Trước bối cảnh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương biến động theo chiều hướng phức tạp, có thể ảnh hưởng tới lợi ích và an ninh của Australia, nước này đã đưa ra kế hoạch nâng cấp lực lượng hải quân có quy mô lớn nhất kể từ thế chiến hai. Giới chuyên gia nhận định rằng, kể cả khi đã hoàn thành quá trình nâng cấp lực lượng, tương quan sức mạnh giữa hải quân của Australia và Trung Quốc vẫn còn những chênh lệch đáng kể. Đối với các liên kết quân sự mà Australia đang tích cực tham gia, đặc biệt là AUKUS, sự gia tăng sức mạnh của Australia có nhiều ý nghĩa. Nhưng đối với tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều này có thể tạo ra nhiều nguy cơ khó lường mới.
Chính sách tăng cường sức mạnh hải quân của Australia
Vào ngày 20/2/2024, chính quyền Thủ tướng Albanese đưa ra Tuyên bố xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất trong lịch sử. Cùng với đó là những hành động được triển khai trong thực tiễn nhằm ứng phó với tình hình mới trong khu vực đã được chỉ ra từ Bản đánh giá chiến lược quốc phòng (National Defence: Defence Strategic review). Trong bản đánh giá trên, chính quyền Canberra đã chỉ ra rằng tình hình an ninh khu vực được đặc trưng bởi: Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, việc sử dụng các chiến thuật cưỡng chế, việc tăng tốc và mở rộng khả năng quân sự mà không có sự minh bạch cần thiết; chuyển đổi nhanh chóng các công nghệ mới nổi và đột phá thành khả năng quân sự; phổ biến vũ khí hạt nhân; và tăng nguy cơ tính toán sai hoặc đánh giá sai. Bản chất của các xung đột và tranh chấp tại khu vực đã thay đổi do không còn sự lãnh đạo đơn cực của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực tiếp tục hiện đại hoá lực lượng vũ trang của riêng mình. Tiêu biểu là quá trình hiện đại hoá quân sự được cho là lớn nhất và tham vọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai của Trung Quốc. Australia cũng như quan điểm chung của Phương Tây luôn cho rằng, sự phát triển quân sự của Trung Quốc diễn ra mà không có sự đảm bảo và minh bạch, cùng với các hành động của Trung Quốc trên biển Đông đã đe doạ tới an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đà trỗi dậy của Trung Quốc có khả năng đe dọa tới các lợi ích của Australia và các đồng minh, điều đó buộc Canberra phải có những bước đi. Trong khi đó, Australia không còn đứng ngoài cuộc cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vai trò của Canberra ngày càng trở nên rõ ràng hơn và đòi hỏi Australia cần có một cách tiếp cận mới nhằm tránh các rủi ro chiến lược cao nhất – viễn cảnh xung đột lớn trong khu vực đe doạ lợi ích quốc gia[1]. Từ đó, đòi hỏi Australia phải đưa ra chiến lược mới, cơ cấu lại lực lượng, phát triển và mua sắm các khí tài vũ khí mới[2].
Australia đã công bố kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất kể từ Thế chiến hai, phân bổ hơn 35 tỷ USD cho dự án quốc phòng trong 10 năm tới[3]. Các kế hoạch sẽ chứng kiến Hải quân Hoàng gia Australia tăng cường hạm đội tàu chiến mặt nước lớn lên tổng cộng 26 chiếc bao gồm 20 tàu khu trục và khinh hạm, cùng sáu tàu mặt nước có thủy thủ đoàn tùy chọn lớn (LOSV), có thể hoạt động với các thủy thủ trên tàu hoặc độc lập dưới dạng phương tiện không người lái. Sau khi một cuộc đánh giá độc lập do một đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu dẫn đầu nhận thấy “hạm đội tàu chiến mặt nước hiện tại và theo kế hoạch là không phù hợp cho môi trường chiến lược mà chúng ta phải đối mặt.”
