Nghiên Cứu Chiến Lược
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo
No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo
No Result
View All Result
Nghiên Cứu Chiến Lược
No Result
View All Result
Home Lĩnh vực Chính trị

Ngoại giao Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2025: Mục tiêu, biểu hiện và một số dự báo (Phần đầu)

05/07/2025
in Chính trị, Phân tích
A A
0
Ngoại giao Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2025: Mục tiêu, biểu hiện và một số dự báo (Phần đầu)
0
SHARES
34
VIEWS
Share on FacebookShare on Twitter
Nửa đầu năm 2025 đã chứng kiến nhiều biến động lớn của thế giới cùng những yếu tố nội tại bên trong Trung Quốc đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho các hoạt động ngoại giao của cường quốc này. Về tổng thể, chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm phản ánh sự điều chỉnh nhạy bén giữa nhu cầu kiềm chế rủi ro chiến lược và tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong không gian quốc tế đang phân mảnh, qua đó định hình một mô hình ngoại giao có tính kiến tạo, kết nối và lựa chọn trọng điểm. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra đối với ngoại giao của Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tổng quan cục diện Ngoại giao Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2025

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Trung Quốc bước vào một giai đoạn điều chỉnh quan trọng cả về đối nội lẫn đối ngoại. Sau hơn một thập kỷ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã củng cố vị thế cường quốc thông qua đại chiến lược “Phục hưng dân tộc” (民族复兴) và các sáng kiến toàn cầu như “Vành đai và Con đường” (BRI), “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” hay gần đây là “Sáng kiến Phát triển Toàn cầu” (GDI) và “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” (GSI). Tuy nhiên, bối cảnh thế giới nhiều biến động từ đầu năm 2025 đã đặt ra nhiều thách thức không dễ hóa giải như: cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, leo thang chiến sự Nga – Ukraine chưa có hồi kết, môi trường an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương gia tăng các điểm nóng và đặc biệt là sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu có chiều hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Về đối nội, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chịu những tác động kéo dài của giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Trong khi đó, chính phủ trung ương tiếp tục thúc đẩy “tăng trưởng chất lượng cao” thông qua các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo và tự lực về công nghệ, nhưng sự phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu và đầu tư công khiến động lực phục hồi chưa thật bền vững. Sự tái tổ chức chính phủ và việc cải tổ hệ thống tài chính địa phương cũng khiến dư luận quốc tế chú ý đến khả năng điều chỉnh chính sách vĩ mô của Bắc Kinh[1].

Trong bối cảnh đó, chính sách đối ngoại của Trung Quốc không thể tách rời mục tiêu phục vụ ổn định chính trị – xã hội trong nước. Với phương châm “ổn định bên trong, vững vàng bên ngoài” (内稳外安), giới hoạch định chính sách Trung Quốc chủ trương làm dịu quan hệ với các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu, đồng thời duy trì áp lực mềm và cứng tại các khu vực cạnh tranh như Biển Đông, Đài Loan, hay vùng Trung Á. Các chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị đầu năm 2025 đến châu Âu và Trung Đông, cùng các hoạt động ngoại giao con thoi tại ASEAN, đều thể hiện nỗ lực duy trì ảnh hưởng trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải tính toán kỹ lưỡng về vị trí cường quốc của mình trong trật tự thế giới đang phân mảnh.

Về mặt quốc tế, các diễn biến đầu năm 2025 tiếp tục làm gia tăng mức độ bất định trong quan hệ quốc tế. Cuộc xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ tư với chiều hướng quân sự hóa mạnh mẽ, trong khi Mỹ và các đồng minh NATO tăng cường áp đặt các gói trừng phạt mới đối với Nga. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tìm cách duy trì lập trường “trung lập có lợi ích”, tiếp tục thúc đẩy vai trò hòa giải thông qua ngoại giao diễn đàn, song đồng thời gia tăng hợp tác kinh tế – năng lượng với Nga, gây lo ngại cho phương Tây về tính hai mặt trong chính sách của Bắc Kinh.

Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cạnh tranh Mỹ – Trung trở nên gay gắt hơn với việc Mỹ tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn với Philippines, Nhật Bản và Úc, đồng thời tái khẳng định chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trung Quốc phản ứng bằng cách đẩy mạnh chiến thuật vùng xám tại Biển Đông, tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo và điều động lực lượng dân quân biển áp sát các khu vực tranh chấp. Trong khi đó, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan sau bầu cử tổng thống Đài Loan tháng 1/2024 có dấu hiệu xấu đi, khi nhà lãnh đạo Lại Thanh Đức (Đảng Dân Tiến) tiếp tục chủ trương “xác lập bản sắc riêng biệt” với Trung Quốc đại lục[2]. Phản ứng của Bắc Kinh là tăng cường các cuộc tập trận quân sự quanh đảo và gia tăng cô lập ngoại giao đối với Đài Bắc, cho thấy chính sách “một Trung Quốc” vẫn là giới hạn đỏ bất biến trong mọi tiếp cận đối ngoại của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, Trung Quốc nỗ lực thích ứng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng “phi Trung Quốc hóa” (China+1)[3]. Việc tăng cường quan hệ với ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông và Mỹ Latinh được triển khai đồng thời với chiến lược duy trì kết nối kinh tế với châu Âu. Thực tế cho thấy, Bắc Kinh đang đẩy mạnh ngoại giao kinh tế thông qua các khuôn khổ như RCEP, SCO, BRI, đồng thời cố gắng thiết lập một hình ảnh “đối tác phát triển có trách nhiệm” thay vì là một cường quốc xét lại trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt thương mại công nghệ của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực AI, vi mạch, điện toán lượng tử, vẫn tạo ra không gian cạnh tranh gay gắt, buộc Trung Quốc phải tăng tốc chiến lược tự lực công nghệ nội địa, từ đó gia tăng vị thế đối ngoại trong dài hạn.

Sự trở lại của các sáng kiến ngoại giao mang thương hiệu Trung Quốc trong nửa đầu năm 2025 cũng đáng lưu ý. Bắc Kinh tổ chức nhiều hội nghị song phương và đa phương, đề cao vai trò nước lớn trong giải quyết các khủng hoảng xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, trí tuệ nhân tạo và cải cách thể chế toàn cầu. Trung Quốc nhấn mạnh thông điệp “không ủng hộ chia rẽ thế giới thành các khối đối lập”, hàm ý chỉ trích chiến lược liên minh của Mỹ và các đối tác dân chủ[4]. Trong khi đó, Bắc Kinh tích cực quảng bá vai trò “trung gian thiện chí” ở các điểm nóng quốc tế như Trung Đông, Ukraine và vùng Sừng châu Phi. Tuy nhiên, sự hoài nghi của phương Tây về mức độ trung lập thực chất của Trung Quốc vẫn là rào cản lớn trong việc gia tăng uy tín quốc tế.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy rằng, ngoại giao Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2025 không đơn thuần là sự phản ứng bị động trước biến động quốc tế, mà thể hiện rõ nét một chiến lược chủ động định hình môi trường an ninh – kinh tế phù hợp với lợi ích và năng lực của Bắc Kinh. Việc đồng thời duy trì ổn định bên trong, bảo vệ lợi ích cốt lõi và tạo dựng hình ảnh cường quốc có trách nhiệm đang trở thành trục xuyên suốt trong các hoạt động ngoại giao.

Mục tiêu

Trong bối cảnh cục diện quốc tế tiếp tục phân hóa, cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, và các thể chế toàn cầu đang đứng trước áp lực cải tổ sâu rộng, chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2025 cho thấy nhiều dấu hiệu điều chỉnh cả về mục tiêu chiến lược lẫn công cụ thực thi. Trung Quốc đang nỗ lực tái định vị vai trò của mình trong một trật tự quốc tế đa trung tâm đang hình thành, với ba mục tiêu chiến lược cốt lõi: (i) ổn định môi trường xung quanh và kiểm soát rủi ro khu vực; (ii) bảo vệ lợi ích cốt lõi về chủ quyền và công nghệ; (iii) định hình vai trò tích cực hơn trong cấu trúc quốc tế mới. Phân tích các mục tiêu này giúp làm rõ trọng tâm định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong giai đoạn chuyển tiếp, từ mô hình phản ứng sang mô hình chủ động kiến tạo trật tự. 

