Singapore là quốc gia có nền kinh tế – tài chính sôi động nhất khu vực Đông Nam Á, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho quốc gia này khi nguồn vốn từ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) luôn chọn Singapore là nơi để đầu tư và quản lý. Vừa qua, tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa, Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3, tồng kết 10 năm thực hiện sáng kiến BRI. Ông đã nêu nhiều dấu mốc quan trọng trong 10 năm thực hiện, đồng thời tiếp tục kêu gọi các nước tham gia vào “Cộng đồng chung vận mệnh”. Vậy dấu ấn của Singapore trong 10 năm qua là gì? Và trong thời gian tới quan hệ hai nước trong khuôn khổ BRI có tiếp tục được phát triển hay không?
Vai trò của Singapore đối với BRI
Singapore – tuyến đường kết nối BRI trên biển [1]
Singapore là quốc gia nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á khi chỉ có diện tích khoảng hơn 700km2, nhưng lại có đường bờ biển dài tới 190km. Đây là điều kiện tự nhiên giúp cho Singapore phát triển và trở thành quốc gia dẫn đầu về vận tải biển trong nhiều năm liên tiếp. Singapore cũng là quốc nằm ở vị trí gần với eo biển Malacca kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Eo biển này đóng vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong việc giao thương liên châu lục và được mệnh danh là “huyết mạch” của vận tải biển.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, trở thành một trung tâm kinh tế – tài chính lớn của thế giới, dẫn đến nhu cầu vận tải biển tăng mạnh mẽ. Và để Trung Quốc đến được phía tây, tiếp cận với các quốc gia xuất khẩu năng lượng ở vùng vịnh Ba Tư, hàng hóa của Trung Quốc buộc phải đi qua biển Đông, sau đó đi vào vùng biển Philippines và xuyên qua eo biển Malacca – nơi gần với Singapore. Vì vậy, lợi thế về mặt địa lý này của Singapore ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xây dựng “Giấc mơ Trung Hoa” của Trung Quốc với nòng cốt là sáng kiến “ Vành đai và Con đường”.
Singapore – trung tâm tài chính của BRI
Trong cuốn hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu – cố Thủ tướng Singapore có viết “Trung tâm tài chính của chúng tôi đặt nền tảng trên luật lệ, với bộ máy tư pháp độc lập cùng một chính quyền ổn định, có năng lực và trong sạch, một chính quyền theo đuổi những chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, ngân sách hầu như bội thu hằng năm. Điều này đưa đến kết quả đồng Dollar Singapore mạnh và ổn định, cùng tỷ giá hối đoái hợp lý đã ngăn chặn lạm phát từ ngoài lan vào”, điều này được chính phủ Singapore chứng minh qua nhiều năm qua khi nguồn vốn đầu tư vào khu vực này liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây[2].
Các cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn vốn cũng được nhà nước cải thiện, các cơ quan và công ty của Singapore cũng cùng chung “chí hướng” đưa quốc gia này như một trung tâm tài chính. Vào tháng 01/2017, cơ quan tiền tệ Singapore đã triển khai chương trình tài trợ trái phiếu châu Á nhằm thu hút các tổ chức phát hành trái phiếu châu Á lần đầu, bù đắp tới 50% chi phí phát hành một lần như pháp lý quốc tế. Một thống kê thường thấy giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Singapore lần lượt là 33-85 với 33% đầu tư ra nước ngoài BRI và 85% đầu tư vào Trung Quốc sử dụng Singapore làm liên kết[3].
Sự ổn định chính trị cũng là một phần thu hút của quốc gia này trong vai trò trở thành trung tâm tài chính của BRI. Không những minh bạch về các khoản đầu tư mà ở Singapore không nổi lên nhiều vẫn nạn “tham nhũng” như một số quốc gia trong và ngoài khu vực, bên cạnh đó Singapore cũng là quốc gia đầu tiên ủng hộ sáng kiến BRI của Trung Quốc . Vì vậy, Singapore là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh.