Thực tiễn triển khai
Thuận lợi
Chiến lược phát triển hải quân của Australia đi kèm với nhiều lợi ích kinh tế. Pat Conroy, Bộ trưởng Bộ công nghiệp quốc phòng, cho biết ngành đóng tàu sẽ tạo ra 3.700 việc làm trong 10 năm tới và hàng nghìn việc làm khác trong tương lai. Thúc đẩy năng lực của ngành công nghiệp đóng tàu của nước Australia, đặc biệt là ở khu vực phía Nam và phía Tây[4], khi một phần không nhỏ các tàu chiến trong kế hoạch sẽ được trực tiếp đóng tại Australia mà không mua sắm từ các nước bên ngoài. Các tàu khu trục lớp Hunter của Australia sẽ được đóng tại xưởng đóng tàu Osborne ở Nam Australia. Tiếp theo đó là việc nâng cấp tàu khu trục lớp Hobart, cũng ở Osborne, với hệ thống chiến đấu Aegis mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ. Ngoài ra, các kế hoạch đang được tiến hành nhằm tăng tốc độ sản xuất các khinh hạm đa năng mới, sẽ thay thế các khinh hạm lớp Anzac. Những tàu khu trục mới này sẽ hiện đại hơn, có khả năng hoạt động tốt hơn và có khả năng sát thương cao hơn, đồng thời sẽ yêu cầu số lượng thủy thủ đoàn ít hơn. Tám tàu khu trục đa năng mới và sáu tàu mặt nước cỡ lớn tùy chọn mới sẽ được đóng tại khu công nghiệp hàng hải nằm ở Henderson, Tây Australia.
Thuận lợi tiếp theo có thể kể tới là chiến lược của chính phủ Thủ tướng Albanese nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới tướng lĩnh quốc phòng và học giả. Chuyên gia hải quân Australia Jennifer Parker gọi “đây là một ngày lịch sử khi chính phủ cuối cùng đã đồng ý hỗ trợ nâng cao năng lực hạm đội chiến đấu trên mặt nước cho Hải quân Hoàng gia Australia”[5]. Không chỉ vậy, các nhà phân tích độc lập đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng trong việc xây dựng hạm đội tác chiến mặt nước trong tương lai của Hải quân. Các khuyến nghị đáng chú ý như bổ sung 26 tàu chiến mặt nước bao gồm: Ba tàu khu trục lớp Hobart với khả năng tấn công và phòng không được nâng cấp. Sáu tàu khu trục lớp Hunter để tăng cường khả năng tấn công và tác chiến dưới biển của Hải quân. 11 tàu khu trục đa năng mới sẽ cung cấp khả năng tấn công trên biển và trên bộ, phòng không và hộ tống. Sáu tàu mặt nước cỡ lớn tùy chọn (LOSV) mới sẽ tăng đáng kể khả năng tấn công tầm xa của Hải quân. Phó Thủ tướng, Nghị sĩ Hon Richard Marles cho rằng: “Hạm đội tàu chiến mặt nước có khả năng sát thương được tăng cường sẽ đảm bảo Hải quân được tối ưu hóa cho các hoạt động trong môi trường hiện tại và tương lai, được củng cố bởi sự đánh giá tỉ mỉ do Nhóm Phân tích Độc lập thực hiện. Nền kinh tế và xã hội hiện đại của Australia phụ thuộc vào khả năng tiếp cận biển cả: các tuyến đường thương mại cho hàng xuất nhập khẩu của Australia và các tuyến cáp ngầm dưới biển để cung cấp dữ liệu cho phép nước này kết nối với nền kinh tế quốc tế. Hải quân Hoàng gia Australia phải có khả năng đảm bảo an toàn và an ninh cho các tuyến đường biển và tuyến đường thương mại vì chúng là nền tảng cho lối sống và sự thịnh vượng của Australia.”
