Với sự trỗi dậy mạnh mẽ và đi lên nhanh chóng trên nấc thang kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT). Điều này bắt nguồn từ nhận thức phổ biến cho rằng một nền kinh tế có quy mô GDP đứng thứ hai thế giới, thương mại hàng hóa đứng đầu thế giới như Trung Quốc cần có một vị trí tương xứng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đặc biệt, bối cảnh xu hướng “phi Đô la hóa” ngày càng nổi bật do các biến động về địa chính trị và địa kinh tế sau cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã đặt Trung Quốc trước “cơ hội hiếm có” để đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng NDT khi ngày càng nhiều quốc gia sẵn sàng sử dụng đồng tiền này. Vậy chiến lược của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng quốc tế hóa đồng NDT là gì? Liệu những nỗ lực và thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong quá trình quốc tế hóa ấy có đủ để đồng NDT trở thành một loại tiền tệ toàn cầu quan trọng có thể thay thế đồng Đô la Mỹ?
Tổng quan về quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT)
Khái niệm quốc tế hoá đồng NDT
Một đồng tiền được coi là được quốc tế hóa khi nó được sử dụng rộng rãi bởi chính phủ và khu vực tư nhân (cả người định cư và không định cư) ở cả trong và ngoài nước, giữa các nước khác với nhau với đầy đủ chức năng cơ bản của một đồng tiền bao gồm: phương tiện cất trữ giá trị, phương tiện trao đổi/thanh toán, và đơn vị hạch toán/thanh toán.
Như vậy, quốc tế hóa đồng NDT tức là cho phép đồng NDT được sử dụng bên ngoài Trung Quốc. Đồng thời, cho phép người không cư trú tại Trung Quốc sử dụng đồng NDT như một loại tiền tệ có thể thanh toán, đầu tư và dự trữ ở nước ngoài.[1] Nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT được coi là chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm tạo ra một thị trường tài chính ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Công dân Trung Quốc sử dụng NDT để mua bán hàng hóa và dịch vụ cũng như vay và cho vay quốc tế. Từ đó, giúp giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch và khả năng xảy ra khủng hoảng cán cân thanh toán do các cuộc tấn công đầu cơ vào đồng NDT gây ra.
Tổng quan quá trình quốc tế hoá đồng NDT
Quá trình quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc đã bắt đầu từ những năm 2000 bằng việc đưa ra các ưu đãi cho tổ chức tài chính và công ty để sử dụng đồng NDT trong thanh toán thương mại và định danh các công cụ tài chính nước ngoài.[2] Trung tâm giao dịch NDT thành lập đầu tiên tại Hồng Kông vào năm 2009 đã thành công hỗ trợ cho quá trình này khi dẫn đến sự gia tăng theo cấp số nhân của số lượng giao dịch Đô la Hồng Kông-NDT. Đồng thời, trái phiếu bằng NDT hay còn gọi là “trái phiếu gấu trúc” đã được phát hành cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay NDT để tài trợ cho các hoạt động kinh tế của họ ở Trung Quốc.[3]
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng NDT và làm cho việc sử dụng đồng tiền này trở nên thuận tiện hơn trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Để cung cấp thanh khoản bằng NDT cho các quốc gia nước ngoài, Trung Quốc đã cố gắng tăng cường ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương của các quốc gia khác thông qua thanh toán thương mại song phương. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa ra các chiến lược nhằm tăng cường phối hợp giữa nội tệ và ngoại tệ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy các chủ thể sử dụng đồng NDT nhiều hơn và thúc đẩy đổi mới trong đầu tư và tài trợ xuyên biên giới bằng đồng NDT.
