Tổng thống Philippines Marcos Jr. nhậm chức trong thời điểm quốc gia này đang phải đối mặt với những thách thức an ninh cũ và mới đan xen. Điều đó đòi hỏi Chính phủ Manila phải đưa ra chính sách quốc phòng mới, không chỉ tiếp tục kế thừa chính sách từ cựu Tổng thống Rodrigo Duterte mà có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại. Chính sách quốc phòng của Philippines được coi là giải pháp trước mắt để giải quyết các thách thức đối với quốc gia. Nhưng nó cũng tạo ra những xáo trộn không nhỏ cho an ninh, hoà bình, ổn định khu vực Đông Nam Á và đặt ra nhiều vấn đề đối với Việt Nam trong chính sách đối ngoại thời gian tới.
Những thách thức an ninh đối với Philippines trong bối cảnh hiện nay
Chính sách An ninh Quốc gia (NSP 2023 – 2028) được Tổng thống Marcos Jr. thông qua vào trung tuần tháng 8/2023 đã chỉ rõ: “Philippines đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức an ninh ở cả cấp quốc gia lẫn quốc tế.”
Một là, nguy cơ xuất hiện xu hướng giải quyết các mâu thuẫn quốc tế bằng chiến tranh. Vào ngày 24/02/2022, Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Mặc dù chiến sự xảy ra tại vùng Đông Âu, nhưng cuộc chiến này báo hiệu cho xu hướng giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế bằng vũ lực và chiến tranh. Luật pháp quốc tế, hay các lệnh trừng phạt của các quốc gia, tổ chức quốc tế không còn đủ sức răn đe và ngăn chặn một cuộc chiến tranh nổ ra.
Hai là, trật tự thế giới có nguy cơ mất ổn định. Sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi, cùng tham gia hệ thống trật tự thế giới đa cực khiến cho trật tự thế giới ngày càng phân cực. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc góp phần khiến cho cán cân quyền lực địa chính trị mất ổn định. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt giữa các quốc gia đang có dấu hiệu quay trở lại, bất chấp các điều khoản, luật pháp quốc tế và lệnh trừng phạt[1].
Ba là, vấn đề trên vùng biển Tây Philippines (Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam). Hiện nay, khu vực Biển Đông đang có sự hiện diện và cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực, tiêu biểu là Trung Quốc và Mỹ. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc có nhiều động thái xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền an ninh biển đảo của Philippines như tổ chức tập trận trên khu vực biển Đông từ ngày 29/7 đến ngày 02/8/2023 hay mới đây nhất vào ngày 05/8/2023, tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố phun vòi rồng vào tàu Philippines[2]. Ngoài ra, các cường quốc khác như Mỹ, Nga, Úc,… cử các tàu chiến hải quân đến khu vực nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây. Sự xuất hiện của các lực lượng quân sự tại Biển Đông cho thấy mức độ căng thẳng ngày càng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, Manila lo ngại mối nguy an ninh từ cuộc xung đột quân sự từ “vấn đề Đài Loan”. Trong trường hợp xảy ra xung đột, nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực xung quanh và làn sóng tị nạn tràn xuống Đông Nam Á, gây ra tình hình bất ổn nhiều mặt cho khu vực này.
Bốn là, mối lo ngại từ sự phát triển của công nghệ cao và an ninh mạng. Sự phát triển của công nghệ đã đạt đến bước phát triển nhảy vọt trong khoảng 20 năm trở lại và tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế của đời sống con người. Song song với đó, công nghệ phát triển trong lĩnh vực quân sự quốc phòng đã thay đổi bộ mặt chiến tranh sang sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao, tinh vi, phức tạp như UAV (máy bay không người lái), vệ tinh do thám, … điều này đã được chứng thực trong cuộc chiến Nga – Ukraine và cuộc chạy đua phát triển vũ khí giữa các quốc gia trong khu vực: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Triều Tiên, … Mạng internet cũng là môi trường tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh. Hiện nay, mỗi quốc gia đều phải đương đầu với nạn tin giả với những thông tin sai lệnh, nhằm chia rẽ và gây thù hằn. Những tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng IS, .. hay tổ chức đối lập vẫn đang lợi dụng kẽ hở này nhằm tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố, tư tưởng cực đoan, trục lợi, gây chia rẽ và kích động xung đột sắc tộc, tôn giáo và chính trị.
