Tóm tắt: Dẫu trải qua những “biến cố” lớn từ trong nội bộ chính trị quốc gia khi tân Thủ tướng mới nhậm chức, và cả những thay đổi phức tạp trong môi trường an ninh quốc gia Nhật Bản nhưng có thể dự đoán rằng chính sách của Nhật Bản đối với biển Đông về cơ bản không có sự điều chỉnh đáng kể. Để đưa ra ra nhận định trên, bài viết sẽ đi sâu vào lợi ích, mục tiêu và đặc trưng chính sách của Nhật Bản tại biển Đông từ năm 2016 đến nay. Từ đó đào sâu vào một trường hợp cụ thể là Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines- hiệp định đánh dấu nấc thang mới trong sự mở rộng vai trò và ảnh hưởng của Nhật Bản tại biển Đông nhằm chỉ ra những tác động và khuynh hướng chính sách của Nhật Bản liên quan tới Hiệp định này khi trải qua biến đổi lớn trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích trường hợp này, bài viết khái quát và dự báo xu thế hành động của Nhật Bản tại biển Đông trong thời gian tới.
Mở đầu
Tuy không phải là một vùng biển có vị trí địa lý cận kề đối với quốc đảo Nhật Bản nhưng biển Đông đang ngày càng có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy như một thế lực cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp với Nhật Bản tại Đông Á. Điều này được thể hiện đậm nét nhất trong việc Nhật Bản thắt chặt quan hệ hợp tác an ninh đối với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với Trung Quốc, và Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines có thể được coi là một bước ngoặt đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng của cường quốc Đông Á này ở Biển Đông.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng Nhật Bản đang đứng ở trong một tình thế đặc biệt từ sau Thế chiến II khi bị bủa vây bởi những bất ổn xuất phát từ cả chính trị nội bộ và nguy cơ từ môi trường an ninh xung quanh nước này. Ở trong nước, đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP) nhận mức phiếu thấp kỷ lục do những bê bối tài chính nội bộ buộc thủ tướng Kishida Fumio – người kiên trì theo đuổi một chính sách an ninh với những biện pháp tích cực nâng cao năng lực quốc phòng của Nhật Bản và hợp tác an ninh đa phương phải từ chức, nhường chỗ cho cựu bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, người có cá tính mạnh mẽ và khuynh hướng cứng rắn hơn. Ở phương diện môi trường an ninh quốc tế, Nhật Bản nhận thức rằng có ba thách thức lớn đến từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, mối lo ngại từ các chủ thể này đối với lợi ích quốc gia Nhật Bản ngày càng trầm trọng hơn khi các hành vi đơn phương có tính khiêu khích, gây hấn ngày càng xuất hiện dày đặc và có khuynh hướng gia tăng. Như vậy, đứng ở vị thế của Nhật Bản, chắc chắn nước này sẽ có những điều chỉnh nhất định liên quan tới chính sách đối ngoại và an ninh nói chung, chính sách đối với biển Đông nói riêng. Vì vậy, nhất thiết phải có những phân tích thấu đáo về khuynh hướng hành động của Nhật Bản, và việc soi chiếu lăng kính vào một trường hợp Hiệp định RAA giữa Nhật Bản và Philippines – sự phát triển nổi bật nhất trong chính sách biển Đông của nước này tính tới thời điểm hiện tại là cơ sở lập luận mạnh mẽ gợi ý chính sách của nước này đối tại biển Đông trong tương lai gần.
Chính sách của Nhật Bản với biển Đông
Lợi ích Nhật Bản xác định tại biển Đông
Nhật Bản – một trong những cường quốc hàng đầu trong hệ thống thứ bậc quyền lực trên thế giới, vì vậy, tuy không xác định một chiến lược toàn cầu như đồng minh Mỹ, lợi ích của Nhật Bản cũng đa tầng, phức tạp và trải rộng ở một mức độ nhất định, đặc biệt tại khu vực Đông Á – khu vực láng giềng đầy biến động của Nhật Bản. Biển Đông nằm trong khu vực Đông Á, tuy đây không phải là vừng biển bao quanh Nhật Bản và bản thân nước này không phải là chủ thể trực tiếp tham gia vào tranh chấp chủ quyền tại khu vực này nhưng ngay từ những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, sự hiện diện quyền lực ngày một rõ ràng và nổi bật tại Đông Nam Á của Nhật Bản là không thể phủ nhận được. Từ chiến lược an ninh quốc gia (2013, 2016, 2022), Sách Trắng quốc phòng (2023), Chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, có thể nhận diện hai động lực chính cho hành vi này của Nhật Bản bao gồm: (1) Đảm bảo tự do hàng hải- cơ sở kiến tạo nên sự thịnh vượng của Nhật Bản, (2) Giữ gìn hòa bình, ổn định trật tự khu vực dựa trên phổ quát các giá trị của Luật quốc tế.
Đầu tiên, có thể nhận thấy rằng lợi ích rõ ràng nhất của Nhật Bản tại khu vực biển Đông nằm ở việc tự do hàng hải được đảm bảo. Biển Đông có một vị trí địa – chính trị và địa – kinh tế hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Từ góc nhìn tổng thể, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông.[1] Riêng đối với Nhật Bản, biển Đông được coi là huyết mạch của nền kinh tế khi 80% lượng dầu thô nhập khẩu[2] và 45% lượng hàng hoá xuất khẩu[3] của Nhật Bản đề vận chuyển qua biển Đông. Vì vậy, có thể nói bất kỳ chủ thể nào đủ quyền lực thao túng và chi phối tuyến đường hàng hải trên biển Đông đều có thể sử dụng điều này như một thứ “vũ khí” đâm trực diện vào yết hầu của Nhật Bản, có khả năng làm suy yếu nội lực của đất nước, đe dọa tới sự phồn vinh của quốc gia. Mặt khác, biển Đông có sự kết nối tự nhiên đối với biển Hoa Đông thông qua eo biển Đài Loan, một hòn đảo bao quanh hoàn toàn bởi biển như Nhật Bản sẽ hoàn toàn bị cô lập, bị nhốt trong chiếc ao “Đông Bắc Á” và không thể tiếp cận với các phần còn lại của Châu Á, xa hơn là Ấn Độ Dương nếu như tuyến đường hàng hải thông qua biển Đông bị một thực thể chính trị chi phối. Hay nói cách khác, an ninh và nền kinh tế Nhật Bản rất dễ tổn thương nếu như giá trị “tự do hàng hải” bị xâm phạm.
