Thế giới đang phát triển nhanh chóng trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó Trung Quốc hiện là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất và phát triển nhất trên thế giới. Bài viết nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế số tại Trung Quốc, các yếu tố dẫn đến sự thành công của quốc gia này và từ đó, rút ra những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi, lưu ý trong quá trình phát triển nền kinh tế số của mình.
Tình hình phát triển nền kinh tế số tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, các hoạt động kinh tế kỹ thuật số đã phát triển theo cấp số nhân trong những năm qua và dần trở thành một trong những nhân tố cốt lõi trong nền kinh tế quốc gia.
Tính đến cuối năm 2022, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới với giá trị 50,2 nghìn tỷ Nhân Dân Tệ (NDT), tương đương khoảng 6,93 nghìn tỷ USD. Tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc trong GDP đã tăng từ 14,2% năm 2005 lên 41,5% GDP năm 2022[1]. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số trong giai đoạn 2017-2022 đạt trung bình 13%, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cùng kỳ, kinh tế số trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là lực lượng chủ lực hỗ trợ phát triển kinh tế chất lượng cao. Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) dự đoán đến năm 2025, quy mô nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ vượt quá 60 nghìn tỷ NDT, chiếm hơn 50% GDP và sẽ vượt quá 100 nghìn tỷ NDT vào năm 2032[2]. Đại sứ Phần Lan tại Trung Quốc, bà Leena-Kaisa Mikkola nhận định “tốc độ số hóa tại Trung Quốc thực sự rất đang chú ý”.[3]
Từ năm 2017 đến năm 2022, tỷ trọng số hóa công nghiệp của Trung Quốc trong nền kinh tế số dao dộng ở mức cao là 82%. Năm 2022, quy mô số hóa công nghiệp xấp xỷ 41 nghìn tỷ NDT. Số hóa công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng củng cố nền tảng, nhấn mạnh đổi mới, xây dựng lợi thế, đồng thời các công nghệ như Internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình số hóa công nghiệp.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế số tại Trung Quốc đi kèm với việc mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lớn nhất và tiên tiến nhất nhằm đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số của nước này. Sách trắng “Cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai trên không gian mạng” được phát hành bởi Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tháng 11/2022 cho biết rằng quốc gia này có hệ thống mạng 5G lớn nhất thế giới và trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về Tiêu chuẩn và công nghệ 5G[4]. Tính đến cuối tháng 5/2023, số lượng trạm gốc 5G đã vượt 2,84 triệu trạm[5], nhưng chỉ 4 tháng sau, đến cuối tháng 9/2023, số lượng trạm gốc 5G tại nước này đã tăng đến 3,189 triệu trạm[6]. Ông Zhao Zhigue, người phát ngôn Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc khẳng định rằng Trung Quốc đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu về 5G. Tính đến cuối tháng 9/2023, Trung Quốc sở hữu 42% số bằng sáng chế thiết yếu về tiêu chuẩn thế giới được công bố cho công nghệ 5G[7]. Không chỉ dừng ở đó, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu và phát triển về công nghệ 6G. Trong nửa đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc vào xây dựng cơ sở hạ tầng mới tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đầu tư vào 5G và trung tâm dữ liệu tăng 13,1%, đầu tư vào Internet công nghiệp và giao thông thông minh tăng 34,1%. Hiện tại, hơn 300 thành phố đã bắt đầu xây dựng mạng băng thông rộng cáp quang gigabit và số lượng khu thí điểm phát triển và đổi mới trí tuệ nhân tạo thế hệ mới quốc gia đã lên tới 17[8].
Theo sách trắng do CAICT công bố và số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS), Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư và áp dụng công nghệ kỹ thuật số lớn nhất thế giới. Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, đã phát biểu tại Hội nghị Sản xuất Thông minh Thế giới năm 2023 rằng Trug Quốc đã xây dựng hơn 10,000 xưởng kỹ thuật số và nhà máy thông minh và trỏ thành thị trường ứng dụng sản xuất thông minh lớn nhất thế giới, công nghệ 5G đã được gần 2000 nhà máy trên cả nước áp dụng[9]. Ông Zhao Zhigue, người phát ngôn Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) phát biểu rằng, việc áp dụng 5G trong khai thác, cung cấp điện, và các lĩnh vực công nghiệp khác đã giúp các doanh nghiệp Trung Quốc nâng cao hiệu quả và cắt giảm chi phí. Ông cho biết sự phát triển của cơ sở hạ tầng mạng 5G tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất công nghệ cao. Trong 3 quý đầu năm, đầu tư vào sản xuất công nghệ cao đã tăng 11,3% so với một năm trước đó, sản lượng điện thoại di động được sản xuất đã tăng 11,8% tính riêng trong tháng 9, sản lượng pin mặt trời 384 Gigawatt đã tăng mạnh 63,2% trong 9 tháng đầu năm 2023[10]. Đặc biệt, ngành công nghiệp xe năng lượng mới (new-energy vehicle – NEV) đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm 2023 về sản xuất, cải tiến công nghệ, cơ sở hạ tầng hỗ trợ và cả cạnh tranh thương hiệu. Sản lượng sản xuất và doanh số bán xe NEV trong 9 tháng ghi nhận 6,313 triệu và 6,278 triệu chiếc, với mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 33,7% và 27,5%. Hơn 800.000 chiếc xe NEV đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Các cơ sở hỗ trợ cũng được mở rộng với khoảng 6,28 triệu trạm sạc và gần 3,5 nghìn trạm thay pin được xây dựng tính đến tháng 9. Đi cùng với đó, hơn 10.000 cửa hàng dịch vụ tái chế pin điện cũng đã được thành lập.[11]
Trung Quốc xếp thứ 11 trong Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, tăng 23 bậc so với 10 năm trước đó[12]. Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) có trụ sở tại Massachusetts đã dự đoán vào tháng 5/2023 rằng thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc sẽ vượt quá 26 tỷ USD vào năm 2026[13]. Trung Quốc có một hệ sinh thái khởi nghiệp khổng lồ, sự đổi mới và công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật số đã trở thành trụ cột của các công ty khởi nghiệp của đất nước.
Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới năm 2021. Năm 2022, tổng khối lượng giao dịch đạt 2,68 nghìn tỷ USD, chiếm gần 50% giá trị thị trường thương mại điện tử toàn cầu[14]. Taobao Tmall, JD.com và Pinduoduo là những nền tảng nội địa thống trị thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Trung Quốc cũng rất phát triển, quy mô xuất nhập khẩu trực tuyến của nước này trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,7 nghìn tỷ NDT (239 tỷ USD), tăng gần 15% so với năm trước[15]. Thương mại điện tử là thành phần lớn nhất và sâu rộng nhất của nền kinh tế số tại Trung Quốc, bằng cách kết nối người bán và người mua cùng hệ thống thanh toán di động tiện lợi, các nền tảng thương mại điện tử góp phần xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn diện tại Trung Quốc. Các gã khổng lồ kinh tế kỹ thuật số bao gồm Huawei, Baidu, Alibaba, Tencent, ByteDance, JD.com… không chỉ hỗ trợ hệ sinh thái kỹ thuật số của nước này mà các công ty này cũng là những cái tên có ảnh hưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu. Ông Wang Dongtang, cán bộ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đến cuối năm 2022, số lượng doanh nghiệp nền tảng dịch vụ kỹ thuật số của nước này có giá trị trên 1 tỷ USD đã vượt quá 200[16].
Trung Quốc cũng là quốc gia đi đầu trong công nghệ tài chính. Trung Quốc là nhà đầu tư fintech hàng đầu thế giới kể từ năm 2018. Từ tháng 1/2018 đến tháng 10/2022, hơn 50 quốc gia và khu vực trên thế giới đã nộp đơn đăng ký tổng cộng 190.000 bằng sáng chế liên quan đến lĩnh vực công nghệ tài chính. Trong số đó, ba quốc gia có số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế lớn nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, với lần lượt là 107.000, 37.100 và 7.768. Trong số 10 công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính toàn cầu xét theo số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế, có 7 công ty Trung Quốc có tên trong danh sách, đó là Ping An Group, Ant Group, Bank of China, Tencent Technology, Alibaba, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc[17]. Ngày 12/9/2023, tại Hội thảo Kinh tế số do Viện Nghiên cứu Kinh tế Internet Trung Quốc thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương tổ chức, Sách Xanh về Tài chính Kỹ thuật số – “Báo cáo Đổi mới và Phát triển Tài chính Kỹ thuật số Trung Quốc (2023)” đã được công bố. Theo Sách Xanh, sự phát triển của công nghệ tài chính kỹ thuật số của Trung Quốc đã được xếp hạng hàng đầu trên thế giới, được thể hiện bằng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán riêng tư và công nghệ hợp đồng thông minh, được đặc trưng bởi độ chính xác, trí thông minh, bảo mật và tiêu chuẩn hóa nói chung[18].
Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về thanh toán di động, với các siêu ứng dụng Wechat của Tencent và Alipay của Alibaba đã trở thành một phương thức thanh toán mặc định của người dân. Trung Quốc đang đẩy nhanh quy mô thanh toán điện tử hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo một cuộc khảo sát gần đây của PBOC, 66% giao dịch nội địa được thực hiện qua điện thoại di động. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đã nỗ lực xây dựng đồng tiền Nhân dân tệ điện tử (E-CNY) trong hệ thống thanh toán điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại quốc gia này. Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, các dự án thí điểm đồng E-CNY đã được mở rộng tới 23 khu vực trên 15 tỉnh thành ở Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực tham gia chia sẻ kiến thức kỹ thuật số của mình bằng cách cung cấp công nghệ, thiết bị và dịch vụ cho các nước kém phát triển hơn. Các công ty Trung Quốc đã tham gia vào một số dự án cáp ngầm dưới biển nối châu Phi và Á-Âu. Theo dữ liệu chính thức, hơn 200.000 km cáp quang đã được lắp đặt, mang lại khả năng truy cập Internet băng thông rộng cho 6 triệu hộ gia đình ở Châu Phi. Hơn một nửa số điểm phát không dây và mạng băng rộng di động tốc độ cao ở Châu Phi được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc[19]. Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số với các nước ASEAN. Các dự án liên quan bao gồm Công viên công nghệ kỹ thuật số Harbou Beitou, Trung tâm Khởi nghiệp & Đổi mới Thành phố Thông minh Trung Quốc-AESAN.