Chiến lược thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT
Tăng cường hợp tác sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế
Tận dụng lợi thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của 120 quốc gia, Trung Quốc đã thúc đẩy việc định giá và thanh toán hàng hóa dựa trên đồng NDT thông qua tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia và khu vực trên thế giới. Nắm bắt thời cơ thế giới đang chao đảo vì hạn chế của đồng Đô la Mỹ trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Bắc Kinh đã đẩy mạnh thực hiện các cuộc đàm phán nhằm sử dụng NDT trực tiếp trong thương mại cũng như thông qua đầu tư vào các nước đối tác. Kết quả, ngày càng có nhiều quốc gia chấp nhận mong muốn này của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 50 quốc gia trên thế giới đã bắt đầu tiến hành “phi Đô la hóa”, trong đó có hơn 30 quốc gia dần chuyển sang sử dụng NDT trong thanh toán thương mại và đầu tư. Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều ngân hàng trung ương của các đối tác như:
Tại Nga, tỉ lệ giao dịch đồng rúp-NDT đã tăng lên 39%, vượt qua tỷ lệ 34% của giao dịch đồng Rúp – Đô la Mỹ. Tại khu vực Nam Mỹ, Brazil đã thiết lập thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng NDT với Trung Quốc, từ đó đồng NDT đã vượt qua đồng Euro để trở thành đồng tiền chiếm ưu thế thứ hai trong dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Ngoài ra, bắt đầu từ 26/04/2023, Argentina cũng đã chuyển sang sử dụng đồng NDT thay vì Đô la Mỹ trong thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để duy trì dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt. Tại khu vực Trung Đông, Iraq đã chính thức thông báo cho phép thanh toán trực tiếp với Trung Quốc bằng NDT và gia tăng dự trữ NDT. Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận vay NDT với Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia (SNB), tạo điều kiện cho việc sử dụng NDT trong thương mại tương lai. Các biện pháp tăng cường sử dụng đồng NDT trong thương mại song phương giữa Iran và một số đối tác quốc tế cũng là một minh chứng rõ ràng cho vai trò ngày càng tăng của đồng NDT.
Bên cạnh đó, đồng NDT đang ngày càng phát huy vai trò mạnh mẽ trong các cơ chế và tổ chức khu vực tầm cỡ như: Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB),… Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhận ra sự cần thiết của việc các quốc gia trong BRI chấp nhận thanh toán chính bằng NDT trước tỷ lệ sử dụng đồng Đô la Mỹ vẫn chiếm ưu thế, Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp để tăng cường sử dụng rộng rãi NDT trong khuôn khổ sáng kiến[4]. Tới nay, NDT ngày càng được khai thác triệt để và được đánh giá cao khi tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho các quốc gia tham gia. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các khoản thanh toán bằng NDT của Trung Quốc với các quốc gia thuộc BRI đã đạt con số ấn tượng 5,42 nghìn tỷ NDT vào năm 2021, tăng 19,6% so với năm trước đó[5]. Đối với AIIB, đồng NDT là một trong những đồng tiền chính để thanh toán, sử dụng trong các hoạt động tài chính, điều này thể hiện vai trò và sức ảnh hưởng của đồng NDT trên thị trường tài chính khu vực ngày càng rõ ràng hơn. Ngoài ra, NDT đã trở thành đồng tiền được đánh giá cao trong các hoạt động tài chính và thương mại của các quốc gia thành viên SCO. Tháng 09/2022, SCO đã công bố “lộ trình tăng dần tỷ trọng đồng nội tệ trong các giao dịch chung” thể hiện những nỗ lực “phi Đô la hóa” của tổ chức này[6]. Đặc biệt là, sự liên kết chặt chẽ hướng tới phi Đô la hóa giữa các tổ chức trên đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Cụ thể, Tổng thư ký SCO Vladimir Norov (2019-2021) đã xác nhận rằng SCO, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á, Quỹ Con đường Tơ lụa cần thiết lập quan hệ đối tác gần gũi hơn nữa với nhau để khai thác triệt để tiềm năng đầu tư của SCO[7].
Xây dựng hệ thống thanh toán xuyên biên giới
Dựa trên thực tế, hệ thống SWIFT đã trở thành công cụ thực hiện trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với các quốc gia có mâu thuẫn. Vào năm 2020, các quốc gia phương Tây thông báo loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi quốc gia này đẩy mạnh hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine, trong đó bao gồm loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Vậy nên, nhằm đảm bảo sự ổn định trong hệ thống tài chính quốc gia tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong trường hợp các ngân hàng Trung Quốc bị loại khỏi SWIFT, Trung Quốc đã thành lập và phát triển Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới bằng NDT (CIPS) vào năm 2015 để giảm bớt sự phụ thuộc vào SWIFT.