Thực tế, bàn cờ địa – chính trị tại Đông Á ngày càng đặt ra cho Nhật Bản nhiều thách thức hơn khi Trung Quốc trỗi dậy trở thành một thế lực, hay được chính quyền Donald Trump gọi là “cường quốc xét lại”[4] đã và đang thay đổi nguyên trạng khu vực biển Đông và thách thức “tự do hàng hải” – vốn là một tập quán quốc tế.
Trong Tầm nhìn “Châu Á – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, Nhật Bản nhấn mạnh vai trò “bản lề – hinge[5]” mở ra cầu nối giữa hai châu lục Á – Phi và hai đại dương Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của khu vực Đông Nam Á, trong đó bao trùm vai trò của biển Đông. Thêm vào đó, trong diễn ngôn của chiến lược này, một trong những trụ cột mà “hàng hoá công” chủ đạo mà Nhật Bản muốn cung cấp là thúc đẩy tự do hàng hải trong trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hoà bình và ổn định[6].
Vai trò của khu vực Đông Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở của Nhật Bản[7]
Thứ hai, lợi ích của Nhật Bản là việc giữ gìn hòa bình, ổn định trật tự khu vực dựa trên phổ quát các giá trị của Luật quốc tế. Điều này có thể được lý giải dựa trên cả ba góc độ của các trường phái lí thuyết chủ đạo như sau.
Từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực, có thể thấy ở khu vực biển Đông nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung vẫn đang duy trì hệ thống thứ bậc quyền lực dựa trên luật pháp quốc tế được đảm bảo bằng sức mạnh của Mỹ. Nhật Bản, với tư cách là đồng minh của Mỹ, và cường quốc hàng đầu khu vực đang giữ một thứ bậc cao trong hệ thống này, hay nói cách khác bảo vệ hệ thống trật tự dựa trên luật lệ chính là bảo vệ lợi ích liên quan tới vị thế, tầm ảnh hưởng của Nhật Bản. Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc trỗi dậy với tiềm lực lớn về cả kinh tế lẫn quân sự đang thách thức vị thế của Nhật Bản tại khu vực Đông Á nói riêng và châu Á nói chung, Nhật Bản càng cần có những hành động quyết liệt trong việc bảo vệ các giá trị luật pháp quốc tế nhằm giữ gìn trật tự mang lại lợi ích cho Nhật Bản. Minh chứng là sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khi đó là ông Kishida Fumio ra tuyên bố cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Đồng thời khẳng định: “Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển”[8]. Thêm vào đó, biển Đông và biển Hoa Đông có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, việc Nhật Bản hạn chế hành động gây hấn, bành trướng của Trung Quốc bằng giữ gìn trật tự, ổn định khu vực biển Đông dựa trên phát huy giá trị của Luật quốc tế sẽ củng cố vị thế chủ động của Nhật Bản trong tranh chấp tại biển Hoa Đông – khu vực gắn với lợi ích an ninh sát sườn của nước này.
Từ góc nhìn của chủ nghĩa tự do, việc giữ gìn một trật tự dựa trên các giá trị của Luật pháp quốc tế sẽ giảm bớt tính vô chính phủ và bất định trong môi trường quan hệ quốc tế, điều này không chỉ làm giảm bớt các nghi kị mà còn kiến tạo nên sự hoà bình, ổn định góp phần vào phát triển quan hệ hợp tác kinh tế và sự phồn vinh của các quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hoá khi nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ, việc phá vỡ các giá trị của Luật quốc tế, đặc biệt về mặt an ninh có thể gây tổn thương không chỉ tới các chủ thể liên quan mà còn dẫn tới sự suy yếu toàn bộ nền kinh tế thế giới. Đối với Nhật Bản – một người khổng lồ không móng, không răng khi hoàn toàn lép vế về sức mạnh quân sự nhưng lại có lợi ích gắn bó sâu sắc với quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt tại khu vực biển Đông, thì việc một chủ thể có hành động đơn phương phá vỡ các nguyên tắc và chuẩn mực của Luật quốc tế tại biển Đông có khả năng gây lên mối lo ngại và tổn thương sâu sắc tới cường quốc này hơn cả bản thân “kẻ vi phạm” kia. Bởi vậy, lợi ích quốc gia của Nhật Bản nằm ở việc duy trì sự ổn định, hoà bình của khu vực trên cơ sở Luật quốc tế.
Từ góc nhìn của chủ nghĩa kiến tạo, kể từ sau thế chiến thứ II, Nhật Bản luôn xây dựng hình ảnh là một quốc gia ưa chuộng hoà bình, đề cao luật pháp quốc tế và luôn nỗ lực giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Điều này được thể hiện trong diễn ngôn của Sách xanh về ngoại giao Nhật Bản như sau: “Nhật Bản luôn đi theo con đường của một quốc gia yêu chuộng hòa bình kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế, và nỗ lực duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền”[9]. Thêm vào đó, có thể thấy rằng trong các văn bản như Chiến lược an ninh quốc gia (2022), Sách trắng quốc phòng (2023), Chiến lược ngoại giao mới: Châu Á – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, cụm từ “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” luôn đi cùng với “ổn định” và “thịnh vượng”, điều này hàm ý rằng giữ gìn và củng cố các giá trị của luật pháp quốc tế là một nhân tố quyết định của hoà bình và thịnh vượng của Nhật Bản, và rộng hơn là toàn nhân loại. Dạng “ý thức tự thân” này cùng quá trình liên tục tương tác với các chủ thể khác liên tục định hình và làm sâu sắc hơn hình ảnh về một quốc gia ôn hoà, đóng góp tích cực vào việc kiến tạo hòa bình ổn định thông qua thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế. Hay nói cách khác, từ việc định vị bản sắc của mình, Nhật Bản xác định lợi ích là phải duy trì một trật tự thế giới dựa trên phổ quát các giá trị của Luật quốc tế. Đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và biển Đông nói riêng, Nhật Bản đã đề xuất và thực thi sáng kiến hợp tác an ninh với một trong ba định hướng chính là “Để củng cố trật tự dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế chi phối hành vi hòa bình giữa các quốc gia, Nhật Bản ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải và không phận”[10]. Trong các hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á – EAS, hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản đưa vấn đề bảo vệ luật quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không để đưa tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông vào chương trình hội nghị.[11]
Đặc trưng chính sách Nhật Bản tại biển Đông từ năm 2016 đến nay
Về mục tiêu
Từ nhận diện lợi ích quốc gia chủ đạo mà Nhật Bản xác định tại biển Đông, trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung gay gắt tại khu vực này cùng những tranh chấp không hồi kết giữa nhiều bên, có thể nhận thấy Nhật Bản đặt ra hai mục tiêu chính trong những chính sách liên quan đến biển Đông như sau.
