Mỹ, Nhật Bản và Philippines chia sẻ mối lo ngại chung về hành vi hung hăng, sự bành trướng và tham vọng ngày càng lớn trong khu vực của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự lớn trên thế giới, và trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng hoạt động quân sự của mình một cách mạnh mẽ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, de dọa trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản, Philippines, sự độc lập của Đài Loan và tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhằm tăng cường và đảm bảo an ninh quốc gia trước thách thức chung Trung Quốc, ba quốc gia Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã liên tiếp có những cuộc gặp cấp cao để trao đổi, thảo luận cùng hợp tác tăng cường an ninh thông qua một hiệp ước an ninh giữa 3 quốc gia.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến thăm Nhật Bản trong 5 ngày từ 8-12/2/2023 với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là về an ninh. Tại Tokyo, Tổng thống Marcos đã đạt được nhiều thỏa thuận lớn trong lĩnh vực kinh tế với Nhật Bản. Bên cạnh đó, hai bên cũng đạt được sự đồng thuận trong hợp tác quốc phòng – an ninh và đặc biệt là cùng hướng đến một liên minh tam giác Mỹ – Nhật Bản – Philippines cùng đối phó với những thách thức địa chính trị đang gia tăng từ Trung Quốc. Chuyến thăm của tổng thống Marcos được diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tới thăm Philipines và đồng ý mở rộng khả năng tiếp cận của Mỹ vào các căn cứ quân sự của nước này. Trước đó, Mỹ và Nhật Bản cũng vừa tổ chức đối thoại an ninh 2+2 và Thủ tướng Nhật Bản Kishida cũng đã có chuyến thăm tới Mỹ để gặp Thổng thống Biden để tăng cường mối quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước. Những cuộc gặp cấp cao liên tiếp nhau giữa ba quốc gia và lời đề nghị mở về việc thành lập một liên minh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines được thảo luận trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Marcos đã mở ra một viễn cảnh về một hiệp ước an ninh giữa ba quốc này.
Động lực thúc đẩy hình thành liên minh Mỹ – Nhật – Philippines
Thách thức chung mang tên “Trung Quốc”
Mỹ, Nhật Bản và Philippines chia sẻ mối lo ngại chung về hành vi hung hăng, sự bành trướng và tham vọng ngày càng lớn trong khu vực của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, quân sự lớn trên thế giới, và trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng hoạt động quân sự của mình một cách mạnh mẽ trên Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông, nổi bật là các hành động chiếm đóng đảo trái phép, bồi đắp các thực thể trên biển Đông, tăng cường triển khai lực lượng dân quân, hải quân trên biển để sách nhiễu và đe dọa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác tại Biển Đông (bao gồm Việt Nam, Brunei, Philippines, Indonesia, Malaysia). Đồng thời, họ cũng tăng cường hoạt động tuần tra quân sự, tập trận hải quân thường xuyên tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Những hành động này của Trung Quốc thể hiện một nỗ lực có hệ thống và có tính toán nhằm can thiệp vào các chủ quyền, tự do hàng hải, mà tất cả các quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế. Sách Trắng “Quốc phòng trong kỷ nguyên mới” của Cộng hòa nhân dân Trung Quốc đã phác thảo tham vọng lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Hoàng Hải, Đài Loan và Ladakh, đồng thời cảnh báo về việc sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu tham vọng này bị đe dọa[1].
Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu phi pháp đối với khoảng 90% khu vực trên Biển Đông, nơi mà các quốc gia Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei có tuyên bố chủ quyền và nỗ lực thay đổi hiện trạng biển Đông theo tuyên bố này thông qua hoạt động xây dựng trên các đảo chiếm đóng trái phép, cùng hoạt động khoan dầu khí và đánh bắt tận diệt tại Biển Đông. Theo tờ The National Interest, Trung Quốc đã thiết lập nhiều cơ sở quân sự tại Biển Đông, trong đó có các sân bay tại bãi cạn Subi, Bãi đá Vành Khăn và Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp[2]) cùng với các cơ sở hạ tầng tên lửa, radar và trực thăng. Đây là những cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc quản lý máy bay quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu và tàu tuần tra[3]. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn bị nhiều quốc gia trong khu vực gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia lên án về nhiều hành vi hung hăng, khiêu khích, có thể gây leo thang căng thẳng dẫn tới xung đột như đâm chìm tàu cá của ngư dân, chĩa vũ khí vào tàu tuần tra của Philippines, phun vòi rồng,… trong chính vùng biển thuộc chủ quyền của các nước này. Trung Quốc cũng thường xuyên tập trận ở Biển Đông, trong đó có cả bắn đạn thật và hoạt động thử tên lửa. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 18 cuộc tập trận chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021[4]. Họ cũng đã ngang nhiên chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012. Kể từ đó, các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã án ngữ xung quanh bãi cạn này để ngăn cản và xua đuổi tàu của ngư dân Philippines muốn tiếp cận bãi cạn Scarborough. Sau đó, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc Tòa Trọng tài Thường trực The Haye (PCA). Năm 2016, Trọng tài quốc tế PCA đã đưa ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn, đồng thời khẳng định “các hoạt động của Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biển xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982”[5], tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này. Đây trở thành hòn đá chắn ngang mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc.
Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại vùng biển Hoa Đông (Trên thực tế Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku và Trung Quốc cũng đồng thời khẳng định chủ quyền, gọi nó là Điếu Ngư). Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường gia tăng áp lực hàng hải đối với Nhật Bản ở vùng biển này. Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Hoa Đông xung quanh Đài Loan và gần Nhật Bản thông qua việc tuần tra quân sự, tập trận hải, không quân trên vùng biển này. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết các máy bay quân sự, tàu tuần tra của Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản và tần suất ngày một gia tăng. Tháng 8/2022, Trung Quốc đã thực hiện tập trận quân sự trong không phận và vùng biển xung quanh Đài Loan nhằm phản ứng lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, nhưng cuộc tập trận đã thực hiện bắn tên lửa ra vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Nhật Bản[6]. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng cho biết rằng một tàu thăm dò của Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển của Nhật Bản 5 lần trong năm 2022. Những bước đi của Trung Quốc đang đẩy Nhật Bản phải lựa chọn việc lùi bước hoặc vươn lên để duy trì quyền kiểm soát của mình đối với Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cùng với đó, Trung Quốc là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, tiềm lực quân sự ngày một gia tăng với số lượng quân nhân đông đảo và vũ khí hiện đại. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ), Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2022 lên tới ít nhất 229 tỷ USD[7]. Trong khi đó, ngay cả với kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng mới của Nhật Bản, chi tiêu hằng năm của Nhật Bản tới năm 2027 chỉ mới vào khoảng 80 tỷ USD. Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng phản ánh năng lực quân sự ngày càng được nâng cao của Trung Quốc, đồng thời là sự gia tăng thách thức đối với các quốc gia xung quanh, nhất là các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia…
Dự tính chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc qua các năm. Nguồn: China Power Project[8]
Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng sử dụng vũ lực để thúc đẩy các yêu sách của mình ở Biển Đông, là hai cuộc tấn công quân sự và đụng độ với hải quân Việt Nam để giành lấy các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) năm 1974 và 1988[9]. Gần đây hơn, Trung Quốc đã chiếm giữ Bãi đá Vành Khăn năm 1994 và bãi cạn Scarborough năm 2012 (trước đó thuộc quyền kiểm soát của Philippines)[10]. Ngoài ra, Trung Quốc còn thường xuyên sử dụng các biện pháp vũ lực nhằm răn đe, phá hỏng, làm hư hại và đuổi ngư dân khỏi vùng biển tranh chấp, trong đó có ngư dân Việt Nam, Philippines. Philippines đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc vì tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm, bị phun vòi rồng. Philippines đã đệ trình 77 đơn khiếu nại chống lại các hoạt động của Trung Quốc trên biển[11], bao gồm sự kiện tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia “Laser cấp quân sự” vào tàu hải quân của Philippines và làm mù mắt thủy thủ trên tàu đầu tháng 2/2023. Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine, xu hướng sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia gia tăng. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu cần để “thống nhất” Đài Loan. Trong khi đó, Nhật Bản nhấn mạnh rằng cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản, các nhà lãnh đạo ở Tokyo cho rằng bất kỳ cuộc xung đột nào ở Đài Loan đều mang rủi ro cao sẽ lan sang các đảo gần đó của Nhật Bản, và không loại trừ Trung Quốc sẽ “một công đôi việc” giành lấy quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/ Điêu Ngư từ tay Nhật Bản.