Phân tích nguyên nhân thành công của nền kinh tế số Trung Quốc
Nhà nước đóng vai trò cốt lõi
Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng và xác định nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những thành phần cốt lõi nhất của nền kinh tế quốc dân, từ đó, đã coi nhiệm vụ phát triển nền kinh tế số là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện của đất nước, và đã xây dựng lộ trình chi tiết cũng như các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy lĩnh vực này.
Nhiều chính sách cũng như sáng kiến mang tính chiến lược và dài hạn đã được chính phủ Trung Quốc đưa ra để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số trong nền kinh tế. Kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012), Trung Quốc đã coi trọng phát triển nền kinh tế số, triển khai chiến lược sức mạnh mạng và chiến lược dữ liệu lớn của quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, tích hợp Internet giữa kinh tế và xã hội, đồng thời hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, đã đề xuất phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy sự tích hợp sâu rộng của Internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế thực để xây dựng một Trung Quốc kỹ thuật số và một xã hội thông minh, đồng thời tạo ra cụm công nghiệp kỹ thuật số có khả năng cạnh tranh quốc tế. Trung Quốc cũng đã ban hành “Đề cương thực hiện Chiến lược điện lực mạng” và “Đề cương chiến lược phát triển kinh tế số” để triển khai và thúc đẩy phát triển kinh tế số từ cấp quốc gia. [20]
Trong “Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 14 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đề cương các mục tiêu dài hạn đến năm 2035” đã đề xuất “tạo ra những lợi thế mới trong nền kinh tế kỹ thuật số”, kế hoạch hành động, bước đầu xây dựng cả các thiết kế cấp cao nhất và có hệ thống hỗ trợ chính sách với các biện pháp cụ thể. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng mới, tăng cường bố trí chiến lược, đẩy nhanh xây dựng tốc độ cao, tích hợp không gian và trái đất; đám mây và mạng; xanh và ít carbon; an toàn và có thể kiểm soát được hạ tầng thông tin số thông minh, toàn diện, mở cửa kinh tế, xã hội.
Trung Quốc xác định phải tự chủ về công nghệ cốt lõi trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế số để chủ động phát triển, bảo đảm an ninh mạng, an ninh quốc gia, từ đó, có các kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các công nghệ nền tảng này. Ông Jin Zhuanglong, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, cơ quan quản lý ngành hàng đầu của Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi sẽ soạn thảo hướng dẫn ứng dụng quy mô lớn công nghệ internet công nghiệp 5G+ trong các lĩnh vực khác nhau và khuyến khích các doanh nghiệp hàng đầu tham gia” đồng thời việc thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của các ngành thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi công nghiệp.”[21] Ông cho biết Trung Quốc sẽ có nhiều nỗ lực hơn để thực hiện nghiên cứu hợp tác về chuỗi công nghiệp và thúc đẩy những đột phá có hệ thống trong các sản phẩm chính, như nền tảng internet công nghiệp, phần mềm công nghiệp và hệ thống điều khiển công nghiệp.
Ngày 25/10/2023, Cục Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc đã chính thức thành lập, văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm điều phối và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu, tổ chức tích hợp, chia sẻ, phát triển và sử dụng tài nguyên dữ liệu, cũng như lập kế hoạch và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, xã hội kỹ thuật số[22].
Trung Quốc cũng rất chú trọng đến việc nâng cao năng lực quản trị kinh tế số và các vấn đề an ninh mạng. Nước này đã ban hành nhiều bộ luật và văn bản liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, trong đó có thể kể đến Luật bảo mật dữ liệu được ban hành tháng 6/2021, Luật bảo vệ thông tin cá nhân. Sau đó, tháng 7/2022, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành “Các biện pháp đánh giá bảo mật xuất khẩu dữ liệu” nêu chi tiết các yêu cầu đánh giá bảo mật đối với việc truyền dữ liệu xuyên biên giới.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Trung Quốc đã chú trọng xây dựng và ban hành các luật pháp, văn bản hỗ trợ phát triển ngành. Năm 2018, Trung Quốc đã ban hành Luật thương mại điện tử, để giải quyết tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến. Tháng 2/2023, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra “Hướng dẫn chống độc quyền đối với các nền tảng”. Theo Chính phủ Trung Quốc, hành động này được thực hiện nhằm đáp lại sự trỗi dậy của các nền tảng trong nền kinh tế số và ngăn chặn các hành vi độc quyền, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh của thương mại trực tuyến. Trong nỗ lực kiềm chế chống độc quyền trong kỷ nguyên kỹ thuật số, quốc gia này đã khởi xướng nhiều cuộc điều tra chống độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh cũng như kiểm tra bảo mật dữ liệu đối với các công ty nền tảng lớn, từ những gã khổng lồ internet và công nghệ đến các công ty thương mại điện tử. Luật pháp của Trung Quốc có tính thực thi cao, ngay cả tập đoàn lớn như Alibaba cũng đã bị Cơ quan quản lý thị trường nhà nước xử phạt 2.8 tỷ USD do lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình[23]. Trong chưa đầy 2 năm từ tháng 11/2020 đến tháng 7/2022, Trung Quốc đã xử phạt hơn 143 trường hợp với số tiền phạt lên tới 303 tỷ NDT (khoảng hơn 40 tỷ USD)[24].
