Các hành động và tham vọng thay đổi thực tế của Nga đối với các cấu trúc quốc tế không chỉ liên quan đến sự sống còn của lục địa châu Âu. Điều này có thể còn tác động rất lớn đối với các nước “phi phương Tây” có sức mạnh quân sự yếu kém.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Moscow đã làm rung chuyển hệ thống an ninh quốc tế với “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, cùng với đó là việc mở rộng lãnh thổ thông qua việc sáp nhập các vùng đất, chính sách răn đe hạt nhân và quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Sau hơn mười năm nổ ra khủng hoảng ở Ukraine, kết quả từ chiến dịch của người Nga ở “quốc gia anh em” được cho là vẫn không thực sự thuận lợi đối với Điện Kremlin. Một mặt, hình ảnh được cho là một siêu cường quân sự của nước này đã bị ảnh hưởng. Chiến dịch quân sự năm 2022 đã và đang tạo ra một vấn đề mới đối với giới lãnh đạo quân đội và ngành công nghiệp vũ khí Nga. Chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine đã dẫn đến việc Nga phải quyết định từ bỏ các đối tác, thị trường và các nhà đầu tư phương Tây. Nhiều trở ngại liên quan có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với khu vực và mọi mặt.
Thành tựu của Moscow
Mặt khác, một số kết quả thường bị bỏ qua hoặc ít được chú ý đến hay bị đánh giá thấp trong chính sách liên quan tới Ukraine của Nga đã làm xói mòn trật tự quốc tế và làm suy yếu phương Tây. Chiến dịch quân sự đặc biệt được (Nga) phát động vào tháng 2 năm 2022 đã một phần dẫn đến sự thống nhất của các quốc gia phương Tây: NATO và EU đã xích lại gần nhau hơn; Các nước phương Tây đã cung cấp thiết bị quân sự và những sự hỗ trợ khác cho Ukraine; Phần Lan và Thụy Điển đã gia nhập NATO; đồng thời, EU đã chuẩn bị để bắt đầu đàm phán về vai trò thành viên với Ukraine, Moldova và đã trao tư cách ứng cử viên cho Georgia.
Bất chấp những tác động tích cực ngẫu nhiên của cuộc đối đầu, thiệt hại chính trị toàn cầu do cuộc xung đột gây ra đã rất lớn và sẽ tiếp tục lớn hơn. Mặc dù đây không phải là mục tiêu chính của Điện Kremlin, nhưng cần giả định rằng những tác động thứ yếu này đối với sự ổn định quốc tế cũng có lợi cho Moscow. Các chủ thể có xu hướng xa lánh với các giá trị phương Tây trên khắp thế giới đang được hưởng lợi từ việc Nga đi ngược lại các nền tảng của mô hình trật tự quốc tế cũ. Sự ảnh hưởng của Nga đến hệ thống an ninh thế giới, theo nhiều cách đang làm suy yếu phương Tây và vai trò của các tổ chức quốc tế, từ đó ít nhiều củng cố tham vọng và tính toán của Điện Kremlin, của chính Moscow, của các đồng minh chống phương Tây và của các lực lượng có mong muốn phục thù khác trên khắp thế giới.
Bên cạnh chiến trường khốc liệt ở Ukraine, sự trỗi dậy của Nga là điều đáng lo ngại nhất đối với vị thế toàn cầu của phương Tây kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Đúng là Trật tự Yalta thời hậu chiến với phạm vi ảnh hưởng và những hạn chế về chủ quyền chưa bao giờ thực sự công bằng hay tự do. Kể từ năm 1945, đã xảy ra một số cuộc chiến tranh bi thảm không kém ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Tính hợp pháp của các hoạt động can thiệp vũ trang khác nhau của các quốc gia phương Tây và “phi phương Tây” theo luật pháp quốc tế cũng đang bị đặt dấu chấm hỏi.
Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể các đặc điểm cụ thể của nó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đặc biệt là từ năm 2022 có một tính chất mới. Đây không chỉ là nỗ lực của Moscow nhằm xóa bỏ Trật tự An ninh ở Châu Âu được thiết lập theo Hiến chương Paris năm 1990. Chiến dịch do Putin phát động vượt xa các quy tắc và thông lệ của thời kỳ trước Chiến tranh Lạnh – tức trước năm 1990. Sự kết hợp của các hành vi đi ngược với các quy tắc thường thấy của trật tự quốc tế cũ đã khiến chiến dịch của Nga ở Ukraine khác với các cuộc tấn công quân sự khác sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Năm hành động gây xói mòn trật tự thế giới cũ của Nga
Thứ nhất, vào năm 2014, phương Tây cho rằng Nga đã có những hành động quân sự tại một quốc gia hòa bình (ám chỉ Ukraine) và quốc gia đó không có hành động khiêu khích nào với Nga. Trong khi đó, giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine, phương Tây hoặc cả hai đã khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công. Tuy nhiên, sự thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại của Ukraine sau Cách mạng Euromaidan năm 2014 ít kịch tính hơn nhiều so với những gì Moscow và những người biện hộ cho nước này ở nước ngoài miêu tả. Phương Tây cho rằng, chính sách của Ukraine đối với người dân tộc thiểu số Nga không đến mức cực đoan như Nga và các thực thể miền Đông tuyên bố. Chính sách này chỉ trở nên ngặt nghèo hơn để phản ứng với tình hình xung đột tại Ukraine, nhất là từ năm 2022. Chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở Ukraine đã luôn và vẫn sẽ yếu thế so với ở châu Âu. Thỏa thuận Hiệp hội năm 2014 của Liên minh Châu Âu và khu vực thương mại tự do với Ukraine không phải là thách thức đối với hiệp định thương mại tự do hiện vẫn đang có hiệu lực của Nga với Ukraine.
Khả năng Ukraine gia nhập NATO đã có từ năm 2014 và đến nay vẫn còn là một viễn cảnh xa vời. Học giả phương Tây viện dẫn rằng, lẽ ra Nga phải có phản ứng từ các lần mở rộng NATO vào năm 1999 và 2004 thay vì đến khủng hoảng ở Ukraine mới có những động thái cứng rắn. Thậm chí, lẽ ra Nga nên tấn công Phần Lan để đáp trả việc nước này xin gia nhập NATO sau khi ý định gia nhập của Helsinki được công khai vào đầu năm 2022. Rõ ràng NATO sẽ đáp ứng yêu cầu của Phần Lan sớm hơn nhiều so với đơn xin gia nhập của Ukraine cùng năm. Mặc dù biên giới Nga – Phần Lan không dài bằng biên giới Nga – Ukraina nhưng nó rất đáng chú ý. Khi Phần Lan gia nhập NATO vào năm 2023, tổng chiều dài biên giới NATO – Nga đã tăng gần gấp đôi.
Ngoài ra, việc Phần Lan gia nhập hiện đã đặt St. Petersburg, quê hương của Putin và nhiều chính trị gia hàng đầu khác của Nga vào một vị trí chiến lược bấp bênh. Thủ đô thứ hai của Nga hiện nằm rất gần NATO ở cả phía tây (Estonia) và phía bắc (Phần Lan). Tình hình địa chính trị mới này đối với St. Petersburg đã khiến việc Phần Lan gia nhập NATO trở thành một vấn đề chiến lược đáng lo ngại đối với Nga hơn là khả năng Ukraine gia nhập NATO trong một tương lai xa – học giả phương Tây nhận định.
Tuy nhiên, ngoài một số ồn ào, không có phản ứng thực chất nào của Nga đối với việc Phần Lan đăng ký và gia nhập NATO. Trên thực tế, trong hai năm qua Nga đã rút quân khỏi các Quân khu phía Tây và phía Bắc trên hoặc gần biên giới Nga – Phần Lan. Bất chấp việc Phần Lan, đối lập với Ukraine đã thực sự nối lại quan hệ và cuối cùng là gia nhập NATO. Phản ứng của Điện Kremlin cho đến nay chủ yếu vẫn nằm ở trên các tuyên bố ngoại giao, chưa được hiện thực bằng các hành động cụ thể.
Thứ hai, các động thái quân sự của Nga vào năm 2014 và chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022 ở Ukraine không chỉ nhằm mục đích kiểm soát tạm thời các vùng lãnh thổ hoặc đưa Ukraine vào vùng ảnh hưởng. Những điều này đã dẫn đến việc “sáp nhập vĩnh viễn và hoàn toàn” theo quan điểm của Nga. Đầu tiên là Crimea và sau đó là bốn vùng trên đất liền phía đông nam Ukraine. Một chiến dịch nhằm mở rộng lãnh thổ quốc gia như vậy gây thiệt hại cho một quốc gia láng giềng được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, có thể nói đây là một động thái hiếm hoi kể từ năm 1945.