Đối với Mỹ, Mỹ coi những nỗ lực nhằm kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho an ninh khu vực, tự do hàng hải và cả trật tự thế giới. Mục tiêu của Mỹ là duy trì tự do hàng hải tại khu vực biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời giữ vững môi trường an ninh đã được thiết lập với sự độc lập của Đài Loan. Xét về vị trí địa chính trị, Đài Loan nằm ở trung tâm của chuỗi đảo đầu tiên của tây Thái Bình Dương. Vị trí then chốt của Đài Loan ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phục vụ một số mục đích chiến lược cho các cường quốc trong khu vực, cả tấn công và phòng thủ. Do đó, nếu Đài Loan bị đe dọa hoặc gặp khủng hoảng, nó sẽ không chỉ có tác động nghiêm trọng đến vận tải biển và hậu cần toàn cầu mà còn có tác động đến trật tự chính trị và kinh tế của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Lợi ích mà liên minh có thể mang lại cho 3 quốc gia
Từ lâu nay, khi đối mặt với mối đe dọa an ninh, các quốc gia thường tìm cách giải quyết theo hai hướng. Một là tự củng cố năng lực bản thân, đây là cách được nhiều quốc gia lựa chọn, bởi nó không phụ thuộc vào thiện chí thực hiện cam kết của đồng minh, và không bị ràng buộc bởi những mối rủi ro khác từ đồng minh. Tuy nhiên, khi sức mạnh của một quốc gia với bên đối thủ có sự chênh lệch đáng kể, những nước yếu hơn thường tìm kiếm đồng minh với các bên thứ 3 mà cũng có quan điểm rằng cường quốc kia là mối đe dọa. Đối với nước mạnh khi tham gia liên minh, họ sẽ nhận được sự mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị, gia tăng khả năng tiếp cận và theo dõi các hành động của đối thủ.
Chiến lược của Nhật Bản gần như đã rõ ràng khi nước này thay đổi Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng vào tháng 12/2022 trong đó nêu rõ Nhật Bản sẽ tăng cường liên minh với Mỹ, hợp tác với các đồng minh và đối tác khác, đồng thời tự nâng cao năng lực quốc phòng bằng cách nâng mức chi tiêu quốc phòng từ 1% GDP lên 2% vào năm 2027. Narushige Michishita, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính sách Sau đại học Quốc gia ở Tokyo khẳng định “Philippines là một đối tác an ninh quan trọng đối với Nhật Bản. Bất kỳ cuộc xung đột nào ở eo biển Đài Loan sẽ khiến Biển Philippines trở nên quan trọng về mặt chiến lược”. Đài Loan, nằm giữa Nhật Bản và Philippines, đã trở thành tâm điểm tăng cường hoạt động quân sự của Trung Quốc mà Nhật Bản và Mỹ lo ngại có thể leo thang thành chiến tranh nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để “thống nhất” Đài Loan. Mối quan hệ đồng minh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines sẽ cho phép Nhật Bản khai thác tốt hơn vị trí của Philippines để tăng cường đối trọng với Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của Mỹ.
Mối quan hệ hợp tác với Mỹ và Nhật Bản – trong cả song phương lẫn ba bên, đều có thể giúp Philippines xây dựng động lực và cho phép nước này phản ứng tốt hơn trước những thách thức từ Trung Quốc. Sự hiện diện quân sự của Nhật Bản và Mỹ ở Philippines cũng có thể giúp chính quyền Marcos kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiệp ước liên minh sẽ giúp Philippines nâng cấp tiềm lực quốc phòng nhờ sự thuận lợi trong tiếp cận hệ thống vũ khí hiện đại từ hai quốc gia hàng đầu và hợp tác huấn luyện, đào tạo quân đội. Mối quan hệ liên minh 3 bên cũng sẽ tạo cơ sở để Philippines bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nếu trong tương lai Trung Quốc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Biển Đông theo yêu sách đường chín đoạn, hiệp ước liên minh ba bên sẽ cho phép quân đội Mỹ và Nhật Bản hỗ trợ quân đội Philippines. Dù khả năng này được các chuyên gia đánh giá là thấp và chưa có khả năng xảy ra, sự hậu thuẫn từ hai trong số những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giúp đỡ Philippines rất nhiều trong công cuộc chống lại Trung Quốc.
Mặc dù có sự chênh lệch lớn về tiềm lực quân sự của Philippines so với Mỹ và Nhật Bản. Philippines có một thứ rất quan trọng mà Mỹ và Nhật Bản rất cần nếu cả hai muốn bao vây trung Quốc: vị trí chiến lược tại Châu Á – Thái Bình Dương. Philippines cũng là một cửa ngõ vào Thái Bình Dương và các vùng biển phía nam của Nhật Bản, đóng vai trò là trở ngại địa lý đối với Trung Quốc và là tuyến phòng thủ cấp hai của Hoa Kỳ (đầu tiên là Đài Loan), chống lại bất kỳ sự bành trướng nào của Trung Quốc vào Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ kiểm soát phần lớn thông qua một số vùng lãnh thổ (Palau, Guam và Hawaii, trong số những vùng lãnh thổ khác). Tính đến hiện nay, sự đấu tranh không ngừng nghỉ của Philippines trên Biển Đông và các diễn đàn quốc tế đã đóng góp vào công cuộc chống lại Trung Quốc thâu tóm Biển Đông. Mỹ và Nhật Bản cũng coi Philippines là địa điểm chiến lược nhất để phát động phản ứng nhanh nhất trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. Nếu không có Philippines, Trung Quốc sẽ tự do trị vì ở Biển Đông. Xem xét những điều này, Philippines nên tận dụng giá trị của mình như một đối tác chiến lược không phải vì họ có một quân đội hùng mạnh, mà vì vị trí địa lý của họ có thể phục vụ rất nhiều lợi ích của Mỹ và Nhật Bản.