Hệ thống thanh toán CIPS ra đời nhằm thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT thông qua việc cho phép các ngân hàng toàn cầu có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng NDT mà không phải thông qua các ngân hàng thanh toán trung gian. CIPS cũng trở nên quan trọng hơn sau khi Bắc Kinh khởi xướng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” đầy tham vọng liên quan đến khoản đầu tư trị giá hàng trăm tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc ở nước ngoài.
Xét từ tình hình sử dụng Hệ thống thanh toán xuyên biên giới đồng NDT (CIPS), tính đến cuối năm 2022, tổng cộng có hơn 1.300 tổ chức Trung Quốc và nước ngoài kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp với CIPS[8]. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy, trong năm 2022, tổng số tiền thanh toán trên hệ thống thanh toán CIPS đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021, lên 96,7 nghìn tỷ NDT (tương đương 14,02 nghìn tỷ Đô la Mỹ).[9]
Mặc dù hiện tại, CIPS vẫn phải phụ thuộc vào kênh trao đổi của SWIFT, nhưng họ hoàn toàn có khả năng hoạt động độc lập và có một kênh giao tiếp giữa các tổ chức tài chính của riêng mình. Đối với các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc, CIPS có thể được sử dụng như một hệ thống liên lạc mà không phải đề phòng rủi ro thông tin giao dịch bị lộ.
Đẩy mạnh phát triển đồng NDT điện tử
Bên cạnh việc thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng NDT thông qua việc tăng cường sử dụng đồng NDT trong hợp tác kinh tế quốc tế, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chiến lược phát triển đồng NDT điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thanh toán và giao dịch xuyên biên giới bằng đồng NDT.
Đồng NDT điện tử là loại tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có giá trị tương đương với đồng NDT chuẩn (RMB). Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu và phát triển một loại tiền điện tử quốc gia vào năm 2014. Từ năm 2020, Trung Quốc đã thử nghiệm đồng NDT điện tử (e-CNY) tại 26 thành phố trên toàn quốc, với 17 chương trình thử nghiệm.[10] Trung Quốc chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể cho việc triển khai đồng tiền mã hóa trên toàn quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy việc sử dụng e-CNY.
Trung Quốc đã triển khai một loạt các chương trình thử nghiệm trên khắp các thành phố khác nhau nhằm thúc đẩy việc sử dụng e-CNY trong nước. Mục tiêu ban đầu của PBOC khi phát triển e-CNY không chỉ để cạnh tranh với hệ thống thanh toán nội địa mà còn đặt nền móng cho các giao dịch xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số quốc gia. Đây được xem như nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc. Năm 2023, thành phố Changshu, thành phố ở phía Đông Trung Quốc, đang lên kế hoạch trả lương cho nhân viên công chức hoàn toàn bằng tiền tệ kỹ thuật số. Thành phố này sẽ bắt đầu trả lương cho các nhân viên công chức và những người làm việc cho các tổ chức công cộng bằng đồng NDT điện tử bắt đầu từ tháng 06/2023[11]. Bước tiến này đánh dấu một bước đột phá lớn để thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng ứng dụng cho đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương, được gọi là Hệ thống Thanh toán Điện tử Tiền tệ Kỹ thuật số (DCEP). Ứng dụng này đã được sử dụng cho các khoản vay ngân hàng, hóa đơn tiện ích và thanh toán lương cho nhân viên công chức.
Ngoài việc thúc đẩy sự phát triển của e-CNY trong nội địa, Trung Quốc cũng tăng cường thanh toán các giao dịch xuyên biên giới bằng e-CNY. Vào ngày 27/10/2023, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã hoàn thành giao dịch thanh toán 1 triệu thùng dầu thô bằng đồng NDT kỹ thuật số[12]. Khoản thanh toán này được thực hiện theo lời kêu gọi của chính quyền thành phố Thượng Hải đối với doanh nghiệp về việc sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ t số trong giao dịch dầu khí quốc tế. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số vào thanh toán xuyên biên giới trong giao dịch dầu khí. Thương vụ này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tìm tòi các khả năng thanh toán bằng Nhân dân tệ xuyên biên giới và mở rộng các kịch bản ứng dụng của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số.