Một là, ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng và thao túng của Trung Quốc tại biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc – đang trở thành “thách thức địa chiến lược lớn nhất”[12] đối với Nhật Bản. Tại biển Đông, sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc cùng sự mở rộng ảnh hưởng và hành động thay đổi nguyên trạng tại khu vực tranh chấp đã làm xói mòn các giá trị của luật quốc tế cũng như đe dọa tới lợi ích an ninh hàng hải của Nhật Bản. Vì vậy, chính sách của Nhật Bản phải hướng tới việc chống lại thách thức số một là Trung Quốc.
Hai là, thúc đẩy quốc tế hoá vấn đề biển Đông và giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế đa phương dựa trên giá trị của Luật quốc tế. Nhật Bản không phải là một bên tham gia tranh chấp tại biển Đông và cũng không có vị trí địa lý nằm cạnh biển Đông, vì vậy, chỉ khi các vấn đề tranh chấp ở biển Đông được quốc tế hoá với nhiều chủ thể tham gia, được đặt ra trong các thể chế quốc tế thì Nhật Bản mới có đủ tính chính danh để can dự. Hơn thế nữa, có thể nhận thấy rằng trong các chủ thể tham gia vào tranh chấp tại biển Đông, Trung Quốc là chủ thể quyền lực nhất, vì vậy, nếu vấn đề này được giải quyết trong các cơ chế song phương giữa Trung Quốc và từng bên, Nhật Bản không những không thể can thiệp mà Trung Quốc nhờ vào sự chênh lệch quá lớn trong tương quan quyền lực của mình có thể dễ dàng thao túng và kiểm soát biển Đông.
Các trụ cột chính
Hai mục tiêu nổi bật nêu trên được thể hiện và hiện thực hóa thông qua hai phương hướng chính trong chính sách của Nhật Bản đối với biển Đông.
Đầu tiên, Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ sự hiện diện và vị thế của Mỹ tại biển Đông, thắt chặt mối quan hệ hợp tác an ninh Mỹ – Nhật. Lựa chọn định hướng này có thể được coi là một nước đi hiệu quả và tối ưu hóa nguồn lực của Nhật Bản khi cả Nhật Bản và Mỹ đều có lợi ích song trùng là bảo vệ tự do thương mại và các giá trị của luật pháp quốc tế. Mặt khác, biển Đông hiện đang chứng kiến cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc bởi chưa có bất kỳ cường quốc nào giành được ưu thế tuyệt đối tại đây, hay nói cách khác, Mỹ sẽ tập trung nguồn lực lớn hơn tại khu vực này trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình. Như vậy, dựa vào quan hệ đồng minh sẵn có, Nhật Bản có thể tăng cường hợp tác với Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích song trùng tại biển Đông, đồng thời san sẻ gánh nặng về việc cung cấp “hàng hóa công”- duy trì sự ổn định của khu vực, việc này không chỉ hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích của Nhật Bản mà còn khiến đối thủ Trung Quốc phải “căng mình” bỏ ra nhiều chi phí và nguồn lực để đối chọi lại quyền lực của hai cường quốc.
Định hướng này được thể hiện trên hai phương diện chính trị và an ninh – quân sự. Về mặt chính trị, Nhật Bản thể hiện sự ủng hộ của mình đối với những chiến lược của Mỹ tại khu vực biển Đông. Minh chứng là Nhật Bản tham gia và bày tỏ sự ủng hộ đối với các thiết chế do Mỹ kiến tạo có liên quan tới biển Đông như quan hệ ba bên Mỹ – Philippines – Nhật Bản với “Tuyên bố tầm nhìn chung từ các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ[13]” và “Tuyên bố Wilmington Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ[14]”.
Về mặt an ninh – quân sự, lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã tích cực tham gia các cuộc tập trận chung cùng với Mỹ và các đồng minh khác tại biển Đông. Điển hình là trong 9 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản đã tham gia hai cuộc tập trận chung cùng với Mỹ và các đồng minh khác trên biển Đông. Cuộc tập trận thứ nhất diễn ra vào ngày 7 tháng 4 năm 2024, lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) triển khai tàu khu trục Js Akebono để tiến hành Cuộc tập trận Tứ giác với Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân và Không quân Úc và Hải quân Philippines như một phần của Hoạt động Hợp tác Hàng hải Philippines – Hoa Kỳ – Úc – Nhật Bản (MCA) tại Biển Đông[15]. Cuộc tập trận thứ hai là cuộc tập trận chung giữa 5 nước Nhật Bản, Úc, New Zealand, Philippines và Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 28 tháng 9 năm 2024, song song với cuộc tập trận của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough. Cuộc tập trận này được Văn phòng Tham mưu Liên hợp của Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định rằng cuộc tập trận nhằm ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không và nhằm mục đích “thể hiện cam kết chung trong việc tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”[16].
Thứ hai, Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia trong khu vực trong các khuôn khổ song phương và đa phương.
Trong các cơ chế song phương, Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc tại biển Đông trong đó nổi bật là Việt Nam và Philippines. Trong quan hệ hợp tác song phương, Nhật Bản chú trọng tới phương diện nâng cao năng lực quốc phòng và khả năng thực thi pháp luật quốc tế của các nước ở khu vực Đông Nam Á. Trong quan hệ với Philippines, Nhật Bản đã thực hiện miễn phí chuyển giao thiết bị không dùng nữa (chuyển giao máy bay huấn luyện TC-90 cho Philippines)[17]. Hơn thế nữa, Sau đợt bàn giao Hệ thống Radar Giám sát Ven biển hoàn chỉnh đầu tiên cho Philippines vào cuối năm 2023, ngày 29/4, Nhật Bản tiếp tục bàn giao hệ thống radar giám sát mới, qua đó giúp tăng cường khả năng phòng thủ cho nước này[18]. Thêm vào đó, Nhật Bản duy trì cơ chế hợp tác an ninh đa tầng với nước này, thông qua cơ chế “Đối thoại an ninh 2+2” và các cuộc tập trận chung trong tam giác liên minh Mỹ – Nhật – Philippines.