Trong lĩnh vực Tài chính số, Trung Quốc cũng có nhiều nỗ lực. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã lần công bố kế hoạch phát triển Công nghệ Tài chính Fintech theo giai đoạn gồm 2019-2021 và 2022-2025, nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số tài chính ở nước này.
Đồng Nhân dân tệ điện tử hay E-CNY là nỗ lực của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm triển khai cơ chế thanh toán số hóa. Việc triển khai nó sẽ củng cố cơ sở hạ tầng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế số của nước này và có tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh doanh và đời sống. Mặc dù nước này đã có hệ thống thanh toán di động phát triển rất tốt, Trung Quốc vẫn mục tiêu phát triển đồng E-CNY. Một trong những lý do quan trọng nhất, là đồng E-CNY có thể phá vỡ sự độc quyền về về dữ liệu của các công ty công nghệ lớn. Tại Trung Quốc, các đế chế công nghệ lớn đã hoàn thành gần như các giai đoạn phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số và thực hiện thanh toán cá nhân cho tiêu dùng, người tiêu dùng có thể thực hiện thanh toán trực tuyến trên các nền tảng của các tập đoàn này. Trong hệ sinh thái toàn diện mà các nền tảng tạo ra, các tập đoàn thu thập và nắm dữ dữ liệu cá nhân một cách đầy đủ và quy mô lớn tạo ra những rủi ro đến nhân dân và cả chính phủ. Do đó, sự xuất hiện của E-CNY cung cấp môi trường mở để nền kinh tế kỹ thuật số vận hành và phát triển mà không bị phụ thuộc vào các nền tảng do tập đoàn tư nhân nắm giữ. Ngoài ra, việc thanh toán giữa các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ cũng sẽ được minh bạch và đảm bảo an ninh, do đây là loại tiền tệ được nhà nước xác nhận, có địa vụ pháp lý ngang hàng đồng NDT.
Một điểm sáng ở trong việc thực hiện triển khai các chính sách phát triển kinh tế số tại Trung Quốc là song song với những cam kết từ chính phủ, nước này đã thành công trong việc triển khai các chính sách này ở cấp độ địa phương, nhằm mở rộng mức độ phủ, cũng như làm giảm sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Mỗi thành phố sẽ ban hành và triển khai chính sách riêng của địa phương đó đề phù hợp với đặc điểm, nguồn lực và các điều kiện tại địa phương. Ví dụ, năm 2021, Bắc Kinh đã công bố Kế hoạch thực hiện đẩy nhanh xây dựng Thành phố mẫu mực về nền kinh tế kỹ thuật số Toàn cầu[25]. Bắc Kinh cũng đã thiết lập một khung thể chế ‘1+3+N’ được hỗ trợ bởi các chính sách mở, thiết lập tiêu chuẩn và hệ thống đo lường; xây dựng hạ tầng số, thúc đẩy tích hợp sâu rộng công nghệ thông tin thế hệ mới và hạ tầng đô thị, tạo nền tảng cho việc xây dựng thành phố thông minh; và thủ đô củng cố các lợi thế chiến lược, nuôi dưỡng các cụm công nghiệp kỹ thuật số mới và thu hút quy tụ các tổ chức nghiên cứu AI hàng đầu. Hoặc vào tháng 4/2022, chính quyền quận Hoàng Phố của Quảng Châu đã đi đầu trong việc đưa ra 10 biện pháp thúc đẩy Metaverse, bao gồm các lĩnh vực như đổi mới công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Theo đó, các công ty nổi bật liên quan đến metaverse trong quận sẽ được trợ cấp tiền thuê văn phòng lên tới 1 triệu NDT và hỗ trợ tài chính lên tới 5 triệu NDT để mua mặt bằng kinh doanh[26].
Hợp tác quốc tế
Trung Quốc đã tích cực tìm kiếm sự hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy thương mại và khả năng quản trị kỹ thuật số của mình. Tháng 11/2021, Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký tham gia Thỏa thuận đối tác kinh tế kỹ thuật số (DEPA), một thỏa thuận hợp tác thương mại được ký kết bởi Chile, New Zealand và Singapore nhằm hợp tác thúc đẩy thương mại kỹ thuật số.
Tính đến tháng 10/2022, Trung Quốc đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác về Con đường tơ lụa kỹ thuật số với 16 quốc gia và thúc đẩy cơ chế hợp tác song phương về Thương mại điện tử Con đường tơ lụa với 24 quốc gia[27]. Đây là cơ sở tạo không gian cho sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các đối tác.
Sự tham gia của các doanh nghiệp
Trung Quốc cũng thành công trong việc tạo không gian cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa phát triển và đóng góp xây dựng hệ sinh thái số thuộc về Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc cấm các kỳ lân công nghệ của phương Tây như Meta, Google… nước này đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc vươn lên như Weibo, Baidu, Bytedance… Các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc ngày càng phát triển và tạo nên sự thành công của nền kinh tế số tại Trung Quốc thông qua việc xây dựng và nắm giữ các công nghệ mới, bằng sáng chế… đồng thời tạo nên một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn diện từ sản xuất, vận chuyển, giao dịch hàng hóa, thanh toán… giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia và tạo động lực và không gian cho các hoạt động kinh tế tại nước này phát triển.
