Ngày 16/09/2021, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh vai trò rất quan trọng cả về phương diện địa kinh tế lẫn địa chính trị của khu vực đối với khối này. EU tuyên bố tăng cường sự can dự tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm duy trì một khu vực tự do và rộng mở cho tất cả quốc gia, đồng thời xây dựng các quan hệ đối tác mạnh mẽ và lâu dài. Thông điệp cơ bản đó là EU sẽ thắt chặt quan hệ với các đối tác để ứng phó với các thách thức đang nổi lên có ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. EU sẽ thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một sân chơi bình đẳng, một môi trường mở và công bằng cho thương mại và đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường kết nối với EU. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU xác định 7 lĩnh vực hành động ưu tiên, gồm: Thịnh vượng bền vững và bao trùm, chuyển đổi xanh, quản trị đại dương, quan hệ đối tác và quản trị số, kết nối, an ninh, quốc phòng, an ninh con người. Riêng về an ninh và quốc phòng, EU sẽ thúc đẩy một cấu trúc an ninh khu vực mở, dựa trên luật lệ, trong đó có việc xây dựng năng lực và tăng cường triển khai lực lượng hải quân của các nước EU đến khu vực.
Sau hơn một năm rưỡi công bố, điều đáng ngạc nhiên là chiến lược này lại không được phân tích và triển khai quyết liệt trong thời gian qua như một trong những nền tảng mới, cốt lõi trong chính sách đối ngoại của EU trong khu vực và vạch ra các ưu tiên, mục tiêu sẽ được triển khai trong tương lai. Đơn cử trường hợp của Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ được chỉ định là một đối tác quan trọng trong chiến lược của EU, nhưng hiện không ghi nhận các đánh giá rõ ràng nào được đưa ra giữa các đại diện của EU và Ấn Độ. Dấu hiệu duy nhất của chiến lược này là một lời nhận xét khiêm tốn của Thủ tướng Italia tại Đối thoại Raisina 2023 (ngày 02/03/2023). Bất ngờ hơn, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell cũng không đề cập bất kỳ nội dung nào liên quan đến chiến lược này tại Hội nghị Kinh doanh và Bền vững Ấn Độ-Châu Âu, vốn sẽ là một nền tảng phù hợp để thảo luận về các kế hoạch triển khai chiến lược này trong tương lai. Sự vắng mặt dễ thấy của bất kỳ cuộc đối thoại nào về chủ đề này có thể cho thấy sự thiếu quyết tâm hoặc tầm nhìn xa trong việc triển khai tuân theo kế hoạch chiến lược của EU.
Sau khi phân tích cẩn thận, có vẻ như sự thờ ơ bất ngờ quan sát được có thể xuất phát từ ba yếu tố riêng biệt, có thể góp phần riêng rẽ hoặc phối hợp với nhau về thực rạng trên, cụ thể bao gồm:
- Rõ ràng là không có tiến bộ đáng kể nào trong triển Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU trong một năm rưỡi qua;
- Cuộc xung đột ở Ukraine buộc EU phải sắp xếp lại các ưu tiên chiến lược, trong đó tập trung vào củng cố Liên minh xuyên Đại Tây Dương;
- Trọng tâm chính của chiến lược đã chuyển từ Ấn Độ, Nhật Bản và khu vực xung quanh sang Trung Quốc và Mỹ với tư cách là những bên tham gia toàn cầu chủ chốt, điều này có thể làm suy yếu các mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn của EU trong khu vực.
Để hiểu được mức độ và việc thiếu khả năng thực hiện, điều quan trọng cần lưu ý là Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đòi hỏi một sự lãnh đạo đa phương mới của châu Âu theo lộ trình “chủ quyền chiến lược” đầy tham vọng, nhằm mục đích “duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong mọi thời điểm”, xây dựng “quan hệ đối tác mạnh mẽ và lâu dài”, tăng cường cam kết để ứng phó với các động lực mới nổi đang “ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực.”
Trong Chiến lược, EU đã nhấn mạnh về việc “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu chiếm hơn 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, và hơn 60% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”. Trên thực tế, trao đổi thương mại giữa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu cao hơn so với bất kỳ khu vực địa lý nào khác trên thế giới: EU chính thức gọi cả hai là “đối tác tự nhiên”. Trên thực tế, tương lai của EU và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “gắn bó chặt chẽ với nhau do sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế và những thách thức toàn cầu chung”.
Chiến lược bắt đầu bằng một tuyên bố quan trọng liên quan đến trọng tâm của thế giới mới: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng có ý nghĩa chiến lược đối với châu Âu”. Bằng cách sử dụng cụm từ “ngày càng có ý nghĩa chiến lược”, EU đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải đương đầu với ảnh hưởng ngày càng tăng của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, mặc dù đã đến tương đối muộn so với các cường quốc khác.
Trên thực tế, EU cũng áp dụng chiến lược này như một phương tiện giao tiếp với các siêu cường toàn cầu, thể hiện sự hiểu biết toàn diện về khái niệm ‘Pax Chimerica’ của Heydarian trong khu vực, nơi Trung Quốc thống trị nền kinh tế và Mỹ thống trị an ninh, giống như AUKUS – một liên minh an ninh ba bên giữa Mỹ, Australia và Vương quốc Anh được công bố một ngày trước khi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU là một bằng chứng.
