Tháng 4/2024, nhiều sự kiện bất ngờ đã diễn ra ở trong nước cũng như toàn cầu.Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
MỘT SỐ DIỄN BIẾN ĐÁNG CHÚ Ý TẠI CÁC KHU VỰC CHIẾN LƯỢC
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
1. Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines đã ra tuyên bố chung về Hoạt động Hợp tác Hàng hải (MCA) ngày 5/4/2024. Đồng thời, 4 bên đã tổ chức tập trận trung trên Biển Đông, gần các điểm nóng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã tổ chức tuần tra trên biển, tăng cường giám sát các động thái của liên quân.
2. Căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tháng 4/2024, các bên tiếp tục có những động thái công kích lẫn nhau trên mặt trận ngoại giao. Đồng thời, Trung Quốc đã nhiều lần ngăn chặn tàu Philippines trên biển.
3. Tập trận ‘Balikatan 2024’ (vai kề vai) đã được Mỹ và Philippines khởi động ngày 22/4/2024. Cuộc tập trận thể hiện các cam kết của đồng minh trong việc đoàn kết cùng Philippines ứng phó với các thách thức an ninh mới.
4. Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines ngày 11/4/2024 chưa đưa ra tuyên bố thành lập liên minh mới, nhưng xu hướng này đã dần được định hình.
5. Tam giác Trung Quốc – Nga – Triều Tiên ngày càng được củng cố. Liên quan đến khả năng hình thành và mở rộng các liên kết tiểu đa phương do Mỹ đứng đầu ở khu vực, Triều Tiên đã có nhiều động thái lên án mạnh mẽ, đồng thời, các hoạt động ngoại giao với Nga và Trung Quốc đã được thúc đẩy.
6. Trung Quốc tấp nập đón các quan chức quốc tế sang thăm. Đáng chú ý, nước này đã đón tiếp nồng nhiệt Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Ngoại trưởng Nga. Hình ảnh ngược lại có thể được thấy đối với các quan chức phương Tây, đặc biệt là Ngoại trưởng Mỹ.
7. Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc lại xuất hiện mâu thuẫn. Gần đây, nhóm nghị sỹ đối lập Hàn Quốc đã thăm quần đảo tranh chấp Takeshima trên biển Nhật Bản. Ngay lập tức, Nhật Bản đã trao công hàm phản đối. Sự việc diễn ra trong bối cảnh 2 nước đang nỗ lực hàn gắn quan hệ dưới tác động của Mỹ. Điều đó tạo ra nhiều lo ngại mới cho tương lai các liên kết an ninh do Mỹ đứng đầu và Nhật Bản, Hàn Quốc có tư cách thành viên.
8. Australia công bố Chiến lược quốc phòng mới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles công bố Chiến lược quốc phòng quốc gia vào ngày 17/4/2024. Trong đó ám chỉ thách thức Trung Quốc đang tạo ra nhiều vấn đề an ninh mới cho quốc gia này và các đồng minh của họ.
Khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương
1. Phản ứng của EU đối với các điểm nóng căng thẳng trên toàn cầu:
– EU tuyên bố người châu Âu sẽ “không hy sinh vì Donbass”. Đây là lời tuyên bố từ Cao ủy EU Josep Borrell, ông cho rằng, EU có thể viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga nhưng không muốn công dân của mình thiệt mạng trong cuộc chiến này.
– EU tiếp tục viện trợ cho dải Gaza nhưng đồng thời trừng phạt 3 nhóm Palestine có liên quan tới các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
– Sau khi Iran thực hiện cuộc tấn công trả đũa Israel đêm 13/4/2024, rạng sáng ngày 14/4/2024, EU đã có động thái thảo luận về khả năng gia tăng trừng phạt đối với Iran. Các lệnh trừng phạt này sẽ nhắm vào chương trình tên lửa của Iran và các lực lượng mà EU cho là đang được Tehran hậu thuẫn. Liên quan tới cuộc tấn công này, quan hệ Iran- EU trở nên căng thẳng, Nghị viện châu Âu tuần qua cũng kêu gọi chỉ định lực lượng IRGC tinh nhuệ của Iran là một tổ chức khủng bố. Điều này đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ phía Iran.
2. Những điểm mới liên quan tới chiến trường Ukraine:
– Hạ viện Mỹ đã thông qua gói trợ giúp trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine vào ngày 20/4/2024 (giờ địa phương). Gói viện trợ này có ý nghĩa không nhỏ đối với chiến lược quân sự của Kiev, nhưng nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi liệu rằng Ukraine thực tế sẽ nhận được những gì? Về phía Nga, nước này cho rằng gói viện trợ không có nhiều ý nghĩa và sẽ không làm thay đổi cục diện của cuộc chiến.
– Ukraine công bố một chính sách mới tìm cách đưa nam giới trong độ tuổi nhập ngũ về nước. Chính sách này được đưa ra ngày 23/4/2024, được cho là nỗ lực bổ sung thêm lực lượng cho cuộc chiến chống Nga. Theo một chuyên gia của Đức, hiện nay Ukraine đang cần bổ sung ít nhất 250.000 quân cho nhu cầu của chiến trường.
