Sự thay đổi nhân sự cấp cao ở Bộ Quốc phòng Liên bang Nga thời gian gần đây đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của giới phân tích quốc tế. Đặc biệt, đối với các nhà bình luận phương Tây có quan điểm đối lập với Nga, họ thường tìm cách gán ghép mối liên quan giữa sự kiện này với các vụ án tham nhũng trong lực lượng quân đội Nga. Thực tế có tồn tại mối liên hệ này hay không? Chúng phản ánh những vấn đề gì trong lực lượng quân đội Nga hiện nay?
Sự thay đổi bộ máy nhân sự trong quân đội Nga
Trung tướng Vadim Shamarin là nhân vật hàng đầu mới nhất trong quân đội Nga mới bị bắt giữ trong thời gian gần đây. Vị tướng 53 tuổi này đứng đầu Tổng cục Truyền thông Nga từ năm 2021, đồng thời là Phó Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang dưới quyền Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Một loạt vụ bê bối tham nhũng đã tiếp diễn trong Bộ Quốc phòng Nga. Ngày 23/5, tòa án đã bắt giữ người đứng đầu Tổng cục Truyền thông của Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga và Phó Tổng Tham mưu trưởng Vadim Shamarin. Ủy ban Điều tra Nga nghi ngờ giám đốc truyền thông này nhận hối lộ với quy mô đặc biệt lớn, Shamarin có thể phải đối mặt với án tù 15 năm. Hơn nữa, đúng một tháng trước, vào ngày 2/4/2024, vụ bắt giữ Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov diễn ra một cách bất ngờ, khởi đầu cho một loạt vụ bắt giữ các quan chức quân sự cấp cao. Trong bối cảnh những sự kiện này, có sự thay đổi trong vị trí lãnh đạo của Bộ Quốc phòng đó là việc cựu Phó Thủ tướng Andrei Belousov được bổ nhiệm thay thế ông Sergei Shoigu.
Vụ bắt giữ Vadim Shamarin. Việc giam giữ ông Vadim Shamarin được thực hiện vào sáng ngày 23/5/2024, ông đã bị đưa đi thẩm vấn tại Cục Điều tra Quân sự của Ủy ban Điều tra Nga. Cuộc điều tra nghi ngờ ông Shamarin theo Khoản 6 Điều 290 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga “Nhận hối lộ với quy mô đặc biệt lớn”, ông có thể phải đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù. Theo điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2023, Trung tướng này đã nhận 36 triệu rúp từ Tổng giám đốc Nhà máy điện thoại OJSC Perm Telta, Alexey Vysokov và kế toán trưởng của công ty, Elena Grishina. Ông đã nhận hối lộ để tăng khối lượng sản phẩm được cung cấp theo hợp đồng của chính phủ cho nhu cầu của Bộ Quốc phòng Nga. Tòa án quân sự đồn trú số 235 đã bắt giữ Trung tướng khi vụ án đang được điều tra[1].
Vụ bắt giữ Ivan Popov. Vụ bắt giữ bởi Tòa án quân sự đồn trú số 235 ở Moskva được thực hiện vào ngày 21/5/2024, dù quyết định này đã được thông qua vào ngày 17/5/2024. Ông Popov bắt đầu phục vụ trong quân đội với tư cách là chỉ huy trung đội trong Trung đoàn tấn công dù 56, và sau đó chỉ huy nhiều đơn vị và đội hình khác nhau. Ông đã tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraina, với tư cách là chỉ huy của Quân đoàn 58. Vào ngày 12/7/2023, phó Duma Quốc gia và cựu phó Tư lệnh Quân khu phía Nam Andrei Gurulev đã công bố một tin nhắn của Popov trên Telegram, trong đó ông nói về việc bị loại khỏi quân ngũ sau khi báo cáo về các vấn đề trong quân đội. Cuộc điều tra nghi ngờ ông Popov “biển thủ” vật liệu xây dựng nhằm xây dựng tuyến phòng thủ trong Khu quân sự phía Bắc, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu rúp. Theo các cơ quan thực thi pháp luật, ông Popov có liên quan đến việc bán kim loại nhận được dưới dạng viện trợ nhân đạo để xây dựng các công trình kỹ thuật. Cuộc điều tra cho rằng đồng phạm của ông là một doanh nhân Krasnodar và là sĩ quan của Quân khu phía Nam; tên của họ vẫn chưa được tiết lộ. Như kênh Mash Telegram đưa tin , Popov cũng bị nghi ngờ đã không chuẩn bị các công sự phòng thủ theo hướng Zaporozhye trong thời gian xảy ra chiến sự.