Sự xuất hiện của dân số trẻ cũng đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Trung Quốc. Trung Quốc cũng xây dựng được tinh thần tự lực tự cường dân tộc rất cao trong thế hệ trẻ khởi nghiệp tại nước này, nước này đã khích nhiều người trẻ sáng tạo và chấp nhận rủi ro bắt đầu kinh doanh trực tuyến và mở rộng các hoạt động liên quan của họ. Theo Báo cáo nửa năm 2022 của Global Unicorn Index 2022 do Viện Nghiên cứu Hurun công bố, tính đến tháng 6/2022, Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ với 312 kỳ lân công nghệ, hầu hết trong số đó thuộc các ngành khoa học sức khỏe, AI, thương mại điện tử và bán dẫn…[28]
Cùng với đó, việc tích cực tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp đã giúp Trung Quốc thu hút được các gã khổng lồ công nghệ quốc tế đến quốc gia này hoạt động. Tháng 6/2022, Siemens đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Số hóa Cơ sở Hạ tầng Thông minh đầu tiên tại Trung Quốc, là một điểm khởi đầu hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông minh[29].
Các nhân tố bên ngoài.
Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc phần lớn dựa trên sự chủ động của chính quyền và các nguồn lực nội tại, nhưng cũng có những yếu tố bên ngoài đã hỗ trợ đẩy nhanh sự phát triển này, trong đó nổi bật là đại dịch COVID-19 và sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.
Sự bùng phát của đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy quá trình số hóa trên toàn cầu nói chung và Trung Quốc nói riêng. Dưới áp lực đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh bằng việc cách ly và phong tỏa và phát triển kinh tế, quá trình chuyển đổi số ở Trung Quốc diễn ra một cách mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực thương mại, tài chính, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ công…
Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ cũng tạo ra động lực cho Trung Quốc tích cực nâng cao năng lực của mình, nhất là trong các lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn… Thực tế, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có hệ thống hạ tầng 5G lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới, đồng thời cũng được thúc đẩy để nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G và cao hơn nữa. Trung Quốc cũng đã tạo ra được nền tảng mạng xã hội Tiktok phổ biến khắp thế giới, cạnh tranh trực tiếp với Facebook và Instagram của Mỹ.
Những kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong những năm gần đây, kinh tế số ở Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành thương mại dịch vụ như bán lẻ, tài chính – ngân hàng, giao thông,… Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa kinh tế số lớn nhất trong ASEAN, đạt 4% GDP, tuy nhiên, mức độ này vẫn còn thấp so với các nước khác ở châu Á và trên thế giới[30]. Năm 2023, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD[31], hạ tầng viễn thông 3G, 4G phủ 95% cả nước. Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng với tốc độ trung bình khoảng 20%/năm, đứng thứ 5 thế giới. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử ngành bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước[32].
Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất ở Việt Nam trong những thập niên tới. Việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những yêu cầu tất yếu để phát triển đất nước.
Ở Việt Nam, nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27/9/2019 cũng đã xác định “Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030”. Kể từ đó, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản định hướng và phát triển nền kinh tế số của nước ta. Hiện tại, phát triển kinh tế số tại Việt Nam cũng đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, Việt Nam cũng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn cần vượt qua. Dựa trên những phân tích về nền kinh tế số Trung Quốc, một số kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nhìn nhận và học hỏi.
Nhà nước phải luôn tiên phong đi đầu trong mọi hành động. Có thể nhìn thấy rõ đằng sau sự phát triển của nền kinh tế số Trung Quốc là sự nỗ lực của Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc trên toàn diện các lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng, tài chính, thương mại, an ninh… thông qua việc xây dựng định hướng, ban hành chính sách hỗ trợ, luật pháp,… Và thực tế cũng cho thấy rằng để đạt được thành tựu trong bất kỳ lĩnh vực nào ở các quốc gia trên thế giới, không thể thiếu đi sự tham gia của nhà nước. Cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị số của Chính phủ. Chìa khóa để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số ổn định và sâu rộng nằm ở quản trị. Liu Xu, nhà phân tích cấp cao tại CCID Consulting, nói rằng động lực của sự đổi mới và ngành công nghiệp kỹ thuật số phụ thuộc lẫn nhau và củng cố lẫn nhau, cùng nhau tạo thành động lực hàng đầu cho sự phát triển của nền kinh tế số Trung Quốc[33]. Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị số là bảo đảm cơ bản cho sự phát triển bền vững và chuẩn hóa của nền kinh tế số. Việt Nam cần tích cực hơn nữa nghiên cứu các hệ thống quản trị mới và thiết lập các hệ thống quản lý thích hợp với yêu cầu phát triển của các hình thức kinh tế số. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, phân công nghĩa vụ, quyền hạn rõ ràng cho các cơ quan và nâng cao cơ chế hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan. Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện, cải tiến công nghệ và phương tiện quản lý để tích hợp giám sát và quản trị trong toàn bộ quá trình đổi mới, sản xuất, vận hành và đầu tư, làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các doanh nghiệp nền tảng trong nền kinh tế số quốc gia. Trong đó, việc nâng cao trình độ dịch vụ công số cho doanh nghiệp và nhân dân là một ưu tiên. Cán bộ các cấp cũng phải nâng cao năng lực tư duy và chất lượng chuyên môn về kinh tế số, nâng cao khả năng xử lý vấn đề kinh tế số, tăng cường nhận thức an ninh, và hội nhập mô hình phát triển mới. Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện luật pháp và quy định về kinh tế số, kịp thời lấp đầy những khoảng trống, sơ hở trong các quy định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế số. Thực tế thành công của Trung Quốc cho thấy, động lực tăng trưởng của nền kinh tế số là hạ tầng và ứng dụng công nghệ vào các ngành kinh tế. Trong đó, hạ tầng số chính là mạng viễn thông, 5G,… trong đó, mỗi yếu tố riêng biệt chưa phải là chìa khóa của sự thành công, mà là một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn diện tích hợp nhiều công nghệ. Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư công nghệ, tuy nhiên, kết cấu hạ tầng chưa theo kịp với tốc độ đổi mới. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng cứng và mềm, phục vụ cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào các ngành công nghiệp. Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số toàn diện.
