Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khép lại bài phát biểu thường niên đầu năm mới với cam kết xây dựng một “cộng đồng có tương lai chung vì nhân loại” và “mong muốn xây dựng thế giới trở thành một nơi tốt đẹp cho tất cả mọi người”. Việc cộng đồng này có được sự thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia ở Nam bán cầu có tin tưởng ông hay không.
Ngôn ngữ trong bài phát biểu của ông Tập có thể thấy là một lối diễn đạt hoa mỹ và khoa trương ở phần cuối của bài phát biểu, nhấn mạnh khẳng định lâu nay của Bắc Kinh rằng Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc “chắc chắn sẽ tái thống nhất” với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, khái niệm “cộng đồng chia sẻ tương lai vì nhân loại” (人类命运共同体) là trọng tâm của Tư tưởng của Tập Cận Bình về ngoại giao, “kim chỉ nam” cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong hệ thống chính sách Trung Quốc, vai trò chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình đối với mọi thứ, từ “nền văn minh sinh thái” đến “tăng cường quân đội” bắt nguồn từ vị thế của ông Tập với tư cách là nhà lãnh đạo cốt lõi và là người kể “câu chuyện Trung Quốc”.
Do đó, Tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao, với lời hứa về một tương lai hài hòa lấy Trung Quốc làm trung tâm, được coi là kim chỉ nam để Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước Trung Quốc định hướng trong giai đoạn biến động toàn cầu hiện nay với đặc điểm là “những thay đổi chưa từng có trong một thế kỷ”. Trên thực tế, điều này liên quan đến việc hiện thực hóa một trật tự thế giới hậu Mỹ, trong đó Trung Quốc, với tư cách là “anh cả” (tự phong) của Nam bán cầu, đóng vai trò trung tâm. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2023, Phó Chủ tịch Hàn Chính nhấn mạnh rằng “Trung Quốc là một thành viên đương nhiên của Nam bán cầu” và “với tư cách là quốc gia đang phát triển lớn nhất, họ có chung nhịp thở với các nước đang phát triển khác và chia sẻ cùng tương lai với họ”.
Khi Bắc Kinh vật lộn với thời kỳ kinh tế khó khăn và môi trường chiến lược trong đó Hoa Kỳ vẫn giữ được lợi thế lâu dài, chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng phục vụ cho thế giới quan của các quốc gia trong nhóm “các nước đang phát triển”. Điều này tuân theo suy nghĩ của học giả quan hệ quốc tế hàng đầu Trung Quốc Diêm Học Thông, ông cho rằng một cường quốc đang trỗi dậy có thể vượt qua một cường quốc mạnh hơn nếu quốc gia đó vạch ra một thế giới quan đi liền với đạo đức mang lại nhiều giá trị lớn hơn cho cộng đồng quốc tế. Trong nỗ lực khẳng định mình là một lực lượng vì lợi ích toàn cầu, Bắc Kinh luôn đặt cam kết của mình đối với “chủ nghĩa đa phương chân chính” với “chủ nghĩa đa phương chọn lọc” mà họ gán cho Hoa Kỳ và các đồng minh. Mục tiêu ngầm không phải là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương mà là đẩy lùi những gì Trung Quốc (và Nga) coi là “hành động bá quyền” quá mức của Hoa Kỳ để thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực.
Ngoài việc thúc đẩy tiếng nói của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, Bắc Kinh còn thúc đẩy một loạt “sáng kiến” toàn cầu và khu vực ngày càng được mở rộng. Những nỗ lực lớn nhất trong số này là Sáng kiến Vành đai và Con đường và “Ba sáng kiến (Toàn cầu) lớn” (三大倡议) do Tập Cận Bình công bố từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2023, bao gồm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu. Nỗ lực đưa Trung Quốc là trở thành quốc gia đi đầu về an ninh trên thế giới, là nơi mà công thức can dự ngoại giao ở cường độ cao, chủ nghĩa đa phương lấy Trung Quốc làm trung tâm và kêu gọi các các quốc gia có cùng chí hướng trong đó trọng tâm là các quốc gia Nam bán cầu.
Trong khi Washington ngày càng lo ngại về thách thức đến từ Trung Quốc, thì chính quyền Biden cho đến nay vẫn tránh bị cám dỗ chuyển trọng tâm cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sang toàn cầu. Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink gần đây đã nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Nam bán cầu không nhằm mục đích chống lại Trung Quốc mà dựa trên việc củng cố tầm nhìn về “một thế giới nơi các quy tắc, chuẩn mực và thể chế chiếm ưu thế hơn các khái niệm lỗi thời và rủi ro như là quyền lực.”