Với tư cách là “người bảo lãnh” và là đối tác an ninh chiến lược chính cho Nhật Bản và Philippines, Mỹ thành lập một mạng lưới các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc và ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng như mối đe dọa với Đài Loan. Sự phối hợp giữa các đồng minh ở Thái Bình Dương sẽ cho phép Mỹ kiểm soát và tham dự vào phần lớn các đảo nằm dọc theo chiều dài của bờ biển Trung Quốc. Tầm nhìn xa của các nhà chiến lược Mỹ nhắm vào hai chủ thể quan trọng tại khu vực này là Đài Loan và Biển Đông, một liên minh chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự với Nhật Bản và Philippines cho phép Mỹ chủ động trong kế hoạch an ninh tại khu vực này, với mục tiêu giữ Đài Loan độc lập và Biển Đông tự do. Mối quan ngại chính của Mỹ đối với sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông là nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của châu Á ra Thái Bình Dương, và là tuyến đường hàng hải quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới với giá trị hàng hóa trị giá trung bình 5.000 tỷ USD mỗi năm. Nếu để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, ngoài sự tự do hàng hải bị đe dọa, Mỹ đối mặt với một đe dọa trực tiếp hơn là Trung Quốc dễ dàng bành trướng ra Thái Bình Dương, mà ở bờ bên kia chính là Mỹ.
Ba quốc gia có thể bổ sung cho nhau về những lợi thế, bao gồm vị trí, sức mạnh quân sự, lợi ích kinh tế và nhất là đảm bảo an ninh chiến lược cho nhau. Tống thống Marcos nói với Kyodo News rằng một hiệp ước liên minh như vậy có thể là yếu tố chủ chốt trong việc mang lại sự ổn định cho tất cả các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt xung quanh mình, điều này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ ba bên trong những tình huống phức tạp và nguy hiểm. Những điều này là cơ sở để Mỹ, Nhật Bản và Philippines xích lại gần nhau và gắn kết đồng lòng để cùng bảo vệ lợi ích quốc gia trước mối đe dọa chung là Trung Quốc.
Cơ sở thành lập liên minh
Mối quan hệ song phương giữa ba quốc gia đang diễn ra tốt đẹp:
Mỹ và Nhật Bản có mối quan hệ liên minh lâu đời và bền chặt. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mối quan hệ kinh tế song phương Mỹ-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ và sâu sắc nhất của Mỹ trên thế giới. Nhật Bản đã đầu tư hơn 480 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ và các công ty thuộc sở hữu của Nhật Bản hỗ trợ 860.000 việc làm tại Hoa Kỳ[12]. Trong lĩnh vực an ninh, Mỹ cam kết mạnh mẽ với quốc phòng của Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật năm 1960. Hiện tại có khoảng 55,000 quân nhân Mỹ đóng tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng nhập khẩu hơn 90% sản phẩm quốc phòng từ Mỹ[13]. Mới đây, tháng 12/2022, Nhật Bản đã có sự điều chỉnh chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác an ninh với Mỹ. Ngày 16/2/2023 vừa qua, Lực lượng Phòng vệ Trên bộ Nhật Bản và Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên “Quả đấm sắt” kéo dài 1 tháng ở khu vực Tây Nam Nhật Bản[14].
Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã được cải thiện đáng kể từ sau khi ông Marcos nhậm chức Tổng thống Philippines. Gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao là cơ sở để hai bên chia sẻ quan điểm và thúc đẩy hợp tác, hàn gắn mối quan hệ sau quãng thời gian lạnh nhạt trong thời kỳ tổng thống Duterte khi ông ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc hơn. Tháng 11/2022, Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris cũng đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Philippines, Ông Marcos cũng đã gặp Tổng thống Biden hai lần kể từ ngày ông đắc cử Tổng thống Philippines mùa hè năm ngoái[15]. Mỹ và Philippines đã nhất trí nối lại đối thoại an ninh “2+2” ngày 20/1/2023 sau 7 năm đình trệ dưới thời cựu tổng thống Duterte. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Austin cũng đã có chuyến thăm đến Philippines và đạt được thỏa thuận về việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines thông qua việc tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của nước này, ngoài 5 địa điểm hiện nay. Thỏa thuận này là sự mở rộng của Thỏa thuận tăng cường Hợp tác quốc phòng (EDCA). Thỏa thuận này sẽ tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi nước này có các hiệp ước quân sự với các quốc gia trải dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía Bắc, đến Thái Lan và Philippines, xa hơn là Úc ở phía Nam.
