Tháng 2/2024, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến bất ngờ trong tất cả các lĩnh vực. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 2/2024 và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
CÁC SIÊU CƯỜNG VÀ QUAN HỆ GIỮA CÁC SIÊU CƯỜNG
1. Trung Quốc tiếp tục trì hoãn Hội nghị Trung ương 3. Sự kiện này lẽ ra sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11/2023 nhưng đã bị trì hoãn. Đến nay, sự kiện này tiếp tục được rời lại vào một thời gian chưa xác định. Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc nhằm hoạch định chiến lược đối nội, đối ngoại trong những năm tiếp theo.
2. Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp Liên bang vào ngày 29/2/2024. Thông điệp lần này được ra mắt vào một thời điểm đặc biệt khi “Chiến dịch quân sự đặc biệt” vừa kỉ niệm 2 năm được triển khai.
3. Trung Quốc và Nga tổ chức tham vấn về các vấn đề trong quan hệ song phương. Sự kiện diễn ra tại Thượng Hải trong 2 ngày 26-27/2/2024. Theo đó, 2 nước đã thảo luận nhiều vấn đề trong việc tăng cường hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương cũng như hợp tác ở Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
4. Cuộc đua của các ứng viên Tổng thống Mỹ 2024 bắt đầu nóng lên: Theo đó, cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vẫn là hai ứng viên tiềm năng hàng đầu. Mặc dù vậy, vẫn có những dự đoán về cuộc đua cuối cùng chưa chắc đã là hai ứng viên này.
5. Mỹ và Trung Quốc tiến hành tham vấn hoạch định chính sách đối ngoại từ ngày 27/2 tại Thượng Hải. Hoạt động tham vấn này được thực hiện dưới sự chủ trì của Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc – ông Miêu Đắc Vũ và Giám đốc Cơ quan Tham mưu về hoạch định chính sách cho Ngoại trưởng Mỹ – ông Salman Ahmed.
CHUYỂN BIẾN MỚI TẠI CÁC KHU VỰC
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
1. Indonesia chuẩn bị đón Tân Tổng thống. Ngày 14/2/2024, ông Prabowo Subianto – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của quốc gia vạn đảo đã tuyên bố chiến thắng trong vòng đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống. Mặc dù kết quả chính thức của cuộc bầu cử được công bố vào tháng 3/2024, nhưng chiếc ghế Tổng thống gần như chắc chắn thuộc về ông Prabowo Subianto.
2. Myanmar ban bố tình trạng thiết quân luật tại 2 tỉnh phía Đông. Quyết định này được ban hành vào ngày 28/2 đối với 2 thị trấn Momeik và Mabein thuộc bang Shan, miền Đông Myanmar. Động thái này diễn ra sau hàng loạt các diễn biến căng thẳng tại khu vực này trong bối cảnh xung đột vũ trang bên trong Myanmar vẫn tiếp tục phức tạp.
3. Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới. Các quan chức quốc phòng Philippines tuyên bố sẽ nâng cấp các tiền đồn của họ ở các vùng biển đang tranh chấp. Giới truyền thông và giới nghiên cứu Philippines cũng tìm cách tố cáo Trung Quốc hủy hoại môi trường biển tại các khu vực điểm nóng giữa hai nước. Đồng thời, Philippines và Mỹ đã triển khai tuần tra chung trên các khu vực biển nhạy cảm vào ngày 19/2/2024. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tiếp tục xua đuổi tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough và đưa ra các cảnh báo ngoại giao đối với các động thái của liên minh Mỹ – Philippines.
4. Quan hệ liên Triều tiếp tục gia tăng căng thẳng, các nước xung quanh tìm cách xoa dịu tình hình
– Triều Tiên đơn phương chấm dứt thỏa thuận hợp tác kinh tế Bắc – Nam với Hàn Quốc. KCNA ngày 7/2 cho biết, Bình Nhưỡng đã bãi bỏ luật về hợp tác kinh tế Bắc-Nam, luật về khu du lịch quốc tế núi Kumgang và các quy định thực thi, cũng như các thỏa thuận về hợp tác kinh tế Bắc-Nam với Hàn Quốc.
– Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc yêu cầu Nga chấm dứt quan hệ quân sự với Triều Tiên, đồng thời, Seoul cùng Washington tiếp tục lên án các động thái hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng và Moskva cũng như các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong thời gian qua.
– Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Cuba là nước cuối cùng tại Mỹ Latinh có quan hệ chính thức với Seoul – cũng là quốc gia có quan hệ chính thức thứ 193 của Hàn Quốc. Sự kiện ngoại giao này không gây ảnh hưởng nhiều tới tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng không có bất cứ động thái nào liên quan đến vấn đề này. Nhiều nguồn phân tích cũng đặt kỳ vọng vào việc Cuba sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải cho quan hệ liên Triều vốn đã căng thẳng cao độ trong thời gian vừa qua.