Khó khăn
Mặc dù đánh giá trên giấy tờ nghe có vẻ thực sự tốt nhưng Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong nỗ lực biến tầm nhìn được đề xuất trong phân tích thành hiện thực. Một trong những trở ngại chính sẽ là trình độ lực lượng lao động. Như Ben Felton nhấn mạnh: “Những thách thức về lực lượng lao động, cả trong ngành công nghiệp quốc phòng và RAN, có khả năng làm hỏng kế hoạch của chính phủ đối với hạm đội mới trước khi nó được triển khai. Ở Tây Australia, nơi sẽ đóng 8 tàu chiến nhỏ mới, các công ty đóng tàu quân sự đã phải vật lộn để thu hút và giữ chân nhân tài trước sự cạnh tranh gay gắt từ ngành khai thác mỏ của bang, dẫn đến hàng loạt sự chậm trễ trên nhiều tuyến.[6]”
Đây là một kế hoạch dài hơi nên nó có thể đi qua nhiều chính quyền khác nhau. Rủi ro trong việc thiếu đi sự quyết tâm thực hiện. John Bradford, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại các vấn đề quốc tế, cho biết Australia sẽ cần phải kiên định tuân thủ kế hoạch này. Bradford cho biết: “Kế hoạch này là thực tế miễn là chính phủ Australia duy trì các cam kết”. Ông nói thêm rằng tàu khu trục đầu tiên thuộc lớp Hunter mà ông gọi là “hệ thống hàng đầu” trong kế hoạch sẽ không được biên chế đến năm 2032. Trong khi chờ đợi những lớp tàu mới hiện đại và mạnh mẽ hơn, RAN sẽ phải đối mặt với một “giai đoạn rủi ro” đối với Australia, đó là một số tàu cũ sẽ ngừng hoạt động trước khi những tàu mới đi vào hoạt động. Hai khinh hạm lớp Anzac lâu đời nhất sẽ ngừng hoạt động sớm: HMAS ‘Anzac’ trong năm nay và HMAS ‘Arunta’ vào năm 2026.
Khó khăn tiếp theo là bản chiến lược này luôn đi kèm sự chỉ trích của phe đối lập. Nhà lập pháp đối lập Andrew Hastie phát biểu: “Chúng ta sẽ không thấy một con tàu nào hoạt động dưới nước cho đến năm 2031, nếu kế hoạch này được thực hiện đúng tiến độ. Nó không đáp ứng được những thách thức chiến lược cấp bách do thế giới nguy hiểm này đặt ra”. Mặc dù phần lớn các tàu được cho là sẽ hoạt động tự động hoá cao nhưng vẫn gây lên áp lực lớn với nguồn nhân lực vốn đã rất khó khăn của Hải quân Australia.
Tiếp theo, với những lớp tàu Australia không tự đóng trong nước, RAN phải đối mặt với nguy cơ của sự chậm trễ trong việc giao tàu của các đối tác. Chính phủ đã cắt giảm kế hoạch mua tàu khu trục Hunter từ BAE Systems của Anh, công ty này vào năm 2018 đã giành được hợp đồng trị giá 35 tỷ đô la Australia để đóng 9 tàu ở Osborne, Nam Australia. Hợp đồng có nguy cơ bị hủy do chậm trễ và chi phí có thể tăng lên tới 65 tỷ đô la Australia. Văn phòng Kiểm toán Quốc gia cũng chỉ trích quá trình mua sắm. Kế hoạch Hunter sửa đổi có nghĩa là hải quân giờ đây sẽ nhận được 6 trong số 9 tàu dự kiến ban đầu[7]. Việc giao hàng các chiến hạm lớp Hunter có lẽ sẽ kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, với chiếc cuối cùng trong số sáu chiếc được giao vào khoảng năm 2043[8].
Khả năng triển khai
Michael Shoebridge, cựu quan chức an ninh cấp cao và hiện là nhà phân tích độc lập, cho biết chính phủ phải khắc phục những sai lầm trong quá khứ và “không còn thời gian để lãng phí” khi cạnh tranh trong khu vực ngày càng nóng lên. Shoebridge cho biết phải có một quy trình mua sắm được cắt giảm, nếu không, đó sẽ là “con đường quen thuộc dẫn đến sự chậm trễ, rắc rối trong xây dựng, hao hụt chi phí – và cuối cùng, những con tàu đi vào hoạt động quá muộn với hệ thống bị các quốc gia khác vượt qua cả về sức mạnh và công nghệ”.[9]
Về mặt ngân sách và kinh phí, việc thực hiện đánh giá cơ cấu hạm đội “sẽ chứng kiến Chính phủ Albanese bơm thêm 1,7 tỷ USD so với ước tính trước mắt và 11,1 tỷ USD trong thập kỷ tới cho quốc phòng để tăng tốc chuyển giao hạm đội chiến đấu mặt nước trong tương lai của hải quân và để mở rộng ngành công nghiệp đóng tàu của Australia.” Điều này xuất phát từ khoản đầu tư bổ sung 30,5 tỷ USD của Chính phủ Albanese cho Chương trình Đầu tư Tích hợp của Quốc phòng đến năm 2032-2033. Khoản tài trợ bổ sung 11,1 tỷ USD này chỉ riêng cho đội tàu mặt nước trong tương lai đã nâng tổng số tiền đầu tư mua lại và duy trì đội tàu lên 54,2 tỷ USD trong thập kỷ tới. Khoản đầu tư này cung cấp một lộ trình rõ ràng cho ngành đóng tàu và lực lượng lao động ở Nam và Tây Australia[10].