Các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có hiệp ước quân sự với Mỹ. Ảnh: The Guardian
Lầu Năm Góc cũng cho biết Mỹ và Philippines đã hoàn thành thảo luận và đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông. Để thúc đẩy hơn nữa khả năng tương tác quân sự, Mỹ và Phillippines đã nhất trí tham gia vào 496 cam kết an ninh và phòng thủ song phương vào năm 2023, hơn 35 so với năm 2022. Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Manila tuyên bố 100 triệu USD sẽ được cấp cho Philippines vì quyết định của mình về về một thỏa thuận thiết bị quân sự với Nga. Trong hai năm tới, Hoa Kỳ cũng sẽ đầu tư 70 triệu USD vào khả năng phòng thủ hợp tác và mở rộng EDCA[16].
Quan hệ Nhật Bản – Philippines hiện đang ở đỉnh cao. Nhật Bản và Philippines là Đối tác Chiến lược của nhau. Nhật Bản đã là một nhà đầu tư hàng đầu, một điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Philippines. Phần lớn cơ sở hạ tầng công cộng hiện đại của Philippines, đặc biệt là ở khu vực thủ đô, đã được Nhật Bản xây dựng hoặc tài trợ. Và không giống như Trung Quốc, các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật Bản có xu hướng có chất lượng cao hơn, sử dụng nhiều người dân địa phương hơn, được tài trợ với lãi suất thấp hơn[17]. Nhật Bản cũng là đối tác an ninh quan trọng đối với Philippines. Họ cung cấp các tàu đa năng và máy bay trinh sát TC-90 cho lực lượng thủy quân lục chiến Philippines trong những năm gần đây. Gần đây nhất, trong chuyến thăm Nhật Bản và gặp Thủ tướng Fumio Kishida của Tổng thống Marcos từ ngày 8-12/2/2023, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận phòng thủ nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự tại hai quốc đảo. Thỏa thuận này cho phép binh sĩ Nhật Bản hoạt động tại Philippines về hỗ trợ nhân đạo và các tính huống bất ngờ liên quan đến thiên tai. Đây được xem là bước đầu tiên hướng tới các hợp tác phòng thủ rộng lớn hơn giữa hai nước. Thủ tướng Kishida cho biết thỏa thuận này sẽ được theo sau bởi các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm tăng cường mối quan hệ phòng thủ và cho phép chuyển giao thiết bị và công nghệ cho Philippines, bao gồm cả hệ thống Radar giám sát trên không[18].
Mỹ, Nhật Bản và Philippines cũng đã có các cuộc tập trận quân sự với nhau, gần đây nhất là tháng 10/2022.
Khai mạc cuộc tập trận chung KAMANDAG giữa Thủy quân lục chiến Philippines, Mỹ và Nhật Bản, ngày 28/09/2021. Ảnh: PMC
Mối quan hệ riêng lẻ tốt đẹp giữa từng quốc gia là nền tảng vững chắc để thành lập nên một liên minh đoàn kết và vững mạnh. Ông Gregory Poling (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ) cho rằng đã hội tụ thời cơ lẫn điều kiện để Mỹ – Nhật – Philippines hoàn thiện một liên minh[19].
Định hướng của liên minh ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines trong tương lai
Có thể thấy rõ động lực thúc đẩy chính trong việc thành lập hiệp ước liên minh ba bên chính là nhằm tăng cường và đảm bảo an ninh quốc gia trước thách thức chung Trung Quốc. Trung Quốc hiện lên như một thế lực “phản diện” đe buộc 3 quốc gia này phải cùng bắt tay chống lại nó. Chính động lực này phản ánh bản chất mối quan hệ liên minh nếu có giữa ba quốc gia là sự tập trung vào lĩnh vực quân sự – quốc phòng thay vì chỉ là một liên minh an ninh trên danh nghĩa.