Khi nhiều quốc gia cảnh giác với việc bị buộc phải “chọn phe” trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung đang diễn ra, Washington đã đúng khi tập trung phát triển các mối quan hệ với các quốc gia ở Nam bán cầu theo mục đích riêng của họ. Quả thực, nhiều quốc gia ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ tiếp tục thu nhận được những giá trị to lớn từ việc hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết những thách thức chung. Tuy nhiên, Washington cũng nên đối mặt với thực tế là nhiều quốc gia ở Nam bán cầu đang hết sức hoài nghi điều mà họ coi là việc Hoa Kỳ áp dụng có chọn lọc “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”. Đối với nhiều quốc gia như vậy, cách tiếp cận của Trung Quốc bao hàm sự nhiều sự tôn trọng hơn đối với sự đa dạng văn hóa và sự tiến bộ của tập thể chứ không phải của cá nhân. Do đó, những nỗ lực của Washington nhằm nêu bật các sáng kiến quốc tế khác nhau của Trung Quốc là “con ngựa thành Troy” nhằm gây ảnh hưởng lên Trung Quốc có nguy cơ phản tác dụng khi lợi dụng mô tả của Bắc Kinh về Hoa Kỳ như một “siêu cường đế quốc” đang suy tàn nhưng luôn cố gắng trong việc duy trì “đội quân bá quyền” (美国军事霸权) tại thời điểm này bằng mọi giá để tránh điều này, Washington nên điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với Nam bán cầu, tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực hợp tác cụ thể cùng có lợi.
Ông Tập vẫn kiên định với lập trường
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cam kết xây dựng “Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại” dẫn đầu thế giới về “sức mạnh quốc gia tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế” vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, sự bất cân xứng kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt tạo ra trở ngại lớn cho việc đạt được mục tiêu này. Trong khi Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn về việc hiện đại hóa quân sự, những nỗ lực này chủ yếu tập trung vào việc phát triển năng lực chiến đấu và chiến thắng “các cuộc chiến tranh cục bộ được thông tin hóa” ở ngoại vi Trung Quốc thay vì thúc đẩy khả năng triển khai sức mạnh toàn cầu non trẻ của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Sự khác biệt về kinh tế cũng vẫn còn lớn. Vào cuối tháng 1/2024, khoảng cách giữa định giá tương ứng của thị trường chứng khoán Mỹ và Trung Quốc đạt 38 nghìn tỷ USD, đây là một kỷ lục của thời đại. Do hệ thống thuế của Trung Quốc phụ thuộc vào tăng trưởng nhờ đầu tư, điều này càng làm căng thẳng thêm năng lực tài chính vốn đã hạn chế của chính quyền trung ương. Tuy nhiên, một dấu hiệu quan trọng cho thấy ông Tập quyết tâm huy động nguồn lực cho chương trình nghị sự quốc tế đầy tham vọng của mình trong tình hình tài chính hạn chế là cho đến nay, sự đánh đổi đã gây tổn hại cho ngân sách chính sách đối nội thay vì đối ngoại. Trong ngân sách trung ương năm 2023 của Trung Quốc, chi tiêu được giữ nguyên hoặc cắt giảm trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển nông thôn và thành thị đến năng lượng và môi trường, nhưng chi tiêu cho quốc phòng và ngoại giao lần lượt tăng 7,2 và 12%.
Ông Tập có thể sẽ tiếp tục với niềm tin trên trường quốc tế trong năm nay. Sau các cuộc “thanh lọc” của bộ ngoại giao và quân đội, những lãnh đạo cốt lõi sẽ chuyển sang chỉ huy các chiến trường mới để sắp xếp các đặc phái viên dân sự và quân sự mà ông đã kêu gọi xây dựng một “đội quân ngoại giao sắt thép”. Vào cuối tháng 12/2023, cựu Tư lệnh Hải quân Đổng Quân được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, một vị trí cấp cao trong Quân ủy Trung ương với nhiệm vụ chính là phụ trách liên lạc với quân đội các nước. Ngoại trưởng mới, có thể là Lưu Kiến Siêu, hiện là Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chính thức được bổ nhiệm vào đầu năm nay.