Mục đích của Australia
Mục đích hàng đầu như đã được đề cập trong bản đánh giá quốc phòng đó là đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực. Gửi đi tín hiệu rằng Australia đang có những hành động để bảo vệ các lợi ích của mình. Phó Đô đốc Hải quân Australia Mark Hammond cho biết trong tuyên bố: “Một nước Australia hùng mạnh phụ thuộc vào một lực lượng hải quân mạnh, một lực lượng được trang bị để tiến hành ngoại giao trong khu vực của chúng ta, ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng và bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta khi được kêu gọi”[11]. Mặc dù không đề cập đến Trung Quốc trong kế hoạch xây dựng lực lượng, nhưng ủy ban đánh giá cho biết hạm đội mặt nước trong tương lai cần có khả năng “hỗ trợ các hoạt động quan trọng, bao gồm tuần tra các khu vực tiếp cận phía bắc Australia, hộ tống gần và các nhiệm vụ vận chuyển trên biển”. Ngoài ra, bản chiến lược còn nhằm mục đích nhằm làm giảm bớt lo ngại và tạo thêm lòng tin từ cộng đồng trong nước, đặc biệt là cộng đồng quốc phòng. Khi chính phủ đã có những bước đi tăng ngân sách thể hiện đối phó tốt hơn với các thách thức. Cuối cùng, việc nâng cấp lực lượng hải quân còn nhằm giúp Australia có được năng lực phản ứng và bảo đảm tốt hơn cho các lợi ích của mình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khi chỉ riêng thương mại của Australia với ASEAN đã lên tới 104,8 tỷ USD trong năm 2021-2022[12]. Bình luận về kế hoạch mới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết nền kinh tế và xã hội hiện đại của đất nước ông phụ thuộc vào khả năng tiếp cận các tuyến đường thương mại trên biển để xuất nhập khẩu.[13]
Tác động và ảnh hưởng tới khu vực
Việc nâng cấp lực lượng hải quân giúp đảm bảo an ninh hàng hải khu vực trước những biến động đã thấy từ các khu vực khác trên thế giới. Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy, cho biết việc bổ sung sáu tàu mặt nước cỡ lớn có thủy thủ đoàn tùy chọn phản ánh bài học về các cuộc xung đột gần đây bằng cách xây dựng thêm khả năng tên lửa cho hạm đội. Ông nói: “Chiến tranh Ukraine và cuộc xung đột với Houthi đã minh họa rằng sự phát triển năng lực của lực lượng tên lửa là rất quan trọng đối với sự sống còn trên biển”. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể không lo lắng trước cuộc đại tu của Australia vì nước này đã có một kho vũ khí khổng lồ với sức sát thương vô cùng lớn. Và ý tưởng rằng cuộc đại tu của Hải quân Australia có thể làm nghiêng đáng kể cán cân quân sự giữa Australia với Trung Quốc là sai lầm. Tuy nhiên, cuộc “đại tu” lần này của hải quân Australia diễn ra trong bối cảnh nước này cùng với Mỹ và Anh tiếp tục thực hiện thoả thuận AUKUS. Những tàu mặt nước này sẽ tham gia hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Australia dự định đóng theo hiệp ước AUKUS với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, ba chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào đầu thập kỷ tới. Xem xét kĩ hơn nội dung của đợt nâng cấp lần này. Ít nhất một số hạm đội sẽ được trang bị tên lửa Tomahawk có khả năng tấn công tầm xa vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương – một khả năng răn đe chính[14].