Sự mờ nhạt của QUAD và AUKUS trong khoảng thời gian hiện tại có thể tạo điều kiện để 3 quốc gia thành lập một liên minh quân sự mới để tăng cường an ninh trong khu vực. Trong năm 2022, kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, QUAD và AUKUS đã mờ nhạt dần. Vốn dĩ, QUAD còn không phải là một liên minh quân sự, dù tuyên bố “tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” – đi ngược với chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc, QUAD còn thảo luận về các vấn đề các vấn đề từ kinh tế đến an ninh toàn thế giới ví dụ như dịch bệnh, vắc-xin, biến đổi khí hậu, tình hình Afghanistan… chứ không chỉ tập trung vào Trung Quốc. Do đó, QUAD không có nhiều ý nghĩa trong việc kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự. Trong khi đó, AUKUS là một thỏa thuận an ninh tập trung vào lĩnh vực quân sự đúng nghĩa lại đang dần chìm xuống. AUKUS đã triển khai dự án đầu tiên là hỗ trợ Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân năm 2021. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn WION (Ấn Độ), kể từ khi thay đổi chính quyền ở Úc năm 2022, hiệp ước quân sự ba bên AUKUS dường như đã mất hút[20]. Tháng 7/2022, tân Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã nói rằng “vũ khí công nghệ cao” “quan trọng hơn” so với “tàu ngầm hạt nhân” đối với Úc, điều này làm dấy lên nghi ngờ về thỏa thuận AUKUS. Chính điều này củng cố thêm vào định hướng quan hệ liên minh giữa ba quốc gia Mỹ – Nhật Bản – Philippines là liên minh quân sự và chỉ có thể là quân sự. Mỹ cần 1 liên minh với cam kết mạnh mẽ và chặt chẽ hơn củng cố lại hai gọng kìm QUAD và AUKUS cũng như chiến lược an ninh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là kiềm chế Trung Quốc. Một liên minh an ninh tương tự QUAD không tạo ra đủ áp lực và kết quả có ý nghĩa đối với mục tiêu của cả ba bên.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Marcos tới Nhật Bản, Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) song phương giữa hai quốc gia vẫn chưa chính thức hình thành. Nếu được thúc đẩy, thỏa thuận an ninh giữa Nhật Bản và Philippines có thể là VFA hoặc các hiệp ước tương tự cho phép hai nước có quyền truy cập vào các căn cứ và cơ sở quân sự của nhau. Hiện tại Mỹ có có các hiệp ước an ninh riêng biệt với cả Nhật Bản và Philippines. Cầu nối cuối cùng còn thiếu là giữa Philippines và Nhật Bản, đây là điểm mấu chốt để ba bên tiến lên đạt một thỏa thuận ba bên trên lĩnh vực quân sự. Hiệp ước này sẽ cho phép ba bên tăng cường hợp tác quân sự, từ hoạt động mua bán vũ khí, thiết bị quốc phòng đến việc đào tạo, huấn luyện binh sĩ và cả tập trận chung đến việc truy cập các căn cứ quân sự tại các điểm an ninh chủ chốt và các khu vực nhạy cảm. Trong đó, Quân đội Mỹ có thể tiếp cận Trung Quốc trên biển từ cả hai đường Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa ba bên và hạn chế sự chi phối từ Trung Quốc, liên kết ba bên cũng cần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ba quốc gia, nhất là tăng cường lợi ích kinh tế cho Philippines. Nếu Philippines lựa chọn tham gia vào liên minh của Mỹ và Nhật Bản, đồng nghĩa với việc chấp nhận từ bỏ mối quan hệ với Trung Quốc. Việc của Mỹ và Nhật Bản là cân bằng lại lợi ích kinh tế của Philippines. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines trong nhiều năm liên tiếp, là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của hàng hóa Philippines, cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Một khi thiết lập hiệp ước liên minh ba bên, sẽ không tránh khỏi những hạn chế trong hợp tác kinh tế giữa Philippines, Nhật Bản với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ dùng áp lực kinh tế để phản ứng lại liên minh này, để hạn chế những tác động đến sự phát triển kinh tế của Philippines và Nhật Bản, ba quốc gia phải đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thay thế thị trường Trung Quốc.
Khả năng thành lập liên minh Mỹ – Nhật Bản – Philippines
Tuy nhiên, việc thành lập liên minh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines vẫn cần thêm thời gian thảo luận và có vẻ sẽ không có một thỏa thuận trong thời gian ngắn.
Thứ nhất, thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines được nhắc tới trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Marcos chỉ mới là một khái niệm cần thảo luận thêm. Mặc dù Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila (Philippines) xác nhận rằng Tổng thống Marcos cùng Thủ Tướng Kíhida đã đồng ý “thúc đẩy việc hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Philippines”[21], tất cả những gì hiện tại chỉ mới là sự khởi đầu và ở cấp độ “thúc đẩy” chứ chưa phải là “thành lập”. Tổng thống Philippines Marcos ngày 12/2/2023 cũng cho biết Nhật Bản và Philippines chưa bàn luận chi tiết về vấn đề này, đây chỉ là một đề xuất cần sự thảo luận chi tiết giữa ba bên[22].