Đối với Việt Nam, Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác quốc phòng. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Kishi tới Việt Nam vào tháng 9 năm 2021, Thỏa thuận về Chuyển giao Thiết bị và Công nghệ Quốc phòng giữa hai nước đã được ký kết.[19] Tuy không có những cuộc tập trận chung nhưng nhiều tàu khu trục cỡ lớn của Hải quân Nhật Bản đã ghé thăm cảng Cam Ranh và luyện tập chung hữu nghị với hải quân Việt Nam. Minh chứng tiêu biểu là hai tàu khu trục lớn nhất của Nhật Bản Izumo và Samidare đã thăm cảng quốc tế Cam Ranh từ ngày 20 đến 23 tháng 6 năm 2023[20].
Tàu khu trục trực thăng Izumo và tàu khu trục Js Samidare cập cảng quốc tế Cam Ranh.[21]
Trong các cơ chế đa phương, liên quan tới căng thẳng leo thang tại biển Đông giai đoạn gần đây, Nhật Bản khẳng định: “Nhật Bản luôn ủng hộ việc duy trì luật pháp trên biển và sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế như các quốc gia thành viên ASEAN và Hoa Kỳ để bảo vệ trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp”. Như vậy, có thể thấy ASEAN là chủ thể hàng đầu Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ hợp tác, điều này càng được nhấn mạnh hơn khi Nhật Bản đưa ra sáng kiến “Tầm nhìn Vientiane”, trong đó nhấn mạnh việc Nhật Bản hỗ trợ hợp tác về an ninh và kinh tế theo nhu cầu của từng nước nhằm tăng nội lực của quốc gia đó hướng tới duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Liên quan tới an ninh biển Nhật Bản khẳng định hai phương hướng mà Nhật Bản muốn hợp tác với ASEAN bao gồm: (1) Để củng cố trật tự dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế chi phối hành vi hòa bình giữa các quốc gia, Nhật Bản ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải và không phận, (2) Để thúc đẩy an ninh hàng hải, nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực, Nhật Bản ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng năng lực Tình báo, Giám sát và Trinh sát (ISR) và Tìm kiếm và Cứu nạn (SAR) trên biển và không phận.[22]
Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines
Động lực thúc đẩy ký kết Hiệp định
Trong con mắt của Nhật Bản, tình hình phức tạp và biến động hiện nay đã và đang đặt Nhật Bản vào giữa những nguy cơ đặc biệt khi Nhật Bản cùng lúc phải đối mặt với ba thách thức an ninh lớn từ ba chủ thể là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga[23]. Vì vậy, có thể nhận thấy xu hướng chung trong chính sách an ninh của Nhật Bản là “tái vũ trang hóa”, trong đó tăng cường hợp tác an ninh đa tầng với các đồng minh và các quốc gia có chung chí hướng là một trong ba trụ cột để hoá giải tình thế đáng lo ngại về an ninh của nước này. Khu vực biển Đông tuy không phải là vùng biển xung quanh Nhật Bản nhưng lại là địa bàn quan trọng bởi nó không chỉ gắn với những lợi ích sát sườn của Nhật Bản mà còn là cơ sở kiềm chế sự bành trướng và nguy cơ từ Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông.
Philippines là nhân tố hàng đầu mà Nhật Bản cần tăng cường hợp tác nhằm chống lại thách thức và mở rộng ảnh hưởng tại khu vực vì hai nguyên do sau.
Thứ nhất, Nhật Bản và Philippines đều chia sẻ chung lợi ích về an ninh hàng hải và bảo vệ giá trị căn bản của luật quốc tế trước thách thức từ hành vi mang tính đơn phương của Trung Quốc tại biển Đông.
Thứ hai, Nhật Bản và Philippines vốn có quan hệ hợp tác tương đối chặt chẽ khi cả hai đều là đồng minh của Mỹ, có nhiều hoạt động phối hợp trong các cơ chế an ninh đa phương do Mỹ dẫn dắt. Bản thân Nhật Bản và Philippines cũng duy trì các cơ chế đối thoại an ninh song phương như “Đối thoại an ninh 2+2”.
Hai điểm nêu trên chính là điều kiện cần và đủ để Nhật Bản thúc đẩy việc nâng tầm hợp tác an ninh giữa hai nước.
Khác với Nhật Bản, động lực của Philippines đến từ hai yếu tố.
Một là tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại biển Đông tiếp tục leo thang, khi Trung Quốc tiếp tục có những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng tại các đảo và bãi ngầm bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) cùng với đó là những cuộc va chạm, đụng độ xảy ra thường xuyên hơn giữa lực lượng trên biển của hai nước, mà điển hình là vụ việc tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào hai tàu của Philippines gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 30 tháng 4 năm 2024[24].
Hai là xu hướng chính sách an ninh của Philippines dưới thời tổng thống Marcos hướng tới tăng cường đồng minh với Mỹ và mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác lớn khác nhằm tăng cường năng lực cũng như tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong chiến lược bảo vệ yêu sách chủ quyền tại Biển Đông[25]. Vì vậy, Philippines muốn đưa quan hệ hợp tác với Nhật Bản – một cường quốc, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào chiều sâu, và hiệp định RAA vừa là một bước ngoặt đánh dấu bước tiến quan hệ hai nước vừa là cơ sở việc hợp tác lên một tầm cao mới.
Nội dung cơ bản của hiệp định
Tuy không công khai nội dung cụ thể nhưng theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, RAA ký kết giữa hai nước nhằm thiết lập các điều kiện thuận lợi đặc biệt cho lực lượng quân đội mỗi nước khi đến hoạt động tại địa phận của nhau và thúc đẩy các hoạt động hợp tác như: (i) các hoạt động tập trận chung; (ii) các hoạt động cứu trợ thiên tai chung; và (iii) tăng tính tương tác giữa quân đội hai nước.[26] Theo giáo sư Thomas Wilkins của Trường Đại học Sydney cho rằng RAA nên được hiểu là một hiệp định hợp tác về quân sự thông qua việc tạo ra khung pháp lý, an ninh cho các hoạt động hậu cần nhờ đó hai bên dễ dàng tiếp cận các căn cứ quân sự, bến cảng của nhau khi triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng chung[27].