Tóm lại, đây là những thách thức an ninh, quốc phòng mà chính quyền đương nhiệm của Manila phải đối mặt trong thời điểm hiện tại. Và việc công bố Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023 – 2028 như thể hiện quan điểm, chính sách của chính quyền Tổng thống Marcos Jr. về quốc phòng an ninh quốc gia.
Những điều chỉnh đáng chú ý trong chính sách quốc phòng của Marcos Jr
Tăng cường tiềm lực quốc phòng
Trong tài liệu dài 48 trang, NSP đã xác định ưu tiên đặt những chương trình, vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh quân sự, hàng hải, hàng không, đường bộ, vũ trụ và biên giới. Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến thách thức an ninh quốc phòng mà Philippines phải đối mặt. Điểm điều chỉnh đáng chú ý trong chính sách quốc phòng của Manila là xây dựng, phát triển tiềm lực quân sự cùng tăng cường hợp tác chiến lược song phương và đa phương trong quốc phòng.
NSP đề cập đến cụm từ “hiện đại” nhiều lần trong tài liệu. Đây được coi là một trong những mục tiêu mà chính phủ Manila hướng đến trong chiến lược phát triển tiềm lực quốc phòng. Giống như chính sách dưới thời Tổng thống Duterte, chương trình hiện đại hoá quân đội tiếp tục thông qua với việc Philippines thực hiện các khoản đầu tư, mua sắm trang thiết bị quân sự tân tiến, công nghệ cao. Đồng thời, họ cho phép sự tham gia của tư nhân vào trong lĩnh vực quốc phòng thông qua việc khôi phục lại Chương trình Self Reliant Defense Posture (gọi tắt là chương trình SRDP) nhằm tăng cường khả năng tự chủ công nghệ chế tạo và sản xuất, tiến đến khả năng tự sản xuất, cung ứng và phát triển các sản phẩm quân sự nội địa; ngoài ra, còn có lĩnh vực hàng không vũ trụ được phát triển thông qua sự hợp tác chung giữa chính phủ và tư nhân.
Chính quyền còn có kế hoạch về sự hợp tác, liên kết giữa lĩnh vực quân sự và phi quân sự trong các ngành liên quan với nhau trong việc giải quyết các mối nguy nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Philippines. Các hệ thống hàng hải, hàng không, vũ trụ và hoạt động an ninh được đổi mới và hiện đại hóa thông qua việc sử dụng các ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ và tích hợp AI[3]. Việc này đòi hỏi chính phủ cần tăng cường nhận thức và có nhiều kế hoạch khác nhau như mua lại các radar và vệ tinh tìm kiếm trên không; khuyến khích các nhà khoa học ở lại Philippines. Đồng thời, Manila cần tăng cường hợp tác quốc phòng cùng các thỏa thuận an ninh với nhiều quốc gia khác để sử dụng hiệu quả khả năng răn đe tập thể chống lại mối nguy tiềm ẩn đối với không gian chủ quyền của Nhà nước, phát triển phòng thủ không gian và thúc đẩy phát triển công nghệ có lợi cho tất cả người dân Philippines.
Ngoại giao quốc phòng của Philippines
“Tăng cường quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế là điều quan trọng cho sự sống còn của đất nước[4]”. Chính sách NSP đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với các đồng minh để nâng cao năng lực đối phó với các mối đe dọa bên ngoài, liên quan mật thiết đến nền an ninh quốc gia.
