Trong tháng 7 vừa qua, Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng 2024 – một ấn phẩm thường niên do Bộ Quốc phòng Nhật ban hành, đánh dấu sự phát triển của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Trong ấn phẩm này, Tokyo trình bày những nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng cũng như nâng cao vị thế và vai trò của mình trong việc thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu. [1]
Nội dung chính sách
Sách trắng Quốc phòng là báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về tình hình thế giới theo quan điểm quốc phòng của đất nước này, cũng như về các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ trong năm qua, các xu hướng chính trên thế giới và trong lĩnh vực quốc phòng của Nhật Bản. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1970 và được xuất bản hàng năm kể từ năm 1976. Năm 2024 đánh dấu những ngày kỷ niệm quan trọng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, bao gồm kỷ niệm 70 năm thành lập và ấn bản lần thứ 50 của sách trắng Quốc phòng Nhật Bản. Phần đầu trong sách trắng quốc phòng năm nay mô tả tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản “là giai đoạn căng thẳng nhất kể từ khi xuất bản sách trắng” – Yoshinaga Kenji một cựu sĩ quan tình báo của Nhật chia sẻ với The Diplomat vào tháng 7 vừa qua. [2] Tiếp theo đó, ấn phẩm này đề cập đến từng cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển quân sự Nhật từ năm 1949 đến nay. Những cột mốc này là cơ hội để suy ngẫm về lịch sử và sự phát triển của năng lực phòng thủ của Nhật Bản. Tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết và hỗ trợ từ công chúng Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế đối với các sáng kiến phòng thủ này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MOD) và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đặt mục tiêu đảm bảo Nhật Bản luôn sẵn sàng giải quyết các thách thức an ninh hiện tại và tương lai, góp phần vào sự ổn định của khu vực và toàn cầu. [1]
Trong phiên bản năm 2024 đã được công bố, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản thừa nhận rằng “Nhật Bản đang phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ Hai” do tình hình thế giới đầy bất ổn trong giai đoạn hiện nay. Do đó, sách trắng cũng đề cập rằng không loại trừ khả năng một tình huống nghiêm trọng tương tự như hành động quân sự của Nga đối với Ukraine có thể xảy ra ở Đông Á. Đặc biệt là sự gia tăng quân sự của Trung Quốc ở trong khu vực, sự phát triển tên lửa của Triều Tiên và các hoạt động quân sự của Nga ở Viễn Đông, bao gồm cả các cuộc tập trận chung với Trung Quốc. Sách trắng cũng nêu rõ Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động của mình ở khu vực xung quanh Nhật Bản, đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku, Biển Nhật Bản và Tây Thái Bình Dương, mở rộng ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên đến chuỗi đảo thứ hai (một đường từ quần đảo Ogasawara của Nhật Bản đến Tây New Guinea, với đảo Guam nằm trong cung đường này). Để ứng phó với những mối đe dọa này, MOD và SDF cam kết nỗ lực bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của Nhật Bản và cuộc sống hòa bình của người dân. Cam kết này được thể hiện thông qua việc thực thi các chính sách trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng. Trọng tâm của các chiến lược này là tập trung vào năng lực phòng thủ thông qua thông qua việc tập trung vào bảy khả năng (i) khả năng phòng thủ từ xa; (ii) khả năng phòng không và tên lửa tích hợp; (iii) khả năng phòng thủ không người lái; (iv) khả năng hoạt động xuyên miền; (v) chỉ huy và kiểm soát các chức năng liên quan đến tình báo; (vi) khả năng triển khai di động/bảo vệ dân sự; (vii) sự bền vững và khả năng phục hồi. Đặc biệt nhấn mạnh