Vụ bắt giữ Yury Kuznetsov. Báo cáo chính thức về vụ bắt giữ ông Yury Kuznetsov xuất hiện vào ngày 13/5/2024, quyết định được đưa ra bởi Tòa án Quân sự Đồn trú 235. Theo Khoản 6 Điều 290 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga “Nhận hối lộ với quy mô đặc biệt lớn”, ông phải đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù. Vụ án liên quan đến thời kỳ ông Kuznetsov làm việc với tư cách là người đứng đầu Tổng cục 8 của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Bà Svetlana Petrenko – đại diện chính thức của Ủy ban điều tra thông tin rằng vào giai đoạn 2021 – 2023 ông Kuznetsov đã nhận hối lộ từ các doanh nhân để thực hiện một số hành động có lợi cho họ. Ngay trong tối ngày 14/5/2024, Tòa án Basmanny của Moskva đã bắt giữ một người khác có liên quan đến vụ Kuznetsov là Leva Martirosyan. Khoản hối lộ với quy mô đặc biệt lớn này được cho là tài sản và Martirosyan đã đồng ý đưa nó. Đồng thời, những tình tiết mới và những người liên quan có thể xuất hiện trong vụ án của Kuznetsov. Các nhà điều tra hiện đang kiểm tra ông Kuznetsov có liên quan đến các tội tham nhũng khác hay không. Bà Svetlana Petrenko lưu ý: “Trong quá trình khám xét, hơn 100 triệu rúp và ngoại tệ, tiền vàng, đồng hồ sưu tập và các mặt hàng xa xỉ đã được phát hiện và thu giữ”.
Vụ bắt giữ Timur Ivanov. Timur Ivanov bị tạm giữ ngay tại nơi làm việc và bị đưa ra tòa vào ngày 23/4. Vào ngày bị bắt, ông đã tham gia một cuộc họp của Bộ Quốc phòng, tại đó thảo luận về việc phát triển các quân khu Leningrad và Moskva. Ông bị buộc tội Khoản 6 Điều 290 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga “Nhận hối lộ với quy mô đặc biệt lớn” ông vẫn không nhận tội của mình cho đến hiện tại. Theo các nhà điều tra, Timur Ivanov đã tham gia vào một âm mưu tội phạm và là một phần của một nhóm có tổ chức, đã nhận được lợi ích tài sản từ việc ký hợp đồng và thầu phụ cho nhu cầu của Bộ Quốc phòng. Điều này có thể cho phép ông có được nhiều tài sản và dịch vụ một cách bất hợp pháp với tổng trị giá hàng tỷ rúp. Các nhân viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã thu thập tài liệu về bị cáo trong 5 năm. Theo điều tra, một trong những tình tiết của vụ án liên quan đến việc Ivanov nhận hối lộ trong quá trình xây dựng Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia. Timur Ivanov được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào năm 2016, trước đó ông đứng đầu cơ quan trực thuộc Oboronstroy. Trong chức vụ mới của mình, Ivanov chịu trách nhiệm tổ chức quản lý tài sản, bố trí quân đội, hỗ trợ nhà ở và y tế cũng như mua hàng hóa, công trình và dịch vụ trong khuôn khổ các mệnh lệnh quốc phòng của nhà nước.
Cải tổ trong Bộ Quốc phòng. Đã có nhiều sự thay đổi về nhân sự trong Bộ Quốc phòng Liên bang Nga sau khi Tổng thống Putin tái cử. Đầu tiên, vào ngày 14/5/2024, ông Andrei Belousov – người trước đó đã từng là Phó Thủ tướng thứ nhất rồi quyền Thủ tướng trong một thời gian ngắn – đã được lựa chọn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế ông Sergei Shoigu. Ông Shoigu được bổ nhiệm làm thư ký Hội đồng An ninh đất nước, chức vụ này trước đây do Đại tướng Nikolai Patrushev đảm nhiệm. Ngày 14/5, tờ Izvestia thông báo về việc thay đổi cấp bậc thứ trưởng quốc phòng. Theo đó, ít nhất 4 hoặc 5 cấp phó của ông Shoigu sẽ rời chức vị của họ. Trong số đó có Alexey Krivoruchko, Tatyana Shevtsova, Pavel Popov, Ruslan Tsalikov và Yury Sadovenko. Tất cả đều được thay đổi sang vị trí công tác khác.