Vì không có gì là ngẫu nhiên trong các vấn đề chính trị, cả Chiến lược “Cổng toàn cầu” (một dự án của EU được coi là giải pháp thay thế cho Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, cùng Sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) và Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) của Mỹ, cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu) và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã cùng nhau thúc đẩy trong một lập trường có vẻ như vững chắc của EU đối với Trung Quốc và Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của Mỹ đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể của Tổng thống Obama khi đó đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào năm 2011. Châu Âu phải mất thêm một thập kỷ nữa để phát triển “Cổng Toàn cầu”, sau khi Trung Quốc khởi động BRI. Trước cuộc chiến ở Ukraine, EU đã mất nhiều thời gian để đi đến một thỏa thuận về các kế hoạch địa chính trị của liên minh này. Tuy nhiên, cuộc xung đột đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh địa chính trị, khiến 27 quốc gia châu Âu phải có hành động quyết đoán hơn.
Trong khi ‘Xoay trục’ nhằm mục đích tăng cường can dự vào khu vực châu Á, như một phương tiện để duy trì ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc (Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ được cập nhật vào tháng 02/2022, củng cố quan điểm này), mục tiêu của EU là mở rộng sự tham gia của mình vào các tuyến thương mại toàn cầu quan trọng, trung tâm sản xuất toàn cầu và trung tâm ra quyết định địa chính trị, điều này sẽ vẫn như vậy trong nhiều năm tới.
Hơn nữa, chiến lược chỉ ra quan điểm của châu Âu về Trung Quốc là bá chủ khu vực để can dự thông qua cách tiếp cận nhiều mặt, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ, đồng thời thừa nhận những lo ngại nhất định. Nhân quyền được nhắc đến mười hai lần, nói lên “những bất đồng cơ bản”. Chiến lược này cũng nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, nói rằng “đã có một hoạt động xây dựng quân sự đáng kể, bao gồm cả của Trung Quốc, có thể có tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của châu Âu”. EU không tách rời khỏi cam kết của mình đối với chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng bằng cách nào đó, liên minh này nghiêng về lý thuyết ‘Berlin của Châu Á’ của Kaplan trong trường hợp “nền độc lập trên thực tế của Đài Loan [có thể] bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng.” Mặt khác, lập trường của EU về ‘thống nhất’ Đài Loan có thể bị xem xét lại do những diễn biến xung quanh cuộc chiến tranh ở Ukraine, với việc một số nhà lãnh đạo EU ngày càng đưa ra một số tiếng nói khác biệt về vấn đề này.
Liên quan đến các cường quốc khác trong khu vực, EU nhấn mạnh hơn nữa quan hệ đối tác với đồng minh có cùng chí hướng là Nhật Bản (vào tháng 07/2018, cả hai đã ký Hiệp định Đối tác Chiến lược EU-Nhật Bản) và Ấn Độ (vào tháng 02/2023, họ đã thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ song phương), vốn ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. sự chú ý ở EU như một phương tiện để chống lại sức mạnh của Trung Quốc.
Cuối cùng, EU thiết kế bảy lĩnh vực ưu tiên, xây dựng “chuỗi giá trị linh hoạt hơn” và đa dạng hóa. Với chất bán dẫn, liên minh này “sẽ phối hợp cùng với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.” Ngoài ra, “hoàn thành đàm phán thương mại của EU với Australia, Indonesia và New Zealand… bắt đầu đàm phán đầu tư với Ấn Độ… đánh giá khả năng nối lại đàm phán thương mại với Malaysia, Philippines và Thái Lan, và đàm phán cuối cùng về một hiệp định thương mại giữa các khu vực với ASEAN”, hoặc theo đuổi “tiến hành nhiều cuộc tập trận chung và ghé thăm cảng với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương […] để đảm bảo an ninh hàng hải”.
Mười tám tháng sau khi được thông qua, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU thiếu một kế hoạch thực hiện hiệu quả. Ngược lại, nó đã có hai Đặc phái viên EU khác nhau. Cuộc họp chính thức có liên quan gần đây nhất là Diễn đàn cấp Bộ trưởng về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được tổ chức vào ngày 22 tháng 2 năm 2022 dưới sự chủ trì của Pháp Chủ tịch EU. Theo đó, Pháp là quốc gia thành viên EU tham gia tích cực nhất vào quá trình phát triển của khu vực, với chiến lược quyết đoán hơn. Điều này một phần là do hai triệu công dân EU cư trú khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chủ yếu trên các lãnh thổ của Pháp.
Có ba câu hỏi chưa được giải quyết: Bằng cách nào EU có thể thiết lập một vai trò hiệu quả và có cấu trúc tốt hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương? EU đã thực hiện những hành động gì để tham gia với các quốc gia và sáng kiến khác nhau được đề cập trong chiến lược? Và liệu EU có thể thực sự thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ và có ảnh hưởng trong khu vực thời gian tới không?
Bất kể trong tình huống nào, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU thể hiện một cột mốc quan trọng ở hai khía cạnh: Thứ nhất, nó thể hiện một cấp độ mới về chủ quyền chiến lược, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tránh bị cô lập; Thứ hai, nó nhằm mục đích tham gia với trung tâm thương mại của thế giới thông qua cách tiếp cận dựa trên đàm phán, đồng thời tăng cường quan hệ với các đồng minh quan trọng.
Tóm lại, cánh cửa cơ hội để hành động vẫn chưa đóng lại: EU cần đánh giá lại chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình và đặt ra các mục tiêu mới có tính đến các động lực đang phát triển trong khu vực, chẳng hạn như việc Mỹ củng cố các liên minh ở châu Á, sự phát triển của Ấn Độ, và những căng thẳng đang diễn ra trong khu vực do Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy.
Biên dịch và tổng hợp: Đức Minh