việc mua sắm nhiều loại vũ khí và trang thiết bị tối tân như tên lửa Tomahawk, nâng cấp tên lửa đối hạm Type-12, tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis cũng như cải thiện khả năng phục hồi của các căn cứ quân sự trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia. [1] Để thực hiện hiệu quả chiến lược này thì sách trắng còn đề cập đến Chương trình Tăng cường Quốc phòng của Nhật Bản (DBP), tổng chi tiêu cho quốc phòng cần thiết để đạt được mục tiêu phòng thủ “bất kỳ cuộc xâm lược nào vào Nhật đều sẽ bị gián đoạn và đánh bại sớm và từ khu vực ngoài xa” là khoảng 43 nghìn tỷ yên trong 5 năm tài chính từ 2023 đến 2027. Đi cùng với đó, MOD đã thiết lập và ban hành Đạo luật tăng cường Cơ sở Công nghệ và Sản xuất nhằm ban bố các chính sách thúc đẩy sáng kiến củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và tăng cường an ninh công nghiệp quốc phòng. [1]
Ngoài ra, MOD cũng đánh giá về những xu hướng và thách thức mới mà cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt trong tương lai như khoa học công nghệ, rủi ro trong không gian mạng, phổ biến vũ khí hạt nhân, và tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh quân sự đang trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. MOD/SDF cũng đề cao vai trò của sự nỗ lực chung tay hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết tình trạng này. Sách trắng cũng nhấn mạnh vai trò của việc tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ để có thể ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài thông qua các cuộc tấn công mạng. Các vấn đề toàn cầu liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan đang nổi lên và trở thành các vấn đề an ninh chính trị cần được giải quyết. Trong khi đó, các chiến thuật “vùng xám” liên quan đến tranh chấp lãnh thổ liên tục được các nước lớn sử dụng. [1]
Một khía cạnh quan trọng khác trong chiến lược của Nhật Bản là hợp tác quốc tế với ưu tiên đồng minh lâu năm và các quốc gia chia sẻ chung quan điểm. Trong đó, liên minh với Mỹ vẫn là trụ cột chính trong chính sách an ninh quốc gia của Nhật Bản. Hai bên thống nhất ưu tiên tích hợp tất cả các cách tiếp cận và phương tiện để ngăn chặn tình trạng vũ lực diễn ra, tuy nhiên cũng sẽ có những biện pháp răn đe cứng rắn và ứng phó với những biến động mới. Để thực hiện hiệu quả hai bên cũng đã có Cơ chế Điều phối Liên minh (ACM) để có thể đưa ra những hành động chung và nhất quán giữa hai nước. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các quốc gia láng giềng để cùng chia sẻ chung quan điểm về đảm bảo sự ổn định và an ninh trong khu vực. Những nỗ lực này nhằm mục đích đóng góp vào “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” (FOIP) [1] và cung cấp nền tảng cho an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực thông qua các cuộc trao đổi cấp cao, các cuộc tập trận song phương/đa phương, xây dựng năng lực công nghệ và hợp tác quốc phòng. Sách trắng cũng đề cập đến quan hệ giao lưu, hợp tác quốc phòng với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh rằng sau khi hai nước nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” vào tháng 11/2023, cả hai bên đã có những phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực quốc phòng an ninh. Hiện nay, hai bên đang thúc đẩy các thủ tục hướng tới chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cũng như thảo luận về Viện trợ An ninh chính thức (OSA) và mở rộng hơn nữa các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc phòng vì mục tiêu an ninh hòa bình và phát triển thịnh vượng trong khu vực. [3]