Ổn định môi trường xung quanh và kiểm soát rủi ro khu vực

Sáu tháng đầu năm 2025 chứng kiến sự gia tăng các nhân tố bất định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương: tình hình eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng sau các cuộc bầu cử ở đảo Đài Loan; Biển Đông vẫn là điểm nóng với nhiều vụ va chạm giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN; sự gia tăng hiện diện quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh tại Đông Bắc Á; và các yếu tố rủi ro từ tình hình bất ổn ở Afghanistan, Pakistan và bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc xác lập rõ một ưu tiên chiến lược hàng đầu: ổn định môi trường khu vực để giảm thiểu rủi ro lan truyền khủng hoảng, đồng thời duy trì không gian phát triển nội tại.

Việc ổn định môi trường xung quanh được thực hiện qua ba phương diện chính:

Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác an ninh song phương và đa phương, thông qua các cơ chế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Đối thoại An ninh Trung – Nga – Iran, cũng như cơ chế đàm phán COC với ASEAN. Đây là các kênh giúp Bắc Kinh kiểm soát và định hướng các tranh chấp khu vực theo lối “quản trị ổn định thay vì giải quyết triệt để.”

Thứ hai, Bắc Kinh tăng cường vai trò trong các sáng kiến an ninh phi truyền thống như Sáng kiến An ninh Toàn cầu (Global Security Initiative – GSI), tập trung vào các vấn đề như chống khủng bố, an ninh mạng, và an ninh năng lượng[5]. Mục tiêu ở đây là thiết lập một khung tiếp cận an ninh linh hoạt, tránh bị cô lập bởi các mô hình an ninh do phương Tây dẫn dắt.

Thứ ba, về mặt nhận thức, Trung Quốc đang thay đổi tư duy đối ngoại từ phản ứng bị động sang thiết lập các cơ chế ngăn ngừa xung đột sớm. Việc tăng cường kênh đối thoại quân sự với Mỹ, cũng như các thỏa thuận cảnh báo sớm với một số nước ASEAN, là biểu hiện rõ nét cho xu hướng này.

Bảo vệ lợi ích cốt lõi về chủ quyền và công nghệ

Khái niệm “lợi ích cốt lõi”[6] trong chính sách đối ngoại Trung Quốc không thay đổi, song phạm vi và phương thức bảo vệ đang có sự mở rộng rõ rệt. Bên cạnh các vấn đề truyền thống như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Biển Đông, giai đoạn hiện nay chứng kiến việc Bắc Kinh chính thức đưa yếu tố công nghệ vào nhóm lợi ích cốt lõi.

Trên bình diện chủ quyền, Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thực địa nhằm củng cố yêu sách. Tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tuần tra quân sự, nhưng song song vẫn duy trì các phát ngôn ngoại giao mang tính hòa dịu nhằm trấn an cộng đồng quốc tế. Ở Biển Đông, Trung Quốc gia tăng hiện diện ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời thúc đẩy tiến trình COC như một cách “quốc tế hóa ổn định,” qua đó kiểm soát các phản ứng tiêu cực từ khu vực.

Điểm mới đáng chú ý là việc Trung Quốc lồng ghép yếu tố chủ quyền công nghệ vào khái niệm lợi ích cốt lõi. Trước sức ép của các lệnh cấm vận công nghệ từ phương Tây, Bắc Kinh coi việc bảo đảm quyền tự chủ công nghệ từ chuỗi cung ứng chip, AI, đến năng lượng tái tạo là tối quan trọng. Việc ban hành và sửa đổi Luật An ninh dữ liệu, Luật chống gián điệp, cùng với việc siết chặt đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ chiến lược, cho thấy chiều sâu trong định nghĩa mới về chủ quyền.

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc chuyển từ lập trường phản đối sang xây dựng cơ chế thay thế. Thông qua sáng kiến BRICS+, Trung Quốc vận động xây dựng hệ sinh thái công nghệ toàn cầu không bị phương Tây chi phối. Mục tiêu không chỉ là vượt qua vòng kiểm soát công nghệ, mà còn là định hình chuẩn mực công nghệ toàn cầu mới có lợi cho Trung Quốc và các nước đang phát triển.

Định hình vai trò tích cực trong cấu trúc quốc tế đa trung tâm

Sự phân mảnh trong trật tự quốc tế với việc hệ thống Bretton Woods bộc lộ nhiều giới hạn[7], G7 không còn là đại diện cho số đông và xu thế nổi lên của các nhóm nước trung tầng tạo điều kiện để Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu định hình vai trò mới của mình như một trong những “cực quyền lực” trong trật tự đang định hình. Điều này thể hiện rõ ở ba chiều hướng:

Một là, Trung Quốc chủ động thiết kế và mở rộng các thể chế toàn cầu thay thế, mà nổi bật là ba sáng kiến toàn cầu: GSI (an ninh), GDI (phát triển) và GCI (văn minh). Trong sáu tháng đầu năm 2025, các sáng kiến này được cụ thể hóa qua nhiều diễn đàn như BRF (Diễn đàn Vành đai và Con đường), Hội nghị thượng đỉnh GDI tại Bắc Kinh, và Hội nghị SCO tại Thiên Tân. Qua đó, Trung Quốc muốn chứng minh năng lực thiết kế trật tự và cung cấp hàng hóa công toàn cầu.

Hai là, vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột trở thành một điểm mới trong tư duy đối ngoại Trung Quốc. Trung Quốc đã chủ động đưa ra các đề xuất hòa bình cho cuộc xung đột Nga – Ukraine, tham gia trung gian trong xung đột Israel – Palestine, và đề xuất cơ chế hòa giải mới ở Myanmar. Đây là chuyển biến lớn từ lập trường “không can thiệp” sang “can thiệp mang tính kiến tạo.”

Ba là, Trung Quốc khẳng định vai trò trong cấu trúc đa trung tâm không bằng đối đầu, mà bằng liên kết chọn lọc. Việc thúc đẩy BRICS mở rộng (BRICS+), tăng cường SCO, xây dựng mạng lưới hợp tác với các nước Nam bán cầu, cho thấy Trung Quốc tìm kiếm “liên minh các nước không phương Tây” thay vì một mô hình đối kháng hai cực kiểu cũ.

Phân tích ba mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2025 cho thấy một giai đoạn chuyển dịch tư duy lớn trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc không còn chỉ là một “đối tượng phản ứng” trong trật tự toàn cầu, mà đang nỗ lực trở thành “chủ thể kiến tạo trật tự.” Mỗi mục tiêu từ ổn định khu vực, bảo vệ chủ quyền công nghệ, đến định hình trật tự đa trung tâm đều thể hiện mức độ trưởng thành chiến lược ngày càng cao. Điều đáng chú ý là các mục tiêu này không phát triển riêng rẽ, mà bổ trợ lẫn nhau, phản ánh một tầm nhìn tổng thể có tính hệ thống của Trung Nam Hải.

Trong những tháng tiếp theo, khả năng hiện thực hóa các mục tiêu trên sẽ phụ thuộc vào ba biến số chính: mức độ kiểm soát bất ổn nội địa, năng lực chống chịu trước các biện pháp cô lập từ phương Tây, và sự chấp nhận của các quốc gia trung lập và đang phát triển đối với vai trò dẫn dắt của Trung Quốc. Đây là những yếu tố quyết định liệu chính sách đối ngoại của Trung Quốc có tiếp tục tiến trình “chuyển từ ứng phó sang dẫn dắt” trong kỷ nguyên toàn cầu đang định hình.

