Tháng 3/2024, tình hình quốc tế vẫn duy trì đặc tính phức tạp vốn có. Trong khi tình hình xung đột tại các điểm nóng có dấu hiệu giảm, các hoạt động chính trị liên quan lại có nhiều diễn biến bất ngờ mới. Hợp tác quốc tế giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 3/2024 và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
CÁC SIÊU CƯỜNG VÀ QUAN HỆ GIỮA CÁC SIÊU CƯỜNG
1. Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử. Cuộc bầu cử có ảnh hưởng toàn cầu tại Nga đã công bố kết quả. Theo đó, ông Putin đã tái đắc cử với số phiếu bầu cao kỷ lục, hoàn toàn vượt trội so với các ứng viên Tổng thống khác. Điều đó có nghĩa rằng, các chiến lược lớn của Nga sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiều năm tới.
2. Xảy ra tấn công khủng bố tại Nga. Ngày 22/3/2024, một cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra nhằm vào nhà hát Crocus City Hall tại thành phố Krasnogorsk, Moskva, Nga. Cuộc tấn công đã khiến ít nhất 143 người dân Nga thiệt mạng và nhiều người khác bị thương (số liệu tính đến ngày 29/3/2024). Các lực lượng an ninh Nga đã tiến hành trấn áp, vây bắt những kẻ tấn công và mở rộng cuộc điều tra. Truyền thông phương Tây đã nhanh chóng đưa thông tin về việc Tổ chức Hồi giáo IS nhận trách nhiệm về vụ việc. Tuy nhiên, các kết quả điều tra từ phía Nga cho thấy mối liên hệ giữa cuộc tấn công này với chính sách bài Nga của phương Tây và những kẻ thực hiện cuộc tấn công khủng bố có liên quan tới Ukraine và các tổ chức cực đoan chống Nga khác được hậu thuẫn bởi phương Tây.
Sau vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall, Nga đã tiếp tục phá thêm nhiều âm mưu khủng bố khác dự định được thực hiện nhằm vào nước này.
3. Diễn biến đáng chú ý liên quan đến cuộc bầu cử ở Mỹ
– Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ ra phán quyết đảo ngược so với phán quyết của tòa phúc thẩm năm 2023. Theo đó, ông Donald Trump – ứng viên của Đảng Cộng hòa được công nhận có đủ tư cách tham gia bầu cử.
– Tại ngày bầu cử “Siêu thứ ba” (5/3/2024), cả hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump đều giành được thắng lợi lớn tại nhiều bang ở nước Mỹ.
– Ông Donald Trump đã giành đủ số phiếu đại biểu để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa. Cụ thể, ông Trump đã có được là 1.228 phiếu, vượt mốc 1.215 phiếu cần thiết.
4. Tổng thống Joe Biden đọc Thông điệp Liên bang. Ngày 7/3/2024, bản thông điệp đã thu hút khoảng hơn 32 triệu người theo dõi (tương đương 9,4% dân số Mỹ). Đây là một con số tương đối thấp so với các lần công bố Thông điệp Liên bang trước đó của chính ông Biden cũng như các vị Tổng thống tiền nhiệm.
5. Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng. Chi tiêu quốc phòng của cường quốc châu Á sẽ đạt gần 230 tỷ USD trong năm 2024, tức tăng thêm 7,2% so với năm 2023. Đây cũng là mức tăng trung bình của nước này trong một thập kỷ qua. Trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về tình hình an ninh khu vực đang diễn biến phức tạp, việc duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng ổn định cũng góp phần nhất định trong việc trấn an tâm lý lo ngại của các bên có liên quan.
CHUYỂN BIẾN MỚI TẠI CÁC KHU VỰC
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
1. Việt Nam-Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Ngày 7/3/2024, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia, hai nước đã chính thức đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Australia trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản).
Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN – Australia tại Melbourne cũng đã được diễn ra từ ngày 4 – 6/3/2024 nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác. Ngoài vấn đề thương mại giữa Australia và khu vực Đông Nam Á, nhiều lĩnh vực hợp tác mới đã được tăng cường thúc đẩy, góp phần nâng tầm vị thế của ASEAN ở châu Đại dương và ngược lại, của Australia tại khu vực Đông Nam Á.
2. Ấn Độ có kế hoạch xây dựng hàng rào ngăn biên giới với Myanmar. Ngày 27/3/2024, tờ Bangkok Post đưa tin, Ấn Độ có kế hoạch chi 3,7 tỷ USD để rào 1.600km đường biên giới với Myanmar nhằm ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng của quốc gia Đông Nam Á này.