Trong quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, Philippines trong thời gian tới sẽ thúc đẩy Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước được ký ngày 30/8/1951, cùng với các cơ chế hợp tác hiện có khác với đồng minh trong khu vực nhằm tăng cường được năng lực phòng thủ đáng tin cậy như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, … Điều đáng chú ý, trong tuyên bố chung hồi đầu tháng 2/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Philippines sẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự của nước này, đồng thời sẽ thúc đẩy việc xây dựng và đưa vào sử dụng 5 căn cứ quân sự đã được xác định trong thỏa thuận hợp tác quốc phòng hiện có giữa hai bên[5]. Chưa dừng lại ở đó, Manila và quân đội Mỹ cũng đang đàm phán việc xây dựng một cảng dân sự ở các hòn đảo cực bắc Philippines, nơi chỉ cách Đài Loan chừng 200km[6]. Đây là những động thái nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng Mỹ – Philippines nhưng lại đẩy cao căng thẳng với Trung Quốc.
Cùng với đó, các hợp tác trong huấn luyện, mua sắm vũ khí cũng được Manila và Washington thúc đẩy. Theo lộ trình hợp tác trong 5-10 năm tới được hai bên thống nhất, Mỹ sẽ cung cấp các trang bị, vũ khí cần thiết giúp Philippines tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm: radar, máy bay không người lái, máy bay vận tải và các hệ thống phòng không[7].
Đối với các hoạt động tương tác trên thực địa, Manila thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với các đối tác, như cuộc tập trận Balikatan 2023 với Mỹ vào ngày 11/4/2023 và cuộc tập trận hàng hải ở Biển Đông giữa nước Mỹ – Nhật Bản – Philippines vào ngày 01/6 cùng năm; hay sắp tới, họ cũng tiến hành tập trận quân sự đầu tiên với Australia trong Tập trận Alon. Ngoài ra, Philippines cũng tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển Đông với Mỹ và Australia. Mới đây, theo hãng tin Reuters, vào ngày 04/9/2023, các tàu hải quân Philippines và Mỹ đã tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông[8]. Vào ngày 22/02, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez ở Manila. Cả hai bên đã đề cập khả năng xem xét tuần tra chung và hy vọng sẽ sớm đạt kết quả. “Là những quốc gia cam kết về trật tự toàn cầu dựa trên pháp luật, tự nhiên chúng tôi phải nghĩ về những cách có thể hợp tác về điều đó.”[9]
Động thái thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận và tuần tra chung cùng các quốc gia đồng minh không chỉ thể hiện vị thế quân sự, nâng cao năng lực tác chiến, hợp tác quốc phòng của Philippines trên khu vực biển Tây Philippines mà còn là hành động đáp trả, răn đe đối với Trung Quốc về những hành động quân sự phi pháp và xâm phạm đến chủ quyền biển đảo trên khu vực.
Chính quyền Tổng thống Marcos Jr đang nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thông qua xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện, và tăng cường hợp tác thực tế, cam kết đa phương để giải quyết các thách thức an ninh chung trong khu vực. Với tư cách là một trong những thành viên sáng lập của tổ chức ASEAN, Philippines thể hiện tốt vai trò của mình trong các cuộc hội đàm đối thoại giữa những nước thành viên trong vấn đề quốc phòng, hợp tác an ninh xuyên quốc gia và tuần tra chung. Vào trong ngày 21/4, Indonesia thông báo rằng nước này sẽ tổ chức cuộc gặp với Philippines và Malaysia để thảo luận về khả năng phối hợp tuần tra trên biển sau các cuộc tấn công gần đây của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong khu vực[10]. Trong năm 2023, các quốc gia ASEAN đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại và hội đàm về vấn đề quốc phòng – an ninh, như Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 20 (ACDFM-20) vào ngày 07/6, tại Bali; Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) ngày 03/8 tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Đáng chú ý hơn, ngày 20-21/4, ASEAN đã thông qua 3 văn kiện hợp tác quốc phòng[11] mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên ASEAN. Các văn kiện bao gồm: Thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN nhằm chống đại dịch xuyên biên giới; tăng cường cơ chế hỗ trợ nữ quân nhân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN và thiết lập hợp tác giữa các viện giáo dục quốc phòng. Cuộc họp cũng thông qua dự thảo Tuyên bố chung Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN[12].