Do vậy, có thể nhận định rằng đây không phải là một hiệp ước phòng thủ chung mà chỉ là một hiệp ước thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước, trọng tâm chính của hiệp ước này là tạo điều kiện nâng cao cơ sở hạ tầng quân sự, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các hoạt động viếng thăm giữa lực lượng hải quân hai nước.
Tác động của Hiệp định RAA giữa Nhật Bản và Philippines đối với an ninh tại biển Đông
Từ phản ứng của các bên liên quan trong vấn đề tranh chấp biển Đông cùng việc soi chiếu dựa trên góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực, có thể thấy rằng Hiệp định đang và sẽ gây nên ba tác động nổi bật tới an ninh tại biển Đông bao gồm: (1) Điều chỉnh cán cân quyền lực trở nên cân bằng hơn, (2) Tính chất phân cực trong quan hệ quốc tế trở nên rõ ràng hơn, cạnh tranh gay gắt hơn, (3) Tăng cường vai trò trung gian của các cơ chế đa phương.
Trước hết, có thể nhận thấy rõ ràng rằng khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và các chủ thể khác liên quan tới tranh chấp tại biển Đông, mà cụ thể ở đây là Philippines được rút ngắn lại khi Nhật Bản có sự hiện diện nhiều hơn và can thiệp sâu sắc tại khu vực nhờ vào điều khoản pháp lý của Hiệp định. Hay nói cách khác, trong tranh chấp tại biển Đông, Philippines không còn quá “lép vế” so với gã khổng lồ Trung Quốc nhờ sự nâng đỡ từ phía Nhật Bản bên cạnh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Đây cũng là cơ sở để quốc tế hoá việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông, từ đó có khả năng áp dụng và phổ biến các giá trị của Luật quốc tế.
Một hệ quả dễ nhận thấy từ tăng cường hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Philippines là việc làm trầm trọng hơn sự phân cực, chia rẽ trong quan hệ quốc tế trong khu vực biển Đông nói riêng, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Điều này đã được thể hiện rõ nét thông qua phản ứng của Trung Quốc đối với RAA giữa Nhật Bản và Philippines. Trung Quốc chỉ trích RAA, coi thỏa thuận này là động thái hướng tới “đối đầu khối hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”[28]. Theo Global Times, một kênh truyền thông của Trung Quốc, ám chỉ rằng RAA là một động thái của Hoa Kỳ, vốn đã “sử dụng vấn đề Biển Đông như một phương tiện để kiềm chế Trung Quốc” với Nhật Bản và Philippines là “quân cờ” của mình[29]. Bắc Kinh ngụ ý rằng RAA không gì khác hơn là một động thái được dàn dựng của Washington nhằm ép buộc các đồng minh của mình – Nhật Bản và Philippines – trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc[30]. Từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực, có thể thấy đây là đặc trưng của tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về an ninh khi Philippines và Nhật Bản tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh của mình gây nên sự bất an cho Trung Quốc. Từ góc nhìn phía Trung Quốc, hành động của Nhật Bản và Philippines – hai đồng minh của Mỹ tăng cường hợp tác chặt chẽ chắc chắn sẽ củng cố cấu trúc “trục – nan hoa” do Mỹ dẫn dắt nhằm duy trì sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực biển Đông nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Liên minh giữa các nước này đã và đang kiềm tỏa sự phát triển và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, gây nên nguy cơ “lợi ích cốt lõi” tại biển Đông của nước này bị xâm phạm. Điều này càng kích thích hơn tính thù địch trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ. Hay nói cách khác, hiệp định an ninh RAA giữa Nhật Bản và Philippines như một chất xúc tác thúc đẩy sự chia rẽ và phân cực ngày một sâu sắc, khó dung hoà hơn trong quan hệ quốc tế tại biển Đông.
Chiến lược Chuỗi Ngọc trai của Trung Quốc[31]
Hơn thế nữa, sự hiện diện quyền lực của Nhật Bản rõ ràng hơn thông qua RAA cùng sự lớn mạnh chắc chắn sẽ dẫn tới tổng quan quyền lực tại khu vực biển Đông ngày càng lớn, điều này đồng nghĩa với việc một khi xung đột xảy ra trong khu vực, hệ quả sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bất kỳ chủ thể nào. Trong bối cảnh châu Á hiện đang là “thùng thuốc súng” của thế chiến thứ ba với xung đột ngày càng lan rộng thì việc xảy ra một cuộc đụng độ tại biển Đông – nằm tại châu Á – Thái Bình Dương, nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới và thị trường sôi động bậc nhất có thể khiến kinh tế thế giới rơi vào khánh kiệt và các cấu trúc an ninh suy thoái trầm trọng. Ý thức được hệ quả này, song song với xu hướng cạnh tranh, kiềm toả lẫn nhau, các nước lớn có xu hướng phát triển các thể chế đa phương và hướng tới hoà hợp quyền lực. Nhìn từ một hướng tích cực hơn, có thể thấy khi vấn đề biển Đông được quốc tế hoá sâu sắc và sức mạnh tấn công của các bên đều ở thế tương đối cân bằng, sẽ có một “hồi quang phản chiếu” như cơ chế Đàm phán Sáu bên trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên, đây có thể là cơ hội để ASEAN phát huy vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong cấu trúc chính trị khu vực và quốc tế.
Tương lai của Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines
Trước hết, cần phải làm rõ rằng ở phần này chữ “tương lai” ở đây là triển vọng về mức độ triển khai hợp tác an ninh dựa trên những điều khoản của Hiệp định RAA của riêng Nhật Bản. Thông qua xác định lợi ích, mục tiêu Nhật Bản xác định tại biển Đông, nhận diện đặc trưng chính sách của Nhật Bản tại biển Đông, đồng thời phân tích cụ thể vào động lực, nội dung và tác động của hiệp định RAA, có thể nhận thấy hai kịch bản chính về xu hướng hành vi của Nhật Bản liên quan tới RAA.