3. Trung Quốc đưa ra tuyên bố về đường cơ sở mới tại Vịnh Bắc Bộ và phản ứng của Việt Nam. Theo đó, ngày 1/3/2024, Trung Quốc đưa ra “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở lãnh hải phía Bắc Vịnh Bắc Bộ” với 7 điểm cơ sở không trùng khớp với các điểm cơ sở đã đàm phán thống nhất với Việt Nam từ năm 1996. Quan điểm đưa ra từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về các vấn đề liên quan tới đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6/6/1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan tuyên bố ngày 15/5/1996 của Chính phủ Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc”.
4. 36 máy bay quân sự Trung Quốc áp sát Đài Loan. Sự việc diễn ra vào ngày 22/3/2024 nhằm đáp trả lại việc bà Tiêu Mỹ Cầm – lãnh đạo cấp phó của đảo Đài Loan – có chuyến thăm bí mật tới Mỹ và châu Âu. Đây là lần điều động máy bay quân sự nhiều nhất kể từ đầu năm 2024 từ phía Trung Quốc.
5. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục có những diễn biến khó lường.
– Quan hệ Triều Tiên – Nhật Bản trở lại quỹ đạo tiêu cực sau khi Triều Tiên bác các khả năng đàm phán với phía Nhật Bản. Động thái này đã chấm dứt các kỳ vọng về việc cải thiện quan hệ giữa hai bên trong những tháng vừa qua.
– Hàn Quốc – Mỹ tập trận vượt sông gần biên giới với Triều Tiên vào ngày 20/3/2024 với lực lượng gồm 470 quân của Hàn Quốc và một tiểu đoàn của Mỹ. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra 2 tuần.
– Tư lệnh Mỹ nhận định chiến lược răn đe Triều Tiên đã có sự thay đổi. Ngày 12/3/2024, Tư lệnh Lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc Paul LaCamera cho rằng chiến lược răn đe Triều Tiên đã chuyển từ việc cản trở nước này phát triển năng lực hạt nhân sang phòng ngừa sử dụng vũ khí hạt nhân.
– Quan hệ Nga-Triều Tiên đang ở mức “cao chưa từng có”. Đây là lời tuyên bố của Đại sứ Triều Tiên tại Nga Sin Hong Chol ngày 14/3. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh 2 nước đang ngày càng xích lại gần nhau, cùng đối phó với những thách thức chung.
– Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên vận chuyển vũ khí sang Nga bằng đường biển với số lượng lên tới 7.000 container vũ khí. Lời cáo buộc được đưa ra vào ngày 18/3/2024 bởi người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
6. Quan hệ Trung Quốc và Philippines liên quan tới vấn đề Biển Đông tiếp tục duy trì trạng thái căng thẳng. Ngày 25/3/2024, Philippines đã triệu tập đại biện ngoại giao Trung Quốc để phản đối các hành động của nước này ở khu vực gần Bãi Cỏ Mây. Cùng với đó, các va chạm trên thực địa giữa hai bên vẫn tiếp diễn xung quanh các khu vực đang tranh chấp. Philippines được cho là đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh nhằm cùng đối phó với Trung Quốc.
Khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương
1. Nga tố Anh tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Đầu tháng 3/2024, ông Dmitry Peskov – người phát ngôn của Điện Kremlin nhấn mạnh: việc người Anh cung cấp các hình thức hỗ trợ khác nhau cho Ukraine – nhân lực trên thực địa, thông tin tình báo,… không phải là điều bí mật. Điều đó cũng có nghĩa rằng, họ đang tham gia trực tiếp vào cuộc chiến. Ngoài trường hợp của Anh, Nga cũng nhiều lần cảnh báo sự can thiệp, tham gia bằng nhiều hình thức khác nhau của các nước phương Tây vào cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine.
2. Thụy Điển chính thức gia nhập NATO. Ngày 7/3/2024, Thụy Điển đã trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sau một thời gian dài đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary – hai rào cản chính đối với quá trình gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu. Việc gia nhập NATO của Thụy Điển đang khiến Bắc Âu chuyển mình, mô hình phát triển đặc biệt vốn có của họ sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai.