Tác động tới khu vực Đông Nam Á
Với tư cách là một trong những nước thành viên sáng lập ASEAN, chính sách quốc phòng mới của chính quyền Manila có sự tác động và ảnh ưởng đến khu vực Đông Nam Á. Trước tiên, chính sách của quốc gia này phần nào thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ khu vực Đông Nam Á – ASEAN. Như đã nêu ở trên, trong nửa đầu năm 2023, nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại và thảo luận giữa các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan quốc phòng – an ninh được tổ chức và diễn ra trở lại sau thời gian diễn ra đại dịch. Những nước trong tổ chức có chung đường bờ biển rộng lớn như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Campuchia, … đều có cùng lợi ích từ vùng biển rộng lớn của khu vực. Chính sách của Philippines gián tiếp thúc đẩy ASEAN cùng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, mà hàng đầu là an ninh hàng hải[13]. Đây có thể coi là một điểm tích cực trong chính sách quốc phòng dưới thời Tổng thống Philippines Marcos Jr.
Tiếp theo, không chỉ trong hợp tác quốc phòng, mà chính sách kêu gọi các nước liên quan tiếp tục nhấn mạnh cam kết trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời tăng cường xây dựng lòng tin, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế. Điều này phù hợp với nguyên tắc hoạt động của tổ chức ASEAN và xu hướng hòa bình, hợp tác, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.
Dẫu vậy, chính sách quốc phòng mới của Philippines đã tác động đến khu vực Đông Nam Á theo một hướng không tích cực và tạo ra nhiều thách thức thực tế hơn là giải pháp giải quyết vấn đề.
Một là, tăng cường sự hiện diện và can thiệp của Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực. Quan hệ Mỹ – Philippines được nối lại nhanh chóng trong thời gian gần đây cùng với chính sách quốc phòng mới của nước này đã cho phép sự hiện diện ngày càng nhiều của Washington trong khu vực. Với việc tiếp cận Biển Đông qua quốc gia này, Mỹ và các đồng minh chiến lược hình thành thế gọng kìm để ngăn chặn, răn đe Trung Quốc bành trường trên khu vực. Tuy nhiên, theo vài nhận định, “đây cũng có thể con dao hai lưỡi kích thích Trung Quốc”[14]. Việc Philippines cho phép các cường quốc bên ngoài vào vùng biển chung của khu vực làm tăng nguy cơ căng thẳng trong quan hệ với những quốc gia gần kề và cả trên thế giới. Điều này đi ngược lại với những mong muốn ban đầu của việc thành lập tổ chức ASEAN là hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc ngoài khu vực trong Đông Nam Á, nó báo hiệu nguy cơ gây chia rẽ nội bộ trong khối tổ chức và khu vực.
Hai là, nguy cơ chia rẽ nội bộ trong khối tổ chức ASEAN. Mặc dù chính sách quốc phòng của Philippines chưa gây ra những mâu thuẫn trong nội bộ, nhưng đây là điều cần phải cân nhắc. Những quốc gia có chung đường bờ biển trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Indonesia,… đều chịu ảnh hưởng từ những yêu cầu vô lí về chủ quyển biển đảo cũng như các hành động quân sự, dân sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Nhưng thái độ và phản ứng trước những động thái này của mỗi quốc gia đều không giống nhau. Đây là mối nguy cơ tiềm ẩn mà các cường quốc bên ngoài có thể lợi dụng can thiệp, làm suy giảm ảnh hưởng và vị thế, vai trò của các nước thành viên ASEAN trong nhiều quyết định mang tính thống nhất chung. Vì thế, trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 (05/9/2023) ở Jakarta, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng ASEAN phải cảnh giác trước những hành động gây chia rẽ của các nước lớn và không ngừng đề cao quan điểm về vai trò trung tâm của mình, “Chúng ta không thể cho phép tất cả những gì đạt được bị phá hủy bởi sự cạnh tranh không kiềm chế của các cường quốc”[15].