Singapore là nơi kết nối BRI với các nước trên thế giới
Chính sách hướng tới trực tiếp nguồn đầu tư nước ngoài của Singapore đã biến khu vực này thành nơi đầu tư tiềm năng của các công ty quốc tế. Ngày càng nhiều các nguồn vốn lớn trên khắp thế giới chọn Singapore là điểm đến cho dòng tiền của mình, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cả Trung Quốc và Singapore. Với một quốc gia là điểm đến tài chính của thế giới, Trung Quốc hoàn toàn có thể dựa vào đó để phát triển sáng kiến BRI của mình ra toàn cầu.
Trong thỏa thuận tăng cường hợp tác về sáng kiến Vành đai và Con đường, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Doanh nghiệp Singapore cùng với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ký kết bản ghi nhớ về cung cấp các dịch vụ cũng như hoạt động kết nối kinh doanh cho các công ty địa phương và Trung Quốc. Bên cạnh đó, những hoạt động đầu tư của Singapore cũng có nguồn vốn xuất phát từ BRI của Trung Quốc. [4]
Singapore đang có những động thái, nỗ lực trong vai trò là trung tâm tài chính của châu Á, đồng thời cũng hướng tới như một cầu nối quan trọng trong việc liên kết BRI với các nước thứ 3, hướng tới làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương.
Thực tiễn hợp tác Trung Quốc – Singapore trong khuôn khổ BRI 10 năm qua.
Hợp tác kết nối hạ tầng [5].
Trung Quốc hiện nay đang là nền kinh tế lớn của thế giới, điều đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Giới quan sát cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá sự phát triển đáng kể của sáng kiến Vành đai và Con đường, Hành lang Thương mại Đất liền – Biển Quốc tế mới sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Singapore trong thời gian tới.
Năm 2017, Trung Quốc và Singapore đã ký một bản ghi nhớ về việc cùng thức đẩy xây dựng BRI. Kể từ năm 2013, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Singapore trong 10 năm liên tiếp.
Các cụm công nghiệp Tô Châu và Thành phố sinh thái Thiên Tân được là cầu nối kinh tế của hai bên, khi các cụm công nghiệp này mang lại giá trị sản xuất hàng hóa không nhỏ trong thời gian qua. Ngoài ra, việc nâng cấp hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Singapore đã củng cố cho Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Vào năm 2018, Chính phủ Trung Quốc – Singapore đã chính thức ký kết biên bản thỏa thuận về phát triển Hành lang thương mại đất liền – biển, kết nối các khu vực cảng chính của khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian dịch bệnh, số lượng hoạt động của Hành lang này tăng bất chấp những khó khăn của Covid -19.
Với vị trí địa lý ưu việt, cùng với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, 10 năm qua các doanh nghiệp Trung Quốc luôn chọn Singapore là nơi khởi nghiệp cho mình. Các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Bank of China đã nhanh chóng có được thị trường ở khu vực này thông qua việc mua lại những tập đoàn quốc tế tại Singapore.