Sự kế thừa và đổi mới trong mục tiêu đối ngoại của Trung Quốc: So sánh giai đoạn 6 tháng đầu năm 2025 với các giai đoạn trước

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn mang tính kế thừa định hướng dài hạn, nhưng cũng thường xuyên điều chỉnh để thích nghi với biến động cấu trúc quyền lực toàn cầu. So với các giai đoạn trước, đặc biệt là từ sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2022) và trong suốt năm 2023 – 2024 các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy sự tiếp nối nhất định về đường lối, song đồng thời thể hiện bước phát triển mới cả về phạm vi, phương thức thực hiện lẫn tầm nhìn hệ thống.

Thứ nhất, mục tiêu ổn định môi trường xung quanh tiếp tục là trục xuyên suốt trong đối ngoại Trung Quốc, song đã chuyển hóa về cách tiếp cận. Nếu như trong giai đoạn trước, đặc biệt từ sau 2017 trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ổn định khu vực chủ yếu phục vụ cho tăng trưởng nội địa và hạn chế xung đột lan rộng, thì bước sang năm 2025, Bắc Kinh thể hiện rõ xu hướng chủ động hình thành các cấu trúc ổn định có tính dài hạn. Điều này được thể hiện qua việc Trung Quốc tích cực triển khai Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) trong các khuôn khổ hợp tác đa phương[8], nổi bật là tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 3/2025[9], nơi Bắc Kinh nhấn mạnh vai trò của GSI trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh mạng và an ninh chuỗi cung ứng. Đồng thời, Trung Quốc mở rộng các sáng kiến công nghệ an ninh hướng đến ASEAN, tiêu biểu là việc thành lập Trung tâm Hợp tác AI Trung – Lào với định hướng hỗ trợ kiểm soát rủi ro hàng hải thông minh[10]. Thay vì đề xuất cơ chế mới, Bắc Kinh cũng tăng cường tận dụng các kênh hiện hữu như Đối thoại An ninh ASEAN – Trung Quốc và cơ chế ADMM Plus, nhằm thúc đẩy lòng tin chiến lược và năng lực phối hợp ứng phó rủi ro khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán COC tại Biển Đông theo hướng bổ sung điều khoản về giám sát đa phương, cho thấy nỗ lực chuyển từ song phương hóa tranh chấp sang quốc tế hóa nền tảng ổn định. Như vậy, ổn định không còn là mục tiêu thụ động, mà trở thành sản phẩm của một chiến lược kiến tạo có tính thể chế.

Thứ hai, phạm trù “lợi ích cốt lõi” trong chính sách đối ngoại Trung Quốc đã được mở rộng rõ rệt sang lĩnh vực công nghệ và chuỗi cung ứng. Nếu như trước đây, lợi ích cốt lõi chủ yếu giới hạn ở vấn đề chủ quyền lãnh thổ và ổn định chính trị trong nước, thì từ năm 2023 và đặc biệt là trong 6 tháng đầu 2025, Trung Quốc công khai đưa công nghệ lõi bao gồm bán dẫn, AI, điện toán lượng tử và dữ liệu lớn vào danh mục an ninh quốc gia. Báo cáo Công việc Chính phủ (Government Work Report) Kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC)[11] tháng 3/2025 nhấn mạnh rằng các lĩnh vực trên là “yếu tố sống còn” để duy trì vị thế quốc tế. Bắc Kinh không chỉ gia tăng đầu tư nội địa, mà còn điều chỉnh chính sách xuất khẩu, đưa vào danh sách kiểm soát các nguyên liệu quan trọng như gallium, germanium, và mở rộng các quy định trừng phạt trả đũa với doanh nghiệp phương Tây trong lĩnh vực vi mạch. Điều đáng chú ý là các hoạt động ngoại giao như Diễn đàn Hợp tác Công nghệ Trung Quốc – UAE, hay Hiệp định Chuỗi cung ứng số với Brazil[12] đều minh chứng cho việc chính sách ngoại giao giờ đây đóng vai trò tuyến đầu trong việc bảo vệ “chủ quyền công nghệ”.

Thứ ba, Trung Quốc đang từng bước chuyển từ vai trò người tham gia cải cách trật tự quốc tế sang vị thế kiến tạo chuẩn mực toàn cầu. Trong quá khứ, Trung Quốc chủ yếu phản ứng với các định chế do phương Tây dẫn dắt và đề cao khẩu hiệu “công bằng trong đại diện toàn cầu”. Nửa đầu năm 2025 cho thấy bước tiến chiến lược rõ nét của Trung Quốc trong việc định hình các chuẩn mực công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Thay vì chỉ phản ứng với các lệnh cấm vận công nghệ từ phương Tây, Bắc Kinh chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua các cơ chế đa phương. Tại Diễn đàn Hợp tác Ứng dụng AI Trung Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức ở Thiên Tân cuối tháng 5/2025, Trung Quốc đã cùng các nước thành viên công bố kế hoạch xây dựng Trung tâm Hợp tác Ứng dụng AI với bốn trụ cột: chính sách, công nghệ, ứng dụng và an ninh[13]. Đồng thời, tại Shanghai Forum vào tháng 4/2025, giới học thuật và hoạch định chính sách quốc tế đã khởi động Khung hợp tác AI vì phát triển toàn cầu với định hướng minh bạch, công bằng và phát triển bền vững[14]. Các sáng kiến này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc định vị vai trò dẫn dắt trong quản trị công nghệ toàn cầu, đồng thời khẳng định năng lực cung cấp hàng hóa công ở một lĩnh vực mang tính cạnh tranh chiến lược.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đóng vai trò trung gian trong các tiến trình hòa giải khu vực Trung Đông và châu Phi, tiêu biểu là vòng đàm phán Yemen – UAE và hỗ trợ quá trình tái thiết Syria cho thấy xu hướng mở rộng vai trò vượt ra ngoài lợi ích trực tiếp. Trên phương diện phát triển, Trung Quốc tích cực dẫn dắt mô hình “kết nối số phương Nam”[15] với hơn 20 quốc gia trong khuôn khổ GDI, phản ánh ý đồ xây dựng trật tự thay thế cho mô hình Washington Consensus. Đây là bước chuyển từ “cải cách hiện trạng” sang “định hình tương lai”, vốn chưa từng được Trung Quốc thể hiện rõ trong các giai đoạn trước.

Các mục tiêu trong đối ngoại Trung Quốc nửa đầu năm 2025 là sự phát triển từ các định hướng lâu dài, nhưng mang tính điều chỉnh đột phá ở cấp độ khái niệm và thực thi. Đó là quá trình chuyển đổi từ “ổn định để phát triển” sang “ổn định để dẫn dắt”, từ “bảo vệ lợi ích lãnh thổ” sang “bảo vệ lợi ích toàn diện” và từ “phản ứng trước trật tự” sang “kiến tạo trật tự”. Sự kết hợp giữa tính kế thừa và đổi mới này cho thấy bước chuyển quan trọng trong tư duy chiến lược của Trung Quốc, phù hợp với bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và yêu cầu tái cấu trúc vai trò quốc tế trong kỷ nguyên hậu toàn cầu hóa.

Thực tiễn ngoại giao Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2025

Sau khi xác lập rõ ba mục tiêu chiến lược ổn định môi trường khu vực, bảo vệ lợi ích cốt lõi và định hình vai trò toàn cầu. Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động ngoại giao với quy mô, tầng nấc và mức độ can dự khác nhau trên toàn cầu. Những biểu hiện ngoại giao trong sáu tháng đầu năm không chỉ mang tính phản ứng mà còn cho thấy dấu hiệu rõ rệt của một chính sách đối ngoại kiến tạo và chủ động dẫn dắt.