Thứ hai, Philippines – giống như hầu hết các quốc gia vừa và nhỏ khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, không muốn bị kéo vào cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại New York vào tháng 9/2022, Tổng thống Marcos đã đến thăm Trung Quốc hồi tháng 01/2023 để thảo luận về cá lĩnh vực hợp tác tiềm năng bất chấp những tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông, đồng thời cũng tìm kiếm giải pháp để giải quyết những xung đột này trong hòa bình. Sau chuyến thăm Nhật Bản, dù đạt được kết quả tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, Tổng thống Marcos vẫn còn để ngỏ khả năng có Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) với Nhật Bản, đồng thời cũng tuyên bố sẽ thận trong trong theo đuổi Hiệp ước với Nhật Bản vì có thể làm tăng căng thẳng với các quốc gia khác[23]. Philippines có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm các cách thỏa hiệp để tránh xung đột hơn là chỉ đơn giản là đứng hoàn toàn về phía Mỹ.
Thứ ba, “một lần mất tin, vạn lần mất tín”, khi sự kiện bãi cạn Scarborough diễn ra vào năm 2012, Philippines đã yếu cầu Mỹ hỗ trợ và nhận lại sự thất vọng trước sự im lặng của Mỹ. Trước năm 2021, cách giải thích của mình về Hiệp ước Phòng thủ Lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines là hiệp ước không bao gồm Biển Tây Philippines (Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam) hoặc các vùng biển tranh chấp. Năm 2021, Mỹ đã thay đổi cách giải thích của mình về Hiệp ước Phòng thủ Lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines, rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào các tàu hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Tây Philippines, sẽ kích hoạt các nghĩa vụ hiệp ước của Mỹ để bảo vệ Philippines[24]. Nỗi sợ hãi bị bỏ rơi đã ăn sâu vào nhận thức của Philippines về mối quan hệ liên minh, sự thiếu chủ động và cam kết hỗ trợ của Mỹ đã để lại một ấn tượng xấu đối với Philippines.
Thứ tư, Mặc dù cả ba quốc gia đều phải đối mặt với thách thức chung Trung Quốc, giữa ba quốc gia vẫn còn sự khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa. Trong khi Nhật Bản cũng như Mỹ lo ngại về việc tăng cường hạt nhân của Trung Quốc và cuộc tấn công vũ lực vào Đài Loan, Philippines không đề cao mối đe dọa này bằng việc Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông và các hành động gây căng thẳng trên vùng biển này. Mỹ muốn duy trì điều hướng tự do và cởi mở trong khu vực, trong khi Philippines đặt mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Cùng với đó, quan điểm về mối đe dọa quốc gia có thể thay đổi tùy theo góc nhìn của người lãnh đạo đất nước của Philippines. Trong khi cả Mỹ và Nhật Bản đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia, Philippines dưới sự lãnh đạo của những vị tổng thống khác nhau có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Dưới chính quyền Duterte, Philippines đã rời bỏ mối quan hệ liên minh với Mỹ và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống đương nhiệm Marcos đưa chiến lược cân bằng mới trong mối quan hệ giữa Philippines với cả Mỹ và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã được cải thiện kể từ khi ông Marcos nhậm chức Tổng thống. Ngoài ra, là một nền kinh tế tiên tiến, Nhật Bản đã có khả năng hấp thụ sự ép buộc kinh tế tốt hơn và khả năng quân sự tốt hơn Philippines để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc. Sự khác biệt về năng lực quốc gia cũng dẫn đến sự khác biệt trong chiến lược tiếp cận vấn đề của ba nước này.
Thứ năm, mặc dù Bộ tứ An ninh QUAD và liên minh quân sự AUKUS đã không hoạt động hiệu quả trong năm 2022, QUAD và AUKUS vẫn đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong đó, QUAD đang được kỳ vọng sẽ thu hút sự chú ý trở lại trong năm 2023 khi thế giới chuyển hướng sang gây áp lực lên Trung Quốc và vấn đề Đài Loan. Mỹ đóng vai trò lãnh đạo trong cả hai cơ chế an ninh QUAD và AUKUS. Nếu thành lập liên minh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines, Mỹ tiếp tục là anh cả chi phối liên minh này. Trong bối cảnh Mỹ tập trung nhiều vào cuộc xung đột ở Ukraine, hai nhóm liên kết kể trên đã không còn được ưu tiên, sự xuất hiện của thêm 1 nhóm liên kết nữa có thể không đạt được hiệu quả cao nhất như 3 bên vẫn kỳ vọng. Mỹ có thể tạm dừng liên minh này để giải quyết những vấn đề hiện có, là khủng hoảng Ukraine và củng cố lại hai liên minh đã có trước khi đưa ra một liên minh mới.
