Xung đột Nga – Ukraine đã định hình lại cấu trúc quyền lực khu vực châu Âu nói riêng và cục diện chính trị thế giới nói chung. Sự kiện này đã diễn ra ngay tại “lục địa già”, khu vực vốn được xem là “thiên đường” của sự tự do, hòa bình và dân chủ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Do đó, sự kiện này đã đặt ra hai câu hỏi cho bài viết, bao gồm: i) Cạnh tranh quyền lực giữa các đại cường quốc trong thế kỉ XXI có gì khác biệt so với quá khứ? ii) Liệu luật pháp quốc tế thật sự có khả năng có duy trì môi trường an ninh ổn định, hòa bình và công bằng khi các đại cường quốc đang là chủ thể chi phối quyền lực trên thế giới mà không phải là Liên Hợp Quốc? Vì vậy, bài viết có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ cuộc xung đột Nga – Ukraine đã tác động như thế nào đến tính hiệu quả của luật pháp quốc tế trong việc duy trì môi trường an ninh hòa bình trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa các đại cường quốc ngày càng căng thẳng, phức tạp.
Sự thay đổi trong phương thức mở rộng quyền lực của các đại cường quốc thế kỉ XXI
Trong thế kỉ XXI, Liên Hợp Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các định chế, quy tắc để vận hành các mối quan hệ tổng hòa trên phạm vi toàn cầu [1]. Nhưng về bản chất, Liên Hợp Quốc được tạo thành bởi các quốc gia trên thế giới, đứng đầu là các đại cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp. Trước khi xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh, phương thức các cường quốc mở rộng quyền lực đó là thông qua việc sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt các nước nhỏ và các khu vực địa chính trị quan trọng trên thế giới. Điều này được thể hiện rõ nét trong chiến lược “Cô lập Vinh quang” (Splendid Isolation) của Đế quốc Anh vào thế kỉ XIX, và chiến lược “Cân bằng Ngoài khơi” (Offshore Balance) của Mỹ trong thế kỉ XX và lợi ích, hiệu quả của chiến lược này được duy trì khắp nơi trên thế giới đến hiện nay. Tuy nhiên, sự xuất hiện của xu thế toàn cầu hóa đã tạo ra cơ hội giúp luật pháp quốc tế trở thành “rào cản” pháp lý và đạo đức đối với hành vi bá quyền của các đại cường quốc, đặc biệt dưới sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Vì vậy, Liên Hợp Quốc đã trở thành cơ quan đứng đầu thế giới trong bảo vệ nền hòa bình trên thế giới. Vị thế của Liên Hợp Quốc đã nổi lên từ sau khi xu thế toàn cầu hóa bắt đầu mở rộng vào những năm 1980, điều này đã làm thay đổi phương thức mở rộng quyền lực của các cường quốc trên thế giới, đặc biệt đối với hai cường quốc đang trỗi dậy trong thế kỉ XXI, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là một thành quả và tín hiệu rất tích cực đối với các quốc gia nhỏ (đặc biệt đối với các quốc gia có xu hướng thân cận với Mỹ) hiện nay khi có nhiều sự lựa chọn trong các chính sách, chiến lược trong việc đảm bảo an ninh quốc gia – dân tộc mà không quá lo lắng về việc khả năng có thể bất ngờ bị các đại cường quốc xâm lược như trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc bao trùm thế giới.