Nguyên nhân của cuộc cải tổ bộ máy nhân sự trong quân đội Nga
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây đã bác bỏ ý kiến cho rằng đây là một “cuộc thanh trừng”. Ông nói, chống tham nhũng là công việc nhất quán. Tại Nga, chống tham nhũng không phải là một chiến dịch, mà là công việc diễn ra liên tục, là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật nước này. Những vụ bắt giữ gần đây diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử và nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu đây có phải một phần nỗ lực của ông Putin nhằm siết kiểm soát Bộ Quốc phòng trong bối cảnh xung đột ở Ucraina kéo dài, hay liệu có một cuộc cạnh tranh giữa quân đội và các cơ quan an ninh Nga hoặc một kịch bản nào khác đằng sau những bước tường Điện Kremlin. Cuộc chiến ở Ucraina kéo theo chi tiêu quốc phòng của Nga tăng vọt và cũng kéo theo những vụ tham nhũng. Vào ngày 14 tháng 5, Điện Kremlin tuyên bố rằng việc từ chức của các nhân sự trong Bộ Quốc phòng không liên quan tới công cuộc chống tiêu cực vẫn đang được diễn ra từ trước tới nay và điều này cũng không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào có thể có lợi đối với Ucraina.
Richard Connolly, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, nhận định các vụ bắt giữ cho thấy rằng Nga đang thể hiện sự cứng rắn trong cuộc chiến chống tham nhũng trong lực lượng quân đội. Chuyên gia Connolly cho rằng, tân Bộ trưởng Quốc phòng Belousov muốn “mọi việc sẽ được thực hiện theo một hướng khác”. Theo chuyên gia này, sắp tới có thể sẽ có thêm những vụ bắt giữ nữa khi Bộ trưởng Belousov muốn phát đi thông điệp cứng rắn rằng hành động tham nhũng sẽ phải trả giá[2]. Theo ABC News, một trong những mục tiêu của Điện Kremlin là cho công chúng Nga thấy chính phủ đang xem xét rất nghiêm túc vấn đề tham nhũng trong quân đội. Không ngẫu nhiên, tân lãnh đạo của Bộ Quốc phòng lại là một chuyên gia kinh tế. Sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Putin đã có sự thay đổi nhận sự cấp cao tại Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Andrei Belousov – một người giàu kinh nghiệm về kinh tế nhưng ít có kinh nghiệm về quân sự – đã thay thế vị trí của ông Sergei Shoigu. Đồng thời, ông Shoigu đã được đưa lên một vị trí mới có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với an ninh quốc gia Liên bang Nga. Mặc dù vậy, nhà khoa học chính trị Alexei Makarkin đã bày tỏ sự nghi ngờ về việc các vụ bắt giữ các quan chức cấp cao, cho rằng những vụ án hình sự này không phù hợp với cùng một logic[3]. Tờ Le Monde của Pháp đánh giá rằng các vụ bắt bớ này có tính chất chọn lọc và nằm trong nỗ lực chống tham nhũng của Moskva chứ không phải là một phần của một cuộc thanh trừng trên diện rộng như nhiều người đồn đoán[4].
Trong khi đó, theo tờ The Moscow Times, các vụ bắt giữ 5 sĩ quan quân đội hàng đầu của Nga gần đây có thể chỉ là khởi đầu cho hàng chục nhân vật quân sự tiếp theo sẽ bị bỏ tù liên quan tới các án tham nhũng trong Bộ Quốc phòng. Nhưng các vụ bắt giữ có nguy cơ khiến quân đội có những xáo trộn lớn vào thời điểm Moskva đang tận dụng lợi thế về tình trạng thiếu vũ khí của Kiev để tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ucaina. Nếu những gì được tờ The Moscow Times đưa ra là thật thì có vẻ đang diễn ra cuộc đấu ngầm giữa các cơ quan an ninh với Bộ Quốc phòng – và bên chiến thắng đang là FSB, cơ quan kế thừa KGB thời Liên Xô. Một chiến thắng như vậy đang là điều mà Tổng thống Vladimir Putin – cựu đặc vụ KGB mong muốn.
Một quan chức chính phủ Nga nói với The Moscow Times rằng, khi những vụ bắt giữ này có đà phát triển, chúng có thể tạo ra một sự thay đổi rất lớn đối với lịch sử nước Nga hiện đại. Cũng có thể thấy rằng, các phương tiện truyền thông độc lập, phe đối lập và các nhà quan sát quốc tế đã không ngừng “tô vẽ” về tình trạng tham nhũng tràn lan trong quân đội trong nhiều năm và các blogger ủng hộ chiến tranh đã chỉ trích hành vi tham nhũng của quân đội trong suốt cuộc chiến ở Ucraina. Điều đáng chú ý là việc bắt giữ các tướng lĩnh bắt đầu “tăng tốc” khi vị “lãnh đạo dân sự” mới lên điều hành Bộ Quốc phòng [5].