Bên cạnh đó, sách trắng cũng nhấn mạnh về vai trò của yếu tố con người. Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng gây khó khăn cho việc nâng cao nguồn nhân lực cho SDF, trong khi nhu cầu cấp thiết là phải đảm bảo nguồn nhân lực tài năng để hỗ trợ năng lực phòng thủ đất nước. Do đó SDF đang thực hiện các biện pháp để cải thiện chiến lược tuyển dụng và điều kiện làm việc, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước. Để đảm bảo được nguồn nhân lực như vậy, chính phủ Nhật Bản đang thực hiện thúc đẩy hơn sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân thông qua việc chuyển đổi chức năng y tế bằng các đầu tư cải thiện khả năng y tế và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế. Đi cùng với đó là việc khuyến khích sự tham gia của nữ giới trong nhiều hệ thống ngành nghề khác nhau. [1]
Mục đích triển khai các chính sách quốc phòng của Nhật Bản
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, căng thẳng leo thang trong khu vực và kéo theo đó là hàng loạt những xung đột tại Dải Gaza, các quốc gia Trung Phi thì cảm giác cấp bách về việc cần tăng cường năng lực quân sự càng trở nên lớn hơn nữa, đặc biệt trên thực tế là Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự của mình xung quanh Đài Loan. Kể từ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào năm 2022, Trung Quốc đã tiến hành tập trận quân sự với quy mô lớn hai lần ở xung quanh Đài Loan. Tình hình bất ổn liên quan đến Đài Loan là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nhật. Do đó, ở thời điểm hiện tại, không khó để giải thích lý do tại sao MOD Nhật Bản lại có những kế hoạch triển khai quân sự để đảm bảo an toàn cũng như có thể ứng phó phù hợp trong bất kỳ tình huống nào. Theo như những phân tích từ sách trắng, các cuộc tập trận này được tiến hành như một cuộc mô phỏng về cuộc tấn công nhằm thu hồi Đài Loan. [4] Bắc Kinh dường như đang tăng cường áp lực quân sự hơn nữa lên hòn đảo này đặc biệt là kể từ sau khi nhà lãnh đạo mới của Đài Loan – Lại Thanh Đức, lên nắm quyền vào tháng 5 năm nay.
Bên cạnh vấn đề Đài Loan thì Triều Tiên vẫn đang cố gắng cải thiện năng lực tên lửa của mình. Không những vậy, sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Triều Tiên và Nga cũng đã ký một hiệp ước mới về hợp tác quân sự. Cụ thể, hai nước sẽ cung cấp đạn pháo và tên lửa cho nhau để tăng cường hợp tác quân sự. Không chỉ Triều Tiên mà Trung Quốc cũng được cho là đang cung cấp các vũ khí và mặt hàng cần thiết khác cho Nga để nước này thực hiện các hoạt động quân sự tại Ukraine. [3] Quan điểm từ Nhật Bản cho rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa tam giác Nga – Trung – Triều đang đe dọa đến tình hình an ninh toàn cầu cũng như khu vực Đông Á.
Trong khi tình hình quốc tế đang có nhiều biến động khó lường, gần đây người đứng đầu Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), ông Ryo Sakai đã từ chức vì hành vi sai trái của nhân viên JMSDF liên quan đến sử dụng tài liệu mật, gian lận, và sử dụng trái phép các ưu đãi căn cứ mà họ không được hưởng chế độ. Trong đó có tổng cộng 218 người từ cả MOD và JSDF, gồm 113 trường hợp xử lý sai thông tin, 62 người yêu cầu trợ cấp lặn bất hợp phát, 20 nhân viên ăn miễn phí tại các nhà ăn mà không được trợ cấp. [5] Trước khi rời đi, ông Sakai có nhấn mạnh rằng “đã có những sự cố gây ra sự nghi ngờ và mất niềm tin của công chúng vào JMSDF […] tôi xin nhận toàn bộ trách nhiệm về các hành vi sai trái này. Nhân đây, xin hãy chấp nhận lời xin lỗi sâu sắc nhất của tôi vì sự thất vọng đã gây ra.” [6] Đây chính là thời điểm để Thủ tướng, người là chỉ huy tối cao của SDF, và những người khác nên sửa chữa sai lầm và tổ chức lại kỷ luật lỏng lẻo của quốc gia và cũng là để lấy lại và củng cố niềm tin trong dân chúng. Sách trắng đóng vai trò như một bản tuyên bố rằng MOD không cho phép những sự cố như vậy làm ảnh hưởng đến chính sách tăng cường năng lực phòng thủ của chính phủ và sẽ có lập trường cứng rắn để không xảy ra những trường hợp tương tự.