Ba là, nguy cơ kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Chính sách quốc phòng mới nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác với các đối tác khác để nâng cao sức mạnh phòng thủ của mình, thúc đẩy mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự. Các đối tác khác của Philippines đều tăng cường ngân sách quốc phòng như Mỹ, quốc gia đứng đầu về ngân sách quốc phòng với 817 tỷ trong năm 2023. Nhật Bản tuyên bố dành 320 tỷ USD để tăng cường tiềm lực quốc phòng đến năm 2027. Australia đã chi 15 tỷ USD để mua tàu ngầm của Mỹ theo thỏa thuận AUKUS vào tháng 3/2023. Hay Trung Quốc cũng đang tích cực gia tăng chi tiêu quân sự của mình. thêm 7,2% lên khoảng 224 tỷ USD, là quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất tại châu Á[16]. Trong xu thế chung các quốc gia đều tăng chi tiêu quốc phòng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang lớn trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và điều này gây áp lực lên những quốc gia khác ở ASEAN, vốn có tiềm lực hạn chế hơn, như Việt Nam. Malaysia, Indonesia,…
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Vào ngày 02/8/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo nhân dịp thăm chính thức Việt Nam đã đưa ra tuyên bố rằng: “Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong ASEAN và hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng cũng như lợi ích chiến lược”. Hiện tại, quan hệ giữa Việt Nam và Philippines đang là mối quan hệ đối tác chiến lược song phương. Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đẩy mạnh chính sách đối ngoại độc lập theo hướng đa dạng hóa các quan hệ song phương và đa phương, quan hệ Philippines – Việt Nam trong hơn một năm qua có những bước tiến đáng kể và còn nhiều dư địa phát triển.[17]
Mối quan hệ hợp tác quốc phòng hai bên tiếp tục được duy trì và phát triển trong tương lai gần. Các bên đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trao đổi, thảo luận và đạt được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải, hợp tác thương mại, giao lưu văn hoá[18].
Mặt khác, chính sách quốc phòng mới của Philippines đặt Việt Nam trong mối quan hệ mới giữa hai cường quốc lớn Trung Quốc và Mỹ. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam được coi là đã cân bằng được mối quan hệ chiến lược giữa hai nước lớn này, nhưng sự thay đổi trong chính sách quốc phòng đã tạo sự xáo trộn không chỉ với Việt Nam mà còn cả khu vực. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có những đường lối chính sách ngoại giao linh hoạt. Về vấn đề biển Đông, đây là một thách thức không nhỏ khi các hoạt động quân sự chung của Mỹ, Philippines và các nước đồng minh khác trên khu vực tạo ra áp lực lớn về an ninh chủ quyền, biển đảo trên vùng biển quốc gia. Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh cam kết trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời tăng cường xây dựng lòng tin, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.
Kết luận
Những điều chỉnh mới trong chính sách quốc phòng của Philippines dưới thời Tổng thống đương nhiệm Marcos Jr được coi là giải pháp nhằm chống lại những thách thức lớn mà Manila đang phải đối mặt trong thời gian gần đây. Nền tảng quân sự của quốc gia này đang được củng cố, tiếp tục phát triển theo hướng “hiện đại” và “tự lực”. Và trong quan hệ song phương, đa phương về mặt quốc phòng, Philippines với Mỹ cùng các nước đồng minh khác ngày càng tăng cường hợp tác trong khu vực, nhằm chống lại thách thức chung mang tên “Trung Quốc”. Tuy nhiên, chính sách quốc phòng đã gây ra những xáo trộn lớn đến an ninh, hoà bình của khu vực, tạo ra thách thức mới trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh này, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực sẽ phải chuẩn bị trước những hành động, phương án nhằm thích ứng với môi trường an ninh đang thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau./.