– Quan hệ Triều Tiên – Nhật Bản có động thái tích cực. Theo Yonhap, bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã cho biết vào ngày 15/2/2024 rằng, Triều Tiên vẫn bỏ ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với Nhật Bản đồng thời sẵn sàng mời lãnh đạo Nhật Bản tới thăm Triều Tiên. Động thái này diễn ra sau khi phía Nhật Bản cũng đã bày tỏ những “thành ý” nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng ở khu vực.
Khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương
1. Hội nghị An ninh Munich 2024 được tổ chức từ ngày 16/2 – 28/2/2024. Sự kiện lần này có sự tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Trong 3 ngày làm việc đã có hơn 200 sự kiện liên quan được tổ chức.
2. EU bắt đầu thảo luận về gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga. Cuộc họp của Nghị viện châu Âu về vấn đề này đã diễn ra ngày 28/2/2024, tuy nhiên, tính thống nhất của EU trong việc trừng phạt Nga tiếp tục được thể hiện qua cuộc thảo luận lần này. Trước đó, EU đã đưa 194 cá nhân và các thực thể vào “danh sách đen” thuộc gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga. Trong số này đáng chú ý có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
3. EU triển khai chiến dịch bảo vệ biển Đỏ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã thông báo về chiến dịch bảo vệ lần này nhằm đối phó với các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen. Nhiều quốc gia châu Âu đã tham gia hưởng ứng chiến dịch.
4. Moldova và EU tiếp tục thảo luận về tiến trình gia nhập liên minh. Cuộc thảo luận được diễn ra ngày 1/2/2024 giữa Tổng thống Moldova Maia Sandu và Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Moldova, Đại sứ Janis Mazeiks.
Khu vực Trung Đông & Châu Phi
1. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng Trung Đông vào đầu tháng 2/2024. Theo đó, cuộc họp đã tập trung đánh giá các phán quyết tạm thời của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) liên quan tới những cáo buộc diệt chủng ở Gaza và tình hình cứu trợ nhân đạo tại đây.
2. Iran và Saudi Arabia có tiếng nói chung về vấn đề xung đột tại dải Gaza. Theo đó, cả Iran và Saudi Arabia đã cùng lên án Israel, cam kết tăng cường hợp tác song phương đặc biệt và hợp tác quốc phòng, an ninh.
3. Iraq và Saudi Arabia đạt được thống nhất trong việc ngăn xung đột lan rộng ở Trung Đông. Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein và người đồng cấp Saudi Arabia trong cuộc gặp đầu tháng 2/2024 đã đạt được thỏa thuận duy trì liên lạc song phương nhằm đảm bảo kiểm soát được tình hình xung đột ở dải Gaza, ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng.
4. Mỹ – Ai Cập – Qatar điện đàm thảo luận về tình hình Gaza. 3 nhà lãnh đạo của 3 nước đã tiến hành điện đàm vào ngày 29/2/2024 nhằm tìm kiếm các giải pháp liên quan tới lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo ở dải Gaza.
5. Saudi Arabia tổ chức thành công triển lãm quốc phòng thế giới 2024. Triển lãm Quốc phòng thế giới lần thứ hai đã khai mạc hôm 4/2 tại thủ đô Riyadh và kéo dài đến hết ngày 8/2/2024. Sự kiện này thu hút sự tham gia của hơn 750 đơn vị đến từ 45 quốc gia.
6. ECOWAS nới lỏng trừng phạt với Guinea, Mali. Cuối tháng 2/2024, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã ra tuyên bố nới lỏng trừng phạt đối với Guinea và Mali, điều tương tự cũng đã được thực hiện với Niger trước đó một ngày. Động thái này nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng ở khu vực, sau khi ba nước Burkina Faso, Mali và Niger thống nhất thời điểm rời khỏi ECOWAS.
Khu vực châu Mỹ
1. Argentina phản đối Ngoại trưởng Anh đến thăm quần đảo Malvinas. Quần đảo này được phía Anh gọi là Falkland, là nơi đang tranh chấp giữa Anh và Argentina. Theo đó, ngày 19/2/2024, Thống đốc tỉnh Tierra del Fuego (cực Nam Argentina), ông Gustavo Melella đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh David Cameron tới quần đảo này. Đó cũng là chuyến thăm đầu tiên sau 30 năm của một Ngoại trưởng Anh tới quần đảo mà Argentina tuyên bố chủ quyền nhưng Anh đang kiểm soát trên thực tế. Sự việc khiến quan hệ Anh – Argentina trở nên cănng thẳng trên lĩnh vực ngoại giao.