Tuy nhiên, việc mở rộng quyền lực của các đại cường quốc, đặc biệt các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ không dừng lại khi sức mạnh nền kinh tế gia tăng, việc này sẽ tạo ra nhu cầu về tham vọng, quyền lực và an ninh nhằm đảm bảo cho sự phát triển thịnh vượng của dân tộc trong dài hạn. Do đó, sự mở rộng quyền lực của các đại cường quốc trong thế kỉ XXI sẽ chuyển sang một phương thức khác phù hợp với yêu cầu của thời đại. Vì vậy, cùng với sự gia tăng của toàn cầu hóa, sức mạnh kinh tế và sức mạnh mềm đã trở thành công cụ cốt lõi để các đại cường quốc “kiểm soát” và “can thiệp” vào hành vi của các quốc gia được ưu tiên trong chiến lược toàn cầu. Có thể nói đến các trường hợp: Trung Quốc thông qua chiến lược “bẫy nợ” đối với các tiểu quốc gia tham gia đầu tư vào Sáng kiến “Vành đai Con đường” (BRI), Trung Quốc đề ra yêu sách chủ quyền Biển Đông. Ấn Độ thông qua đường lối đối ngoại thực dụng với Myanmar (không còn lên án vi phạm dân chủ như trước những năm 1991) [2]. Mỹ thông qua sức mạnh kinh tế và vị thế thống trị toàn cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt với các quốc gia đối nghịch như Iran, Triều Tiên, Venezuela, Nga, Trung Quốc,… hoặc Pháp thông qua sức mạnh kinh tế và sức mạnh mềm kiểm soát các quốc gia thuộc địa cũ châu Phi…
Qua đó, các đại cường quốc thành lập liên minh các đồng minh và quốc gia “thân thiện” và “kiểm soát” lập trường của các quốc gia này đối với các “hành động chính nghĩa hay phi nghĩa” của các đại cường quốc trên Liên Hợp Quốc và chính trường quốc tế. Do những sự rời rạc và xung đột quyền lực trong thượng tầng lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, điều này đã làm luật pháp quốc tế trở nên thiếu hiệu quả trong việc can thiệp vào hành vi của các đại cường quốc khi thượng tầng hệ thống chính phủ quốc tế không có sự thống nhất và công bằng, liêm chính trong việc ra quyết định trừng phạt và ngăn chặn hành vi bá quyền của các đại cường quốc. Điển hình cho sự thiếu hiệu quả này bắt nguồn từ sự kiện NATO tấn công vào Nam Tư (24/3/1999 – 10/6/1999).
Tác động của xung đột Nga – Ukraine đến tính hiệu quả luật pháp quốc tế
Học giả Edinger đã khái quát một số khái niệm và lý luận về lý thuyết chủ nghĩa hiện thực (realism) trong việc phân tích và luận giải các sự kiện trong quan hệ quốc tế, Edinger cho rằng: “Chủ nghĩa hiện thực nhấn mạnh trong một hệ thống quốc tế vô chính phủ, một thiết chế bảo đảm chức năng như nhà nước không tồn tại, vì tình trạng phân bố quyền lực bất cân xứng dẫn đến vấn đề an ninh quốc gia đặt trong tình trạng bị đe dọa, điều này đã làm mỗi chủ thể chính trị phải tự bảo đảm an ninh bằng cách cân bằng quyền lực” [3]. Dựa trên phân tích của Endinger, quan sát tình hình biến động của cục diện chính trị thế giới hiện nay, sự kiện xung đột Nga – Ukraine đã gián tiếp khẳng định rằng dù bối cảnh thế giới có sự chuyển biến khi xu thế toàn cầu hóa đã làm các mối quan hệ giữa các quốc gia đan xen, phụ thuộc lẫn nhau và luật pháp quốc tế đã trở thành “rào cản” và “giới hạn” hành vi bá quyền của các đại cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, sự “ràng buộc” này chỉ giới hạn ở phạm vi cạnh tranh quyền lực không đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia và “lợi ích cốt lõi” của các cường quốc, đơn cử như “lợi ích cốt lõi” của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương, Trung Quốc tại Đài Loan, Nga tại Ukraine và các thành viên hậu Xô Viết còn lại trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Australia tại Châu Đại Dương, Pháp tại một số quốc gia thuộc địa cũ ở Châu Phi…. Do đó, luật pháp quốc tế trở nên thiếu hiệu quả khi can thiệp vào hành vi của các đại cường quốc đang có chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp đến “lợi ích cốt lõi” và an ninh quốc gia của nhau, trong đó cuộc xung đột Nga – Ukraine là ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Theo nhận định và quan sát của các chuyên gia trên thế giới, nguồn gốc xung đột Nga – Ukraine xuất phát từ việc NATO dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã thực hiện chiến lược mở rộng biên giới NATO về phía Đông [4]. Nguồn gốc sự kiện này xuất phát từ cuộc chiến tranh Nga – Chechnya vào năm 1994, cựu Tổng thống Bill Clinton đã đứng trước sự lựa chọn mang tính lịch sử giữa nước Nga “dân chủ” dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin và sự ủng hộ các quyền cơ bản của nhà nước Chechnya, cựu Tổng thống Bill Clinton đã lựa chọn ủng hộ Chechnya và tiến hành bước đầu trong việc mở rộng NATO về phía Đông, đi ngược lại với “lời hứa” không mở rộng NATO của cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker khi đàm phán với cựu Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachyov trong quá trình gỡ bỏ Bức tường Berlin và hoàn thiện Hiệp định 2 + 4. Vì vậy, sự kiện này đã trở thành hình ảnh đại diện cho “sự xảo quyệt và dối trá” của người Mỹ trong thế giới quan của các nhà lãnh đạo Nga, đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin.