Tác giả: Việt Hoàng
Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] The National Security Council (NSC) Republic of the Philippines, The National Security Policy 2023-2028, https://nsc.gov.ph/images/NSS_NSP/National_Security_Policy_Manual_FINAL_E-COPY_with_WATERMARK_140823.pdf
[2] Khánh An (2023), Tàu hải cảnh Trung Quốc bị tố phun vòi rồng vào tàu Philippines, Thanh niên, https://thanhnien.vn/tau-hai-canh-trung-quoc-bi-to-phun-voi-rong-vao-tau-philippines-18523080616214799.htm
[3] The National Security Council (NSC) Republic of the Philippines, The National Security Policy 2023-2028, https://nsc.gov.ph/images/NSS_NSP/National_Security_Policy_Manual_FINAL_E-COPY_with_WATERMARK_140823.pdf
[4] The National Security Council (NSC) Republic of the Philippines, The National Security Policy 2023-2028, https://nsc.gov.ph/images/NSS_NSP/National_Security_Policy_Manual_FINAL_E-COPY_with_WATERMARK_140823.pdf
[5] Ngọc Lan (2023), “Mỹ triển khai thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines”, Báo Công an nhân dân, https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/my-trien-khai-them-4-can-cu-quan-su-tai-philippines-i685622/
[6] Karen Lema, Poppy Mcpherson (2023), “U.S military in talks to develop port in Philippines facing Taiwan”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us-military-talks-develop-port-philippines-facing-taiwan-2023-08-30/
[7] Idrees Ali, David Brunnstrom (2023), “US, Philippines agree to complete road map for security assistance”, Reuters, https://www.reuters.com/world/us-philippines-agree-complete-security-assistance-road-map-5-10-years-2023-04-11/
[8] Thảo Vy (2023), Philippines và Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông, Pháp luật, https://plo.vn/philippines-va-my-tuan-tra-chung-o-bien-dong-post749926.html
[9] Khánh An (2023), Philippines muốn tăng cường tuần tra Biển Đông, Thanh niên, https://thanhnien.vn/philippines-muon-tang-cuong-tuan-tra-bien-dong-185230223003003838.htm
[10] Tổng hợp, 3 nước ASEAN phối hợp tuần tra trên biển (2023), Cổng thông tin ASEAN Việt Nam, http://trucotanct.asean.vietnam.vn/Default.aspx?Page=NewsDetail&NewsId=100127
[11] ASEAN thông qua 3 văn kiện hợp tác quốc phòng (2023), Báo điện tử Chính phủ,, https://baochinhphu.vn/asean-thong-qua-3-van-kien-hop-tac-quoc-phong-102220422152409692.htm
[12] ASEAN thông qua 3 văn kiện hợp tác quốc phòng(2023), Báo điện tử Chính phủ,, https://baochinhphu.vn/asean-thong-qua-3-van-kien-hop-tac-quoc-phong-102220422152409692.htm
[13] Phạm Hà,Võ Giang (2023), Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN mở rộng , VOV – Jakarta, https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-thuc-day-hop-tac-quoc-phong-trong-khuon-kho-asean-va-asean-mo-rong-post1036957.vov
[14] Thi Thi (2023), Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023-2028 của Philippines và một số tác động tới khu vực, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/chinh-sach-an-ninh-quoc-gia-giai-doan-2023-2028-cua-philippines-va-mot-so-tac-dong-toi-khu-vuc/#_edn11
[15] Thủ tướng Malaysia: ASEAN nên cẩn trọng các nước lớn kích động đấu đá nội bộ (2023), Sputniknews Việt Nam, https://sputniknews.vn/20230905/thu-tuong-malaysia-asean-nen-can-trong-cac-nuoc-lon-kich-dong-dau-da-noi-bo-25066891.html
[16] Thi Thi (2023), Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023-2028 của Philippines và một số tác động tới khu vực, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/chinh-sach-an-ninh-quoc-gia-giai-doan-2023-2028-cua-philippines-va-mot-so-tac-dong-toi-khu-vuc/#_edn11
[17] Nguyên Long (2023), Điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và một số hàm ý với Việt Nam, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/dieu-chinh-chinh-sach-doi-ngoai-cua-chinh-quyen-tong-thong-philippines-ferdinand-marcos-jr-va-mot-so-ham-y-voi-viet-nam/
[18] Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Philippine (2023), TTXVN, https://baotintuc.vn/chinh-tri/tiep-tuc-thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-philippines-20230802191653947.htm