Khu vực Đông Á: Ưu tiên ổn định và kiểm soát rủi ro gần biên

Trong nửa đầu năm 2025, chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại Đông Á thể hiện rõ tư duy cân bằng mềm nhằm ổn định môi trường lân cận, kiểm soát rủi ro và giảm thiểu tác động đối kháng từ cấu trúc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc. Bắc Kinh tập trung ba hướng: làm dịu quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh then chốt của Mỹ, duy trì ảnh hưởng ổn định với Triều Tiên, và thúc đẩy hợp tác kỹ thuật – xã hội như công cụ giảm thiểu căng thẳng chiến lược.

Đáng chú ý, Hội nghị Ngoại trưởng Trung – Nhật – Hàn tại Tokyo 3/2025[16] được tổ chức sau hơn 2 năm gián đoạn, đánh dấu nỗ lực tái thiết lập cơ chế ba bên trong bối cảnh gia tăng sức ép từ các sáng kiến do Mỹ dẫn dắt như “Liên minh Chip 4”[17] hay khối hợp tác AUKUS. Trung Quốc đề xuất thiết lập “Cơ chế cảnh báo sớm về rủi ro chuỗi cung ứng” một nền tảng bán chính thức nhằm kết nối thông tin logistics, tài chính và dự trữ chiến lược giữa ba nền kinh tế, qua đó chủ động ứng phó với các chính sách tách rời công nghệ đang định hình trật tự kinh tế mới ở châu Á.

Bên cạnh cơ chế đa phương, Trung Quốc cũng nối lại Đối thoại An ninh – Quốc phòng song phương với Nhật Bản[18], tập trung vào kiểm soát khủng hoảng hàng hải quanh khu vực đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Hai bên nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa lực lượng chấp pháp biển và cơ chế chia sẻ thông tin tuần tra nhằm ngăn chặn các va chạm ngoài ý muốn từng nhiều lần khiến quan hệ song phương rơi vào trạng thái khủng hoảng. Với Hàn Quốc, Bắc Kinh khôi phục Ủy ban Kinh tế chung và đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao[19], đồng thời đề xuất xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng chất bán dẫn “tương thích khu vực” như một giải pháp thay thế không đối đầu cho chiến lược tách rời công nghệ từ phía Mỹ.

Song hành với đối thoại chính thức là hoạt động ngoại giao nhân dân được Trung Quốc đẩy mạnh dưới hình thức các chương trình giao lưu văn hóa – giáo dục như “Ngoại giao mùa Xuân 2025” do Viện Khổng Tử và các trung tâm hợp tác khu vực tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Các hoạt động này nhắm vào tầng lớp thanh niên, sinh viên lực lượng hình thành quan điểm xã hội trong dài hạn và phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong xây dựng “vành đai lòng tin xã hội” vượt khỏi kênh nhà nước –  nhà nước.

Đối với Triều Tiên, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao thận trọng nhưng chủ động, nhằm duy trì vai trò bảo đảm ổn định chiến lược trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bình Nhưỡng với Washington và Seoul. Nửa đầu năm 2025 chứng kiến sự tăng cường các kênh tiếp xúc song phương, nổi bật là cuộc gặp giữa Đại sứ Trung Quốc Vương Dật Tuấn và Phó Ngoại trưởng Triều Tiên Pak Myong-ho tại Bình Nhưỡng vào tháng 2[20], tái khẳng định cam kết mở rộng hợp tác và đối thoại chiến lược. Trung Quốc cũng thể hiện vai trò mềm thông qua việc Triều Tiên tham gia Đại hội Thể thao Đông Á mùa Đông tại Cáp Nhĩ Tân, như một hình thức ngoại giao nhân dân nhằm tái thiết lập kênh giao lưu sau đại dịch. Bên cạnh đó, việc Triều Tiên đẩy nhanh xây dựng hạ tầng cửa khẩu tại cầu Hữu Nghị Áp Lục, chuẩn bị mở lại tuyến thương mại Đan Đông – Sinuiju, cho thấy những bước tiến trong khôi phục kết nối kinh tế xuyên biên giới. Các biểu hiện này phản ánh cách tiếp cận linh hoạt của Bắc Kinh: hỗ trợ tái thiết kinh tế cho Bình Nhưỡng và giữ vai trò trung gian tiềm năng, đồng thời tránh gây đối đầu trực diện với cộng đồng quốc tế. Điều này phản ánh rõ tư duy cân bằng của Trung Quốc, phản đối quốc tế hóa căng thẳng Đông Bắc Á theo hướng do Mỹ dẫn dắt, đồng thời khẳng định vai trò điều phối không thể thay thế của mình trong mọi tiến trình hòa bình khu vực.

Tổng thể, chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đông Á trong nửa đầu năm 2025 cho thấy một mô hình kết hợp linh hoạt giữa đối thoại chiến lược, hợp tác kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội. Cách tiếp cận này giúp Bắc Kinh duy trì không gian chiến lược trong môi trường bị chi phối bởi liên minh Mỹ – Nhật – Hàn, đồng thời mở rộng biên độ ảnh hưởng qua các công cụ phi truyền thống một biểu hiện cụ thể của xu hướng “cân bằng mềm” ngày càng nổi bật trong chiến lược khu vực hậu Đại hội XX.

Khu vực Đông Nam Á: Tăng cường gắn kết ASEAN, kiểm soát tranh chấp, mở rộng ảnh hưởng

Tại Đông Nam Á, Trung Quốc duy trì định hướng gắn kết chặt với ASEAN thông qua các cơ chế đa phương, đối thoại song phương và “ngoại giao mềm hóa tranh chấp”. Một bước tiến then chốt trong tiến trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN là phiên họp cấp chuyên viên JWG-DOC diễn ra tại Manila vào tháng 4/2025[21]. Tại đây, hai bên đạt được một số tiến bộ về các điều khoản kỹ thuật, bao gồm đề xuất quy tắc phòng ngừa va chạm trên không, cơ chế chia sẻ thông tin về hành trình của tàu quân sự, và quy trình thông báo trước các cuộc tập trận. Đây là lần đầu tiên các nội dung có tính ràng buộc được đưa vào bàn đàm phán một cách rõ ràng, phản ánh sự dịch chuyển từ giai đoạn xây dựng khung nguyên tắc sang đàm phán thực chất. Điều này đồng thời cho thấy Trung Quốc có xu hướng chấp nhận mức độ thể chế hóa cao hơn trong cấu trúc an ninh khu vực.

Nổi bật trong tháng 4/2025 là chuỗi hoạt động ngoại giao song song của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại Đông Nam Á, trong đó có chuyến công du chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia (14–18/4), cùng lúc với chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ – Ngoại trưởng Vương Nghị tới Indonesia, Campuchia và Papua New Guinea.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Việt Nam tái khẳng định cam kết đẩy nhanh triển khai sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai”, đặc biệt là các tuyến kết nối đường sắt xuyên biên giới như Lào Cai – Quảng Tây – Hải Phòng, với mục tiêu tích hợp vào chuỗi vận tải khu vực. Cùng thời điểm, trong chuyến thăm Indonesia, ông Vương Nghị chủ trì vòng đối thoại “2+2” Trung – Indonesia lần đầu tiên, đồng thời thúc đẩy khởi động Diễn đàn Hợp tác Kinh tế biển Trung – ASEAN tổ chức thường niên tại Hải Nam, như một nền tảng hợp tác hàng hải mới trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông. Tại Campuchia, lãnh đạo Trung Quốc và Campuchia đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc củng cố “cộng đồng chung vận mệnh Trung – Cam” nhằm tăng cường sự đồng thuận chính trị và thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác truyền thông chiến lược, với mục tiêu xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh nhằm đối phó hiệu quả với các chiến dịch thông tin sai lệch và thách thức an ninh truyền thông trong khu vực.