Tương lai khó đoán
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về Diễn biến An ninh và Quân sự liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh giá rằng các quan chức Trung Quốc “vẫn chưa xác định rõ ràng (Sáng kiến An ninh Toàn cầu) sẽ thực sự thúc đẩy các mục tiêu an ninh mơ hồ mà sáng kiến này hướng đến như thế nào, chẳng hạn như bảo vệ “toàn diện an ninh và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” và lưu ý rằng sự tiếp nhận của quốc tế đối với cả Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu đều là “một sự tổng hòa”. Báo cáo nêu rõ rằng trong khi “các liên kết của Sáng kiến Phát triển Toàn cầu với Sáng kiến Vành đai và Con đường đã khiến những sáng kiến này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nước đang phát triển”, thì Sáng kiến An ninh Toàn cầu đã thu hút được ít sự chú ý hơn do “sự mơ hồ và những chỉ trích ngầm của Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu này, sự mơ hồ của Sáng kiến An ninh Toàn cầu có thể giống một đặc điểm hơn là một sự hạn chế. Cấu trúc lỏng lẻo, không ràng buộc của sáng kiến này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào khuôn khổ an ninh do Trung Quốc lãnh đạo mà không có cam kết hay về sự ràng buộc cho các nước liên quan. Quả thực, ngay sau khi Tập Cận Bình công bố Sáng kiến An ninh Toàn cầu vào tháng 4/2022, Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc “hoan nghênh tất cả các nước” tham gia. Chính sách ngoại giao công chúng của Trung Quốc đã tìm cách đối chiếu “chủ nghĩa đa phương thực sự” mà Bắc Kinh thực hiện với “tâm lý Chiến tranh Lạnh” (冷战思维) của Washington, khiến Hoa Kỳ phải tổ chức các “nhóm nhỏ” (小圈子) độc quyền như QUAD và AUKUS trong một nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc.
Trung Quốc đang thúc đẩy Sáng kiến An ninh Toàn cầu của mình như một giải pháp thay thế cho vai trò lãnh đạo an ninh của Mỹ dựa trên niềm tin về“sự hấp dẫn về mặt đạo đức” lớn hơn của nước này đối với các quốc gia có cùng quan điểm ở Nam bán cầu. Sáng kiến này nhằm báo hiệu sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc tăng cường hợp tác với các quốc gia khác để quản lý môi trường an ninh quốc tế đầy biến động và phổ biến quan điểm cho rằng các giải pháp cho những thách thức toàn cầu cấp bách phải thông qua Bắc Kinh chứ không phải Washington. Sách trắng gần đây của Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, “Cộng đồng toàn thế giới hướng về một tương lai chung: Đề xuất và hành động của Trung Quốc”, tuyên bố rằng với tư cách là một “nước lớn có trách nhiệm”, Trung Quốc tìm cách giải quyết các điểm nóng như Bán đảo Triều Tiên, tình hình Israel-Palestine và Afghanistan. Bài viết trích dẫn vai trò của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện bình thường hóa quan hệ giữa các đối thủ lâu năm ở Trung Đông, Iran và Ả Rập Saudi, là một thành công ban đầu lớn trong những nỗ lực này.
Các nhà phân tích Trung Quốc thường cho rằng các nước phương Tây nghi ngờ Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Ví dụ, trong một bài viết về “Sáng kiến An ninh Toàn cầu trong mắt các quốc gia khác và Ý nghĩa của chúng đối với Trung Quốc”, Li Yan, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (một tổ chức tư vấn trong Bộ An ninh Quốc gia) ghi nhận “sự hoài nghi” của các nhà phân tích phương Tây đối với sáng kiến này. Ông Li cho rằng sự nghi ngờ này là do “các thế lực thù địch của Trung Quốc” coi sáng kiến này như một công cụ để Trung Quốc tìm cách “lật đổ trật tự quốc tế”. Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga do nhà nước bảo trợ, đã lưu ý trong một bài xã luận gần đây dự đoán rằng Sáng kiến An ninh Toàn cầu có thể là “bị dòng chính trị phương Tây gạt bỏ nhằm ngăn chặn “sự ảnh hưởng” của Trung Quốc ở Nam bán cầu.”