Thứ ba, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine năm 2022 là một cuộc xung đột không chỉ để mở rộng lãnh thổ (theo quan điểm phương Tây) hoặc đưa các vùng đất trở về quê hương vốn có của họ (theo quan điểm từ phía Nga) mà còn nhằm mục đích tiêu diệt nhà nước Ukraine. Nó nhằm mục đích xóa bỏ một Ukraine đang vận hành theo quỹ đạo của phương Tây.
Thứ tư, Nga đã tận dụng tối đa chiếc ghế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà nước này kế thừa từ Liên Xô năm 1991 để phục vụ cho các tính toán về mặt ngoại giao cho một chiến dịch lớn nhằm bảo đảm và mở rộng lãnh thổ. Cách tiếp cận của Nga, kể từ năm 2014, đã đảo ngược chức năng ban đầu của Liên hợp quốc vốn được thành lập để bảo vệ luật pháp quốc tế và đặc biệt là bảo vệ biên giới, sự toàn vẹn và chủ quyền của các quốc gia thành viên. Mặc dù vậy, Nga cho rằng họ đang làm đúng những gì một số nước phương Tây (những nước có quyền phủ quyết) đã làm, và Nga không phải là bên tạo ra tiền lệ.
Ngoài ra, học giả phương Tây đưa ra thêm một vấn đề phụ gây tò mò là Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và là một trong những nước thành lập Liên hợp quốc vào năm 1945 nhưng quốc gia kế thừa Liên Xô lại là Liên bang Nga. Ngày nay, lãnh thổ Nga đã chính thức bao gồm 5 khu vực trước đó thuộc về Ukraine. Có thể không có gì ngạc nhiên khi Nga ném bom Kyiv vào cuối tháng 4 năm 2022 khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang có mặt tại thành phố. Guterres phải ẩn náu trong một hầm tránh bom ở Kyiv khỏi tên lửa do một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “gửi đến” gần nơi ông đang ẩn náu.
Những tác động lớn nhất từ các hành động cũng như tuyên bố của Moscow đối với hệ thống an ninh thế giới có liên quan đến yếu tố thứ năm, là khía cạnh hạt nhân trong cuộc xung đột tại Ukraine. Ukraine, phương Tây và các đồng minh khác đang tính toán hành động và tín hiệu của mình trước những lời răn đe của Moscow về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và việc Kiev không có khả năng đáp lại.
Có lẽ thứ tai tiếng nhất trong thời gian gần đây là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), được ký năm 1968, rõ ràng cho phép Nga sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng tuyệt đối cấm Ukraine mua hoặc chế tạo chúng. Giống như những tác động nghịch lý của việc Nga giữ ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Moscow đã đảo lộn ý nghĩa của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Được coi là một công cụ để gìn giữ hòa bình, việc thực hiện nhất quán Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày nay, trong bối cảnh Nga gia tăng sức ép đối với Ukraine, đã tạo điều kiện cho một cuộc xung đột mở rộng.
Giống như trường hợp Cộng hòa Xô viết Ukraine trở thành thành viên Liên hợp quốc từ năm 1945, có một khúc mắc mang tính lịch sử liên quan đến chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sau khi giành được độc lập vào năm 1991, Ukraine đã nhanh chóng sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba sau Nga và Mỹ. Vào thời điểm đó, Ukraine còn sở hữu nhiều đầu đạn nguyên tử hơn ba quốc gia có vũ khí hạt nhân chính thức còn lại là Anh, Pháp và Trung Quốc cộng lại.
Tuy nhiên, vào giữa những năm 1990, Kyiv đã đồng ý dỡ bỏ các tên lửa xuyên lục địa không còn sử dụng được để đổi lấy Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 khét tiếng hiện nay. Ukraine cũng được thuyết phục thanh lý hoặc bàn giao cho Nga tất cả các kho dự trữ nguyên tử, vật liệu phóng xạ, công nghệ hạt nhân cũng như các phương tiện vận chuyển có thể sử dụng được cho mục đích quân sự.
Kẻ đào mộ của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh
Các động thái quân sự của Nga kể từ năm 2014 và tình hình leo thang của chúng vào năm 2022 đã làm rung chuyển không chỉ trật tự thế giới tự do mà còn cả Trật tự An ninh Châu Âu cũng như hệ thống pháp luật quốc tế nói chung. Cuộc tấn công của Nga không chỉ nhằm vào nền dân chủ của Ukraine mà còn khiến Liên Hợp Quốc bộc lộ nhiều hạn chế.