Dự báo các hướng đi trong thời gian tới
Theo nhà phân tích Aleksey Kushch tại Kiev, Tổng thống Putin muốn ông Belousov “dọn sạch” Bộ Quốc phòng Nga để chi tiêu quân sự một cách có hiệu quả hơn, tạo chỗ dựa mới cho nền kinh tế Nga phát triển. Ông Kushch nói: “Hiệu quả của tổ hợp công nghiệp – quân sự Nga sẽ được nâng cao, Bộ Quốc phòng Nga có thể trở thành động lực tăng trưởng kinh tế khi chi tiêu cho chiến tranh kích thích tăng trưởng GDP của Nga”. Các nhà quan sát khác cũng có chung quan điểm. Ông Nikolay Mitrokhin của Đại học Bremen ở Đức bình luận rằng việc bổ nhiệm ông Belousov sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả của Bộ Quốc phòng Nga và giảm tham nhũng. Ông nói: “Vì vậy, sẽ có nhiều tiền hơn chảy vào việc phát triển vũ khí mới, đội hình và trang bị của các đơn vị quân đội mới cũng như hoạt động huấn luyện. Tất cả những điều đó sẽ làm cho sức mạnh của quân đội và hiệu quả quân sự của Nga gia tăng, do đó gây bất lợi cho Ucraina trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những trận chiến khốc liệt với quân đội Nga”. Các vụ bắt giữ các nhân vật tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Nga sẽ góp phần làm trong sạch bộ này trong bối cảnh, trước đây, Bộ Quốc phòng Nga đã có nhiều vụ tham nhũng lớn[6]. Theo phát biểu của chính phủ Nga, cuộc chiến chống tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Nga sẽ cải thiện sự hỗ trợ vật chất và tài chính cho quân đội và nâng cao hiệu quả hành động của các tướng lĩnh trong các hoạt động quân sự ở Ucraina. Nhà khoa học chính trị, Phó Giáo sư Khoa Phân tích Chính trị và các Quá trình Tâm lý – Xã hội tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov Alexander Perendzhiev đã nói về điều này trên các kênh truyền hình Nga.
Chưa có đủ manh mối để có thể kết luận rằng liệu sẽ có thêm nhân sự nào trong Bộ Quốc phòng Nga bị thay đổi trong thời gian tới hay không. Nhưng chắc chắn rằng chính quyền Nga dù đang thực hiện một cuộc cải cách chống tham nhũng hay một cuộc “thanh trừng” cho những mục đích khác, thì với bối cảnh hiện tại không có gì có thể ngăn cản chính sách này được thực thi đến cùng./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. LENTA (2024), “Четырех генералов Минобороны арестовали в России. В чем их обвиняют?”, https://lenta.ru/brief/2024/05/23/minoborony/
[2]. DÂN TRÍ (2024), “Đằng sau loạt vụ bắt giữ quan chức quốc phòng cấp cao của Nga”, https://dantri.com.vn/the-gioi/dang-sau-loat-vu-bat-giu-quan-chuc-quoc-phong-cap-cao-cua-nga-20240524192613708.htm
[3]. VEDOMOSTI (2024), “Что известно о преследовании высокопоставленных чиновников Минобороны”, https://www.vedomosti.ru/society/articles/2024/05/24/1039188-chto-izvestno-o-presledovanii-visokopostavlennih-chinovnikov-minoboroni
[4]. LE MONDE (2024), “Several top Russian army officials arrested in recent crackdown”, https://www.lemonde.fr/en/international/article/2024/05/23/several-top-russian-army-officials-arrested-in-recent-crackdown_6672496_4.html. Đức Hiền (2024), Nga nỗ lực ‘làm sạch’ Bộ Quốc phòng, PLO, https://plo.vn/nga-no-luc-lam-sach-bo-quoc-phong-post792293.html
[5]. THE MOSCOW TIMES (2024), “FSB Launches Sweeping Purge of Military Elites With Kremlin’s Approval”, https://www.themoscowtimes.com/2024/05/24/fsb-launches-sweeping-purge-of-military-elites-with-kremlins-approval-a85213
[6]. TIN TỨC (2024), “Nhìn lại cuộc ‘thay máu’ trong Bộ Quốc phòng Nga – Kỳ cuối”, https://baotintuc.vn/ho-so/nhin-lai-cuoc-thay-mau-trong-bo-quoc-phong-nga-ky-cuoi-20240523195442323.htm
[7]. RADIO SVOBODA (2024), “Перемирие, чтобы закончить чистки?”, https://www.svoboda.org/a/peremirie-chtoby-zakonchitj-chistki-/32962375.html