Ở kịch bản đầu tiên, Nhật Bản thúc đẩy việc triển khai hợp tác ở mức cao độ bao gồm triển khai lực lượng ghé thăm với mật độ dày dặn hơn, tham gia tích cực vào các cuộc tập trận chung trong khuôn khổ song phương và đa phương với tần suất nhiều hơn, thúc đẩy chuyển giao vũ khí, công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng với tiến độ khẩn trương. Khả năng hiện thực hoá kịch bản bày có thể đến từ lực đẩy của các nhóm nhân tố sau.
Ở cấp độ quốc tế, những động thái gia tăng áp lực của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông cùng mối quan hệ gần như “đóng băng” về mặt chính trị giữa hai quốc gia đặt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng sâu sắc, buộc Nhật Bản có những động thái cứng rắn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của mình trong cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương, đối chọi lại với thách thức đến từ Trung Quốc. Thêm vào đó, Mỹ đang phải căng trải sức mạnh để duy trì việc cung cấp “hàng hoá công” trên toàn cầu và không thể đặt hoàn toàn trọng tâm vào một khu vực duy nhất là Đông Á, vì vậy, việc Nhật Bản hành động ở mức độ khẩn trương tích cực trong quan hệ hợp tác an ninh với Philippines không chỉ giảm bớt gánh nặng cho đồng minh thân cận mà còn củng cố vị thế độc lập của nước này.
Ở cấp độ quốc gia, một trong những trọng tâm chính sách được chính phủ Nhật Bản qua nhiều thời thủ tướng từ sau chiến tranh lạnh là hướng về khu vực Đông Nam Á, điều đó có nghĩa là biển Đông cũng nằm trong lợi ích ưu tiên của Nhật Bản. Hơn thế nữa, Đảng Dân chủ Tự do vẫn là đảng duy trì sự thống trị của mình trong nền chính trị Nhật Bản từ năm 1993, nên phương hướng chủ đạo trong chính sách của Nhật Bản tại biển Đông chắc chắn vẫn sẽ là tăng cường quan hệ hợp tác với Philippines phát triển ở mức độ cao hơn nữa trong tương lai. Mặt khác, hệ thống chính trị Nhật Bản có tính phân quyền tương đối mạnh nhưng lại duy trì được văn hóa đồng thuận và hoà hợp các bên, điều này dẫn tới hệ quả là xu hướng chính sách thường sẽ không có sự thay đổi đột ngột, điều này củng cố thêm cam kết về hợp tác của Nhật Bản trong RAA.
Ở cấp độ cá nhân, thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Shigeru Ishiba – Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một chính trị gia cứng rắn và có cá tính mạnh, ông từng đề xuất ý tưởng thành lập một liên minh an ninh kiểu NATO ở châu Á nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên[32]. Vì vậy, nhiều khả ông Shigeru sẽ sẵn sàng thúc đẩy các biện pháp cân bằng lực lượng với Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông một cách mạnh mẽ bao gồm việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp ước RAA ở cường độ cao và khẩn trương.
Ở kịch bản thứ hai, Nhật Bản thúc đẩy triển khai ở mức trung bình, tương đối với việc duy trì ở mức độ đều đặn khi tiếp tục duy trì đều đặn các chuyến thăm viếng, chuyển giao vũ khí và công nghệ theo kế hoạch hiện tại, tập trung định hướng vào các tình huống khẩn cấp thiên về mặt dân sự như cứu trợ thiên tai, phòng chống cướp biển, tội phạm và không có động thái muốn nâng mức độ hợp tác trong hiệp ước lên mức hiệp ước phòng thủ chung. Khả năng hiện thực hoá kịch bản này có thể được giả thích thông qua các động lực sau.
Ở cấp độ quốc tế, không thể phủ nhận được hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng tranh chấp của Trung Quốc tại biển Đông đã và đang là một thách thức lớn đối với lợi ích của Nhật Bản tại đây, nhưng lợi ích kinh tế và sự thịnh vượng mang lại từ quan hệ hợp tác kinh tế sâu sắc, mang tính phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á là không thể xem nhẹ. Nhật Bản muốn kiềm chế hành động đơn phương của Trung Quốc tại biển Đông nhưng chưa muốn gây hệ quả tiêu cực tới hợp tác kinh tế song phương. Vì vậy, Nhật Bản sẽ hướng tới việc điều chỉnh hành vi, nâng cao khả năng tự vệ và tự phòng thủ cho Philippines hơn là phòng vệ tập thể.
Ở cấp độ quốc gia, tuy lợi ích của Nhật Bản ở biển Đông rất lớn nhưng cũng không thể nào so sánh được với tầm quan trọng của khu vực biển Hoa Đông và biển Nhật Bản. Nguồn lực của mỗi quốc gia dù to lớn đến đâu cũng không phải là vô tận, hơn thế nữa, trong thời điểm hiện tại, nguồn lực của Nhật Bản đang dần suy yếu do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài và cả những nhân tố nội bộ như già hoá dân số, giảm tỷ lệ sinh,… Vì vậy, Nhật Bản có khả năng sẽ đặt hợp tác an ninh liên quan tới biển Đông vào ưu tiên thứ hai, và tiến hành một cách chậm rãi về lâu dài hơn là tích cực, khẩn trương đổ quá nhiều nguồn lực ngay trong giai đoạn đầu tiên. Mặt khác, dường như người Nhật đã quá quen thuộc với cảm giác an toàn khi hành vi của quốc gia được dựa trên giá trị của Hiến pháp hoà bình, vì vậy, việc tăng cường các hành vi hợp tác an ninh có ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản gây nên nhiều cảm giác bất an và ý kiến trái chiều từ công chúng. Theo Viện nghiên cứu báo chí Nhật Bản thuộc Kyodo News có tới 55,5% người được hỏi phản đối tăng mức chi tiêu quân sự[33], và theo Yomiuri Shimbun, có tới 49% người dân phản đối quyền tự vệ tập thể, có tới 48% người dân được hỏi phản đối những thay đổi trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2022[34]. Từ khảo sát trên có thể nhận thấy rằng tuy công chúng ủng hộ việc nâng cao năng lực quốc phòng của Nhật Bản nhưng chỉ giới hạn trong ý nghĩa thuần tuý của việc này là bảo vệ lãnh thổ, người dân Nhật Bản và vùng biển xung quanh[35]. Hay có thể nói, hướng đi chính phủ do đảng Dân chủ Tự do (LDP) lãnh đạo dường như đang không đồng thuận với ý kiến của người dân. Trong bối cảnh uy tín và sự tín nhiệm của người dân đối với đảng cầm quyền giảm xuống mức thấp do bê bối trong nội bộ, đồng thời kỳ bầu cử quốc hội 2025 tới gần, thì những điều trên đồng nghĩa với việc đảng LDP phải chú ý và điều chỉnh hành vi tiến gần hơn tới sự đồng thuận với công chúng. Vì vậy, Nhật Bản sẽ có xu hướng không có nước đi táo bạo nhằm tăng cường quan hệ hợp tác an ninh một cách nhanh chóng. Có thể nhận định rằng ít nhất trong vòng hai năm tới, Nhật Bản sẽ không thể hành động một cách bốc đồng, mà chỉ có thể thực thi RAA ở mức trung bình, ổn định, tiếp tục thực thi các cam kết sẵn có.