Chiến lược của NATO đã tác động nghiêm trọng đến cả hai khía cạnh, bao gồm an ninh quốc gia và lợi ích cốt lõi của Nga tại sườn phía Tây giáp với lục địa châu Âu. Theo phân tích và nhận định của học giả Mankoff, ông cho rằng chiến lược này đã tạo ra vòng cung bao vây biên giới phía Tây – Nga, đồng thời giảm dần sự ảnh hưởng của Nga đối với các quốc gia không gian hậu Xô Viết tại khu vực Đông Âu, bán đảo Balkan, khu vực Kavkaz, khu vực Trung Á. Từ đó, NATO hướng đến mục tiêu là chia cắt Nga thành nhiều khu vực và làm suy yếu tham vọng trở lại vị thế “siêu cường” khi bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay yêu cầu Nga phải thông qua bán đảo Crimea đảm bảo cho việc vận hành các tuyến đường hàng hải của nền kinh tế Nga [5]. Các nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần gửi thông điệp phản đối đến Mỹ và các đồng minh phương Tây và thông báo rằng: “Chiến lược mở rộng của NATO dưới “chiêu bài” xây dựng cộng đồng dân chủ không biên giới đã xâm phạm tới an ninh quốc gia và lợi ích cốt lõi của Nga” [4].
Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu NATO cần phải có sự tôn trọng cơ bản đối với một số luận điểm mà Nga xem là “lằn ranh đỏ”. Do đó, trước khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra, Nga đã đệ trình Hiệp định Đảm bảo An ninh Nga – NATO và Hiệp định Đảm bao An ninh Nga – Mỹ vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, NATO dưới sự chỉ huy của Mỹ không đồng thuận với các yêu cầu của Nga và đã phủ quyết nhanh chóng. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp đã thúc đẩy Nga có những bước đi “táo bạo và quyết đoán” để thể hiện vị thế cường quốc quân sự hàng đầu của thế giới, đồng thời khẳng định quyết tâm cao độ của Nga đối với “lợi ích cốt lõi” tại Ukraine. Ngày 24/02/2022, Nga đã tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo phát ngôn về khái niệm chiến tranh tại Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. Sự kiện này đã làm “sụp đổ” niềm tin về hệ thống luật pháp quốc tế và vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc duy trì môi trường an ninh ổn định, hòa bình và dựa trên các quy định trong Công ước Quốc tế. Đồng thời, sự kiện này đã cho thấy sự “ràng buộc” thiếu hiệu quả của luật pháp quốc tế đối với các hành động cạnh tranh quyền lực giữa các đại cường quốc, đánh dấu sự trở lại của lý thuyết chủ nghĩa hiện thực trong việc quan sát và phân tích các sự kiện quốc tế.