Đúng là các lệnh trừng phạt khổng lồ mà phương Tây áp đặt lên Moscow kể từ năm 2022 đã có những tác động nhất định đối với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa thể kiềm chế được Nga chứ đừng nói đến việc kết thúc chiến tranh. Số lượng vũ khí được cung cấp cho Ukraine từ phương Tây là không hề nhỏ nhưng vẫn miễn cưỡng, hạn chế và chậm chạp và sẽ tiếp tục như vậy. Những sự trợ giúp này vẫn còn hạn chế về phạm vi và quy mô, đồng thời việc chuyển giao vũ khí vẫn chưa bao gồm các loại vũ khí quan trọng.
Chiến dịch của Nga cũng thường gián tiếp và đôi khi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh của châu Âu và các quốc gia khác. Ví dụ, tên lửa của Nga hoạt động trong khu vực lân cận các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, nhắm vào khu đại sứ quán ở Kiev hoặc phá hủy các kho chứa ngũ cốc của Ukraine. Mặc dù vậy, các quốc gia châu Âu có sức mạnh quân sự hùng mạnh mà lợi ích của họ bị đe dọa hoặc suy giảm rõ ràng bởi cuộc xung đột này đã không có được một phản ứng thực chất từ các quốc gia phương Tây. Thay vào đó, các quốc gia châu Âu giao việc bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ Ukraine cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những mong muốn tham gia của quốc tế vào việc viện trợ phi quân sự cho Ukraine vẫn còn tương đối mờ nhạt. Ngày nay, có những cuộc tranh luận gay gắt ở phương Tây về việc chuyển các quỹ bị đóng băng của Moscow sang Kyiv như một cách trừng phạt Nga vì vi phạm nhân quyền hàng loạt tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng và về việc hồi hương hàng nghìn trẻ em Ukraine không có người đi kèm bị trục xuất từ Nga về quê hương… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhiều hành động thực tế phù hợp được thực hiện để hiện thực hóa những ý định này và những ý định tương tự.
Kết luận
Khoảng cách ngày càng lớn giữa lời hùng biện công khai và thực tiễn chính trị của phương Tây tạo nên sự hiểm nhầm rằng trật tự quốc tế tự do chỉ là một ảo ảnh. Phương Tây luôn cho rằng Nga đang đi vào ngõ cụt và sẽ là bên thua cuộc cuối cùng, ngay cả khi giành chiến thắng trên chiến trường. Đồng thời, Điện Kremlin đã tìm cách phá hủy một phần trật tự thế giới dựa trên Liên Hợp Quốc hình thành sau năm 1945 và Trật tự An ninh Châu Âu hình thành từ Tuyên bố Helsinki năm 1975.
Để giảm bớt tình trạng này, lời nói và hành động của các chính phủ phương Tây và “phi phương Tây” cũng như các tổ chức quốc tế phải phù hợp. Điều này liên quan đến các chủ thể châu Âu trước hết nhưng cũng là một vấn đề vượt ra ngoài châu Âu. Sự hỗ trợ của Tây Âu và Bắc Mỹ dành cho Ukraine chủ yếu được thúc đẩy bởi những mối quan tâm mang tính quy chuẩn và cảm xúc, thường dựa trên cảm giác cộng đồng, đoàn kết và đồng cảm. Mặc dù đáng khen ngợi nhưng những động cơ như vậy phải được bổ sung bằng việc xem xét rõ ràng và hợp lý hơn về những tổn thất quốc gia và xuyên quốc gia khi Nga tiếp tục làm xói mòn trật tự thế giới, luật pháp quốc tế và an ninh toàn cầu.
Bên ngoài khu vực phương Tây là nơi các giá trị, cảm xúc và chuẩn mực đã đóng vai trò ít hơn trong việc đánh giá hoàn cảnh khó khăn của Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Nhiều chính trị gia và nhà bình luận coi cuộc xung đột Nga – Ukraine là cuộc tranh chấp giữa các nhóm người da trắng khác nhau hay như một cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây. Hầu hết các nhà bình luận đều coi đây là một sự kiện phần lớn không liên quan đến lợi ích của các quốc gia ngoài châu Âu. Thậm chí, một số chính trị gia, nhà ngoại giao, chuyên gia còn coi đây là sự đối đầu sẽ được các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh lợi dụng để trục lợi. Một số người còn cho là cuộc xung đột đế quốc, các hành động của Nga là những hành động phản kháng chống chủ nghĩa đế quốc, chống lại một phương Tây được cho là đang bành trướng. Đây cũng là một cách hiểu gây nhầm lẫn và cũng phổ biến trong giới cánh tả và cánh hữu phương Tây.
