Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp trả về việc Lầu Năm Góc vượt “lằn ranh đỏ” trong vấn đề Đài Loan. Việc hủy bỏ các liên lạc quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ làm trầm trọng hơn rủi ro trong lĩnh vực an ninh khu vực. Những xích mích và căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể leo thang thành cuộc xung đột và thậm chí là chiến tranh cục bộ.
“Cắt đứt liên lạc”
Không được phép vượt qua giới hạn có thể chấp nhận được, và các cuộc tiếp xúc đòi hỏi sự chân thành. Điều này đã được nêu trong bản tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc bình luận về việc các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc từ chối điện đàm với giới lãnh đạo quân sự cao nhất của Mỹ. Để phản ứng với các hành động “xấu xa” và “khiêu khích” của phía Mỹ, Trung Quốc hủy bỏ cuộc điện đàm đã được lên kế hoạch giữa các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ và Trung Quốc, và các cuộc tiếp xúc thông qua tham vấn an ninh hàng hải song phương.
Chuyên gia Alexander Lomanov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO), nhận xét rằng phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ vượt “lằn ranh đỏ” trong vấn đề Đài Loan là khá rõ ràng. Ông nói: “Trung Quốc đã nhận thức được rằng phía Mỹ sử dụng các định dạng này để truyền đạt mong muốn và yêu cầu của mình tới phía Trung Quốc. Đồng thời, họ hoàn toàn không sẵn sàng lắng nghe và tính đến mong muốn của phía Trung Quốc. Việc chấm dứt hợp tác về nhiều lĩnh vực là một trong những cách khiến Mỹ quan tâm đến hành vi có trách nhiệm hơn, thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định chính trị-quân sự. Nói chung, Bắc Kinh không có sự lựa chọn nào khác ngoại trừ một số biện pháp quân sự trực tiếp và nghiêm túc”.
Các biện pháp này là lời cảnh báo cần thiết trước các hành động khiêu khích của Mỹ và Đài Loan, và việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia là hoàn toàn hợp lý, phù hợp và tương xứng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc bình luận như vậy về phản ứng của Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng về việc Bắc Kinh ngắt liên lạc với Mỹ. Phía Mỹ gọi phản ứng của Trung Quốc là vô trách nhiệm và thái quá. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ khiêu khích ở Đài Loan và cảnh báo Washington phải chịu trách nhiệm về các hậu quả.
Chuyên gia Alexander Lomanov cho rằng, chiến thuật của Mỹ “tạo ra các cuộc khủng hoảng, sau đó sử dụng các cơ chế hiện có để giải quyết chúng” không còn hiệu quả. Ông nói: “Đây là một minh họa nhỏ cho thấy thế giới đang thay đổi như thế nào. Mỹ không còn có thể giải quyết các vấn đề theo cách của mình, vì lợi ích của Mỹ trên lưng các quốc gia, dân tộc khác. Đồng thời, chưa có những cơ chế tốt, tôn trọng lẫn nhau và hoạt động vì lợi ích của cả hai bên. Các cơ chế như vậy không tồn tại không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng không tồn tại giữa Mỹ và Nga, chúng không tồn tại ở bất cứ đâu. Xét theo mọi việc, Bắc Kinh nhận thức được rằng, tất cả những cơ chế đã được tạo ra trước đây đều không giúp gì để bảo vệ Trung Quốc khỏi hành vi khiêu khích của Mỹ, vì vậy không còn nhu cầu về việc duy trì các cơ chế cũ. Khi nào có thể xây dựng những cơ chế mới hoạt động hiệu quả để bảo vệ khu vực khỏi sự mất ổn định, khỏi những sự cố không mong muốn? Đây là một câu hỏi mở. Rõ ràng là điều này sẽ không xảy ra “vào ngày mai hay ngày kia”.
“Đạo luật về chính sách với Đài Loan”
Mới đây, các nhà lập pháp của lưỡng đảng đã đề xuất dự thảo “Đạo luật về chính sách với Đài Loan”. Văn kiện này quy định phân bổ 4,5 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, dành cho Đài Loan quy chế “đồng minh lớn nhất của Mỹ bên ngoài NATO”, cũng như từ bỏ chính sách dài hạn về “sự không chắc chắn chiến lược”.
Đây là dự thảo luật do Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Lindsey Graham và đảng viên Dân chủ Bob Menendez đề xuất sau chuyến công du của các chính trị gia này đến Đài Loan hồi tháng 4 năm nay. Trong bản giải thích dự luật nói rằng văn kiện này hướng tới thúc đẩy an ninh của Đài Loan, bảo vệ hòn đảo trước chính sách hiếu chiến từ phía Trung Quốc, thi hành các biện pháp trừng phạt của Mỹ để đáp trả hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan. Văn kiện luật cũng dự trù việc tích cực hỗ trợ để Đài Loan tham gia vào các hiệp định quốc tế, kể cả liên kết trong khuôn khổ Hiệp định Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Điều chính yếu nhất, theo sáng kiến lập pháp mà các thượng nghị sĩ đề xuất, là Chính phủ Liên bang Mỹ cần hiệp lực với chính quyền dân chủ của Đài Loan như là với đại diện hợp pháp cho quyền lợi của cư dân trên hòn đảo. Trong dự thảo luật nêu rõ lệnh cấm bất kỳ hạn chế nào gắn với tiếp xúc của giới chức Mỹ và các quan chức, chính trị gia cũng như nhân vật chính thức của Đài Loan. Dự thảo xác định “Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979” và cái gọi là “Sáu đảm bảo” cho Đài Loan làm cơ sở cho quan hệ Mỹ-Đài Loan.
