Cuộc chiến ở dải Gaza hai tuần qua là bước leo thang vũ trang nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây liên quan tới cuộc xung đột giữa các lực lượng đấu tranh giành độc lập của Palestine với Israel. Căng thẳng vẫn đang tiếp diễn với thương vong ngày một gia tăng. Các hành động trả đũa ồ ạt của Israel cùng với tuyên bố “tiếp tục cuộc chiến cho đến khi giành thắng lợi” của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang khiến cuộc chiến có nguy cơ kéo dài và mở rộng hơn ở khu vực. Xung đột đang tạo ra một tình thế nguy hiểm, phức tạp mới đối với không chỉ Trung Đông mà sức ảnh hưởng có thể lan rộng ra ngoài phạm vi khu vực.
Căn nguyên của cuộc xung đột
Vào ngày 01/10, hơn 250 người Do Thái đã tràn vào thánh đường Hồi giáo và tàn sát người Palestines[1]. Việc những người ngoại đạo vào thánh đường của người Hồi giáo là điều không thể chấp nhận được. Chính vì vậy, ngày 7/10/2023, các thành viên Hamas đã tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Israel, Hamas tuyên bố họ đang trả thù một loạt hành động gần đây của Israel tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem và Bờ Tây. Tuy nhiên có thể thấy rằng: chưa bao giờ Israel ngừng việc tấn công và đàn áp người Palestines cũng như tấn công vào các thánh đường linh thiêng của người hồi giáo. Vào năm 2022, lực lượng Israel đã giết chết ít nhất 166 người Palestine ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng hay vào tháng 5/2021, cảnh sát Israel đã đột kích Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem, địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi, gây ra cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas khiến hơn 200 người Palestine và hơn 10 người Israel thiệt mạng[2]. Chính vì vậy, hành động vào ngày 01/10/2023 của Israel cũng chỉ châm ngòi thêm sự hận thù hoặc cái “cớ” khiến “giọt nước tràn ly” cho hành động đánh trả của người Hamas đối với người Israel.
Tuy nhiên cũng có thể thấy rằng: từ trước đến nay, vốn dĩ hai bên đã có mâu thuẫn lãnh thổ gay gắt và xung đột triền miên, đồng thời cán cân quyền lực cũng đang đạt được sự cân băng tương đối. Một bên là người Do Thái với sự hậu thuẫn của Mỹ và Phương Tây, còn một bên là người Palestine và các nước Ả Rập. Tuy nhiên, cấu trúc quyền lực của khu vực cũng đã dần thay đổi trong những năm gần đây, khi một số nước Ả Rập Thống Nhất đang có xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel dưới tác động và sự lôi kéo của siêu cường Mỹ.
Trước tháng 8/2020, chỉ có hai nước Ả Rập có quan hệ chính thức với Israel là Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994. Nhưng vào 8/2020, Israel đã ký: “Hiệp định Abraham” – hiệp định giúp bình thường hóa quan hệ với hai nước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE và Bahrain (9/2020) ở Mỹ. “Hôm nay chúng tôi ở đây để tạo ra tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đang đánh dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới” – “Vâng, đây là bước ngoặt của lịch sử, là một bình minh mới cho nền hòa bình”[3]. Đó là tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Israel lúc bấy giờ là Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Netanyahu khi đặt bút ký Hiệp định Abraham cùng hai Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng. Vài tháng sau, Sudan và Morocco “nối gót” tham gia vào Hiệp định này, nâng tổng số quốc gia Arab có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel từ trước đó với 2 nước là Ai Cập và Jordan lên con số 6. Trước sự lo ngại đó, giới lãnh đạo Palestine lên án các thỏa thuận bình thường hóa giữa UAE, Bahrain và Sudan là một “cú đâm nguy hiểm đối với chính nghĩa của người Palestine”[4]. Chính quyền Palestine (PA), có trụ sở tại Bờ Tây bị chiếm đóng, đã từ bỏ chức chủ tịch các cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập để phản đối và triệu hồi đại sứ của họ tại UAE và Bahrain, tuy nhiên vẫn không thể ngăn cản những ý định bình thường hóa của các nước Ả Rập Thống Nhất với Israel.
Gần đây, Ả Rập Saudi mặc dù vẫn chưa chính thức công nhận mối quan hệ với Israel, nhưng nước này đã giảm giọng điệu và nhiều lần bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ. Những cuộc đàm phán đang diễn ra liên quan đến thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ả Rập Saudi, cũng như các cuộc trò chuyện về sự đảm bảo an ninh của Mỹ cho Ả Rập Saudi. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết cả Ả Rập Saudi và Israel đang ngày càng gần đạt được một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương mang tính bước ngoặt trong lịch sử.“Chúng tôi phải xem mình sẽ đi tới đâu. Chúng tôi hy vọng thỏa thuận sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cuộc sống của người Palestine và đưa Israel trở thành một phần của Trung Đông[5]. Trước những hành động đó, ông Osama Hamdam, lãnh đạo nhóm Hamas ở Lebanon, khẳng định chiến dịch ngày 7/10 nhằm khiến các nước Ả Rập nhận ra việc chấp nhận các yêu cầu an ninh của Israel sẽ không mang đến hòa bình. Ông khẳng định: “Gửi đến những người muốn hòa bình và ổn định trong khu vực, điểm bắt đầu chính là việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel. Không may, một số nước Ả Rập cho rằng Israel là bước đệm tiến tới việc Mỹ bảo vệ an ninh cho họ”. Vì vậy, đây là thời điểm mà người Hamas (có thể dưới sự hỗ trợ của những người ủng hộ Iran) phải hành động để phá vỡ tiến trình bình thường hóa đang diễn ra và gây rối loạn cho các nhà lãnh đạo Ả Rập đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa với Israel.