Cuối cùng, triển vọng chiến lược của Philippines và Nhật Bản sẽ được định hình bởi quan điểm tổng thể của Mỹ, vì chỉ có Mỹ hiện có sức nặng cần thiết để cân bằng Trung Quốc. Trong khi đó, khái niệm “liên minh 3 bên” được đề xuất trong cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Kishida chứ không phải là một cuộc gặp có đủ 3 bên, chưa kể nhân tố quyết định là Mỹ đã không hề có trong cuộc thảo luận này.
Tác động có thể có nếu liên minh được thành lập
Dựa trên động lực thành lập liên minh, sự hình thành hiệp ước quân sự ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines chắc chắn sẽ có ý nghĩa trong việc kiềm chế các hành động khiêu khích, bá quyền của Trung Quốc trên biển bao gồm cả Biển Hoa Đông và Biển Đông. Sự tham gia sâu hơn của Mỹ vào khu vực này cũng góp phần cân bằng quyền lực với Trung Quốc tuy nhiên cũng làm suy giảm vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà các nước này đang thúc đẩy. Đồng thời, sự bóc tách Philippines ra khỏi tầm nhìn chung của ASEAN để tham gia vào liên minh cũng sẽ gây ra sự chia rẽ trong ASEAN. Một ASEAN suy yếu và chia rẽ mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh chiến lược là Trung Quốc.
Đồng thời, sự hiện diện của nhiều bên, nhất là lực lượng quân đội của các nước tiên tiến cũng gián tiếp làm phức tạp tình hình biển Đông. Nếu liên minh này được thành lập, một trong những hành động của liên minh sẽ là ưu tiên phát triển năng lực quân sự của Philippines, cùng với sự hiện diện của quân đội các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ làm gia tăng áp lực an ninh đối với các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei… Từ đó gián tiếp tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang nhằm tăng cường năng lực quân sự của các nước. Cuối cùng là tăng nguy cơ quân sự hóa biển Đông vì sự hiện diện đông đảo của lực lượng quân đội từ nhiều bên.
Tác giả: Thi Thi
[1] China’s National Defense in the New Era (2019), The State Council Information Office of the People’s Republic of China
[2] VTV, Chiến hạm Mỹ áp sát đá Chữ Thập và Vành Khăn trên Biển Đông (2019)
[3] Robert Farley, How Much of a Threat Are China’s South China Sea Bases? (2021), The National Interest
[4] Hùng Cường, Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, Báo VOV
[5] T.S. Trần Công Trục, Tìm hiểu vụ Philippines kiện Trung Quốc và Phán quyết của PCA, Báo VOV
[6] David Chu, Understanding the South China Sea Dispute (2023),The Epoch Times
[7] Poling, G., Natalegawa, A. and Fallin, D. Building a U.S.-Japan-Philippines Triad (2023), CSIS.
[8] What Does China Really Spend on its Military? | ChinaPower Project
[9] Lê Bình, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam như thế nào, Báo VOV
[10] Th.S. Lê Như Mai, Trung Quốc chiếm mới các thực thể ở Biển Đông: Bài học lịch sử và quy luật rút ra (2020),, Nghiên cứu Biển Đông
[11] Karen Lema, Philippines says Chinese navy ship spotted near disputed island (2023), Reuters
[12] U.S. Relations With Japan – United States Department of State
[13] U.S. Security Cooperation With Japan, Bureau Of Political – Military Affairs
[14] Đặng Ánh, Mỹ – Nhật Bản tập trận chung (2023), Báo Tin Tức (TTXVN)
[15] DW, Philippines expands US military access amid China tensions (2023)
[16] Poling, G., Natalegawa, A. and Fallin, D. Building a U.S.-Japan-Philippines Triad (2023), CSIS.
[17] Richard Javad Heydarian, The Golden Era of Japan-Philippine Relations Has Arrived (2019), The National Interest
[18] DW, Japan and Philippines agree to boost military ties (2020)
[19] Ngô Minh Trí, Thế cờ vây từ bóng dáng liên minh Mỹ – Nhật – Philippines (2023), Báo Thanh Niên
[20] Vikrant Singh, How NATO, Quad and AUKUS failed the world in 2022 (2022), WION
[21] Esquire Philippines, Why It’s Crucial for Japan and the U.S. to Secure the Philippines’ Cooperation in a Tripartite Alliance (2023)
[22] Phạm Hà, Thỏa thuận 3 bên Mỹ-Nhật-Philippines cần phải thảo luận thêm, Báo VOV
[23] Phạm Hà, Thỏa thuận 3 bên Mỹ-Nhật-Philippines cần phải thảo luận thêm (2023), Báo VOV
[24] Bureau of East Asian and Pacific Affairs https://twitter.com/eAsiaMediaHub/status/1380038416373444609