Ở cấp độ cá nhân, trở thành thủ tướng trong bối cảnh đảng LDP đang trong tình thế suy giảm nghiêm trọng uy tín, thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ có xu hướng điều chỉnh nguồn lực vào những vấn đề nóng mà công chúng quan tâm như thuế thu nhập, đồng Yên giảm,… và xoa dịu công chúng Nhật Bản bằng cách không đẩy nhanh hoạt động hợp tác an ninh với các chủ thể khác nhưng chắc chắn với tư duy và chiến lược của cá nhân thủ tướng, ông vẫn sẽ duy trì việc triển khai hợp tác trên khung pháp lý của RAA và các hoạt động hợp tác thường niên với các đối tác tại biển Đông trong vấn đề an ninh.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng kịch bản thứ hai có tính khả thi cao hơn vì những lý do sau đây. Đầu tiên, tính hiệu lực của hướng đi thứ hai cao hơn so với hướng đi thứ nhất bởi phương hướng này không yêu cầu huy động nguồn lực một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, điều vô cùng khó khăn trong thời điểm hiện tại khi ngay cả kế hoạch tăng chi tiêu quân sự của Nhật Bản cũng cần tới năm 2027 để hoàn thành. Thứ hai, chi phí cơ hội của phương hướng này thấp hơn khi nước đi này không đặt Nhật Bản vào nguy cơ đối đầu, căng thẳng gay gắt với Trung Quốc, đồng thời cũng không gây nên bất bình hay sóng gió trong lòng công chúng. Hay nói cách khác, chính phủ Nhật Bản sẽ đạt thế cân bằng giữa nhu cầu đối nội và ngoại giao. Thứ ba, về tính tương thích với mục tiêu, dù cả hai kịch bản triển khai đều cùng hướng tới mục tiêu nhưng dường như cách triển khai thứ hai sẽ nhấn mạnh tới giá trị về một đất nước hoà bình, không có khả năng gây chiến tranh trong Hiến pháp Nhật Bản hơn.
Kết luận
Xuất phát từ những phân tích và dự báo liên quan tới chính sách của Nhật Bản đối với Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines, có thể rút ra một số dự báo về đặc điểm chính sách của Nhật Bản đối với biển Đông như sau. Thứ nhất, Nhật Bản vẫn có xu hướng duy trì đặc trưng của chính sách hiện tại với những mục tiêu cơ bản gắn chặt với lợi ích cốt tử của Nhật Bản tại biển Đông. Thứ hai, về mức độ thực thi chính sách hướng tới mục tiêu, Nhật Bản sẽ có xu hướng duy trì ở một tốc độ ổn định, tương đối, không có gì khác biệt quá lớn so với thời điểm hiện tại trong ít nhất hai năm tới trước thềm bầu cử Quốc hội 2025, và không đẩy đặc trưng của các chính sách hợp tác an ninh tại biển Đông trở thành sự thù địch với Trung Quốc nhằm duy trì lợi ích tuyệt đối trong quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được hai nhân tố có khả năng thay đổi cục diện này đến từ động thái bành trướng ngày càng quyết liệt từ phía Trung Quốc và cá tính mạnh mẽ của tân thủ tướng ông Shigeru Ishiba, người luôn tích cực ủng hộ một liên minh chống lại thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên ở châu Á.
Tác giả: Phạm Vũ Quỳnh Mai
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Bông, Biển Đông: Địa chiến lược và Tiềm năng kinh tế, Nghiên cứu Biển Đông, ngày 29 tháng 12 năm 2009, https://nghiencuubiendong.vn/bien-dong-dia-chien-luoc-va-tiem-nang-kinh-te.44077.anews
[2] Yoji Koda, “Japan’s Perceptions of and Interests in the South China Sea“, The National Bureau of Asia Research, 01/2016, p. 32. https://www.nbr.org/asia-policy/
[3] Trần Bông, Biển Đông: Địa chiến lược và Tiềm năng kinh tế, Nghiên cứu Biển Đông, ngày 29 tháng 12 năm 2009, https://nghiencuubiendong.vn/bien-dong-dia-chien-luoc-va-tiem-nang-kinh-te.44077.anews
[4] Bình Giang, Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới: Nga, Trung bị gọi là ‘cường quốc xét lại’,Tiền Phong, 19 tháng 12 năm 2017, https://tienphong.vn/my-cong-bo-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-moi-nga-trung-bi-goi-la-cuong-quoc-xet-lai-post997773.tpo
[5] Japan Ministry of Foreign Affair, A New Foreign Policy “Free and Open Indo-Pacific”, https://www.mofa.go.jp/files/000430632.pdf
[6] Japan Ministry of Foreign Affair, A New Foreign Policy “Free and Open Indo-Pacific”, https://www.mofa.go.jp/files/000430632.pdf
[7] Japan Embassy in ASEAN, A New Foreign Policy Strategy: “Free and Open Indo-Pacific Strategy”, https://www.asean.emb-japan.go.jp/files/000352880.pdf
[8] “Nhật Bản: Phán quyết của PCA về Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý”. Thông tấn xã Việt Nam, ngày 01 tháng 9 năm 2016.https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-phan-quyet-cua-pca-ve-bien-dong-co-tinh-rang-buoc-phap-ly-post395639.vnp
[9] Japan Ministry of Foreign Affair,Overview of the International Situation and Outlook for Japan’s Diplomacy, 2024 https://www.mofa.go.jp/files/100690596.pdf
[10] Japan Ministry of Foreign Affairs, Updating the “Vientiane Vision: Japan’s Defense Cooperation Initiative with ASEAN”, 2017, https://www.mod.go.jp/en/d_act/exc/admm/06/vv2_en.pdf
[11] Nguyễn Q. Thắng (2008), Hoàng Sa – Trường Sa lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế, Nxb Tri thức
[12] Cabinet Secretariat, National Security of Japan, 12/2022. https://www.cas.go.jp/jp/siryou/221216anzenhoshou/nss-e.pdf
[13] Japan Ministry of Foreign Affairs,Joint Vision Statement from the Leaders of Japan, the Philippines, and the United States, April 11, 2024 https://www.mofa.go.jp/files/100652855.pdf