Một yếu tố khác có thể đằng sau thời điểm xảy ra vụ tấn công là tình trạng bất ổn chính trị gần đây ở Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang tìm cách hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao Israel sau các cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng chống lại ông, làm dấy lên các cuộc biểu tình rầm rộ. James Stavridis, cựu chỉ huy NATO, nói với NBC News: “Các đối thủ của Israel có cảm giác rằng nước này “chưa bao giờ bị chia rẽ hơn, chưa bao giờ yếu hơn, chưa bao giờ bị chia cắt nhiều hơn”.[6]
Nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột nằm ở sự bế tắc trong mối quan hệ Israel – Palestine là cuộc xung đột kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Sau khi đế quốc Ottoman thất bại trong Thế chiến 1 (1914-1918), Anh kiểm soát vùng lãnh thổ Palestine. Vùng đất Palestine khi đó có phần lớn là người Ả Rập và một phần thiểu số cư dân Do Thái. Căng thẳng giữa hai dân tộc này gia tăng khi cộng đồng quốc tế giao Anh quyền thiết lập cho người Do Thái nơi gọi là “nhà” trên chính mảnh đất của Palestines. Do đó, với người Do Thái, vùng đất Palestines là quê hương của tổ tiên họ, nhưng người Ả Rập tại Palestine cũng khẳng định chủ quyền của họ với vùng đất này và phản đối việc sắp xếp của Anh. Theo kế hoạch của Anh, người Do Thái bắt đầu tới Palestine định cư từ năm 1917. Thời điểm đó, do cán “cân” dần trở về mức cân bằng khi số lượng người Do Thái di cư tới Palestine đặc biệt tăng cao trong giai đoạn Thế chiến 2 (1939-1945) nhằm chạy trốn khỏi nạn diệt chủng của Đức quốc xã. Chính vì vậy xung đột giữa người Do Thái và người Ả Rập gia tăng khi cả hai bên đều nhìn thấy những sự đe dọa về chủ quyền lãnh thổ của mình.
Vào năm 1947, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 181 chia cắt vùng vùng đất thiêng Jerusalem – Palestine ủy trị thành quốc gia Israel (cho người Do Thái) và một quốc gia cho những người Ả Rập – Palestine, đồng thời xoá bỏ quyền ủy trị của Anh tại Palestines. Tuy nhiên nghị quyết không thể thực hiện do Israel đã chiếm hoàn toàn vùng đất thiêng Jerusalem và thiết lập 1 nhà nước trên vùng lãnh thổ đó vào tháng 6/1967. Thỏa thuận hòa bình ký năm 1993 tại Oslo đã hàng thập kỷ không thực hiện được và Israel tiếp tục chiếm đóng những vùng đất của Palestine và xây dựng rất nhiều khu định cư ở những khu vực đó.Tính đến năm 2023, đã có hơn 160 khu định cư được xây dựng ở vùng đất của Palestine bị chiếm đóng, đưa gần 1 triệu người Do Thái sang sống ở những khu định cư này và những người Palestine bị lực lượng Israel đàn áp. Hành động này không chỉ diễn ra trong 1, 2 năm gần đây mà đã kéo dài hàng thập kỷ[7]. Suốt quá trình đó, Israel luôn có sự ủng hộ hoặc ít nhất là không phản đối của Mỹ – siêu cường số 1 thế giới hiện tại, một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Nên những hành động lấn chiếm khu định cư của Israel không gặp quá nhiều trở ngại hay phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Hầu hết đều là các phản ứng dưới dạng tuyên bố phản đối hành động của Israel. Lên tiếng mạnh mẽ nhất có thể kể tới Liên Hợp Quốc thông qua các nghị quyết xuyên suốt từ năm 1979. Mỹ luôn là người bỏ phiếu trắng với các Nghị quyết 452 (1979), Nghị quyết 465 (1980) và phiếu chống với Nghị quyết ES-10/15 (2004)[8]. Vào ngày 18/11/2019, trong cuộc họp báo với báo chí, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo chính thức thông báo sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với tình trạng pháp lý của các khu định cư của Israel ở Bờ Tây thuộc lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Ông tuyên bố: “Sau khi xem xét tất cả các quan điểm pháp lý, chính quyền này đồng ý rằng … việc thành lập các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây không tự mình trái với luật pháp quốc tế”[9]. Việc Mỹ ngày càng đứng về phía Israel, công khai tuyên bố “ủng hộ” chủ quyền và hành động của Israel đã khiến cho những nỗ lực giành lại hòa bình của người Palestine ngày càng khó khăn và thách thức. Chính vì vậy “sự căm phẫn” ngày một gia tăng và “tích tụ” đến lúc “bùng nổ”.