Điểm mới của Sách trắng Quốc phòng 2024
Thông qua sách trắng, có thể thấy rằng chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang thực hiện những thay đổi lớn về định hướng chính sách an ninh của Nhật Bản. Một điểm hoàn toàn mới so với trước kia, đây lần đầu tiên sách trắng có một chương dành riêng cho khả năng và chi tiêu quốc phòng. Nhật Bản đã cho phép quốc gia sở hữu năng lực tấn công vào căn cứ của kẻ thù và cam kết thực hiện mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng, đặt ra kế hoạch 43 nghìn tỷ Yên trong 5 năm vào năm 2022. [7] Theo sách trắng, khoảng 42% trong kế hoạch này đã được đưa vào thực hiện, với chi tiêu liên quan đến quốc phòng trong năm tài chính đến tháng 3 năm 2025 sẽ đạt tổng cộng 8,9 nghìn tỷ Yên (57 tỷ USD), tương đương 1,6% GDP – tiến gần đến tiêu chuẩn vàng 2% mà nhiều quốc gia phương Tây nhắm tới. [1] Báo cáo cho biết phần lớn trong số này đã được phân bổ cho các tên lửa tầm xa tiên tiến nhằm sử dụng như một phần trong “khả năng phản công” mới của Nhật Bản cũng như để đóng các tàu chiến được trang bị Aegis mới cũng như các cơ sở và căn cứ tăng cường.
Sách trắng năm nay cũng đã dành không gian cho lập trường của chính phủ về cách thức và lý do tại sao ba văn kiện an ninh quốc gia quan trọng của Nhật Bản bao gồm “Chiến lược An ninh quốc gia”, “Chiến lược Phòng thủ quốc gia”, và “Chương trình tăng cường quốc phòng” được sửa đổi vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, gần như không có tuyên bố nào trả lời trực tiếp cho những câu hỏi và mối quan tâm của công chúng liên quan đến vấn đề này, ngoại trừ vấn đề môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản là lý do chính đáng cho sự thay đổi chính sách của quốc gia. [8]
Sách trắng năm nay cũng dành khoảng bốn trang để đề cập đến những tiến bộ của Nhật Bản trong triển khai Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc (WPS). [7] Trong đó nhấn mạnh, xem xét tầm quan trọng của WPS trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy các hoạt động thảo luận và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đi cùng với đó, việc đề cao yếu tố con người bằng thúc đẩy chính sách cân bằng giữa cuộc sống và công việc và đề cao vai trò của phụ nữ là một điều mới trong xã hội Nhật Bản nơi mà họ coi trọng sự cần cù chăm chỉ và vai trò của nam giới.
Dự báo chính sách quốc phòng Nhật Bản
Chính sách quốc phòng Nhật Bản liên quan đến việc xem xét nhiều yếu tố, bao gồm động lực địa chính trị, thay đổi chính trị trong nước, điều kiện kinh tế, sự phát triển của công nghệ và biến đổi khí hậu. Mặc dù không thể đưa ra dự đoán chính xác, nhưng dưới đây là một số xu hướng có thể ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong thời gian tới.
Đầu tiên, xét về khía cạnh an ninh chính trị, khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng năng lực quân sự và sự cứng rắn của họ ở biển Hoa Đông và biển Đông, Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng thủ của riêng mình bằng cách tăng chi tiêu cho quốc phòng một cách có kế hoạch và tìm kiếm các liên minh mạnh mẽ hơn, đặc biệt là với Mỹ và các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác. Tuy nhiên, nhìn chung Liên minh An ninh Mỹ – Nhật Bản vẫn sẽ là trọng tâm trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản bởi lẽ tính đến thời điểm hiện tại Mỹ vẫn đang là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới. Nhật Bản có thể tiếp tục làm sâu sắc thêm liên minh này bằng cách tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung, chia sẻ thông tin tình báo và khả năng tương tác giữa lực lượng vũ trang của hai quốc gia. Ngoài Trung Quốc thì Triều Tiên và Nga cũng sẽ là hai mối quan tâm chính trong chính sách Quốc phòng Nhật Bản, đặc biệt liên quan đến những mối đe dọa về hạt nhân và những tranh chấp với Nga ở khu vực phía Bắc.
