Vietnam+, “Mỹ khẳng định tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao với Triều Tiên”, https://www.vietnamplus.vn/my-khang-dinh-tiep-tuc-theo-duoi-chinh-sach-ngoai-giao-voi-trieu-tien-post915056.vnp
[5] Alexander Smith, Biden differs from Trump on North Korea, but Kim’s nukes are most likely here to stay, NBC News, https://www.nbcnews.com/news/us-news/biden-differs-trump-north-korea-kim-s-nukes-are-most-n1247260
[6] Troy Stangarone, U.S.-Korea Relations: The Obama Years, KEI, https://keia.org/the-peninsula/u-s-korea-relations-the-obama-years/
[7] Alexander Smith, Biden differs from Trump on North Korea, but Kim’s nukes are most likely here to stay, NBC News, https://www.nbcnews.com/news/us-news/biden-differs-trump-north-korea-kim-s-nukes-are-most-n1247260
[8] Go Myong-Hyun, Biden’s North Korea Policy : Alliance Transformation before Denuclearization, The ASAN Institute for Policy Studies, https://en.asaninst.org/contents/bidens-north-korea-policy-alliance-transformation-before/