Những diễn biến đáng lo ngại của cuộc chiến
Ngày 6/10, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã được tổ chức ở Gaza nhằm phản đối đối thoại và hòa giải giữa các nước Ả Rập và Israel. Cuộc xung đột này có thể là biểu hiện của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas) và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Jihad) phản đối việc bình thường hóa quan hệ giữa các nước Ả Rập và Israel thông qua các biện pháp bạo lực.
Vào sáng ngày 7/10, nhóm chiến binh Hamas đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào Israel gần như chưa từng có trong quy mô và phạm vi của nó. Những người Israel bị sốc đã thức dậy vào ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ lễ trọng đại của người Do Thái trong tiếng còi báo động khi Hamas và Thánh chiến Hồi giáo bắn hàng nghìn quả tên lửa từ Gaza và các chiến binh có vũ trang đã phá vỡ các hàng rào công nghệ cao xung quanh dải đất để tiến vào Israel, bắn và bắt con tin. Các chiến binh cũng cố gắng tiến vào Israel bằng đường biển. Theo Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF), Hamas đã bắn Rockets từ Gaza và xâm nhập vào các hoạt động của nó qua biên giới, nơi họ tham gia vào các trận hoả hoạn tại bảy địa điểm khác nhau ở miền nam Israel. Ít nhất 250 người Israel đã thiệt mạng và con số đó dự kiến sẽ tăng lên, với hơn 1.400 người bị thương, bao gồm ít nhất 18 người bị thương nặng và 267 trong tình trạng nghiêm trọng[10]. Hamas cũng đã lấy hàng chục con tin của Israel, phát hành video để hỗ trợ cho các yêu sách của mình.
Trước hành động bất ngờ đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng đất nước của ông đang “có chiến tranh”. Thiếu tá Nir Dinar, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết: “Đây là vụ 11/9 của chúng tôi”. “Họ đã bắt được chúng tôi. Họ làm chúng tôi ngạc nhiên và họ lao tới rất nhanh từ nhiều nơi – cả từ trên không, trên mặt đất và trên biển.” Nguồn tin thân cận với Hamas cho biết: “Hamas đã tạo cho Israel ấn tượng rằng họ chưa sẵn sàng chiến đấu”, “Hamas đã sử dụng một chiến thuật tình báo chưa từng có để đánh lừa Israel trong những tháng qua, bằng cách gây ấn tượng với công chúng rằng họ không sẵn sàng tham gia chiến đấu hoặc đối đầu với Israel trong khi chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn này”[11]. Người Israel tin rằng có thể biết chính xác những gì người Palestine đang làm một cách chi tiết nhờ các phương tiện do thám tinh vi bao gồm cả máy bay không người lái bay trên dải đất. Thất bại tình báo này là nghiêm trọng và sẽ làm lung lay niềm tin của công chúng Israel vào khả năng bảo vệ dân thường của chính phủ và quân đội. Cả Israel đang tự hỏi: “IDF ở đâu, cảnh sát ở đâu, an ninh ở đâu?” Eli Maron, cựu chỉ huy hải quân Israel, nói trên Kênh 12. “Đó là một thất bại to lớn; các cơ quan [quốc phòng] đơn giản đã thất bại, gây ra những hậu quả to lớn”[12]. Cuộc tấn công của Hamas đã khiến cho Israel bước đầu bất ngờ và bị động trước những đòn tấn công quy mô lớn bằng tên lửa của Hamas, Israel rõ ràng đã mất cảnh giác, không những không kịp thời đánh chặn tên lửa từ Gaza mà còn không kịp phòng thủ trước những kẻ tấn công từ Gaza lẻn vào Israel.
Sau những đòn tấn công bất ngờ đó Israel tuyên bố cuộc chiến toàn diện với phiến quân Hamas bắt đầu. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Israel kêu gọi công dân Israel và cho rằng đây không phải là một sự leo thang, đây không phải là một bạo lực mà chính Hamas đã tuyên chiến với Israel. Đồng thời với các tuyên bố gần như ngay lập tức của Israel, Israel đã thiết lập trạng thái chiến đấu và đáp trả bằng hàng loạt tên lửa nhắm vào dải Gaza. Chiều ngày 8/10 có nhiều video ghi nhận các vị trí thuộc Gaza đã bị tên lửa Israel tiêu diệt, các nhóm binh sĩ của Israel cũng đã tiếp cận những khu vực Hamas kiểm soát và đã áp chế được một vài binh lính của Hamas. Máy bay chiến đấu nhắm mục tiêu vào một số tòa nhà ở trung tâm Thành phố Gaza , bao gồm Tháp Palestine, tòa nhà 11 tầng có đài phát thanh Hamas. Như vậy về cơ bản, Hamas đã thực hiện xong đòn phủ đầu của mình và tạo ra lợi thế trước Israel, còn Israel thì có những đòn trả đũa của mình. Bên cạnh đó, Israel đã đặt Gaza vào tình trạng “bao vây toàn diện” để ngăn chặn lương thực và nhiên liệu đến được khu vực có 2,3 triệu người cũng như cắt điện, cắt nước và cắt hết tất cả mọi thứ cho Gaza. Theo tờ Times of Israel[13], Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant vào 9/10: “Tôi đã ra lệnh bao vây hoàn toàn Dải Gaza. Sẽ không có điện, không thực phẩm, không nhiên liệu, mọi thứ đều bị đóng cửa. Chúng tôi đang chiến đấu với những con thú đội lốt người và chúng tôi đang hành động phù hợp”[14]. Nhưng điều đáng nói hơn, cả hai bên sau những đòn tấn công qua lại cho thấy cuộc đụng độ này là một cuộc đụng độ tàn khốc và cả hai đều không có ý định né tránh dân thường.