Hợp tác cải thiện cơ chế pháp lý cho BRI
10 năm qua, hai bên không ngừng thúc đẩy hợp tác song phương, hướng đến sự minh bạch, linh hoạt, trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh thuộc khuôn khổ BRI, Hội nghị bàn tròn pháp lý và Tư pháp Trung Quốc – Singapore lần tiên được tổ chức vào ngày 21/8/2017, nhằm thiết lập một nền tảng hợp tác và trao đổi tư pháp được thể chế hóa, có chủ đề “Tư pháp trong thế kỷ mới”. Trong 6 năm qua hai bên không ngừng cải thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì đối thoại qua hình thức trực tuyến cho thấy sự tầm quan trọng của cơ chế hợp tác này. Gần đây nhất, tại Hội nghị bàn tròn lần thứ 6, ông Chu Cường, Chánh án nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho biết, “Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Tòa án Tối cao Singapore để thực hiện sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được, tăng cường trao đổi và học hỏi lẫn nhau, cùng nắm bắt các cơ hội mới và cung cấp các dịch vụ tư pháp mạnh mẽ hơn để cùng nhau xây dựng các cơ hội cao hơn. Phát triển chất lượng của “Vành đai và Con đường” và thúc đẩy xây dựng một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại. Hy vọng hai bên sẽ nêu cao tinh thần cởi mở, tiếp tục xây dựng sự đồng thuận trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, không ngừng nâng cao đà hợp tác, nỗ lực biến sự đồng thuận hợp tác thành những kết quả thiết thực hơn, cùng tạo ra chuẩn mực mới cho hợp tác chất lượng cao trong lĩnh vực tư pháp giữa hai nước”.[6]
Ngày 07/4/2022, Hội nghị giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế Trung Quốc – Singapore lần thứ 2 đã được diễn ra. Trên lĩnh vưc pháp lý hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác để cùng tổ chức hội nghị thường niên, đồng thời cũng cử ra 12 chuyên gia và học giả nổi tiếng của hai nước để nghiên cứu tính khả thi về mặt pháp lý của việc phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp mới.[7]
Gần đây, một biên bản ghi nhớ về quản lý tranh chấp thương mại quốc tế trong bối cảnh sáng kiến Vành đai và Con đường thông qua khung tố tụng – hòa giải đã được ký kết giữa Toàn án Nhân dân Tối cao của hai nước. Với bối cảnh các vấn đề tranh chấp thương mại nảy sinh trong quá trình triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường đang ngày cảng trở nên phức tạp, hai nhà nước đã chỉ đạo cơ quan pháp lý tiến hành cải cách pháp lý nhằm giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả làm tiền đề cho sự gắn bó giữa hai nhà nước.[8]
Kết nối tài chính giữa hai quốc gia
Trung Quốc là quốc gia mạnh mễ về nguồn lực tài chính nhưng lại hạn chế trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và quản trị rủi ro, trong khi đó Singapore là quốc gia rất “am hiểu” về hai lĩnh vực có phần hạn chế của quốc gia này. Vì vậy, kết nối trên lĩnh vực tài chính được hai bên đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Với chính sách mở cửa, kết nối song phương giữa Singapore và Trung Quốc đã cho phép các công ty ở Trùng Khánh có cơ hội tài chính xuyên biên giới thông qua Singapore ( các hợp đồng ký kết hỗ trợ lên có giá trị tới khoảng 6 tỷ USD trong năm 2022). Hội nghị Thượng đỉnh tài chính (CCI) lần thứ 5 đã chứng kiến 90 dự án được ký kết và tổng giá trị lên đến 111 tỷ CNY.
Vào tháng 4/2023, Cơ quan tiền tệ Singapore và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thành lập lực lượng đặc nhiệm Tài chính Xanh Trung Quốc – Singapore, đây là một bước tiến mang tính then chốt trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai bên trong khuôn khổ BRI nhằm tăng cường hợp tác song phương về tài chính xanh và chuyển đổi số.[9]
Gần đây nhất, hồi đầu tháng 5, Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Sở giao dịch Singapore (SGX) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong các sản phẩm quỹ giao dịch trao đổi (ETF) nhằm mở rộng phạm vi ETF có sẵn để niêm yết các quỹ trung chuyển giữa hai nước, thừa nhận nhu cầu ngày càng tăng đối với các quỹ ETF cổ phiếu của Trung Quốc và Singapore cũng như nhu cầu về các lựa chọn nhà đầu tư lớn hơn, đồng thời lặp lại lời kêu gọi trước đó về tăng cường kết nối thị trường vốn Trung Quốc- Singapore.[10]
Hợp tác đầu tư với bên thứ ba
Trung Quốc với chính sách BRI của mình muốn kết nối ra toàn thế giới, nhằm nâng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn bộ các nước đang phát triển trên thế giới, nhưng với hạn chế về quản trị doanh nghiệp cũng như rủi ro tài chính, Trung Quốc cần phải có sự giúp đỡ của Singapore nhằm thực hiện “Giấc mơ” của mình.