Nhật Bản có khả năng sẽ tiếp tục hiện đại hóa SDF bằng cách tập trung vào việc tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như phòng thủ mạng, phòng thủ tên lửa và không gian. Điều này bao gồm khả năng mua lại công nghệ và thiết bị tiên tiến, chẳng hạn như máy bay chiến đấu mới, hệ thống tên lửa và tài sản hải quân từ đồng minh thân cận là Mỹ. Và không ngoại lệ, Nhật Bản sẽ vẫn thường xuyên xem xét lại văn kiện của mình để phù hợp với tình hình chính trị của thế giới và khu vực để có thể cho phép các biện pháp phòng thủ chủ động hơn.
Phản ứng các bên
Báo cáo mới về quốc phòng của Nhật đã nhận về rất nhiều chỉ trích từ các nước láng giềng, đặc biệt là từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết họ rất không hài lòng và kiên quyết phản đối sách trắng quốc phòng của Nhật Bản cho năm 2024, đồng thời kêu gọi Tokyo đi theo con đường phát triển hòa bình và không đưa ra lý do để tăng cường quân sự. Trung Quốc cho rằng kể từ năm 2020, Nhật Bản đã cố tình phát tán thông tin sai lệch về sự phát triển quân sự của nước này và các vấn đề liên quan đến Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Đảo Điếu Ngư (hay còn gọi là đảo Senkaku trong tiếng Nhật). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tại một cuộc họp báo thường kỳ cho biết rằng sách trắng “can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, một lần nữa tìm cách thổi phồng câu chuyện về ‘mối đe dọa từ Trung Quốc’ và thổi phồng căng thẳng trong khu vực”. [9] Trung Quốc cho rằng mục đích của Nhật là để mở đường cho việc thoát khỏi những hạn chế do trật tự sau Thế chiến II áp đặt và quay trở lại con đường quân phiệt. Trên thực tế, việc chính quyền Kishida cố tình phóng đại cái gọi là “mối đe dọa xung quanh” chỉ là cái cớ cho việc mở rộng quân sự và nỗ lực sẵn sàng chiến tranh. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật cũng hy vọng sẽ tận dụng cơ hội này để nâng cao tỷ lệ ủng hộ trong nước đang ở mức thấp nhất của mình. [9] Theo kết quả từ một cuộc thăm dò vào ngày 11/7 vừa qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các Kishida đã giảm xuống còn 15,5%, thấp hơn ngưỡng 20% để “từ chức” và là mức thấp mới đối với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã nắm quyền từ năm 2012. Khoảng 40% người Nhật tin rằng Kishida nên bị loại khỏi cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo. Do đó, Kishida, để giữ vững vị trí của mình, phải thể hiện hình ảnh cứng rắn bằng cách tỏ ra khiêu khích để cứu vãn tỷ lệ ủng hộ thảm hại của mình. Ngoài ra Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm cứng rắn rằng vấn đề liên quan đến Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và theo như Tuyên bố chung Trung Quốc-Nhật Bản năm 1972 thì Nhật không có quyền tham gia vào vấn đề này. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Nhật Bản đang cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bằng cách khơi dậy dư luận kích động xung đột trong khu vực và cường điệu liên tục về vấn đề Đài Loan. Tờ China Daily cũng trích dẫn ý kiến từ Satoshi Shirai – Phó Giáo sư chuyên ngành Tư tưởng Xã hội và Khoa học Chính trị tại Đại học Kyoto Seika, rằng Nhật Bản tăng cường năng lực quân sự là để giúp Mỹ duy trì quyền bá chủ toàn cầu của mình. Và việc tăng cường quân sự hiện tại của Nhật Bản tập trung vào việc mua vũ khí do Mỹ sản xuất cho thấy sự phục tùng Mỹ trong giới chính trị Nhật Bản. [10]