Mặt khác, PBOC đã tham gia vào dự án tiền tệ kỹ thuật số “mBridge”, một kế hoạch hợp tác với các ngân hàng Trung ương của Thái Lan, Hồng Kông và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để thử nghiệm thanh toán các giao dịch xuyên biên giới bằng tiền điện tử. Ngoài ra, ASEAN là một khu vực quan trọng mà đồng NDT có thể đóng vai trò như một loại tiền tệ mẫu của khu vực. Do đó, việc giao dịch e-CNY của Trung Quốc đẩy mạnh vào các khu vực có biên giới và giao dịch với các quốc gia ASEAN. Ví dụ, khu tự trị dân tộc Chuang Quảng Tây (một khu vực miền Nam Trung Quốc) đã cam kết trở thành một khu vực tiên phong sử dụng e-CNY trong thương mại với các nước Đông Nam Á-dấu hiệu mới nhất cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc quốc tế hóa đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương. Trung Quốc sẽ triển khai 9 chức năng trên toàn quốc để sử dụng e-CNY và thử nghiệm tám kịch bản, bao gồm việc sử dụng e-CNY tại Triển lãm Trung Quốc-ASEAN hàng năm vào tháng 9, và trong các giao dịch kinh doanh trong khu vực thương mại tự do và trong giao dịch biên giới.[13]
Có thể nói, việc thúc đẩy sử dụng e-CNY trong nước và quốc tế đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Trung Quốc nhằm tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây như lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga, đồng thời làm suy giảm sự thống trị toàn cầu của Đô la Mỹ trong thương mại quốc tế.
Đánh giá vị thế đồng NDT so với đồng tiền khác
Tỷ trọng dự trữ ngoại hối NDT của các quốc gia
Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ đồng Đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm từ 71% năm 1999 xuống 59% vào năm 2020, theo dữ liệu của IMF.[14] Sự suy giảm tỷ trọng của đồng Đô la trong dự trữ ngoại hối toàn cầu chủ yếu do sự gia tăng của đồng Euro. Tỷ trọng của đồng Euro đã luôn dao động vào mức khoảng 20% trong dự trữ toàn cầu kể từ ngày đồng Euro được ra mắt.
Tỷ trọng đồng NDT trong dự trữ toàn cầu đã tăng từ khoảng 1% vào năm 2019 lên khoảng 3% vào năm 2022.[15] Một trong số những nguyên nhân của sự gia tăng tỉ trọng này là do sự phụ thuộc của nhiều nước đang phát triển vào Trung Quốc và Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cùng với những thỏa thuận đã đạt được với Ngân hàng Trung ương của quốc gia khác bằng việc thanh toán song phương bằng đồng NDT. Trong tương lai, rất có thể Trung Quốc sẽ sử dụng chính sách thanh toán nợ bằng đồng NDT với một hệ thống các quốc gia trong BRI. Từ đó, mở rộng thêm mạng lưới Ngân hàng Trung ương sử dụng đồng NDT trong thương mại song phương với Trung Quốc. Mặc dù điều này cũng có ảnh hưởng đến quá trình quốc tế hóa đồng NDT nhưng khả năng đồng NDT có thể bứt phá thay đồng Euro hay thậm chí Đô la Mỹ là vẫn còn quá sớm trong tương lai gần.
Khả năng thanh toán quốc tế trong hệ thống thanh toán SWIFT
Vào tháng 01/2023, NDT đã giữ vị trí là đồng tiền hoạt động mạnh thứ năm trong thanh toán toàn cầu tính theo giá trị, với tỷ lệ 1,91%. Nhìn chung, giá trị thanh toán bằng NDT giảm 12,79% so với tháng 12/2022, trong khi nhìn chung tất cả các khoản thanh toán bằng tiền tệ đều giảm 1,54%. Xét về thanh toán quốc tế không bao gồm thanh toán trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, NDT xếp thứ 8 với tỷ lệ 1,33%.[16]
Từ giai đoạn năm 2021-2023, sự tăng trưởng của đồng NDT trong hệ thống thanh toán SWIFT ở các danh mục cổ phiếu và thị trường tài chính là không đáng kể. Cho đến tháng 01/2023, lượng giao dịch đồng NDT chỉ đạt 1,91% so với các đồng tiền khác và gần như là không có tiến triển trong giai đoạn 3 năm 2019-2022. Tuy đã có những dấu hiệu tích cực hơn khi tổng giá trị đồng NDT được giao dịch trên thị trường tài chính đã tăng gấp đôi: 4% vào tháng 01/2023 so với 2,15% vào tháng 1 năm 2021.