Học giả hàng đầu đại diện cho trường phái chủ nghĩa hiện thực tấn công (offensive realism) John Mearsheimer đã cho rằng: “Quyền lực không có giới hạn và các quốc gia cần đạt được càng nhiều quyền lực càng tốt nhằm bảo đảm an ninh và chiếm thế áp đảo so với các quốc gia khác trong hệ thống quốc tế” [6, tr.97]. Do đó, John Mearsheimer đã đánh giá các quốc gia phương Tây dưới sự chỉ huy của Mỹ đã quá liều lĩnh trong việc mở rộng quyền lực của NATO. Trong đó, việc tiếp tục ủng hộ Ukraine gia nhập vào liên minh sau sự kiện Euromaidan 2014 là một bước đi nguy hiểm và sai lầm của NATO. Do đó, học giả John Mearsheimer khi quan sát tình hình diễn biến các sự kiện quan hệ quốc tế tại Đông Âu và dẫn đến xung đột Nga – Ukraine, ông đã nhận định rằng: “Nga không muốn có một bức tường thành phương Tây ngay trước cửa nhà mình, điều này hoàn toàn hợp lý theo quan điểm của Nga” [7]. Vì vậy, cho dù bối cảnh thế giới có sự chuyển biến do tác động của xu thế toàn cầu hóa, nhưng đối với các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả đại cường quốc và các tiểu quốc gia. Khái niệm “an ninh quốc gia” và “lợi ích cốt lõi” vẫn là những động lực và tác nhân chính dẫn đến những cuộc cạnh tranh quyền lực, và có thể hình thành các sự kiện “xung đột nóng” xảy ra trong tương lai. Vì vậy, khi cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các đại cường quốc tác động trực tiếp đến hai khái niệm trên, và không có một giải pháp phù hợp với lợi ích quốc gia của hai bên thì sự kiện này rất có khả năng sẽ trở thành tác nhân “tiềm ẩn” dẫn đến cuộc cạnh tranh “ác liệt” và “nóng” hơn mà luật pháp quốc tế trở nên vô hiệu khi ngăn cản vấn đề này xảy ra.
Để có thể làm rõ vai trò của an ninh quốc gia đối với sự tồn vong của một quốc gia – dân tộc, học giả hàng đầu đại diện cho chủ nghĩa hiện thực cấu trúc (structural realism) Stephen Walt đã phân tích rằng: “Tất cả các quốc gia đều tìm mọi cách tồn tại, đồng thời thừa nhận khả năng một số quốc gia cũng có thể có những mục tiêu tham vọng hơn. Tuy nhiên, vì các quốc gia này được đặt trong hệ thống vô chính phủ, nên họ phải dựa vào các nguồn lực và chiến lược của chính mình để tồn tại” [8]. Do đó, Stephen Walt đánh giá an ninh quốc gia là lợi ích bất khả xâm phạm của bất kỳ một quốc gia – dân tộc nào trên thế giới. Tuy nhiên, Stephen Walt đã nhấn mạnh rằng sự bất cân xứng trong nguồn lực giữa các quốc gia trong hệ thống vô chính phủ, sẽ dẫn đến sự thận trọng và dè chừng trong việc trực tiếp tham gia cạnh tranh quyền lực với đối thủ mạnh hơn. Nhưng Stephen Walt cho rằng, nếu các đại cường quốc có hành động trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia của các nhóm tiểu quốc yếu hơn, thì điều này sẽ dẫn đến sự phản kháng “kịch liệt” và có nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột “nóng” bất chấp sự bất cân xứng sức mạnh quốc gia với đại cường quốc.