Nhưng chính sự thiếu thực chất này, bao gồm cả việc thiếu cơ cấu thành viên rõ ràng đã tạo ra một lợi thế nhất định cho “Pax Americana”. Cấu trúc lỏng lẻo, không ràng buộc của sáng kiến này cho phép các quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh tham gia vào khuôn khổ an ninh song song của Trung Quốc với sự đánh đổi nhất định. Các quốc gia bày tỏ tình cảm tích cực đối với Sáng kiến An ninh Toàn cầu bao gồm một số quốc gia có quyền lực tập trung hoặc bán tập trung như Việt Nam, Ả Rập Xê Út, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tất cả các quốc gia này đều có lợi ích đáng kể trong việc duy trì hợp tác an ninh với Hoa Kỳ, nhưng lại có thiện cảm hơn về mặt ý thức hệ với Trung Quốc. Đồng thời, Sáng kiến An ninh Toàn cầu là một yếu tố then chốt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, có tầm quan trọng đối với Bắc Kinh nhưng nhìn chung không được Washington coi là đặc biệt quan trọng, nên các quốc gia này có thể tăng cường mối quan hệ của mình với Trung Quốc mà không phải đối mặt với Hoa Kỳ. Về bản chất, sáng kiến này tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có xu hướng phòng ngừa cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Trong cuộc họp báo nhân kỷ niệm một năm Sáng kiến An ninh Toàn cầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân tuyên bố rằng hơn 80 quốc gia “đã bày tỏ sự đánh giá cao và ủng hộ” sáng kiến này, phản ánh những phản ứng tích cực nhưng không cam kết của nhiều quốc gia. Ví dụ, trong cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Hựu Hiệp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mông Cổ Gursed Saikhanbayar, phía Mông Cổ tuyên bố họ “kiên quyết ủng hộ” Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Trong thông cáo chung đưa ra tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc và Thái Lan đã đồng ý “khám phá khả năng hợp tác” thông qua Ba Sáng kiến. Trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Hà Nội vào giữa tháng 12, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn “hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai” và khẳng định ủng hộ các sáng kiến toàn cầu do ông Tập đưa ra. Trong tuyên bố chung tháng 12/2022 với Trung Quốc, Ả Rập Xê Út bày tỏ sự ủng hộ đối với Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, đồng thời bày tỏ sự “đánh giá cao” (không cam kết hơn) đối với Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
Việc các đồng minh và đối tác của Mỹ sẵn sàng ủng hộ Sáng kiến An ninh Toàn cầu bằng lời nói đã cho thấy một nghịch lý. Nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để giải quyết các thách thức an ninh cấp bách cũng dễ tiếp thu khuôn khổ chính trị toàn cầu của Trung Quốc hơn dựa trên quyền của mỗi quốc gia được “chọn con đường phát triển của riêng mình” (bao gồm cả những con đường phi tự do) so với cách tiếp cận “dân chủ hay chuyên quyền” của Mỹ hiện nay. Kết quả là, Sáng kiến An ninh Toàn cầu thách thức Washington đưa ra phản ứng trước sự xuất hiện của một mô hình an ninh quốc tế thay thế, mặc dù phần lớn vẫn mang tính tham vọng với mục tiêu Trung Quốc dẫn đầu một môi trường an ninh quốc tế tập trung ở Nam bán cầu.
Thế nan giải của người Mỹ
Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ năm 2022 nhấn mạnh rằng thành công trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, Nga và các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại khác đòi hỏi phải tận dụng một “mạng lưới liên minh và đối tác chưa từng có và chưa từng có” với “nhiều giá trị chung và lợi ích chung trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”. Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự khẳng định mình là một nhà lãnh đạo của an ninh quốc tế cũng dựa trên việc thu hút các các quốc gia ở Nam bán cầu, đặc biệt là những quốc gia có quan hệ căng thẳng với Washington. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao vào tháng 4/2022 giới thiệu về Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Tập Cận Bình đã đưa ra “sáu cam kết” (六个坚持), bao gồm “tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, đề cao không can thiệp và tôn trọng các lựa chọn độc lập về con đường phát triển” hay các hệ thống xã hội do người dân ở các quốc gia khác nhau tạo ra” và “coi trọng các mối quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia, bao gồm cả việc duy trì nguyên tắc an ninh không thể chia cắt”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các cường quốc mạnh hơn có quyền có phạm vi ảnh hưởng trong khu vực, vì bất kỳ động thái nào của một nước láng giềng nhằm tăng cường quan hệ với một cường quốc bên ngoài đều có thể bị coi là gây tổn hại đến “mối lo ngại an ninh chính đáng” của quốc gia lớn hơn. Điều này có thể được thấy trong cách giải thích của Nga về nguyên tắc an ninh không thể chia cắt, cũng được Tập Cận Bình viện dẫn như một giá trị cốt lõi của Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng các quốc gia mạnh hơn cần được tôn trọng ở các nước lân cận có thể hấp dẫn các đối tác, đặc biệt là các cường quốc bậc trung ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, những người coi việc thúc đẩy dân chủ, vận động nhân quyền và thậm chí can thiệp quân sự là mối đe dọa.