– Hà Lan có thể mua lại hệ thống tên lửa Patriot của đồng minh để chuyển cho Ukraine. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 18/4/2024 nói rằng, nhiều đồng minh có Patriot nhưng không thể chuyển trực tiếp cho Ukraine liên quan tới các hệ lụy ngoại giao. Hà Lan có thể là một kênh trung gian tiềm năng có thể giải quyết được vấn đề này.
3. Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua Hiệp ước di cư và tị nạn mới. Hiệp ước mới này đề ra 10 điều luật với trọng tâm là việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên, đồng thời đẩy nhanh quy trình sàng lọc người di cư và tị nạn. Liên quan đến sự kiện này, nhiều tranh cãi đã xuất hiện liên quan đến tương lai việc thực thi hiệp ước.
4. Liên minh châu Âu hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với ngành nông nghiệp Ukraine vốn đang gặp nhiều khó khăn.
5. Anh dọa rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền. Tuyên bố này được Thủ tướng Anh Rishi Sunak đưa ra, ông cho rằng Anh có thể làm vậy nếu như vị trí thành viên của tổ chức này cản trở kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda.
Khu vực Trung Đông & Châu Phi
1. Iran – Israel bên bờ vực chiến tranh
– Israel tấn công cơ sở Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria. Ngày 1/4/2024, Iran đã tố Israel tấn công Đại sứ quán nước này tại Damascus, Syria khiến một chuẩn tướng của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và 11 người khác thiệt mạng.
– Iran tổ chức tấn công đáp trả vào Israel vào đêm 13/4/2024, rạng sáng 14/4/2024. Cuộc tấn công được thực hiện bởi tên lửa và các UAV với số lượng lớn. Đây là động thái nhằm trả đũa các hoạt động quân sự thù địch của Israel nhằm vào Iran trước đó.
– Phản ứng mờ nhạt của Israel đã không làm xung đột giữa hai nước trở nên mất kiểm soát. Mặc dù Israel đã tung thông tin rằng họ đã phản công nhằm vào Iran, nhưng quy mô thực sự của cuộc tấn công trả đũa cũng như thiệt hại mà nó gây ra tương đối mờ nhạt, không rõ ràng. Sự việc này cũng đã không làm cho Iran leo thang xung đột. Trung Đông tạm thời tránh được một cuộc chiến mới.
2. Israel rút một phần quân đội ra khỏi miền Nam dải Gaza. Động thái này diễn ra trước cuộc tấn công của Iran chỉ vài ngày nhằm làm giảm bớt sự phẫn nộ của thế giới Arab cũng như sức ép từ phía các nước lớn. Đồng thời, hành động này cũng được cho là để tăng cường phòng thủ trước khả năng Iran có thể tấn công.
3. Phản ứng của thế giới trước căng thẳng Iran – Israel tỏ ra phức tạp. Một mặt, điểm chung của hầu hết các nước trên thế giới đều kêu gọi các bên kiềm chế, không leo thang xung đột. Mặt khác, các hoạt động ngoại giao hỗ trợ “các bên trong cuộc” (gồm Iran và Israel) cũng có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi phương Tây có động thái ra tăng sức ép với Iran, thậm chí đã tính đến phương án gia tăng trừng phạt thì phần còn lại của thế giới đã lên tiếng phản đối các “hành động phiêu lưu” của Israel ở Trung Đông.
4. Saudi Arabia đăng cai tổ chức cuộc họp đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong 2 ngày 28-29/4/2024 với chủ đề “Hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng lượng cho phát triển”.
5. Ngày 29/4, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan tuyên bố thỏa thuận an ninh giữa Riyadh và Washington về bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel đã gần hoàn tất. Việc bình thường hóa quan hệ với Israel vốn đã gặp nhiều khó khăn sau các căng thẳng địa chính trị trong khu vực, tuy nhiên, động thái mới của Mỹ và Saudi Arabia đang mở ra một cơ hội mới cho quan hệ giữa cường quốc Arab và quốc gia của người Do Thái.
Khu vực châu Mỹ
1. Ecuador đột kích đại sứ quán Mexico. Cụ thể, tối 5/4, lực lượng đặc nhiệm Ecuador đã trèo tường xông vào đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito để bắt cựu phó tổng thống nước này Jorge Glas. Sự việc đã kéo Mỹ Latinh rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới. Nhiều nước trong khu vực đã có những động thái giảm bớt quan hệ với Ecuador sau vụ việc. Ví dụ: Mexico đã tạm đình chỉ quan hệ với Ecuador đồng thời kiện nước này; Colombia hủy cuộc họp nội các song phương với Ecuador; Nicaragua cắt đứt quan hệ với Ecuador…
2. Venezuela đình chỉ thỏa thuận về di cư với Mỹ. Ngày 17/4, Venezuela thông báo đã đình chỉ thỏa thuận này với lý do Washington đã không tuân thủ cam kết dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Caracas.
3. Canada tăng chi tiêu quốc phòng. Theo đó, nước này sẽ bổ sung thêm 8,13 tỷ CAD (khoảng 5,9 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới.
MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự thông qua các cuộc xung đột hiện nay.
– Đánh giá kết quả, tác động của các cuộc bầu cử quan trọng, có khả năng ảnh hưởng ở tầm khu vực cũng như toàn cầu.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. Ban Biên tập