Các sáng kiến này không chỉ thúc đẩy kết nối hạ tầng và kinh tế biển, mà còn thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc định hình dư luận khu vực, thiết lập mạng lưới kiểm soát thông tin và chủ động trong phản ứng chính sách khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong năm nay Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, thông qua các đoàn học giả, sinh viên, nhà báo đến từ Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Hệ thống Viện Khổng Tử, các trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Quảng Tây và Hải Nam được sử dụng như cầu nối học thuật, văn hóa, đồng thời là công cụ tạo lập cộng đồng tri thức thân thiện, yếu tố này đóng vai trò dài hạn trong việc giảm thiểu độ nhạy cảm của công chúng Đông Nam Á về tranh chấp với Trung Quốc.

Ngoài các sáng kiến về chính trị và an ninh, trong năm 2025, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao hạ tầng và đầu tư liên khu vực như một trụ cột trung tâm trong chiến lược củng cố ảnh hưởng bền vững tại Đông Nam Á. Tại Hội nghị Thúc đẩy Thương mại và Hợp tác Chuỗi cung ứng Trung Quốc – ASEAN tổ chức tại Quảng Châu vào ngày 10/6/2025, bảy dự án hợp tác trị giá hơn 3,1 tỷ USD đã được ký kết[22]. Dự án đáng chú ý nhất là dự án niken-coban của Guangdong Guangxin Holding Group Ltd. tại Indonesia[23], với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2026, nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định niken cho ngành công nghiệp pin năng lượng mới toàn cầu. Đại diện công ty cho biết, Guangxin đang thúc đẩy việc sắp xếp các ngành sản xuất thép không gỉ, nhôm định hình và tấm đồng mạ đồng tại ASEAN, với doanh thu từ khu vực này chiếm hơn 80% tổng doanh thu nước ngoài của công ty. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại khu vực ASEAN trong tương lai.

Trong năm 2025, Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại tiểu vùng Mekong thông qua thể chế hóa hợp tác trong khuôn khổ Hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC). Bắc Kinh triển khai nhiều hoạt động ngoại giao đa tầng, từ diễn đàn thanh niên, tuần tra chung đến hỗ trợ các dự án công nghệ xanh. Đáng chú ý, trong Diễn đàn Ngoại giao trẻ Lan Thương – Mekong tổ chức tại Lào vào tháng 3/2025[24] với sự tham gia của các nước CLMV, Trung Quốc nhấn mạnh ưu tiên vào kết nối hạ tầng kỹ thuật số, năng lượng sạch và hợp tác an ninh phi truyền thống. Trong khi đó, các hoạt động tuần tra chung và phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia tiếp tục được thúc đẩy tại biên giới Trung Quốc – Myanmar và Trung Quốc – Lào.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng Quỹ Hợp tác LMC để hỗ trợ xây dựng mạng lưới điện thông minh xuyên biên giới và các khu công nghiệp hướng tới chuyển giao công nghệ xanh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và sản xuất linh kiện điện tử. Những sáng kiến này không chỉ gia tăng tính kết nối kinh tế – kỹ thuật giữa Trung Quốc và các nước Mekong, mà còn định vị Bắc Kinh như một đối tác phát triển chủ chốt trong bối cảnh đầu tư phương Tây tại khu vực đang có dấu hiệu suy giảm. Khi lồng ghép với các chương trình hợp tác về dữ liệu số và quản trị nguồn nước xuyên biên giới, Trung Quốc đang xây dựng cấu trúc ảnh hưởng đa tầng tại Mekong kết hợp giữa hạ tầng, công nghệ và thể chế nhằm định hình chuẩn mực hợp tác do mình dẫn dắt.

Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy các diễn đàn và chuẩn mực khu vực mang dấu ấn riêng, cho thấy tham vọng chuyển từ “người phản ứng với trật tự hiện có” sang “người kiến tạo trật tự mới”. Tiêu biểu là Đối thoại An ninh Hàng hải ASEAN (ASEAN Maritime Security Dialogue) tổ chức tại Manila vào tháng 5/2025[25], với sự tham gia của các học giả, đại diện chính phủ và chuyên gia hàng hải từ các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Tại đây, Trung Quốc thúc đẩy các thảo luận về xây dựng lòng tin và quy tắc ứng xử thực tế trên biển, trong đó nhấn mạnh đến khái niệm “hợp tác hàng hải có trách nhiệm” như một nỗ lực định hình lại chuẩn mực tương tác trên biển, bên cạnh nguyên tắc tự do hàng hải do phương Tây dẫn dắt. Đồng thời, Bắc Kinh khởi động Chương trình học bổng Lãnh đạo trẻ ASEAN – Trung Quốc, tài trợ 100 sinh viên mỗi năm, hướng đến xây dựng thế hệ hoạch định chính sách thân thiện và phụ thuộc nhận thức vào Trung Quốc.

Trong nửa đầu năm 2025, Trung Quốc triển khai một chiến lược Đông Nam Á toàn diện, kết hợp hài hòa giữa hợp tác đa phương và song phương, đầu tư hạ tầng và thể chế, cùng ngoại giao mềm nhằm củng cố vị thế dẫn dắt khu vực, thiết lập chuẩn mực mới xoay quanh an ninh, kết nối, và ảnh hưởng nhận thức. Các bước đi này nằm trong khuôn khổ chính sách “ngoại giao láng giềng” được Bắc Kinh duy trì nhất quán từ nhiều năm qua, thể hiện rõ tham vọng chuyển từ vị thế đối thoại sang vai trò kiến tạo trật tự khu vực do Trung Quốc định hình.

Khu vực Trung Á: Từ trụ cột an ninh đến bệ đỡ chiến lược đa tầng

Trong nửa đầu năm 2025, Trung Quốc tăng cường đáng kể hiện diện ngoại giao và chiến lược tại Trung Á, với định hướng củng cố vai trò là nhà kiến tạo trật tự khu vực một đối trọng mềm dẻo nhưng hiệu quả với ảnh hưởng truyền thống của Nga và sự cạnh tranh ngày càng rõ từ Mỹ – EU. Trọng tâm chính sách của Bắc Kinh tại khu vực này bao gồm củng cố thể chế hợp tác, kiểm soát bất ổn an ninh phi truyền thống, mở rộng kết nối hạ tầng kinh tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh và định hình mô hình quản trị khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Một điểm nhấn đáng chú ý là việc củng cố thể chế hợp tác khu vực qua các cơ chế C5+1 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – Trung Á lần thứ 6 diễn ra ở Almaty ngày 26/4/2025[26], Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra 5 sáng kiến chiến lược, bao gồm xây dựng cộng đồng an ninh khu vực, mở rộng kết nối số và năng lượng, tăng cường giao lưu nhân dân và thiết lập nền tảng học thuật phục vụ hoạch định chính sách[27]. Đây là bước chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á lần thứ hai dự kiến tổ chức tại Astana vào ngày 16 – 17/6, với sự tham dự trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Á. Những động thái này khẳng định ý chí chính trị cao của Trung Quốc trong việc định hình một trật tự khu vực ổn định, hợp tác và mang bản sắc Á – Âu, dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh.

Về an ninh phi truyền thống, Trung Quốc tiếp tục thể hiện vai trò chủ động trong các cơ chế khu vực nhằm ứng phó với các mối đe dọa xuyên biên giới. Tại Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – Trung Á lần thứ 6, Bắc Kinh đã đề xuất một loạt sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác trong giám sát khủng bố, chống tội phạm ma túy và bảo vệ an ninh dữ liệu. Những đề xuất này phản ánh xu hướng triển khai chính sách phòng vệ “từ xa” của Trung Quốc, nhằm hạn chế nguy cơ bất ổn lan sang khu vực Tân Cương từ Trung Á. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khẳng định vai trò trung gian trong việc thúc đẩy đối thoại giữa Kyrgyzstan và Tajikistan về tranh chấp biên giới, qua đó từng bước củng cố ảnh hưởng mềm thông qua ngoại giao an ninh và hòa giải khu vực.