2. Căng thẳng ngoại giao giữa Brazil và Israel. Sau khi Chính phủ Israel tuyên bố Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva là “người không được chào đón” tại quốc gia Trung Đông này nhằm đáp lại cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng ở dải Gaza của nhà lãnh đạo Brazil, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã gia tăng căng thẳng. Bộ Ngoại giao Brazil đã có động thái triệu hồi Đại sứ Israel tại Brazil để làm rõ quan điểm của Tel Aviv. Trước sự việc này, nhiều nước Mỹ Latinh đã có động thái ủng hộ lập trường của Brazil.
3. Brazil tất bật với các chuyến công du quốc tế. Trong tháng 2/2024, các quan chức cấp cao của Brazil đặc biệt là Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã thực hiện nhiều chuyến công du trong Mỹ Latinh, tới châu Phi và nhiều khu vực khác nhằm tăng cường quan hệ của cường quốc Nam Mỹ này với các đối tác.
NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI TẠI CÁC ĐIỂM NÓNG TRÊN TOÀN CẦU
1. Xung đột Nga – Ukraine đánh dấu tròn 2 năm bùng phát. Phía Nga gọi cuộc chiến này là “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, biến cuộc xung đột này trở thành một “chiến dịch quân sự” kéo dài nhất trong lịch sử quân sự hiện đại. Từ phía Ukraine, sau thất bại của cuộc phản công hè – thu, Ukraine đang lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn khi Mỹ ngừng viện trợ, đẩy trách nhiệm này về phía các nước châu Âu. Để khắc phục tình hình, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có chuyến thăm tới Đức và Pháp nhằm tìm kiếm các cam kết an ninh, giúp Ukraine tiếp tục duy trì cuộc chiến chống Nga.
Một diễn biến đáng chú ý khác, vùng li khai Transnistria (thuộc Cộng hòa Moldova) đã gửi đề nghị Nga giúp đỡ, điều này có thể tạo ra một bước ngoặt đáng kể đối với tình hình xung đột ở Ukraine. Quy mô của cuộc xung đột có thể sẽ được mở rộng, vùng phía Đông Nam Ukraine sẽ đứng trước nhiều thách thức mới.
2. Tình hình phức tạp tại dải Gaza
– LHQ cáo buộc Israel ngăn chặn “có hệ thống” viện trợ vào Gaza. Ngày 27/2/2024, Jens Laerke, phát ngôn viên Văn phòng Điều phối Các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp quốc (OCHA) đã phản ánh việc sơ tán bệnh nhân cũng như đưa hàng viện trợ vào miền Bắc dải Gaza là gần như bất khả thi, trong khi đó ở khu vực miền Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Cơ quan này cáo buộc Israel đang cản trở các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc cứu trợ ở dải Gaza. Nhiều quốc gia đã lên tiếng tố cáo Israel, cho rằng quốc gia Do Thái này đang phạm tội diệt chủng ở dải Gaza.
– Nhiều quốc gia tiếp tục kêu gọi ngừng bắn tại Gaza. Trước các diễn biến hết sức căng thẳng và tính cấp bách trong việc đảm bảo an toàn cho thường dân ở dải Gaza, cộng đồng quốc tế tiếp tục có những động thái kêu gọi các bên ngừng bắn, đáng chú ý có Trung Quốc, Nga, Liên hợp quốc, Ai Cập, Jordan, UAE, Cuba…
– Israel tiếp tục không kích dải Gaza. Các cuộc không kích này đang khiến thương vong của dân thường trong khu vực ngày càng gia tăng. Tính riêng số liệu công bố trong ngày 29/2/2024, đã có ít nhất 70 người thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel. Tình hình xung đột leo thang khiến khả năng đạt được ngừng bắn ngày càng bất khả thi.
– Mỹ phủ quyết Dự thảo nghị quyết về ngừng bắn tại Gaza. Ngày 20/2/2024, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp và bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết về tình hình xung đột tại Gaza. Điều đáng chú ý là Mỹ đã phủ quyết dự thảo này, trong khi đó Anh bỏ phiếu trắng. Động thái này càng làm cho tương lai Gaza trở nên khó lường.
– Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh từ chức trước áp lực đòi cải tổ chính quyền Palestine từ phía Mỹ. Trước những diễn biến mất kiểm soát ở Gaza, ngày 26/2, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Mahmoud Abbas và đơn từ chức của ông đã được chấp thuận. Tổng thống Abbas cũng đã đề nghị ông Mohammad Shtayyeh tạm thời giữ chức Thủ tướng lâm thời cho đến khi tìm được người thay thế.
MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
- Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Đặc biệt, khuyến nghị các nhà nghiên cứu tập trung đánh giá, đưa ra các dự báo về tình hình xung đột ở Ukraine, dải Gaza và căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, căng thẳng tại Biển Đông.
- Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
- Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
- Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. BAN BIÊN TẬP