Vào ngày 12/10/2023, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng sâu sắc với cảnh báo người dân có nguy cơ chết đói khi Israel duy trì cuộc bao vây và bắn phá các mục tiêu nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Hamas khiến hơn 1.200 người thiệt mạng. Israel pháo kích vào các thị trấn phía nam Lebanon để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa mới của Hezbollah. Các chiến binh Hamas đang bắt giữ binh sĩ Israel và dân thường làm con tin đã đe dọa sẽ hành quyết một tù nhân nếu mỗi ngôi nhà ở Gaza bị tấn công mà không báo trước mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hamas đã thực hiện lời đe dọa của mình[15].
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, cho biết Hamas nên bị “đè bẹp” và “bị nhổ ra khỏi cộng đồng các quốc gia”. Blinken thề rằng Mỹ sẽ ủng hộ Israel và ví tội ác của Hamas với ISIS. Theo hãng Thông tấn WAFA của Chính quyền Palestine (PA) ngày 21/10, số người thiệt mạng đã lên tới 4.473 người kể từ khi Israel bắt đầu các hành động tấn công trả đũa[16]. Các cuộc không kích đã khiến hàng trăm nghìn người phải di dời.[17] Các chính phủ trên thế giới cũng đã sắp xếp các chuyến bay hồi hương từ Tel Aviv khi chiến tranh leo thang cho các công dân nước mình.
Trước cuộc chiến đấu tàn khốc giữa Hamas và Israel, vào ngày 13/10 (Reuters) – Ả Rập Saudi đang tạm dừng các kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel, hai nguồn tin quen thuộc với suy nghĩ của Riyadh cho biết, báo hiệu sự suy nghĩ lại nhanh chóng về các ưu tiên chính sách đối ngoại của nước này khi chiến tranh leo thang giữa Israel và nhóm Hamas của Palestine.
Tác động tiêu cực có nguy cơ vượt ra khỏi phạm vi khu vực Trung Đông
Có thể thấy rằng cuộc tấn công vào Israel của lực lượng vũ trang Hamas sáng 7/10/2023 thực sự là bất ngờ và chấn động, không chỉ với Israel mà cả thế giới. Một đội quân ít về số lượng, yếu hơn về khí tài lại dám phát động tấn công vào đối thủ mạnh như Israel từ nhiều hướng, và gây thiệt hại lớn. Cuộc chiến này đã khiến khu vực Trung Đông chao đảo, bất ổn và gây ra nhiều sự náo loạn trong khu vực. Các hãng hàng không quốc tế đã đình chỉ hàng trăm chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv sau vụ tấn công. Một số quốc gia đã tiến hành các hoạt động hồi hương công dân của họ (Argentina, quốc gia Mỹ La-tinh có dân số Do Thái đông nhất đã sơ tán hơn 1.200 công dân khỏi Israel, khoảng 950 người Đức đã rời khu vực bằng đường bộ, đường biển cũng như đường hàng không vào 12/10,…). Ngày 13/10, Quân đội Israel đã kêu gọi tất cả dân thường của thành phố Gaza, hơn 1 triệu người, di dời về phía Nam trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng khiến các nước Châu Âu cũng như khu vực Trung Đông lo ngại chính là nguy cơ khủng hoảng người di cư sau các cuộc giao tranh.
Về kinh tế, từ khi cuộc chiến nổ ra, giá dầu và vàng đã tạm thời tăng lên. Lúc hơn 8h sáng (9/10) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,99 USD/thùng, tương đương tăng 4,7%, giao dịch ở mức 88,57 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,99 USD/thùng, tương đương tăng 4,8%, đạt 86,78 USD/thùng[18].“Giá dầu sẽ tăng vọt khi các thị trường mở cửa trở lại vào ngày thứ Hai (tức 9/10). Sự gia tăng của phần bù rủi ro là mặc định, cho tới khi thị trường tin rằng sự kiện này không mở màn cho một phản ứng dây chuyền và nguồn cung dầu khí ở Trung Đông không bị ảnh hưởng”[19], CEO Vandana Hari của công ty nghiên cứu thị trường Vanda Insights nhận định với hãng tin CNBC việc giá dầu thô tăng vọt, nhưng có thể đây chỉ có một phản ứng tức thời và không kéo dài lâu. Vivek Dhar, Giám đốc phụ trách nghiên cứu mảng khai khoáng và năng lượng, chia sẻ. “Nếu không, như lịch sử đã chứng minh, những phản ứng tích cực của giá dầu thường diễn ra trong thời gian ngắn và dễ bị lấn át bởi các yếu tố khác trên thị trường”[20], đồng thời cho rằng xung đột này không tác động trực tiếp tới nguồn cung dầu. Cả Palestine lẫn Israel đều không phải là “tay chơi” lớn trên thị trường dầu. Israel có hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất gần 300.000 thùng/ngày. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), quốc gia này gần như không sản xuất dầu thô và các sản phẩm khí ngưng tụ. Tương tự, Palestine cũng không sản xuất dầu, dữ liệu từ EIA cho thấy.