Hãng thông tấn của Nga RIA Novosti đưa tin Nhật Bản đã không còn nhận định rằng Nga đã mất đi sức mạnh quân sự trong cuộc xung đột ở Ukraine trong báo cáo quân sự sách trắng năm nay so với tuyên bố năm ngoái, rằng Nga đã “mất đi phần lớn sức mạnh quân sự” trong cuộc xung đột ở Ukraine, về trung hạn và dài hạn sẽ dẫn đến sự suy giảm sức mạnh của nhà nước và thay đổi cán cân sức mạnh quân sự với các nước xung quanh. [11] Tờ Ura News của Nga cũng trích dẫn cảnh báo từ cựu nhà ngoại giao Nhật Bản Ukeru Magosaki rằng Nhật Bản sẽ hối hận về con đường chống Nga mà mình đã chọn. [12]
Có thể thấy rằng, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2024 đã nêu bật những nỗ lực liên tục của Nhật Bản nhằm hiện đại hóa Lực lượng Phòng vệ để ứng phó với các mối đe dọa an ninh toàn cầu và khu vực đang leo thang, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Nhật Bản trong việc tăng cường năng lực phòng thủ./.
Tác giả: Thảo Lê
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Ministry of Defense (2024), Defense of Japan, https://www.mod.go.jp/j/press/wp/wp2024/pdf/DOJ2024_Digest_EN.pdf
2. Takahashi K. (2024), Japan’s Defense White Paper Sounds Alarm Over China, North Korea, Russia, The Diplomat, https://thediplomat.com/2024/07/japans-defense-white-paper-sounds-alarm-over-china-north-korea-russia/
3. Quân đội nhân dân (2024), Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2024 đề cập quan hệ hợp tác với Việt Nam, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/sach-trang-quoc-phong-nhat-ban-2024-de-cap-quan-he-hop-tac-voi-viet-nam-785093
4. The Japan News (2024), Defense White Paper: Prepare for China-Taiwan Tension, Russia-N. Korea Collusion, https://japannews.yomiuri.co.jp/editorial/yomiuri-editorial/20240718-199393/
5. Dzirhan M. (2024), Japanese Defense White Paper Warns Pacific at Greatest Risk Since WWII, USNI News, https://news.usni.org/2024/07/12/japanese-defense-white-paper-warns-pacific-at-greatest-risk-since-wwii
6. Asian Defence Journal (2024), JMSDF chief steps down, Japan Maritime Self-Defense FORCE, https://adj.com.my/2024/07/15/jmsdf-chief-steps-down/
7. Phạm Tuân (2024), Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2024 đề cập quan hệ hợp tác với Việt Nam, Vietnamplus, https://www.vietnamplus.vn/sach-trang-quoc-phong-nhat-ban-2024-de-cap-quan-he-hop-tac-voi-viet-nam-post964382.vnp
8. The Asahi Shimbun (2024), White paper fails to fully address Japan’s defense policy shift, https://www.asahi.com/ajw/articles/14969927
9. JIANG XUEQING (2024), Japan overstates ‘China threat’ in defense paper, China Daily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202407/13/WS6691c590a31095c51c50ddbd.html
10. Le Shui (2024), Japan’s 2024 defense white paper exaggerates surrounding security threats, China Military Online http://eng.chinamil.com.cn/OPINIONS_209196/Opinions_209197/16325798.html
11. Ria Novosti (2024), Japan No Longer Thinks Russia Has ‘Lost Military Power’ in Ukraine https://ria.ru/20240712/yaponiya-1959125643.html?in=l
12. Dmitry shumov (2024), Japan Changes Its Position on Russia’s Military Losses in Ukraine, URA RU, https://ura.news/news/1052791884