Sự lan rộng của những đánh giá như vậy trên khắp thế giới ngoài phương Tây là một điều nghịch lý. Đây là một nỗ lực mong muốn “thay đổi thực tế” của Nga đối với luật pháp, trật tự và các cấu trúc quốc tế không chỉ liên quan đến lục địa châu Âu. Nó có thể nguy hiểm hơn đối với các quốc gia yếu kém về mặt quân sự ngoài phương Tây so với các quốc gia thành viên NATO được bảo vệ tốt về mặt an ninh hoặc các đồng minh thân thiết ngoài NATO của Hoa Kỳ, như Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Đôi khi người ta quên rằng Ukraine, xét theo thuật ngữ so sánh rộng rãi là một quốc gia tham gia tích cực vào các hiệp ước và tổ chức khu vực và toàn cầu. Để minh họa cho sự gắn kết quốc tế của Ukraine tính đến tháng 5 năm 2024, nước này là nước được hưởng lợi từ Bản ghi nhớ Budapest đặc biệt gắn liền với Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân từ năm 1994, là thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu kể từ khi thành lập năm 1995, là một bên tham gia vào Thỏa thuận liên kết chi tiết với EU từ năm 2014, đồng thời là người đồng chủ trì Hội đồng đặc biệt NATO – Ukraine được thành lập vào năm 2022. Nhiều quốc gia trên thế giới bị suy giảm chủ quyền trong các cấu trúc quốc tế hoặc có ít các đối tác và đồng minh hơn. Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia nằm ngoài châu Âu này phụ thuộc vào mong muốn sắp đặt hoạt động của các quy tắc, tổ chức và thỏa thuận đa phương của Nga thậm chí còn hơn cả Ukraine.
Vì lợi ích riêng của mình, các nước phương Tây và ngoài phương Tây nên hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể trong nỗ lực khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Họ nên hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực hạn chế và đảo ngược các khía cạnh khốc liệt trong những chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine kể từ năm 2014 để buộc Nga phải chịu trách nhiệm và xem xét các cách cải tổ Liên hợp quốc và hệ thống thế giới rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hiệp định và tổ chức quốc tế trong tương lai. Họ nên xem xét củng cố các diễn đàn thảo luận cũ hoặc thiết lập các diễn đàn thảo luận mới (ngoại giao, chính trị hoặc học thuật), mạng lưới xuyên quốc gia (chính phủ, phi chính phủ hoặc hỗn hợp) và các tổ chức quốc tế (khu vực, xuyên khu vực hoặc toàn cầu).
Các chính phủ phương Tây và ngoài phương Tây, các tổ chức nghiên cứu, cơ quan truyền thông và các tổ chức phi chính phủ nên hợp tác trong việc trao đổi và truyền bá thông tin chính xác cũng như làm rõ chính trị tới công chúng rộng rãi hơn về chiến dịch quân sự của Nga và các tác động quốc tế khác nhau của nó. Việc thực hiện hành động cấp quốc gia và đa quốc gia để hỗ trợ Ukraine một cách kiên quyết hơn sẽ đòi hỏi công việc bình luận tốt hơn từ các văn phòng báo chí phương Tây và “phi phương Tây”, các viện nghiên cứu, công ty PR, tổ chức giáo dục và các cơ quan công quyền khác. Họ phải làm rõ cho khán giả của mình toàn bộ các rủi ro và tác động đối với sự ổn định quốc tế bắt nguồn từ những hành động của Nga./.
Lược dịch: Duy Hưng
Tiến sĩ Andreas Umland là nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Stockholm (SCEEUS) tại Viện Quan hệ Quốc tế (UI) Thụy Điển. Bài viết dựa trên báo cáo của SCEEUS tháng 2 năm 2024. Xem tại sceeus.se/en/publications/.
Bài viết thể hiện quan điểm phổ biến của một học giả phương Tây, đứng trên lập trường của phương tây, hoàn toàn không phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]