Tuy vậy, điều đáng ngại là xung đột này diễn ra ở vùng Trung Đông – “vựa” dầu mỏ (chiếm 32 % sản lượng dầu thô thế giới) chính vì vậy dễ bị gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung. Nếu cuộc chiến chỉ trong phạm vi Palestine – Israel, thì tác động đến giá dầu và giá vàng không lớn và không kéo dài nhưng nếu cuộc chiến vượt tầm kiểm soát, lôi cuốn nhiều quốc gia Trung Đông tham dự, thì tác động đến thế giới và kinh tế thế giới rất lớn.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Israel và Palestines còn làm tăng nguy cơ chia rẽ địa chính trị khu vực Trung Đông. Trước lúc cuộc xung đột Israel – Palestines nổ ra, các quốc gia trong thế giới Arab đã cho thấy những quan điểm thiếu đồng nhất. Khi cuộc xung đột bùng phát chỉ khiến cho sự khác biệt, sự chia rẽ này thêm sâu sắc và bộc lộ rõ ràng hơn giữa thế giới Hồi giáo Ả Rập với người Do Thái giáo của Israel – vốn là một trong những xung đột tôn giáo lâu đời và phức tạp nhất trên thế giới. Ngay khi nhóm Hamas phát động cuộc tấn công ngày 7/10, ông Ghazi Hamad – đại diện phát ngôn Hamas đã nói rằng: “Tôi nghĩ điều đó thật đáng xấu hổ. Tôi yêu cầu tất cả các nước Ả Rập ngưng liên lạc và cắt đứt quan hệ với Israel, bởi vì đây không phải là một quốc gia tin vào việc chung sống hòa bình hay một láng giềng tốt đẹp”[21]. Ngay sau phát ngôn đó, Saudi Arabia đã dừng cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Israel đồng thời tuyên bố ủng hộ và bảo vệ quyền lợi xứng đáng cho người Palestines trước người Israel. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố vào 7/10: “Vương quốc Saudi Arabia đã cảnh báo nhiều lần về sự nguy hiểm của xung đột bùng nổ do chiếm đóng, tước đoạt các quyền hợp pháp của người Palestine cũng như việc lặp lại các hành động khiêu khích có hệ thống chống lại sự tôn nghiêm của họ”[22]. Có thể thấy rằng, sự kiện ngày 7/10 đã làm chia rẽ sâu sắc hơn nữa những luồng quan điểm khác nhau thậm chí mâu thuẫn khu vực Trung Đông. Khi những người ủng hộ Hamas cho rằng hành động của Hamas là động thái cần thiết, cần được bảo vệ và ủng hộ, đồng nghĩa với việc chỉ có Israel đáng phải chịu trách nhiệm cho sự “trỗi dậy” này của người Palestines. Hơn thế, họ còn ủng hộ và thực hiện quá trình đảo ngược xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel (điển hình là Saudi Arabia). Còn ngược lại, một số quóc gia cho rằng Hamas đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng và cần đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa mối quan hệ giữa các nước Arab – Israel (UAE, ..) để có thể chấm dứt vòng xung đột này.
Chính vì vậy, sự đụng độ giữa Hamas và Israel không chỉ gây ra những bất ổn cho tình hình khu vực mà còn gây ra sự chia rẽ tôn giáo sâu sắc. Đây có thể xem là tác động sâu sắc nhất và làm cho khu vực Trung Đông trở thành một trong những “điểm nóng” nhất của thế giới vì tính chất phức tạp của nó.
Phản ứng của các bên
Hầu hết các bên đều kêu gọi kiềm chế và dừng ngay việc nhắm vào dân thường tuy nhiên chúng ta có thể chia làm 3 nhóm rõ ràng:
Thứ nhất nhóm ủng hộ Israel: phe ủng hộ chủ yếu là các nước Phương Tây, nổi bật nhất là Mỹ. Mỹ lên án dứt khoát các cuộc tấn công của nhóm Hamas nhắm vào dân thường Israel và kiên quyết sát cánh với chính phủ Israel và người dân Israel. “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn với những người dân Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công. Không có bất kỳ lời biện minh nào cho chủ nghĩa khủng bố“[23], phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson nói. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Các quốc gia của chúng tôi sẽ hỗ trợ Israel trong nỗ lực bảo vệ chính mình và người dân trước những hành động tàn bạo như vậy”[24]. Phía Hungary cũng lên tiếng lên án các cuộc tấn công nhắm vào Israel và công nhận quyền tự vệ của Israel. Tổng thống Serbia chính thức lên án vụ tấn công vào Israel và kêu gọi ngừng xung đột, nêu rõ: “ Người Israel xứng đáng được sống trong hòa bình”. Chính quyền Đức cũng lên án hành động cực đoan Palestines ở Israel. Chủ tịch Quốc hội Georgia nói rằng: “Người dân Georgia ủng hộ người anh em Israel”, “Israel là một trong những đồng minh mạnh nhất và là người bạn lớn nhất của Georgia, và sự ủng hộ của chúng tôi dành cho người dân nước này khi họ phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng khiếp từ những kẻ khủng bố là không hề lay chuyển,”[25] và Bộ ngoại giao Ukraine lên án tấn công vào Israel ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Như vậy, có thể thấy rằng trước và sau cuộc xung đột thì Mỹ và các nước Phương Tây vẫn giữ nguyên quan điểm đứng về phía Israel và lên án gay gắt hành động mà họ cho là “khủng bố” của người Palestines.