3. EU tổ chức hai Hội nghị quan trọng gồm Hội nghị Ngoại trưởng EU và Hội nghị Thượng đỉnh EU. Hai sự kiện này diễn ra cách nhau 1 tuần và ngay sau khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Nga. Điều đó cho thấy, việc Putin tiếp tục cầm quyền có tác động đặc biệt lớn đối với các tính toán chiến lược của châu Âu.
4. Ba Lan cảnh báo châu Âu đang ở trong giai đoạn “tiền chiến tranh”. Đó là lời cảnh báo của Thủ tướng Donald Tusk vào thời điểm cuối tháng 3/2024 trong bối cảnh lục địa già đang gặp vô vàn thách thức trước tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và rộng hơn là cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Mặc dù vậy, ông Donald Tusk cũng cho rằng, vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
5. Phản ứng bất ngờ từ Vatican liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine được tiết lộ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giáo hoàng Francis đã nói hàm ý rằng Ukraine “cần có dũng khí giương cờ trắng để đàm phán”. Sau khi được công bố, câu nói của Giáo hoàng ngay lập tức gây ra nhiều tranh cãi đối với dư luận thế giới, đặc biệt là dư luận phương Tây.
Khu vực Trung Đông & Châu Phi
1. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết ngừng bắn tại dải Gaza. Đây là động thái hết sức tích cực trong bối cảnh tổ chức toàn cầu này thường xuyên bị chi phối bởi quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực. Nghị quyết này được thông qua ngày 25/3/2024 và được cộng đồng quốc tế hết sức hoan nghênh, mở ra một tương lai tích cực với nhiều kỳ vọng tốt đẹp đối với tình hình ở khu vực này.
2. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cộng đồng Arab tiếp tục tăng cường viện trợ vào dải Gaza. Đối tượng hướng tới là người dân Palestine chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Tuy nhiên, nhiều kênh truyền thông cũng đã không ít lần tố cáo Israel luôn tìm cách cản trở nguồn viện trợ từ bên ngoài vào dải Gaza.
3. Israel đề xuất lập lực lượng quốc tế tại Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã thông báo cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu về ý tưởng thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Gaza. Tuy nhiên, nhiều nguồn phân tích nghi ngờ rằng đây là kế hoạch của Israel nhằm tạo ra vỏ bọc cho các lực lượng đồng minh, hỗ trợ cho các tham vọng của Israel.
4. Đời sống của người dân Palestine ngày càng khó khăn. Nạn đói, dịch bệnh và các nguy cơ bị tấn công quân sự trực tiếp đang de dọa cuộc sống của người dân bất cứ lúc nào.
Khu vực châu Mỹ
1. Nội bộ một số nước Mỹ Latinh căng thẳng, rạn nứt. Đỉnh điểm, ngày 27/3/2024, Colombia đã ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Argentina sau khi Tổng thống Argentina Milei có những phát ngôn được cho là bôi nhọ người đồng cấp Colombia. Đồng thời, Colombia cũng tố cáo Argentina đang hủy hoại quá trình hội nhập của Mỹ Latinh. Căng thẳng ngoại giao cũng xảy ra với quan hệ Argentina – Mexico. Rõ ràng, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Argentina Milei đang khiến nội bộ Mỹ Latinh gặp thêm nhiều rắc rối.
Liên quan tới Tổng thống mới của Argentina Milei, cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đã cho rằng ông Milei thực chất là một hình mẫu thử nghiệm của đế quốc.
2. Ở một mặt ngược lại, cộng đồng đa số các nước Mỹ Latinh đã lên tiếng bảo vệ Venezuela trước chính sách trừng phạt của Mỹ. Cụ thể, ngày 6/3/2024, Cuba, Nicaragua và Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ đã cùng lên tiếng phản đối Mỹ gia hạn trừng phạt với Venezuela.
3. Brazil tiếp tục thực hiện các chuyến công du ngoại giao quan trọng nhằm vừa tăng cường hợp tác khu vực, vừa mở rộng ảnh hưởng của cường quốc Nam Mỹ này tại các khu vực khác trên thế giới.
MỘT SỐ HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Sự phát triển của khoa học, công nghệ quân sự thông qua các cuộc xung đột hiện nay.
– Đánh giá kết quả, tác động của các cuộc bầu cử quan trọng, có khả năng ảnh hưởng ở tầm khu vực cũng như toàn cầu.
– Khả năng hình thành và mở rộng các liên kết tiểu đa phương mới ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời gian tới.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. BAN BIÊN TẬP