Thứ ba, tăng cường toàn diện bảo vệ an ninh mạng và bảo mật dữ liệu đồng thời xây dựng hàng rào bảo mật kỹ thuật số vững chắc. Sự xuất hiện của nền kinh tế số cùng sự thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng đặt ra những thách thức về nhu cầu đảm bảo an toàn công cộng. Tại Việt Nam hiện tại, việc thông tin cá nhân bị rò rỉ thông qua các nền tảng trực tuyến đã gây ra nhiều tổn hại đến quyền riêng tư và lợi ích của người dân. Các tội phạm liên quan sử dụng thông tin bị rò rỉ để trục lợi, gây bất ổn xã hội, làm giảm niềm tin với sự phát triển của nền kinh tế số. Công nghệ càng phát triển, yêu cầu về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng ngày càng quan trọng. Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa việc theo dõi và giám sát các nền tảng trực tuyến liên quan đến việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, xử lý, chuyển giao và tiết lộ thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Cần một cơ chế xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm kỹ thuật số để nâng cao mức độ răn đe và chấp hành.
Thứ tư, chặt chẽ hơn trong chống độc quyền. Trong giai đoạn cạnh tranh trực tuyến, nền kinh tế số sinh ra các nền tảng mạng có đặc điểm không giới hạn về quy mô và phạm vi, một số nền tảng có xu hướng hình thành vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường, dẫn đến cạnh tranh toàn diện về lưu lượng, độc quyền, lạm dụng dữ liệu và cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau. Những vấn đề này sẽ tác động xấu đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế kỹ thuật số. Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống tiếp cận thị trường, hệ thống giám sát và đánh giá cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Cần nắm bắt các quy luật phát triển của nền kinh tế số, thiết lập và hoàn thiện các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Cần chấn chỉnh những hành vi cản trở cạnh tranh lành mạnh trong quá trình phát triển, tăng cường giám sát và thanh tra thuế, ngăn chặn tình trạng độc quyền nền tảng và mở rộng vốn một cách hỗn loạn, đồng thời tăng cường điều tra và xử lý tình trạng độc quyền, cạnh tranh không công bằng.
Thứ năm, tập trung nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cốt lõi, khuyến khích sự tham gia từ các doanh nghiệp. Nhà nước đồng thời tăng cường nghiên cứu công nghệ cốt lõi đồng thời trao quyền, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào nhiệm vụ này. Sức mạnh đổi mới không thể trông chờ vào quốc gia khác, giá trị quốc gia trên thế giới nằm ở sức mạnh mà nội tại quốc gia nắm giữ. Việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi là tất yếu để duy trì sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sau đó là an ninh quốc gia. Việt Nam cần đầu tư hơn trong việc xây dựng các trung tâm R&D công nghệ, trong đó hỗ trợ xây dựng và phát triển các công viên công nghệ và công viên khởi nghiệp công nghệ là bước quan trọng để nâng cao năng lực nghiên cứu và tài nguyên công nghệ của đất nước.
Thứ sáu, thúc đẩy sự phát triển tích hợp của nền kinh tế số và nền kinh tế thực. Tại Trung Quốc, ông Ouyang Rihui, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Internet Trung Quốc tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh “Trọng tâm của phát triển kinh tế là nền kinh tế thực; nền kinh tế kỹ thuật số phải và nền kinh tế thực phải hỗ trợ lẫn nhau”. Việt Nam nên thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật số trong các lĩnh vực trọng điểm, phải nắm bắt định hướng và thúc đẩy số hóa các ngành sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác, sử dụng các công nghệ Internet mới để chuyển đổi toàn diện các ngành công nghiệp truyền thống và phát huy tối đa lợi ích của công nghệ số. Cần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp số trong các lĩnh vực trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mắt xích này trong chuỗi công nghiệp, hoàn thiện hệ thống chuỗi cung ứng số. Thương mại điện tử có thể tối ưu hóa các quy trình sản xuất và giao dịch quốc tế, giảm chi phí sản xuất và giao dịch, tăng cường kết nối cung cầu và phân bổ hiệu quả các nguồn lực xuyên biên giới. Do đó, ưu tiên nuôi dưỡng các động lực mới và thúc đẩy sự tích hợp sâu rộng Internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào nền kinh tế thực là cơ sở để nền kinh tế quốc gia đột phá.
Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân. Công nghệ ngày càng phát triển, đòi hỏi con người phải đi trước công nghệ để làm chủ và khai thác nó. Công nghệ có thể mang lại giá trị to lớn trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, tuy nhiên nhân tố con người vẫn là cốt lõi. Tại Việt Nam, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, bắt kịp xu thế phát triển nhanh chóng của kinh tế số vẫn còn hạn chế. Do đó, cần đầu tư cập nhật chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế để học hỏi xu thế, cập nhật kiến thức về kinh tế số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Cùng với đó cũng cần chú trọng đến việc nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân, nhằm củng cố khả năng thích ứng trong một môi trường số hóa, nhất là để tự bảo vệ lợi ích của mình trước các rủi ro trong nền kinh tế số ví dụ như lừa đảo công nghệ, xuyên tạc thông tin cá nhân, bôi nhọ danh dự…
Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế số. Việt Nam là một nước nhỏ, đang phát triển, chưa có nhiều thành tựu trong kỹ thuật số, do đó, Việt Nam cần phải “Đứng trên vai những người khổng lồ” thông qua hợp tác với các nước tiên tiến, để học hỏi và tận dụng những thành tựu sẵn có. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần quan sát chặt chẽ, chủ động hành động, tích cực tham gia đàm phán các vấn đề kinh tế số trong các tổ chức quốc tế hoặc song phương. Qua đó học hỏi và hợp tác cùng phát triển trong lĩnh vực hiện đại này mà các bên cùng chung định hướng. Ví dụ, gần đây khi nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do với Singapore, Trung Quốc đã nỗ lực đưa hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như nền kinh tế kỹ thuật số vào không gian hợp tác song phương giữa hai bên[34].
Việt Nam là hàng xóm thân thiết, là “Đối tác chiến lược toàn diện” của Trung Quốc, từ đây Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về các lĩnh vực của nền kinh tế số như thương mại điện tử, thanh toán di động, 5G và ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp. Trung Quốc là quốc gia có hệ thống mạng 5G lớn nhất và đang phát triển mạng 6G. Dù chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, khả năng của Huawei trong công nghệ 5G là không thể phủ nhận. Tại Việt Nam, Viettel cung đang nỗ lực nghiên cứu về 5G, đây có thể là một lĩnh vực tiềm năng để hai bên thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng cứng, phục vụ cho phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp xe NEV của Trung Quốc là rất đáng chú ý, là xu hướng tất yếu trong công nghệ xanh hướng tới tương lai bền vững, Vinfast của Việt Nam cũng đang có những bước chân trong ngành công nghiệp xanh này. Điều này mở ra cơ hội để thúc đẩy hợp tác giữa hai quôc gia nói chung và các doanh nghiệp nói riêng nhằm mang lại các giá trị tích cực cho hai nước.
Những kinh nghiệm học hỏi từ Trung Quốc và các quốc gia khác cũng chỉ mang tính tham khảo, thực tế triển khai của Việt Nam sẽ cần dựa trên bối cảnh đất nước, tài nguyên, nguồn lực hiện có và các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] 新物流研究院, “2023年中国数字经济概况及发展趋势探析!”, https://zhuanlan.zhihu.com/p/660537083
[2] Investing (2023), “预见2024:《2024年中国数字经济行业全景图谱》(附市场规模、竞争格局和发展前景等)”, https://cn.investing.com/news/economy/article-2269465
[3] South Africa’s Independent Online, “China supports building open world economy with more internationalized digital trade expo”, https://www.iol.co.za/news/partnered/china-supports-building-open-world-economy-with-more-internationalized-digital-trade-expo-592e2ed2-8ec7-4f4e-8a14-152987bf11ae
[4] China State Council, “Digital economy becomes China’s major growth engine: white paper”, https://english.www.gov.cn/news/topnews/202211/07/content_WS6368728dc6d0a757729e291b.html
[5] China State Council, “China home to 2.84 mln 5G base stations”, https://english.www.gov.cn/news/202307/06/content_WS64a66c1cc6d0868f4e8dd8a2.html
[6] CGTV, “Nearly 3.19 million 5G base stations in China by September”, https://news.cgtn.com/news/2023-10-21/Nearly-3-19-million-5G-base-stations-in-China-by-September-1o54b7hIO6Q/index.html
[7] CGTV, “Nearly 3.19 million 5G base stations in China by September”, https://news.cgtn.com/news/2023-10-21/Nearly-3-19-million-5G-base-stations-in-China-by-September-1o54b7hIO6Q/index.html
[8] CCTV, “构筑竞争新优势 数字经济为高质量发展注入澎湃动能”, https://news.cctv.com/2023/12/08/ARTI00FHlqNW34Hk53bryrsX231208.shtml
[9] Xinhua, “China home to over 10,000 digital workshops, smart factories”, https://global.chinadaily.com.cn/a/202312/08/WS6572d0b7a31040ac301a6e05.html