Những nước có thái độ trung lập đều có chung động thái là kêu gọi xuống thang bao gồm đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại các nước Trung Đông và Châu Phi lên tiếng rằng: “Đây là sự tái diễn của cuộc xung đột kéo dài 75 năm, Moskva đang liên lạc với tất cả các bên bao gồm các nước Ả Rập, chúng tôi kêu gọi ngừng và hòa bình ngay lập tức”[26]. Thực chất đối với Nga, cuộc xung đột Israel – Hamas hiện nay phần nào làm giảm sự ủng hộ mà phương Tây dành cho Ukraine bởi vì họ có thêm mối bận tâm mới. Mỹ sẽ phải lựa chọn và tập trung giải quyết xung đột Palestine – Israel thay vì can thiệp vào việc riêng của Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine. Nếu vậy, đó sẽ là điều đáng lo ngại cho Ukraine khi cuộc phản công đang ở giai đoạn then chốt. Chính vì vậy, Nga cũng chỉ đứng trung gian và kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng, không nhắm vào dân thường. Tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin 14/10 đã tập trung hơn vào việc chỉ trích vào Mỹ và Phương Tây: “Mỹ đã bỏ qua các cơ chế giải quyết ở Trung Đông” mà không lên án bất kỳ bên nào. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các bên xung đột ở Israel hãy thể hiện sự kìm chế và không làm tình hình trở nên trầm trọng hơn cũng như đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas, vì Bộ Ngoại giao của ông lên án những cái chết của dân thường nhưng không đổ lỗi riêng cho bên nào. Bên cạnh đó, Trung Quốc kêu gọi bảo vệ dân thường và cho biết “cách thoát khỏi xung đột nằm ở việc thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp hơn, tăng cường đầu tư vào vấn đề Palestine, tạo điều kiện sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel và tìm cách mang lại hòa bình lâu dài”[27]. Trong một tuyên bố, Trung Quốc kêu gọi các cuộc hòa đàm giữa hai bên và tìm kiếm con đường hòa bình lâu dài, và Trung Quốc sẽ đứng cùng với cộng đồng quốc tế đóng góp vào tiến trình hỗ trợ hòa bình giữa hai bên. Nghĩa là, Trung Quốc không lên án bên nào, thay vào đó thúc đẩy tìm giải pháp để chấm dứt bạo lực.
Đối với nhóm các nước có quan điểm ủng hộ Hamas, Qatar cho biết “Chỉ có Israel phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực leo thang và kêu gọi cả hai bên nên kiềm chế”. Qatar là đồng minh và nhà cung cấp viện trợ tài chính quan trọng nhất của Hamas. Năm 2012, Sheik Hamad bin Khalifa al-Thani, Tiểu vương của Qatar, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm chính phủ của Hamas. Cho đến nay, tiểu vương quốc quân chủ này đã viện trợ 1,8 tỷ USD[28]. Như vậy cũng dễ hiểu cho phát ngôn chỉ trích Israel của Qatar. Vương Quốc Ả Rập Saudi kêu gọi ngừng ngay lập tức nhưng buộc Israel phải chịu trách nhiệm do nước này liên tục khiêu khích và tước đoạt quyền của người Palestines. Ai Cập cảnh báo rằng: “Nếu Israel tiến hành cuộc xâm lược vào lãnh thổ Gaza thì đội quân Hbola từ Ly Bang sẽ tham chiến giúp Hamas”[29]. Hãng Thông tấn Cộng hòa Hồi giáo chính thức của Iran dẫn lời Tổng thống Ebrahim Raisi nói: “Các bạn thực sự đã làm cho Ummah Hồi giáo hài lòng với hoạt động sáng tạo và chiến thắng này”[30]. Iran là nước ủng hộ chính của Hamas, từ lâu đã phản đối các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng trong khu vực. Trong nhiều năm qua, tên lửa của Hamas được cho là đến từ Iran. Fabian Hinz, một chuyên gia công nghệ tên lửa ở Trung Đông, nói với Đài Truyền hình Đức ZDF cho rằng các tổ chức khác nhau ở Dải Gaza đã mở rộng kho vũ khí đạn dược của họ và có hàng nghìn quả tên lửa. Điều này cũng được các cơ quan truyền thông Israel xác nhận. Ước tính Hamas có 5.000-6.000 quả tên lửa. Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Jihad) hợp tác với Hamas, cũng có khoảng 8.000 quả tên lửa. Có nhiều nghi vấn và cuộc điều tra của Mỹ nhằm vào Iran về việc viện trợ tên lửa trong thời gian xảy ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel. Như vậy, Iran không tỏ ra quan ngại về hành động của Hamas mà xem đó là tin chiến thắng và hài lòng với hành động này của Hamas.