Trung Quốc đồng thời đẩy mạnh liên kết hạ tầng xuyên quốc gia, qua việc khởi động tuyến tàu du lịch Xi’an – Almaty tháng 5/2025[28] và xúc tiến mạnh mẽ dự án đường sắt Trung – Kyrgyz – Uzbekistan trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Vành đai và Con đường (BRI). Đây là một phần trong chiến lược mở rộng “Middle Corridor” hành lang vận tải từ Trung Quốc sang châu Âu không qua Nga, giúp Bắc Kinh giảm phụ thuộc vào các kênh truyền thống và chủ động hơn trong thương mại liên lục địa.

Về hợp tác kinh tế – thương mại, Trung Quốc thúc đẩy nhập khẩu nông sản xanh từ Trung Á và xây dựng các trung tâm logistics, kho lạnh và cơ sở phân phối tại biên giới phía Tây. Trong tuyên bố chung tại Almaty và các phát biểu tại Bishkek, Bắc Kinh thể hiện cam kết xây dựng chuỗi cung ứng “thân thiện với khí hậu”, hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp và tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm cho nông dân Trung Á.

Một điểm đặc biệt mới nổi là sự chuyển hướng sang hợp tác đổi mới và chuyển giao công nghệ xanh. Việc thành lập Trung tâm Hydrogen tại Kurchatov (Kazakhstan)[29] hợp tác với Đại học Giao thông Thượng Hải là bước đi đầu tiên trong chiến lược sử dụng năng lượng tái tạo như đòn bẩy phát triển mới ở khu vực. Cùng lúc, Trung Quốc triển khai các dự án trồng cây đô thị tại Bishkek, thể hiện cam kết môi trường điều Trung Á rất quan tâm trước biến đổi khí hậu.

Nhìn tổng thể, chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Trung Á trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy một sự kết hợp tinh vi giữa chính trị – an ninh – kinh tế – công nghệ – văn hóa, trong đó Trung Quốc đang từng bước thiết lập “cấu trúc ảnh hưởng mềm định chế hóa” tại khu vực này. Bằng cách kết nối lợi ích an ninh của Tân Cương với nhu cầu phát triển của Trung Á, Bắc Kinh định vị mình như một “người bảo trợ hợp lý và ổn định” giữa lúc các thế lực bên ngoài chưa có chiến lược dài hạn rõ ràng cho khu vực.

Khu vực Nam Á: Từ bàn cờ cạnh tranh đến đối tác ưu tiên

Trong nửa đầu năm 2025, Trung Quốc tiếp tục mở rộng và tinh chỉnh chính sách đối ngoại tại khu vực Nam Á nơi vừa là tuyến đầu của Hành lang Kinh tế chiến lược, vừa là không gian cạnh tranh địa chính trị quyết liệt với Ấn Độ và các đối tác phương Tây. Chiến lược Nam Á của Bắc Kinh thể hiện sự kết hợp giữa củng cố các trục hợp tác truyền thống (Pakistan, Bangladesh, Nepal) và nỗ lực giảm thiểu xung đột tiềm tàng (với Ấn Độ), thông qua phương thức “ngoại giao phân tầng”: hạ tầng – công nghệ, đối thoại chính trị – an ninh, và trao đổi văn hóa – người dân.

Trong tháng 2/2025, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao giữa Trung Quốc và Pakistan tại Islamabad, hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy giai đoạn 2 của Hành lang Kinh tế Trung – Pakistan (CPEC), với trọng tâm vào hạ tầng kỹ thuật số và năng lượng sạch. Bắc Kinh bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập các trung tâm dữ liệu chiến lược và mở rộng hệ thống điện mặt trời tại Balochistan, đặc biệt là dự án hỗ trợ lắp đặt 15.000 hệ thống năng lượng tái tạo tại khu vực này[30]. Hai bên cũng thảo luận về việc phát triển hệ thống kết nối cáp quang giữa Gwadar và Kashgar như một phần trong chiến lược dài hạn, tuy nhiên chưa có thông báo chính thức về việc khởi động dự án trong giai đoạn này. Bắc Kinh nhấn mạnh CPEC không chỉ là hành lang thương mại, mà còn là “trục đổi mới số” giữa hai nước, trong bối cảnh Trung Quốc cần một lối ra biển Ả Rập ổn định, rút ngắn chuỗi cung ứng ra khỏi eo biển Malacca. Song song, Trung Quốc tăng cường viện trợ quân sự và hợp tác an ninh với Pakistan thông qua Diễn đàn Quốc phòng song phương tổ chức vào tháng 3/2025, bao gồm đào tạo sĩ quan, hợp tác chống khủng bố và chia sẻ thông tin tình báo, một bước đi khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Pakistan trong vành đai an ninh phía Tây của Trung Quốc[31].

Đối với Ấn Độ, quan hệ Trung – Ấn tiếp tục duy trì trạng thái “cạnh tranh kiềm chế”, tuy vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái leo thang dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Dù còn căng thẳng, hai bên đã có một bước tiến quan trọng khi tổ chức Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao tại Bắc Kinh vào tháng 5/2025 lần đầu tiên sau ba năm gián đoạn[32]. Nội dung đối thoại tập trung vào xây dựng cơ chế giảm căng thẳng biên giới, nối lại các kênh giao lưu nhân dân và dỡ bỏ một phần các rào cản thương mại song phương. Trung Quốc cũng khéo léo tái khởi động “Diễn đàn Văn hóa Trung – Ấn” và mở rộng học bổng chính phủ cho sinh viên Ấn Độ dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng “một tầng kết nối xã hội” nhằm phá thế cô lập chiến lược của mình tại Nam Á.

Trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực Kashmir vào tháng 5/2025, Trung Quốc thể hiện lập trường ngoại giao “trung gian có điều kiện”, chủ trương ổn định khu vực để bảo vệ lợi ích chiến lược liên đới. Mặc dù không chính thức đứng về phía nào, Bắc Kinh đã nhanh chóng triển khai một loạt động thái ngoại giao con thoi, trong đó đáng chú ý là cuộc điện đàm ba bên không chính thức giữa Ngoại trưởng Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan nhằm kiểm soát tình hình dọc Hành lang Kinh tế Trung – Pakistan (CPEC)[33]. Đồng thời, Trung Quốc kêu gọi kiềm chế thông qua tuyên bố của Bộ Ngoại giao vào ngày 17/5, nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và hợp tác trong khu vực Himalaya”, một thông điệp mang tính trấn an cả Islamabad lẫn New Delhi. Bắc Kinh cũng đã thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để thúc đẩy đối thoại đa phương, đề xuất tổ chức vòng họp khẩn cấp của Ủy ban An ninh khu vực để kiểm soát nguy cơ xung đột lan rộng. Các động thái này cho thấy Trung Quốc không chỉ muốn bảo vệ các lợi ích hạ tầng chiến lược tại Pakistan mà còn đang thử nghiệm vai trò “người hòa giải có ảnh hưởng”, từng bước định hình vị thế trụ cột trong ổn định an ninh Nam Á.

Ở các nước nhỏ hơn như Nepal, Bangladesh và Sri Lanka, Trung Quốc tăng cường hiện diện tài chính, kỹ thuật thông qua các dự án hạ tầng và hợp tác năng lượng xanh. Đáng chú ý, trong tháng 1/2025, Trung Quốc và Nepal tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Rasuwagadhi – Kathmandu thông qua các bước khảo sát địa chất và đàm phán kỹ thuật, đặt nền tảng cho chiến lược dài hạn kết nối Tây Tạng với Nepal và Ấn Độ Dương[34]. Trong khi đó, Bangladesh nhận một khoản đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD từ Bắc Kinh để phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện gió tại khu vực ven biển như Barisal[35]. Cùng thời điểm, Trung Quốc mở rộng mạng lưới Viện Khổng Tử tại Nam Á và tổ chức Diễn đàn Kinh tế – Văn hóa Trung Quốc – Nam Á tại Colombo vào tháng 4/2025, qua đó quảng bá mô hình phát triển mang bản sắc Trung Hoa như một hình mẫu khu vực[36].