“Kịch liệt phản đối”
Bắc Kinh nhiều lần bày tỏ thái độ phản đối gay gắt trong tương quan những định thức như vậy. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra giải thích rằng thông cáo chung Trung-Mỹ ký năm 1978 về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các nước, đã nêu rõ chỉ có “một Trung Quốc” và chính phủ CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc. Cái gọi là “Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan” và “sáu đảm bảo” chỉ là những tài liệu do Washington đơn phương soạn thảo, thêm nữa là giấu nhẹm trước Bắc Kinh. Và những tài liệu này xuất hiện muộn hơn nhiều so với 3 thông cáo chung căn bản, là chỗ dựa của quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ. Như vậy, Washington luôn cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng.
Chuyên gia Vương Nghĩa Vĩ – Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc – cho rằng Mỹ đã cố tình xoá mờ nguyên tắc “một Trung Quốc”, đặt lợi ích chính trị của riêng mình lên hàng đầu và thậm chí có hành động vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc.
Như tờ Politico dẫn nguồn từ Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết, dự luật do các thượng nghị sĩ đề xuất ở dạng khởi thuỷ mâu thuẫn với mọi nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Joe Biden, vì thế Nhà Trắng sẽ tích cực tương tác với Quốc hội để hoàn thiện dự luật cho phù hợp. Tuy nhiên, không ai trong Nhà Trắng phủ nhận khả năng thông qua dự luật này về nguyên tắc.
Các tác giả của dự luật, kể cả Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đã lên tiếng kiên quyết chống lại sự can thiệp của chính quyền Mỹ vào công việc lập pháp. Ông Menendez tuyên bố: “Trung Quốc đang ráo riết mở rộng tiềm lực quân sự, đây có thể là dấu hiệu báo trước cuộc tấn công xâm lược Đài Loan. Tình hình nhắc nhớ về hành động của Putin trong quan hệ với Ukraine. Chúng ta đã nghe thấy những hồi chuông báo động ngay từ năm 2014 nhưng không thi hành biện pháp nào. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm tương tự với Đài Loan”.
Chuyên gia Vương Nghĩa Vĩ nhận xét Mỹ đang cố chuyển mô hình xung đột Nga-Ukraine sang Đài Loan để sau đó áp đặt biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc giống như cách hành xử với Nga.
Ngay từ trước chuyến thăm đầy khiêu khích của bà Pelosi tới Đài Loan, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng trình bày tình hình theo kiểu dường như ông không thể tác động đến cơ quan lập pháp theo bất kỳ cách nào. Lúc đó, thông qua các kênh khác nhau, kể cả qua các phương tiện truyền thông, Nhà Trắng đã ra sức phân trần chuyến thăm tiềm năng của bà Pelosi chỉ như là sáng kiến cá nhân của nữ chính khách Chủ tịch Hạ viện. Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Biden nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” và tuyên bố không chấp nhận những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi quy chế hiện trạng.
Tuy nhiên giờ đây, khi Trung Quốc buộc phải đáp trả hành động khiêu khích, thì Washington lại ngang nhiên tuyên bố rằng Bắc Kinh dường như đang thay đổi hiện trạng bằng cách tiến hành các cuộc tập trận bên trong cái gọi là đường trung tuyến. Nhưng hành động của ai ngay từ ban đầu đã làm cho tình trạng này càng trầm trọng hơn?. Như Ngoại trưởng Vương Nghị lưu ý, Mỹ hành động theo sơ đồ vạch sẵn đã tính toán kỹ: Thoạt tiên tự mình tạo ra vấn đề trong khu vực, sau đó sử dụng tình hình theo hướng có lợi cho Mỹ. Việc liên tục bơm vũ khí cho Đài Loan cùng với làm xói mòn nguyên tắc “một Trung Quốc” khiến cho bối cảnh khu vực có tính bùng nổ đến mức chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể trở thành tiền đề cho cuộc xung đột toàn diện. Xét theo ý tưởng này, Quốc hội Mỹ đang hành xử như một bên tham chiến. Tuy nhiên, các cuộc “cách mạng màu” từng diễn ra ở các nước châu Âu không thể áp dụng ở châu Á. Rất có thể phải trả giá đắt về an ninh khu vực mà còn gây hại cho cả phúc lợi của chính mình, khi liều lĩnh “áp dụng những phương pháp xưa cũ vào thực tế mới muôn phần phức tạp hơn”./.
Đài Sputnik (Đêm 10/8)
Tác giả: Mai Sơn Hà