Truyền thông nhà nước phía Trung Quốc luôn đưa tin về sự đối lập về cách tiếp cận an ninh toàn diện mà Trung Quốc tự miêu tả với “vở kịch bá quyền” của Hoa Kỳ, đặc biệt là về các vấn đề mà Washington có mâu thuẫn với đa số quan điểm của các nước trên thế giới như cuộc xung đột ở Gaza. Kết quả là, việc gọi Sáng kiến An ninh Toàn cầu là con ngựa thành Troy để Trung Quốc nâng cao quyền lực và ảnh hưởng của mình có thể phản tác dụng bằng cách củng cố những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm biến Hoa Kỳ thành một bá chủ đang suy tàn tiếp tục sa lầy trong cách tiếp cận “trò chơi có tổng bằng không” đối với chính trị quốc tế. Tuy nhiên, Washington cũng sẽ sai lầm khi coi sáng kiến này chỉ là tuyên truyền. Quả thực, thái độ chờ đợi của nhiều quốc gia có thể xuất phát ở nhiều vấn đề hơn là từ những lo ngại về sức mạnh hạn chế của Trung Quốc hơn là từ bất kỳ sự gắn bó sâu sắc nào với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Khi khả năng viễn chinh của Quân đội Giải phóng Nhân dân được cải thiện và sự hiện diện ở nước ngoài của họ được mở rộng, khả năng của Trung Quốc trong vai trò là nhà cung cấp an ninh đáng tin cậy thông qua Sáng kiến An ninh Toàn cầu cũng có thể được cải thiện.
Kết luận
Ngay cả với những người bình thường cũng có thể thể quan sát thấy sự tham vọng của nền chính trị Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình. Việc tôn vinh thành tựu của ông Tập và Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông ngày càng lệch nhịp với nhiều công dân Trung Quốc bình thường. Tuy nhiên, không thể cho rằng Tập Cận Bình sẽ từ bỏ chính sách đối ngoại đầy tham vọng của mình do những thách thức trong nước. Bill Bishop, người theo dõi Trung Quốc lâu năm lưu ý rằng Hội nghị Công tác Đối ngoại gần đây truyền tải ấn tượng rằng giới lãnh đạo hiện tại “rất tin tưởng” vào quỹ đạo ngoại giao của Trung Quốc mà ít cân nhắc đến những rủi ro liên quan. Một trong những rủi ro tiềm tàng là việc Trung Quốc hợp tác với Nga và một loạt các đối tác có cùng chí hướng ở Nam bán cầu sẽ tỏ ra đủ mạnh để làm suy yếu trật tự an ninh quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng việc thay thế nó bằng bất cứ giải pháp nào khác thì khó mà khả thi. Do đó, nỗ lực của Trung Quốc hướng tới một “cộng đồng chia sẻ tương lai vì nhân loại” có thể sẽ không dẫn đến một tương lai hài hòa như ông Tập đề ra, mà dẫn đến sự phòng thủ về mặt chính trị của các đối thủ mà Bắc Kinh thường xuyên chỉ trích.
Khi Washington ngày càng quan ngại trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải tổ trật tự thế giới, Hoa Kỳ có thể muốn định hướng lại chính sách đối ngoại của mình để tập trung vào việc chống lại Trung Quốc ở Nam bán cầu. Tuy nhiên, một động thái như vậy có thể sẽ giống với hình ảnh của Bắc Kinh mô tả về “một nền bá quyền thất thường đang lụi tàn” được dẫn dắt bởi một “tâm lý Chiến tranh Lạnh” lỗi thời. Nhưng Washington vẫn có thể đạt được sự cân bằng để can dự một cách hiệu quả. Điều này có nghĩa là thừa nhận rằng mặc dù nền tảng ngoại giao dựa trên uy tín của nước này ở Nam bán cầu bị suy giảm đáng kể, nhiều quốc gia vẫn quan tâm đến việc hợp tác thực tế với Hoa Kỳ để giải quyết những thách thức cụ thể./.
Biên dịch: Duy Hưng
Tác giả: John S. Van Oudenaren là một nhà phân tích độc lập. Ông trước đây là biên tập viên của China Brief tại Quỹ Jamestown và cũng từng giữ các chức vụ tại Cục Nghiên cứu Châu Á Quốc gia, Viện Chính sách Xã hội Châu Á và Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]