Như vậy, có thể thấy rằng, xu hướng bình thường hóa quan hệ đối ngoại giữa Ả Rập Saudi nói riêng và của cả cộng đồng các nước Ả Rập Thống Nhất nói chung với Israel là nguyên nhân trực tiếp của xung đột Palestine-Israel. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở sự bế tắc lâu dài trong mối quan hệ phức tạp này. Tuy nhiên, cho dù có ở bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa hay hàng trăm, hàng nghìn cái “cớ” được biện minh, thì cũng chắc chắn một điều rằng: máu đã nhuốm không thể rửa sạch, người đã mất không thể sống lại, việc tàn sát người dân vô tội vạ chính là “tội ác” tàn khốc nhất mà cả hai bên đã gây ra. Một lần nữa vòng xung đột này nhắc nhở thế giới rằng vấn đề giữa Israel – Palestines vốn dĩ chưa bao giờ được giải quyết triệt để và cứ thế mâu thuẫn nối tiếp mâu thuẫn, thù hằn nối tiếp thù hằn. Quả thật rằng, giữa Israel và Palestine thực sự cần một tiếng nói chung, cần sự hòa giải cũng như cần sự giúp đỡ theo chiều hướng tích cực hơn nữa của cộng đồng quốc tế để “họ” có thể thoát khỏi “vòng hủy diệt tàn bạo” hay “vòng xung đột 7 thập kỷ” này càng sớm càng tốt./.
Tác giả: Nguyễn Thị Hải Yến
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược (NCCL), vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập NCCL qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] 2023, Nguyễn Quang Khải, Xung đột Hamas – Israel leo thang: Nguyên Đại sứ Nguyễn Quang Khai “hé lộ” nguồn cơn sự việc, VTC NOW, https://www.youtube.com/watch?v=tzBIwmRx0q8, truy cập ngày 13/10/2023
[2] (2023), Emma Bubola, Here is a timeline of the clashes between Palestinian militants and Israel, The Newyork Times, https://www.nytimes.com/2023/10/07/world/middleeast/israel-gaza-conflict-timeline.html, truy cập 13/10/2023
[3] 2020, Israel, Arab states sign Trump-brokered deals in White House ceremony, NEWS, https://www.nbcnews.com/news/world/israel-arab-states-set-sign-trump-brokered-deals-white-house-n1240105, truy cập 13/10/2023
[4] 2020, Arab normalisation with Israel in 500 words, ALIJAZEERA, https://www.aljazeera.com/news/2020/11/23/the-normalisation-of-ties-between-israel-and-arab-countries, truy cập 13/10/2023
[5] 2023, Saudi Crown Prince Says Getting ‘Closer’ to Israel Normalization -Fox Interview, U.S.News, https://www.usnews.com/news/world/articles/2023-09-20/saudi-crown-prince-says-getting-closer-to-israel-normalization-fox-interview, truy cập 13/10/2023
[6] 2023, The significance of why Hamas chose to attack Israel now, NEWS, https://www.nbcnews.com/news/significance-hamas-chose-attack-israel-now-rcna119351, truy cập 13/10/2023
[7] Shaul Arieli (2020), “West bank Settements”,https://israelpolicyforum.org/west-bank-settlements-explained, truy cập 13/10/2023
[8] Trần H. D. Minh (2019), “Các khu định cư của Israel xây tại Bờ Tây Palestine: Xem lại tính (bất) hợp pháp nhân việc Mỹ thay đổi quan điểm”, Luật pháp quốc tế, https://iuscogens-vie.org/2019/11/24/167-tinh-hop-phap-cua-cac-khu-dinh-cu-cua-israel-tai-bo-tay-palestine/ , truy cập 14/10/2023
[9] Trần H. D. Minh (2019), “Các khu định cư của Israel xây tại Bờ Tây Palestine: Xem lại tính (bất) hợp pháp nhân việc Mỹ thay đổi quan điểm”, Luật pháp quốc tế, https://iuscogens-vie.org/2019/11/24/167-tinh-hop-phap-cua-cac-khu-dinh-cu-cua-israel-tai-bo-tay-palestine/, truy cập 14/10/2023
[10] 2023, Why Hamas attacked – and why Israel was taken by surprise, Foreign Affair, https://www.foreignaffairs.com/middle-east/martin-indyk-why-hamas-attacked-and-why-israel-was-taken-surprise?fbclid=IwAR0PrJuKE2_p10rNedTfuWCn8xTr3Xe9_N26zBym4vv7v9tojsto95uIg-U, truy cập 14/10/2023
[11] 2023, Samia Nakhoul and Jonathan Saul, How Hamas duped Israel as it planned devastating attack, Reuters, https://www.reuters.com/world/middle-east/how-israel-was-duped-hamas-planned-devastating-assault-2023-10-08/?fbclid=IwAR3Pc4XGvAD-oGkMwyE8goYgvjAf1jvyXro-IpnwYIPr-KOL9CbzfJdRbL8, truy cập 14/10/2023.