[10] CGTV, “Nearly 3.19 million 5G base stations in China by September”, https://news.cgtn.com/news/2023-10-21/Nearly-3-19-million-5G-base-stations-in-China-by-September-1o54b7hIO6Q/index.html
[11] CGTV, “Nearly 3.19 million 5G base stations in China by September”, https://news.cgtn.com/news/2023-10-21/Nearly-3-19-million-5G-base-stations-in-China-by-September-1o54b7hIO6Q/index.html
[12] South Africa’s Independent Online, “China supports building open world economy with more internationalized digital trade expo”, https://www.iol.co.za/news/partnered/china-supports-building-open-world-economy-with-more-internationalized-digital-trade-expo-592e2ed2-8ec7-4f4e-8a14-152987bf11ae
[13] South Africa’s Independent Online, “China supports building open world economy with more internationalized digital trade expo”, https://www.iol.co.za/news/partnered/china-supports-building-open-world-economy-with-more-internationalized-digital-trade-expo-592e2ed2-8ec7-4f4e-8a14-152987bf11ae
[14] Statista, “Retail e-commerce sales in China for 2021 and 2022 with forecasts until 2027”, https://www.statista.com/statistics/289734/china-retail-ecommerce-sales
[15] China State Council, “China’s cross-border e-commerce thrives, delivering global dividends.”, https://english.www.gov.cn/news/202311/28/content_WS65659729c6d0868f4e8e1b3d.html
[16] China State Council, “China’s digital trade records significant progress in 2022.”, https://english.www.gov.cn/archive/statistics/202311/24/content_WS65600569c6d0868f4e8e192e.html
[17] 上观新闻, 中国数字金融技术发展居全球前列,专利申请量最多7企业进前十, Tencent, https://new.qq.com/rain/a/20231210A03CFI00.html
[18] 经济日报 (2023), 我国数字金融技术发展已居全球前列, Sina Finance, https://finance.sina.com.cn/jjxw/2023-12-10/doc-imzxpvpt2833796.shtml
[19] Yi Wu, Understanding China’s Digital Economy: Policies, Opportunities, and Challenges, China Briefing, https://www.china-briefing.com/news/understanding-chinas-digital-economy-policies-opportunities-and-challenges/
[20] 习近平, 不断做强做优做大我国数字经济, 中国政府网https://www.gov.cn/xinwen/2022-01/15/content_5668369.htm
[21] China State Council (2023),”China front-loads future with new industrialization”, https://english.www.gov.cn/news/202312/04/content_WS656d32c7c6d0868f4e8e1df3.html
[22] China – Britain Business Counci (2023)l, “China Digital Economy – Monthly Policy Updates (November 2023)”, https://www.cbbc.org/news-insights/china-digital-economy-monthly-policy-updates-november-2023
[23][23] The International Trade Administration, U.S. Department of Commerce, “China – Country Commercial Guide”, https://www.trade.gov/country-commercial-guides/china-ecommerce
[24] Iris Pang, China’s digital economy: Divided but growing, ING Bank, https://think.ing.com/articles/china-digital-economy-divided-but-growing#a3
[25] Yuan Shenggao, Conference highlights capital’s digital economy prowess (2023), China Daily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202312/06/WS657068a1a31090682a5f1c94.html
[26] Eric Chu, China’s Digital Economy: Full Steam Ahead, HKTDC Research, https://research.hktdc.com/en/article/MTI4OTE5MTYwMg
[27] China State Council, “China to redouble efforts to develop digital economy”, https://english.www.gov.cn/news/topnews/202210/29/content_WS635cd3cdc6d0a757729e1ecd.html
[28] Eric Chu, China’s Digital Economy: Full Steam Ahead, HKTDC Research, https://research.hktdc.com/en/article/MTI4OTE5MTYwMg
[29] Venturous, “The Citytech Group, Digital Economy in China: A Thriving Force”, https://www.venturousgroup.com/resources/digital-economy-in-china-a-thriving-force/
[30] PSG.TS. Vũ Văn Hà, Phát triển kinh tế số ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp Chí Thông Tin Đối Ngoại Và Khoa Học Viện Chính Sách, Pháp Luật Và Quản Lý, https://vietnamhoinhap.vn/vi/phat-trien-kinh-te-so-o-viet-nam-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-45941.htm
[31] Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Tài Chính, ” Năm 2022: Kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/thtk/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-hoc-va-thong-ke?dDocName=MOFUCM258728
[32] Thu Hường, Thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 và những lợi thế, Báo Công Thương, https://congthuong.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-trong-nam-2023-va-nhung-loi-the-239551.html
[33] 经济参考报, “从多维度数据看数字经济发展势能”, http://www.news.cn/fortune/2023-05/18/c_1129624287.htm#
[34] China State Council, “China, Singapore upgrade FTA to expand trade, investment”, https://english.www.gov.cn/news/202312/08/content_WS6572d0efc6d0868f4e8e2001.html