Vào hồi tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép hợp tác AUKUS như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) năm tài chính 2024. Về tác động trong ngắn hạn, NDAA cho phép các nhà máy đóng tàu của Australia và Anh thực hiện “bất kỳ sửa chữa hoặc tân trang nào” trên các tàu ngầm của Mỹ có liên quan đến “các hoạt động an ninh tàu ngầm” liên quan đến các đối tác AUKUS. NDAA cũng bao gồm ngôn ngữ cho phép nhân viên dân sự và quân sự Australia làm việc tại các xưởng đóng tàu hạt nhân và tàu ngầm của Mỹ để nâng cao kỹ năng[15]. Các cơ chế trên của AUKUS kết hợp với việc lực lượng hải quân của Australia gia tăng đáng kể sức mạnh không thể không khiến Trung Quốc cảm thấy lo lắng và chắc chắn nước này sẽ có những phản ứng ở những mức độ khác nhau. Điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với AUKUS nói chung và giữa Trung Quốc với Australia nói riêng. Thậm chí, nguy cơ xuất hiện cuộc chạy đua vũ trang ở trong khu vực sẽ sớm trở thành một thực tế. Trong cuộc chạy đua đó, các quốc gia đồng minh lâu năm khác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ bị cuốn vào. Trong một môi trường an ninh mất ổn định như vậy, các quốc gia khác trong khu vực cũng sẽ cảm thấy bất an, kéo theo việc họ cũng tìm cách nâng cấp năng lực quốc phòng của mình. Hậu quả của một cuộc chạy đua vũ trang diện rộng như vậy là vô cùng nghiêm trọng và khó lường./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] “National Defence: Defence Strategic Review” (2023), Australian Government, https://www.defence.gov.au/about/reviews-inquiries/defence-strategic-review
[2] “National Defence: Defence Strategic Review” (2023), Australian Government, https://www.defence.gov.au/about/reviews-inquiries/defence-strategic-review
[3] Brad Lendon (2024), “Australia unveils plan for largest navy buildup since World War II”, CNN world, https://edition.cnn.com/2024/02/20/australia/australia-navy-buildup-intl-hnk-ml/index.html
[4] “Australian navy to double surface fleet, becoming largest in its history since WWII” (2024), Force Net, https://www.forces.net/services/navy/australian-navy-double-surface-fleet-becoming-largest-its-history-wwii
[5] Gonzalo Vazquez (2024), “Australia pushes to double its surface combatant fleet”, Universidad de Navarra, https://www.unav.edu/web/global-affairs/australia-pushes-to-double-its-surface-combatant-fleet
[6] Ben Felton (2024), “Australia To Double Fleet Size With Small Warships”, Naval news, https://www.navalnews.com/naval-news/2024/02/australia-to-double-fleet-size-with-small-warships/#prettyPhoto
[7] Nic Fides (2024), “Australia to build biggest navy since second world war to meet China threat”, Financial Times, https://www.ft.com/content/420d3cfa-1fee-49a6-804c-f3b5806c3c0c
[8] Gonzalo Vazquez (2024), “Australia pushes to double its surface combatant fleet”, Universidad de Navarra, https://www.unav.edu/web/global-affairs/australia-pushes-to-double-its-surface-combatant-fleet
[9] AFP (2024), “Australia to build biggest navy since World War II”, CNA, https://www.channelnewsasia.com/world/australia-build-biggest-navy-world-war-ii-4135291
[10] “Navy’s enhanced lethality surface combatant fleet” (2024), Australian Government, https://www.minister.defence.gov.au/media-releases/2024-02-20/navys-enhanced-lethality-surface-combatant-fleet
[11] Brad Lendon (2024), “Australia unveils plan for largest navy buildup since World War II”, CNN world, https://edition.cnn.com/2024/02/20/australia/australia-navy-buildup-intl-hnk-ml/index.html
[12] “ASEAN thúc đẩy hợp tác kinh tế với Australia và New Zealand” (2023), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-9-13/ASEAN-thuc-day-hop-tac-kinh-te-voi-Australia-va-Neh9f727.aspx
[13] Anadolu (2024), “Australia to build biggest navy since World War II”, Anadolu Ajansi, https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/australia-to-build-biggest-navy-since-world-war-ii/3142461#
[14] AFP (2024), “Australia to build biggest navy since World War II”, CNA, https://www.channelnewsasia.com/world/australia-build-biggest-navy-world-war-ii-4135291
[15] Ben Felton (2023), “AUKUS Partnership Given Go Ahead By Congress”, Naval News, https://www.navalnews.com/naval-news/2023/12/aukus-partnership-given-go-ahead-by-congress/