Hành động hướng đến nền kinh tế xanh được hai bên hợp tác đầu tư ở một số quốc gia đang phát triển đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Các doanh nghiệp đến từ Singapore với nguồn vốn từ Trung Quốc đã mang công nghệ cũng như nguồn lực đến một số trang trại nuôi tôm ở Việt Nam nhằm ứng dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, SJ City Global – một công ty con thuộc doanh nghiệp Singapore đã xây dựng một thành phố thông minh ở Kazakhstan bên ngoài thủ đô Almati đã biến đổi hoàn toàn cấu trúc kinh tế – xã hội ở quốc gia này
Tác động của BRI đến chính sách cân bằng Mỹ – Trung của Singapore.
Trong bối cảnh mới, khi cộng đồng quốc tế đang đặt nhiều sự quan tâm vào 2 cuộc chiến thuộc vùng ảnh hưởng của Đông Âu cũ thì vẫn còn đó những cuộc cạnh tranh thương mại tiềm ẩn giữa Mỹ – Trung. BRI là một sáng kiến mà thông qua đó Trung Quốc có thể thiết lập địa vị của mình với tư cách là một siêu cường của thế giới, lấy ý tưởng từ con đường tơ lụa cổ xưa, hiện nay BRI đã có những thành công nhất định và đây cũng được coi là kế hoạch Marshall thời đại mới. Thực chất, BRI cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chính sách ngoại của Singapore trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung và Singapore cũng không gặp quá nhiều khó khăn liên quan đến việc duy trì mối quan hệ của mình với hai siêu cường này.
Singapore với tư cách là một trong những trung tâm tài chính của Đông Nam Á, sở hữu cho mình huyết mạch của vận tải biển, họ luôn đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác và cùng phát triển. Singapore vẫn luôn duy trì trạng thái “không chọn bên”, không nghiêng về bất cứ bên nào trong chính sách ngoại giao của họ. Các nhà lãnh đạo nước này nêu rất rõ quan điểm rằng họ luôn đề cao sự hợp tác quốc tế, dựa trên luật quốc tế và vì sự phát triển chung của toàn thế giới.
Chia sẻ về quan điểm trên, Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Singapore bà Sim An cho biết “Khi đối phó với Hoa Kỳ và Trung Quốc, chính sách của Singapore được thúc đẩy bởi các nguyên tắc chứ không phải là tìm kiếm sự cân bằng”. Trong cách tiếp cận với Trung Quốc của Singapore, nhiều quan điểm cho rằng đây là một “hành động cân bằng” nhưng đó là phản ánh của sự hợp tác có chiều sâu và thực chất của hai bên qua nhiều thế kỷ. BRI là một phản ánh đầy đủ nhất, trong khuôn khổ BRI mối quan hệ giữa hai quốc gia là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, khi Singapore đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc và đồng thời cũng là nơi để BRI có cơ hội phát triển ra toàn cầu. [11]
Về chiến lược ngoại giao với Hoa kỳ, Singapore hoàn toàn không thể chỉ vì BRI mà bỏ đi một đồng minh quân sự chiến lược qua nhiều thập kỷ. Những xung đột nảy sinh giữa Singapore với Trung Quốc hoặc Mỹ là điều không thế tránh khỏi, chia sẻ về quan điểm đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết “ Việc xảy ra xung đột không có nghĩa chúng tôi là đối thủ của họ, mà đang có những vấn đề cần phải giải quyết giữa hai bên, và trong khi đó một số lĩnh vực chúng tôi vẫn phải tiếp tục hợp tác cùng nhau”. [12]
Trong bối cảnh thế giới mới, cuộc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, trong tầm nhìn chiến lược dài hạn không thể chắc chắn được liệu rằng BRI có ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ của Singapore với Mỹ và Trung Quốc hay không, nhưng trong những năm tới, rất khó để BRI có thể ảnh hưởng đến chiến lược ngoại giao của Singapore với hai siêu cường này.