Do đó, an ninh quốc gia vẫn sẽ là căn nguyên “tiềm ẩn” dẫn đến những cuộc xung đột “nóng” và đặt ra thách thức to lớn về vai trò của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế trong việc đảm bảo sự công bằng, duy trì trật tự an ninh thế giới. Vì vậy, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã tác động nghiêm trọng đến tình hình chính trị thế giới, các sự kiện đang ảnh hưởng đến “lợi ích cốt lõi” của các đại cường quốc đang ngày càng trở nên nóng lên hơn bao giờ hết, tiêu biểu trong đó là vấn đề Đài Loan. Trong Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến Đài Loan” [9]. Mặt khác, Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2022 đã nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất” [9]. Những chuỗi phát ngôn của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan cho thấy, Trung Quốc sẽ thống nhất Đài Loan bằng mọi cách, bao gồm cả việc sử dụng sức mạnh cứng. Đây là “đòn” giáng mạnh những quy định cơ bản nhất của luật pháp quốc tế trong việc đảm bảo an ninh thế giới. Do đó, sự kiện này đã tô đậm hơn sự thiếu hiệu quả của luật pháp quốc tế trong việc “ràng buộc” các hành động cạnh tranh quyền lực giữa các đại cường quốc trên thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Kết luận
Cuộc xung đột Nga – Ukraine và các diễn biến tại các điểm “nóng” trên thế giới đã đặt ra thách thức nghiêm trọng về vai trò của luật pháp quốc tế và Liên Hợp Quốc trong việc duy trì môi trường an ninh ổn định, hòa bình và công bằng dựa trên Công ước Quốc tế. Do đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã cho thấy sự thiếu hiệu quả của luật pháp quốc tế và vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc kiềm chế và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh quyền lực giữa các đại cường quốc có nguy cơ dẫn đến “xung đột nóng”. Vì vậy, bài viết đã thông qua lăng kính chủ nghĩa hiện thực nhằm đánh giá và xem xét sự yếu kém của luật pháp quốc tế cũng như vai trò của Liên Hợp Quốc trong bối cảnh thế giới hiện nay. Do đó, sự kiện này đã làm các quốc gia nhỏ có sự nhìn nhận sâu sắc về tính hiệu quả của luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ nền hòa bình nhân loại. Sự kiện xung đột Nga – Ukraine đã tác động đến các quốc gia có vị trí chiến lược đang nằm trong trung tâm cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc như Việt Nam, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan,… đang trở nên tự cường và đầu tư mạnh mẽ vào năng lực quốc phòng, mở rộng quan hệ ngoại giao với các cường quốc trên cấp độ song phương, đa phương nhằm cân bằng quyền lực với “đối thủ” trong khu vực./.
Tác giả: Lê Hoàng Kiệt
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Lê Hoàng Kiệt (2023), “Bài học từ xung đột Nga – Ukraine: Gợi ý chính sách đối ngoại Việt Nam trong tình hình mới”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia Xu hướng Quan hệ Quốc tế trong bối cảnh thế giới mới, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.
[2] Lê Hoàng Kiệt (2023), “Cạnh tranh Ấn Độ – Trung Quốc tại Đông Nam Á trong bối cảnh gia tăng ảnh hưởng của Mỹ”, https://nghiencuuchienluoc.org/canh-tranh-chien-luoc-an-do-trung-quoc-tai-dong-nam-a-trong-boi-canh-gia-tang-anh-huong-cua-my/, truy cập ngày 21/9/2023.
[3] Edinger, H. (2022), “Offensive ideas: structural realism, classical realism and Putin’s war on Ukraine”, International Affairs, 98(6), pp. 1873–1893. https://doi.org/10.1093/ia/iiac217
[4] Lê Hoàng Kiệt (2023), “Một số lý giải về nguồn gốc và mục tiêu của Mỹ trong xung đột Nga – Ukraine”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Ấn Độ trong trật tự thế giới khủng hậu xung đột Nga – Ukraine, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á.
[5] Mankoff, J. (2022), The Realist Case for Ukraine, https://www.fpri.org/article/2023/01/the–realist–case–for–ukraine/, truy cập ngày 21/9/2023.
[6] Đào Minh Hồng & Lê Hồng Hiệp (2018), “Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế”, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[7] Walt, S.M. (2017), Realism and Security, https://oxfordre.com/internationalstudies/display/10.1093/acrefore/9780190846626.001.0001/acrefore–9780190846626–e–286;jsessionid=C33AB7C17AFFA7DE0A48D1CC2D0218DE, truy cập ngày 21/9/2023.
[8] Kalus, V.D. (2022), Die Nato hat mit dem Feuer gespielt und sich verbrannt, https://www.welt.de/politik/ausland/plus236575311/Der–Westen–hat–nicht–verstanden–dass–Putin–nach–anderen–Regeln–spielt.html?source=puerto–reco–2_AAA–V6.C_test, truy cập vào ngày 21/9/2023.
[9] Thi Thi (2023), “Chiến lược thống nhất Đài Loan của Trung Quốc và những ảnh hưởng tới khu vực”, https://nghiencuuchienluoc.org/chien-luoc-thong-nhat-dai-loan-cua-trung-quoc-va-nhung-anh-huong-toi-khu-vuc/, truy cập ngày 21/9/2023.