Mặc dù NDT đã đạt được mức độ quốc tế hóa, dữ liệu SWIFT mới nhất cho thấy đồng Euro và Đô la Mỹ cùng nhau chiếm hơn bảy trong số mười khoản thanh toán SWIFT trên toàn thế giới vào tháng 01/2023, một con số vượt trội so với các loại tiền tệ khác. Đồng Đô la Mỹ đã liên tục dẫn đầu các loại tiền tệ khác trong thống kê của SWIFT trong nhiều thập kỷ.
Dự báo xu hướng quốc tế hóa đồng NDT trong tương lai
Với tốc độ phi Đô la hóa ngày càng tăng khi nhiều quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho “đồng bạc xanh” để giảm phụ thuộc vào Mỹ, quá trình quốc tế hóa đồng NDT đã và đang đạt được những thành tựu nhất định trong nền kinh tế quốc tế. Các tổ chức tài chính cùng với các nhà phân tích dự đoán rằng đến năm 2030, đồng NDT sẽ trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ ba trong thanh toán quốc tế và như một loại tiền dự trữ. Tính đến quý II năm 2022, theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc tế của ngân hàng trung ương thế giới bao gồm 59% Đô la Mỹ, 20% Euro, 5% yên, 5% bảng Anh và 2,5% NDT[17]. Tuy nhiên, với những nỗ lực và sự cộng hưởng từ các yếu tố thuận lợi, đồng NDT cho thấy triển vọng có thể vượt qua đồng yên và đồng bảng Anh như một loại tiền tệ dự trữ.
Tuy nhiên, quá trình quốc tế hóa nhằm đưa NDT trở thành một loại tiền tệ toàn cầu vẫn sẽ là một quá trình dài đầy thách thức. Nó có thể đang đạt được đà phát triển, nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu. Đồng NDT sẽ khó có thể đe dọa hai loại tiền tệ quốc tế thống trị hàng đầu là đồng Đô la Mỹ và Euro trong tương lại gần. Theo Reuters, tỉ lệ giao dịch thương mại trên toàn cầu bằng đồng đô ly Mỹ trong 03/2023 là 83,7%, vượt xa so với tỉ lệ 4,5% của đồng Nhân dân tệ. Nhìn lại lịch sử, đã 24 năm kể từ khi đồng Euro ra đời, đồng tiền số 2 thế giới vẫn không cạnh tranh được với đồng Đô la Mỹ về mức độ hấp dẫn quốc tế. Đô la Mỹ được sử dụng trong giao dịch ngoại hối nhiều gấp ba lần so với đồng Euro.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ khó có thể đột phá quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ nếu chỉ dựa vào thương mại giữa với các nước. Cơ chế ngoại hối của Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để cung cấp một lượng nội tệ lớn ra nước ngoài bởi khi đó khả năng kiểm soát giá trị đồng tiền này của PBOC sẽ giảm đi, đồng NDT có thể mất giá. Vậy nên, để thúc đẩy quốc tế hóa NDT, Trung Quốc sẽ phải thay đổi cách thức điều hành nền kinh tế của mình.
Kết luận
Quốc tế hóa đồng NDT là quá trình đẩy mạnh việc sử dụng đồng NDT để thanh toán và giao dịch trong và ngoài nước. Quá trình quốc tế hóa đã diễn ra từ giữa những năm 2000 và ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ qua các chiến lược của chính phủ Trung Quốc. Bằng cách tận dụng quan hệ song phương, đa phương với các quốc gia khác và cơ hội trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc đã thành công thúc đẩy các nước “phi Đô la hóa” và sử dụng đồng NDT như một phương tiện để thanh toán, đầu tư và dự trữ. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi trong thanh toán và giao dịch xuyên biên giới, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược phát triển đồng NDT điện tử. Tuy nhiên, mặc dù đã có những thành tựu đáng kể trong quá trình quốc tế hóa đồng NDT nhưng đồng tiền này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng các giao dịch và dự trữ so với đồng Euro và đồng Đô la Mỹ. Vì vậy, vẫn rất khó để có thể đánh giá được sự thành công của chiến lược quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc trong tương lai./.
Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thanh Lam, Hoàng Thảo Nhi
Học viện Ngoại giao
Bài viết thể hiện quan điểm của hai tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược (NCCL). Bản quyền nội dung bài viết thuộc về các tác giả và NCCL, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1]Contributor, G. (2012). “Renminbi Internationalization: Background and Milestones. Enterprising Investor”. https://blogs.cfainstitute.org/investor/2012/02/27/renminbi-internationalization-background-and-milestones/
[2]Author, B. W. &. (2022). “Internationalization Of The Renminbi: What you need to know?.” Bound. https://www.bound.co/blog/internationalisation-of-the-renminbi
[3]Yu, Y. (2012). Revisiting the Internationalization of the Yuan. ADB Institute. https://www.adb.org/sites/default/files/publication/156221/adbi-wp366.pdf
[4] Choyleva, D., & McMahon, D. (2022). “Belt and Road’s next chapter will be all about the yuan”. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Opinion/Belt-and-Road-s-next-chapter-will-be-all-about-the-yuan
[5]Briefing, S. R. (2022). “China’s RMB settlements along BRI markets up 19.6%”. Silk Road Briefing. https://www.silkroadbriefing.com/news/2022/10/06/chinas-rmb-settlements-along-bri-markets-up-19-6/
[6] Sher, N. (2023). “Serving the real economy: From DE-dollarization to RMB internationalization?” Jamestown. https://jamestown.org/program/serving-the-real-economy-from-de-dollarization-to-rmb-internationalization/
[7]Liu, Z. Z. (2022). “China is quietly trying to dethrone the dollar. Foreign Policy”. https://foreignpolicy.com/2022/09/21/china-yuan-us-dollar-sco-currency/
[8] Ngọc Lan (2023). “Trung Quốc và nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”. Công an nhân dân. https://cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/trung-quoc-va-no-luc-quoc-te-hoa-dong-nhan-dan-te-i705938/
[9]Diệu Linh (2023). “Quá trình quốc tế hóa đồng NDT đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ”. Bnews.vn https://bnews.vn/qua-trinh-quoc-te-hoa-dong-ndt-dang-dien-ra-ngay-cang-manh-me/291026.html
[10] Coco Feng (2023). “China digital currency: e-CNY wallet handles subway, train fares in parts of Zhejiang province.” South China Morning Post. https://www.scmp.com/tech/tech-trends/article/3222590/china-digital-currency-e-cny-wallet-handles-subway-tra in-fares-parts-zhejiang-province
[11] Josephine Ma (2023). “Chinese city of Changshu plans to pay employees using digital yuan”, South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3217996/chinese-city-changshu-plans-pay-employees-using- digital-yuan?
[12] Bích Thuận (2023). “Trung Quốc lần đầu thanh toán tiền mua dầu bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số”. VOV. https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-lan-dau-thanh-toan-tien-mua-dau-bang-dong-nhan-dan-te-ky-thuat-so-post1055529.vov?
[13] Frank Tang (2023). “China’s e-yuan trade push in Guangxi brings digital currency closer to Asean settlements as pilot programmes widen”. South China Morning Post. https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3220604/chinas-e-yuan-trade-push-guangxi-brings-digi tal-currency-closer-asean-settlements-pilot-programmes
[14]Chaudhury, D. R. (2023). “China displays urgency to internationalise Yuan”. Economic Times. https://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/china-displays-urgency-to-internationalise-yuan/articleshow/99860319.cms
[15] World – Official Foreign Exchange Reserves By Currency (US Dollars, Billion) (1999-2022). The International Monetary Fund .https://data.imf.org/?sk=e6a5f467-c14b-4aa8-9f6d-5a09ec4e62a4
[16] Monthly reporting and statistics on renminbi (RMB) progress towards becoming an international currency (2023). SWIFT, RMB Tracker. https://www.swift.com/swift-resource/251985/download
[17] Xuân Thanh (2023). “Đến cuối quý II/2023, đồng USD vẫn chiếm vị thế áp đảo trong tổng dự trữ ngoại hối quốc tế”. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ. https://thitruongtaichinhtiente.vn/den-cuoi-quy-ii-2023-dong-usd-van-chiem-vi-the-ap-dao-trong-tong-du-tru-ngoai-hoi-quoc-te-51553.html