Chính sách của Trung Quốc tại Nam Á trong 6 tháng đầu năm 2025 phản ánh một cấu trúc vận hành song hành: vừa củng cố chiều sâu chiến lược với đối tác thân thiết (Pakistan), vừa linh hoạt hóa cạnh tranh với đối thủ truyền thống (Ấn Độ), đồng thời chủ động lấp đầy khoảng trống ảnh hưởng tại các quốc gia nhỏ. Trong khi các cường quốc khác bị hút vào xung đột Trung Đông hay cạnh tranh Đông Á, Trung Quốc đang âm thầm dựng lên một “kiến trúc khu vực bán định chế hóa” tại Nam Á nơi Bắc Kinh không tìm cách kiểm soát toàn diện, mà tạo ra mạng lưới gắn kết nhiều tầng về thương mại, hạ tầng, và tâm lý chiến lược…

Còn tiếp

Tác giả: Trương Quốc Lượng

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]

Tài liệu tham khảo:

[1] Financial Times. (2024). “Will Xi’s manufacturing plan be enough to rescue China’s economy?”. https://www.ft.com/content/ae517907-0244-4344-ad0a-1d029c03555b

[2] Cunningham, M. (2024). “Cross‑Strait Relations in the Lai Era”. The Heritage Foundation. https://www.heritage.org/china/commentary/cross-strait-relations-the-lai-era

[3] Resilinc Editorial Team. (2020). “Is a China +1 strategy feasible?” Resilinc. https://resilinc.ai/blog/is-a-china-1-strategy-feasible/

[4] Euractiv. (2024). “China, Russia chide West at annual security forum in Beijing”. https://www.euractiv.com/section/global-europe/news/china-russia-chide-west-at-annual-security-forum-in-beijing/ 

[5] 中华人民共和国党委. (2025). “韩正出席2025年海南自由贸易港全球产业招商大会并致辞”. http://qstheory.cn/20250414/4a5d86b937154c10abb2d63ed18edfbe/c.html

[6] 中华人民共和国国际关系研究院: “国家核心利益与中国新外交”. http://www.tuiir.tsinghua.edu.cn/imiren/guojiahexinliyiyuzhongguoxinwaijiao.pdf 

[7] 李黎明. (2024). “拯救布雷顿森林体系:战后美国推动西欧国际货币合作的困境、妥协与实现”. 《史学集刊》(第212期), 61–72. https://www.airitilibrary.com/Article/Detail/P20200721001-N202405250004-00007

[8] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. (2024). “[Title in English]. Ministry of Foreign Affairs”. http://www.mfa.gov.cn/eng/wjb/zzjg_663340/swaqsws_665306/xgxw/202403/t20240328_11272725.html

[9] 中华人民共和国国务院. (2025). “博鳌亚洲论坛2025年年会闭幕”. https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202503/content_7016252.htm

[10] 郭振雪. (2025). “中老AI合作书写南南共赢新叙事”. http://hqtime.huanqiu.com/share/article/4Lp9bCFBqJf

[11] 中华人民共和国国务院. (2025). “政府工作报告”. https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202503/content_7013163.htm

[12] 中华人民共和国外交部. (2025). “中华人民共和国和巴西联邦共和国关于强化携手构建更公正世界和更可持续星球的中巴命运共同体,共同维护多边主义的联合声明”. https://www.mfa.gov.cn/zyxw/202505/t20250513_11622149.shtml

[13] 中华人民共和国国务院. (2025). “中国邀请上合组织成员国共建人工智能应用合作中心”. https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202505/content_7025803.htm

[14] Yang Xinrui (2025). “Shanghai Forum 2025: Building Sustainable Global AI Governance Frameworks”. Shanghai Forum, Fudan University. http://shanghaiforum.fudan.edu.cn/forumen/23/38/c19072a729912/page.htm

[15] CGTN: “China to build a Global South community with a shared future”. https://news.cgtn.com/news/2023-09-18/China-to-build-a-Global-South-community-with-a-shared-future–1nb5bQsqY9O/index.html

[16] Walia, S. (2025). “China – Japan – South Korea foreign minister meeting spotlights a complex partnership”. The Diplomat. https://thediplomat.com/2025/03/china-japan-south-korea-foreign-minister-meeting-spotlights-a-complex-partnership/

[17] Peterson, Z. (2022). “An overview of the Chip 4 Alliance and its ramifications”. Electronics360. https://electronics360.globalspec.com/article/19081/an-overview-of-the-chip-4-alliance-and-its-ramifications

[18] Guo, Y., & Liu, X. (2025). “PLA Eastern Theater Command delegation’s Japan visit helps reduce probability of unexpected accidents: exper”. Global Times. http://www.globaltimes.cn/page/202501/1326780.shtml

[19] 韩联社: “详讯:韩中经贸联委会第28次会议在首尔举行 “.  https://cn.yna.co.kr/view/ACK20241212004000881

[20] 中华人民共和国驻朝鲜民主主义人民共和国大使馆. (2025). “王亚军会见朝鲜外务省副相朴明浩. 中华人民共和国驻朝鲜使馆”. http://kp.china-embassy.gov.cn/dssghd/202502/t20250219_11558670.htm

[21] Philippine News Agency. (2025). “PH urges respect for int’l law in ASEAN‑China COC talk”. https://www.pna.gov.ph/articles/1248039

[22] VietnamPlus. (2025). “ASEAN signs projects worth over US $31 billion with China’s Guangdong province”. https://en.vietnamplus.vn/asean-signs-projects-worth-over-31-billion-usd-with-chinas-guangdong-province-post320809.vnp

[23] Dominikus. (2025). “Shengte marks key milestones in Indonesia nickel, stainless steel projects”. Petromindo. https://www.petromindo.com/news/article/shengte-marks-key-milestones-in-indonesia-nickel-stainless-steel-projects

[24] Xinhua. (2025). “Lancang‑Mekong countries discuss regional issues”. https://english.news.cn/20250321/7d4cca55ec3a4374841b389c8d5c781b/c.html

[25] FERRERAS, V. A. (2025). “ASEAN maritime security dialogue set in Manila on May 21-23, 2025”. GMA Integrated News. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/946728/asean-maritime-security-dialogue-set-in-manila-on-may-21-23-2025/story/

[26] 中华人民共和国外交部. (2025). “中国—中亚外长举行第六次会晤”. https://www.fmprc.gov.cn/web/wjbzhd/202504/t20250426_11604900.shtml

[27] Global Times. (2025). “China puts forward five proposals to boost cooperation with Central Asia”. https://www.globaltimes.cn/page/202504/1332910.shtml

[28] Railway Gazette International. (2025). “Xi’an to Almaty tourist train launched”. https://www.railwaygazette.com/passenger/xian-to-almaty-tourist-train-launched/68888.article

[29] Interfax. (2025). “Scientific Technical Centre for Hydrogen Energy to be established in Kazakhstan’s Kurchatov with China’s participation”. https://interfax.com/newsroom/top-stories/110520/

[30] News Desk. (2025). “China backed solar project launched in Balochistan to tackle energy crisis”. The Daily CPEC. https://thedailycpec.com/china-backed-solar-project-launched-in-balochistan/

[31] Reuters. (2025). “Pakistan, China in talks about security for Chinese nationals”. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/pakistan-china-talks-about-security-issues-chinese-nationals-face-2025-03-26/