Triển vọng tham gia BRI của Singapore trong thời gian tới
Singapore là quốc gia có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, đóng vai trò làm điểm tựa vững chắc cho sáng kiến Vành đai và Con đường, và cùng xây dựng sáng kiến Vành đai và Con đường là trọng tâm và điểm nhấn của mối quan hệ hai nước. Hai bên đã cùng nhau ký kết một số thỏa thuận mới nhằm nâng cao hiệu quả pháp lý và cùng nhau phát triển trên nhiều lĩnh vực mới của thế giới.
Eo biển Malacca vẫn là cảng biển quan trọng để hàng hóa Trung Quốc tiếp cận được thị trường Trung Đông và Châu phi. Thỏa thuận Hành lang thương mại Đất liền – Biển được hai bên thúc đẩy hợp tác đang ngày càng hoàn thiện và có chiều sâu hơn.
Hoạt động thương mại tự do cũng được hai bên đẩy mạnh, bên cạnh đó là các chương độc lập mới về viễn thông và kết hợp các quy tắc kinh tế và thương mại cấp cao giữa hai quốc gia nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp ở cả hai nước. Hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên ngày càng gắn bó và phụ thuộc vào nhau.[13]
Trong lĩnh vực tài chính, Singapore đang là quốc gia dẫn đầu về quản lý tài chính và quản lý rủi ro. Điều này là một phần quan trọng trong chính sách thu hút tài chính của Singapore với BRI, các công ty tài chính Trung Quốc đã tận dụng Singapore là trung tâm phân phối tài chính và hàng hóa để đa dạng hóa các sản phẩm tài chính cho sáng kiến Vành đai và con đường. Bằng những sản phầm trí tuệ của mình, Singapore đang chứng minh được nguồn vốn tài chính từ Trung Quốc đang được vận hành một cách có hiệu quả và đạt được nhiều thành quả đáng mong đợi.
Hai bên cũng đạt nhiều tiến bộ thực chất trong hợp tác thị trường thứ ba, doanh nghiệp hai nước đã hợp tác cùng với nhau trong các dự án lớn và cùng nhau hướng đến đẩy mạnh đầu tư kết nối các cơ sở hạ tầng, phát triển hàng lang kinh tế xanh, kinh tế số dọc theo tuyến đường BRI. Với những thế mạnh của mình, Singapore muốn dựa vào nguồn vốn từ BRI để có thêm nhiều dự án mang “bản sắc trí tuệ” của mình và có thể từ đó củng cố thêm vị trí và vai trò của mình trên diễn đàn quốc tế.
Giải quyết tranh tụng pháp lý cũng được dần hoàn thiện trong trong những năm vừa qua. Hai bên đồng nhất hướng tới giải quyết tranh chấp xoay quanh BRI một cách nhanh chóng, linh hoạt và thực chất. Nỗ lực cải thiện cơ chế chính sách xoay quanh BRI giữa hai nước cho thấy rõ sự gắn bó lẫn nhau của hai quốc gia và cả hai đều muốn hướng tới xây dựng một BRI minh bạch, linh hoạt trên lĩnh vực pháp lý.
Thời gian tới, trong khuôn khổ của BRI, Singapore sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực y học cổ truyền nhằm tăng cường sự hợp tác của cả hai nước vì lợi ích của bệnh nhân, và các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, thực hành và quản lý trong lĩnh vực y tế cũng được hai bên đẩy mạnh hợp tác.
Trong bối cảnh mới, Singapore chắc chắn sẽ là một phần quan trọng của BRI, với nguồn tri thức trong mọi lĩnh vực Singapore vẫn là một tác nhân quan trọng để đưa BRI của Trung Quốc đến với nhiều quốc gia trên thế giới.