[12] 2023, Trung Hiếu, Tình báo Israel bất ngờ trước đòn tấn công của Hamas, VOV, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tinh-bao-israel-bat-ngo-truoc-don-tan-cong-cua-hamas-post1051199.vov, truy cập 14/10/2023
[13] 2023, Emma Ogao, African leaders react as Israel declares war on Hamas, abc7News, https://abc7news.com/african-leaders-react-as-israel-declares-war-on-hamas-/13907662/, truy cập 14/10/2023
[14] 2023, Ruby Mellen, Júlia Ledur, Laris Karklis, Cate Brown, Israel ordered a ‘complete siege’ of Gaza. Here’s what that looks like, The Whashing Post, https://www.msn.com/en-us/news/world/israel-ordered-a-complete-siege-of-gaza-here-s-what-that-looks-like/ar-AA1i1LGn, truy cập 14/10/2023
[15] 2023, October 12, 2023 – Israel-Hamas war news, CNN, https://edition.cnn.com/middleeast/live-news/israel-news-hamas-war-10-12-23/index.html, truy cập 14/10/2023
[16] R.H (2023), على شعبناالصحة: 4473 شهيدا و15400 إصابة في عدوان الاحتلال المتواصل, https://www.wafa.ps/Pages/Details/82357
[17] 2023, October 12, 2023 – Israel-Hamas war news, CNN, https://edition.cnn.com/middleeast/live-news/israel-news-hamas-war-10-12-23/index.html, truy cập 14/10/2023
[18] 2023, Bình Minh, Giá dầu tăng vọt gần 5% vì xung đột Israel-Hamas, chuyên gia dự báo thế nào?, VnEconomy, https://vneconomy.vn/gia-dau-tang-vot-gan-5-vi-xung-dot-israel-hamas-chuyen-gia-du-bao-the, truy cập 15/10/2023
[19] Vũ Hạ, Giá dầu thế giới vọt 4% sau xung đột Israel-Hamas, https://vietstock.vn/2023/10/gia-dau-the-gioi-vot-4-sau-xung-dot-israel-hamas-34-1112552.htm, truy cập 15/10/2023
[20] Vũ Hạ, Giá dầu thế giới vọt 4% sau xung đột Israel-Hamas, https://vietstock.vn/2023/10/gia-dau-the-gioi-vot-4-sau-xung-dot-israel-hamas-34-1112552.htm, truy cập 15/10/2023
[21] 2023, Clement Tan, Middle East risks prospect of fresh regional war after Hamas stealth attack on Israel, CNBC, https://www.cnbc.com/2023/10/09/israel-hamas-attack-middle-east-risks-prospect-of-fresh-regional-war.html, truy cập 15/10/2023
[22] 2023, “We warned against provocations”- Saudi Arabia calls for end to Israel-Palestines crisis, The Cable. https://www.thecable.ng/we-warned-against-provocations-saudi-arabia-calls-for-end-to-israel-palestine, truy cập 15/10/2023
[23] 2023, White House clarifies Biden’s claim he saw photos of terrorists beheading children in Israel-Hamas war, NEWS, https://www.nbcnews.com/politics/white-house/biden-deliver-remarks-roundtable-jewish-community-leaders-rcna119865, truy cập 15/10/2023
[24] 2023, Dan Rosenzweig-Ziff, Here’s how world leaders are reacting to the Israel-Hamas war, The Washington Post, https://www.wa2023, shingtonpost.com/world/2023/10/10/israel-hamas-war-global-reaction/, truy cập 15/10/2023
[25] 2023,here is what Georgia is doing to support Israel, TheGeorgiasun, https://thegeorgiasun.com/2023/10/13/heres-what-georgia-is-doing-to-support-israel/, truy cập 15/10/2023
[26] 2023, Dan Rosenzweig-Ziff, Here’s how world leaders are reacting to the Israel-Hamas war, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2023/10/10/israel-hamas-war-global-reaction/, truy cập 15/10/2023
[27] 2023, Bích Thuận, Phản ứng của Trung Quốc về xung đột Israel – Hamas,https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cua-trung-quoc-ve-xung-dot-israel-hamas-post1051321.vov, VOV, truy cập 15/10/2023.
[28] 2021, Thu Thủy, Ai là những người ủng hộ phía sau Hamas, Viettimes, https://viettimes.vn/ai-la-nhung-nguoi-ung-ho-phia-sau-hamas-post145911.html#&gid=1&pid=4, truy cập 15/10/2023
[29] 2023, World Reacts to Hamas Attack on Israel, US.News, Reuters, https://www.usnews.com/news/world/articles/2023-10-07/factbox-world-reacts-to-surprise-attack-by-hamas-on-israel, truy cập 15/10/2023
[30] 2023, Dan Rosenzweig-Ziff, Here’s how world leaders are reacting to the Israel-Hamas war, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2023/10/10/israel-hamas-war-global-reaction/, truy cập 15/10/2023