[14] The White House, The Wilmington Declaration Joint Statement from the Leaders of Australia, India, Japan, and the United States, September 21, 2024, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/09/21/the-wilmington-declaration-joint-statement-from-the-leaders-of-australia-india-japan-and-the-united-states/
[15] Embassy of Japan in the Philippines, JS AKEBONO participates in the Philippines-US-Australia-Japan Maritime Cooperative Activity (MCA), April 7, 2024, https://www.ph.emb-japan.go.jp/itpr_ja/11_000001_01421.html
[16] Jesse Johnson, Japan, U.S. partners hold dueling military drills with China in South China Sea, the Japan Times, September 28, 2024, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/09/28/asia-pacific/us-japan-partners-china-south-china-sea/
[17] Japan Ministry of Defense, Achieving the “Free and Open Indo-Pacific (FOIP)” Vision Japan Ministry of Defense’s Approach, 2021, https://www.mod.go.jp/en/d_act/exc/india_pacific/indo_pacific_e_2021.pdf
[18] Nhật Bản bàn giao hệ thống radar giám sát mới cho Philippines, ngày 30 tháng 04 năm 2024, VOV.vn, https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-ban-giao-he-thong-radar-giam-sat-moi-cho-philippines-post1092242.vov
[19] Japan Ministry of Defense, Achieving the “Free and Open Indo-Pacific (FOIP)” Vision Japan Ministry of Defense’s Approach, 2021, https://www.mod.go.jp/en/d_act/exc/india_pacific/indo_pacific_e_2021.pdf
[20] Đức Thu, Tàu Hải quân Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh thăm xã giao Việt Nam, Tàu Hải quân Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh thăm xã giao Việt Nam, Báo hải quân, ngày 23 tháng 6 năm 2023, https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/tau-hai-quan-nhat-ban-cap-cang-quoc-te-cam-ranh-tham-xa-giao-viet-nam
[21] Đức Thu, Tàu Hải quân Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh thăm xã giao Việt Nam, Tàu Hải quân Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh thăm xã giao Việt Nam, Báo hải quân, ngày 23 tháng 6 năm 2023, https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/tau-hai-quan-nhat-ban-cap-cang-quoc-te-cam-ranh-tham-xa-giao-viet-nam
[22] Japan Ministry of Defense, Vientiane Vision: Japan’s Defense Cooperation Initiative with ASEAN, 2017, https://mod.go.jp/en/images/161116_1.pdf
[23] Cabinet Secretariat, National Security of Japan, 12/2022. https://www.cas.go.jp/jp/siryou/221216anzenhoshou/nss-e.pdf
[24] Đàm Linh, Diễn biến xung quanh căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông, VTV online, ngày 03 tháng 05 năm 2024, https://vtv.vn/the-gioi/dien-bien-xung-quanh-cang-thang-moi-giua-trung-quoc-va-philippines-tren-bien-dong-20240503121157222.htm
[25] Nguyễn Thái Giang, Nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Hiệp định Tiếp cận Quân sự Tương hỗ (RAA) giữa Nhật Bản và Philippines và tác động đến an ninh khu vực,, Nghiên cứu biển Đông, ngày 08 tháng 08 năm 2024
[26] Japan Ministry of Foreign Affairs, Agreement between Japan and the Republic of the Philippines Concerning the Facilitation of Reciprocal Access and Cooperation between the Self-Defense Forces of Japan and the Armed Forces of the Philippines, July 8, 2024, https://www.mofa.go.jp/files/100694772.pdf
[27] Thomas Willkins, Enhancing the “Special Strategic Partnership”: Australia and Japan Sign Reciprocal Access Agreement, International Information Network Analysis, https://www.spf.org/iina/en/articles/thomas_04.html
[28] China Ministry of Foreign Affairs, “Foreign Ministry Spokesperson Lin Jian’s Regular Press Conference,” 8 July 2024, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/202407/t20240708_11450025.html
[29] Xu Keyue and Guo Yuandan, “Japan-Philippines RAA ‘encourages Tokyo’s historical revisionism,’” Global Times, 8 July 2024, https://www.globaltimes.cn/page/202407/1315643.shtml
[30] Aries A. Arugay & Mico A. Galang, The Japan-Philippines Reciprocal Access Agreement: Complementing and Cementing the Hub-and-Spokes System, September 13, 2024, Yusok Ishak Institute, https://iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2024/08/ISEAS_Perspective_2024_70.pdf
[31] Reynaldo Rudy Kristian Montolalu, U.S, Indo-Pacific Strategy: The Utilization of the U.S-Australia Military Alliance as part of the U.S balance of power strategy to respond to China influence in Indo-Pacific Region, Jurnal Pertahanan, Vol. 8 No. 2 (2022) pp. 227
[32] Minh Khôi, Nhật Bản có tân thủ tướng, Tuổi trẻ Online, ngày 27 tháng 09 năm 2024, https://tuoitre.vn/nhat-ban-co-tan-thu-tuong-20240927120851884.htm
[33] Sayo Saruta, Government and society are at odds on national security, May 27 2024, Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/commentary/2024/05/27/japan/japan-security-constitution-public-opinion/
[34] Sayo Saruta, Government and society are at odds on national security, May 27 2024, Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/commentary/2024/05/27/japan/japan-security-constitution-public-opinion/
[35] Sayo Saruta, Government and society are at odds on national security, May 27 2024, Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/commentary/2024/05/27/japan/japan-security-constitution-public-opinion/