Hàm ý với Việt Nam
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn nữa những dự án từ BRI nhưng đồng thời cũng cần phải có những nguyên tắc và cơ chế pháp lý để không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn ngân sách của BRI.
Tiếp tục bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển nội tại của đất nước đặc biệt là trong những lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững như: Kinh tế xanh, Kinh tế số
Có những cơ chế chính sách nhằm tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng vùng biển, xây dựng khai thác cảng biển có hiệu quả tập trung vào khả năng trung chuyển, vận tải biển hướng đến xây dựng vùng biển an toàn và phát triển thịnh vượng với các quốc gia lân cận.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, ổn định an ninh chính trị và có những chính sách thu hút nguồn vốn, nguồn nhân lực trình độ cao nhằm phát triển kinh tế lâu dài và bền vững./.
Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Minh Duy (2021), “Cách để Singapore duy trì trung tâm vận tải biển số 1 toàn cầu” Cổng thông tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam http://www.vr.org.vn/tin-tuc-su-kien/Pages/ListNews.aspx?ItemID=8804&OriginalUrl=vn/tin-tuc-su-kien/duong-thuy/cach-de-singapore-duy-tri-vi-tri-trung-tam-van-tai-bien-so-1-toan-cau-8804.html
2. Phiên An (2022), “Singapore đã trở thành trung tâm tài chính như thế nào” VNEXPRESS https://vnexpress.net/singapore-da-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-nhu-the-nao-4430446.html
3. “Setting the record straight – Singapore’s role in the BRI”, Singapore Institute of International Affairs, https://www.siiaonline.org/setting-the-record-straight-singapores-role-in-the-bri/
4. “Setting the record straight – Singapore’s role in the BRI” singapore institute of international afairs https://www.siiaonline.org/setting-the-record-straight-singapores-role-in-the-bri
5. “一带一路与中国丨新加坡:“一带一路”重要支点之一” Department of comerce of human province”, https://swt.hunan.gov.cn/swt/hnswt/zt/wjzn/gbdqzn/201703/t20170302_4041790.html
6. “第六届中新法律和司法圆桌会议举行 周强、梅达顺出席开幕式并致辞” Sohu.com https://www.sohu.com/a/638229306_117927
7. “Singapore and China Continue to Deepen Legal Cooperation: Ministry of Law https://insight.mlaw.gov.sg/articles/going-global/2022-05-05-singapore-china-continue-to-deepen-legal-cooperation/
8. “中新两国最高法院签署《通过诉中调解框架管理“一带一路”倡议背景下国际商事争议 合作谅解备忘录” China international coomercial courthttps://cicc.court.gov.cn/html/1/218/149/156/2331.html
9. “新中设工作小组加强绿色金融合作” Ministry of commerce, Prc, http://sg.mofcom.gov.cn/article/jrkj/zdxm/202304/20230403406163.shtml
10. “上交所与新加坡交易所签署ETF产品互通合作谅解备忘录 助力构建中国-东盟资本市场互联合作新发展格局” Shanghai stock Exchange http://www.sse.com.cn/aboutus/mediacenter/hotandd/c/c_20230524_5721713.shtml
11. “Singapore’s foreign policy with US, China driven by principles, not ‘balance’: Sim Ann” The business Times https://www.businesstimes.com.sg/singapore/singapores-foreign-policy-us-china-driven-principles-not-balance-sim-ann
12. “Not possible for S’pore, many countries, to choose between US and China PM Lee tells BBC”, The Straitstime https://www.straitstimes.com/singapore/not-possible-for-spore-many-countries-to-choose-between-us-and-china-pm-lee-tells-bbc?
13. “China-Singapore: Upgraded bilateral FTA aimed at solidifying market accessibility”, WTO-FTA international economic integration, https://wtocenter.vn/chuyen-de/23014-china-singapore-upgraded-bilateral-fta-aimed-at-solidifying-market-accessibility