[32] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. (2025). “China and India hold a new round of vice foreign minister–foreign secretary dialogue”. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xw/wjbxw/202506/t20250613_11648088.html

[33] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China. (2025). “Wang Yi on the outcomes of the trilateral meeting of foreign ministers of China, Afghanistan and Pakistan”. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjbzhd/202505/t20250521_11629994.html

[34] Chakraborty, A. (2023). “Railway study, opening border become “double bonanza” for Nepal”. China Daily Hong Kong. https://www.chinadailyhk.com/hk/article/308439

[35] Nedopil, C. (2025). “China Belt and Road Initiative (BRI) Investment Report 2024”. Griffith Asia Institute & Green Finance & Development Center, FISF. https://greenfdc.org/wp-content/uploads/2025/02/Nedopil-2025_China-Belt-and-Road-Initiative-BRI-Investment-Report-2024-1.pdf

[36] Xinhua. (2025). “2025 China–South Asia Forum on Poverty Reduction and Development Cooperation held in Sri Lanka”. https://english.news.cn/asiapacific/20250517/07fd6fb5c56740a7bc64fe107cc194bd/c.html

Tags: Cạnh tranh chiến lượcNgoại giao Trung QuốcSáng kiến An ninh Toàn cầuSáng kiến Phát triển Toàn cầuSáng kiến Văn minh Toàn cầu
ShareTweetShare
Bài trước

Tái định vị Quad trong cạnh tranh khu vực: Từ hàng hải đến lục địa, từ cam kết đến thực thi

  • Thịnh Hành
  • Bình Luận
  • Latest
Tình hình xung đột tại Myanmar sau 3 năm: Diễn biến, tác động và dự báo

Tình hình xung đột tại Myanmar sau 3 năm: Diễn biến, tác động và dự báo

30/01/2024
Châu Á – “thùng thuốc súng” của Chiến tranh thế giới thứ ba

Châu Á – “thùng thuốc súng” của Chiến tranh thế giới thứ ba

18/09/2024
Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

04/06/2025
Tình hình Biển Đông từ đầu năm 2024 đến nay và những điều cần lưu ý

Tình hình Biển Đông từ đầu năm 2024 đến nay và những điều cần lưu ý

06/05/2024
Dấu hiệu cách mạng màu trong khủng hoảng chính trị ở Bangladesh?

Dấu hiệu cách mạng màu trong khủng hoảng chính trị ở Bangladesh?

07/08/2024
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam (Phần I)

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam (Phần I)

04/10/2023
Chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

Chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

24/07/2023
Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia

Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia

02/11/2023
Triển vọng phát triển tuyến đường thương mại biển Á – Âu qua Bắc Băng Dương

Triển vọng phát triển tuyến đường thương mại biển Á – Âu qua Bắc Băng Dương

2
Khả năng phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Quốc trong những năm tới

Khả năng phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Quốc trong những năm tới

2
4,5 giờ đàm phán cấp cao Mỹ – Nga: cuộc chiến tại Ukraine liệu có cơ hội kết thúc?

Những điều đáng chú ý trong cuộc đàm phán Ngoại trưởng Nga – Mỹ tại Saudi Arabia

2
Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

2
Liệu đã đến thời điểm nghĩ tới đàm phán hòa bình với Nga và các điều khoản sẽ thế nào?

Liệu đã đến thời điểm nghĩ tới đàm phán hòa bình với Nga và các điều khoản sẽ thế nào?

1
Quan hệ Nga-Trung-Triều phát triển nhanh chóng và hệ lụy đối với chiến lược của phương Tây

Quan hệ Nga-Trung-Triều phát triển nhanh chóng và hệ lụy đối với chiến lược của phương Tây

1
Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam

Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam

1
Nhìn nhận về quan hệ Nga – Triều hiện nay: Vị thế của một tiểu cường sở hữu vũ khí hạt nhân

Nhìn nhận về quan hệ Nga – Triều hiện nay: Vị thế của một tiểu cường sở hữu vũ khí hạt nhân

1
Ngoại giao Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2025: Mục tiêu, biểu hiện và một số dự báo (Phần đầu)

Ngoại giao Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2025: Mục tiêu, biểu hiện và một số dự báo (Phần đầu)

05/07/2025
Tái định vị Quad trong cạnh tranh khu vực: Từ hàng hải đến lục địa, từ cam kết đến thực thi

Tái định vị Quad trong cạnh tranh khu vực: Từ hàng hải đến lục địa, từ cam kết đến thực thi

04/07/2025
Hun Sen đã tạm thắng một “nước cờ”, nhưng “ván cờ” chưa kết thúc

Hun Sen đã tạm thắng một “nước cờ”, nhưng “ván cờ” chưa kết thúc

03/07/2025
Mô hình và chiến lược cạnh tranh quyền lực biển trong quá trình trỗi dậy của các cường quốc – Góc nhìn từ quan điểm sinh thái học (Phần đầu)

Mô hình và chiến lược cạnh tranh quyền lực biển trong quá trình trỗi dậy của các cường quốc – Góc nhìn từ quan điểm sinh thái học (Phần cuối)

02/07/2025
Mô hình và chiến lược cạnh tranh quyền lực biển trong quá trình trỗi dậy của các cường quốc – Góc nhìn từ quan điểm sinh thái học (Phần đầu)

Mô hình và chiến lược cạnh tranh quyền lực biển trong quá trình trỗi dậy của các cường quốc – Góc nhìn từ quan điểm sinh thái học (Phần đầu)

01/07/2025
Nhìn thấy được gì từ cuộc xung đột 12 ngày đêm Israel – Iran?

Nhìn thấy được gì từ cuộc xung đột 12 ngày đêm Israel – Iran?

30/06/2025
Nhìn nhận lại chương trình nghị sự cực đoan trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump

Nhìn nhận lại chương trình nghị sự cực đoan trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump

29/06/2025
Một số nhận định xung quanh Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17

Một số nhận định xung quanh Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17

28/06/2025

Tin Mới

Ngoại giao Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2025: Mục tiêu, biểu hiện và một số dự báo (Phần đầu)

Ngoại giao Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2025: Mục tiêu, biểu hiện và một số dự báo (Phần đầu)

05/07/2025
34
Tái định vị Quad trong cạnh tranh khu vực: Từ hàng hải đến lục địa, từ cam kết đến thực thi

Tái định vị Quad trong cạnh tranh khu vực: Từ hàng hải đến lục địa, từ cam kết đến thực thi

04/07/2025
73
Hun Sen đã tạm thắng một “nước cờ”, nhưng “ván cờ” chưa kết thúc

Hun Sen đã tạm thắng một “nước cờ”, nhưng “ván cờ” chưa kết thúc

03/07/2025
790
Mô hình và chiến lược cạnh tranh quyền lực biển trong quá trình trỗi dậy của các cường quốc – Góc nhìn từ quan điểm sinh thái học (Phần đầu)

Mô hình và chiến lược cạnh tranh quyền lực biển trong quá trình trỗi dậy của các cường quốc – Góc nhìn từ quan điểm sinh thái học (Phần cuối)

02/07/2025
78

Cộng đồng nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế.

Liên hệ

Email: [email protected]; [email protected]

Danh mục tin tức

  • Bầu cử tổng thống mỹ
  • Châu Á
  • Châu Âu
  • Châu Đại Dương
  • Châu Mỹ
  • Châu Phi
  • Chính trị
  • Chuyên gia
  • Khu vực
  • Kinh tế
  • Lĩnh vực
  • Media
  • Phân tích
  • Quốc phòng – an ninh
  • Sách
  • Sự kiện
  • Sự kiện
  • Thông báo
  • Thư viện
  • TIÊU ĐIỂM – ĐẠI HỘI ĐẢNG XX TQ
  • Xã hội
  • Ý kiến độc giả
No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo

© 2022 Bản quyền thuộc về nghiencuuchienluoc.org.