Nhiều sự kiện trong nước và quốc tế đáng chú ý đã diễn ra trong tháng 7 vừa qua. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 7/2024 và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế đã nói lên được nhiều điều.
Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã qua đời, để lại nhiều cảm xúc tiếc thương đối với không chỉ Nhân dân Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế. Nhiều nguyên thủ các nước đã gửi điện chia buồn kèm theo những lời chia sẻ trân trọng nhất dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, các nước trên thế giới đều cử những nhà lãnh đạo cấp cao tới Việt Nam để tham dự tang lễ. Đặc biệt, trên thế giới có 2 quốc gia đã tổ chức quốc tang dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Lào và Cuba. Trong số các quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, 6/7 đối tác gồm: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia đã gửi phái đoàn cấp cao trực tiếp tới Việt Nam tham dự lễ quốc tang.
CHUYỂN BIẾN MỚI TẠI CÁC KHU VỰC
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
1. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kết thúc vào ngày 27/7/2024 với nhiều kết quả quan trọng. Hội nghị được diễn ra tại Viêng Chăn – Lào, các Hội nghị liên quan bao gồm Hội nghị BTNG ASEAN-Hoa Kỳ, ASEAN+3, các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Hội nghị lần này được xem là sự chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sắp diễn ra vào tháng 10 năm nay.
2. Tình hình Myanmar tiếp tục diễn biến khó lường. Ngày 31/7/2024, quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng mặc dù trước đó các bên đã đạt được thỏa thuận tạm thời ngừng bắn. Tình hình đang cho thấy các bên đang tỏ ra “mệt mỏi” nhưng chưa thực sự có được giải pháp đối thoại nhằm tháo gỡ xung đột.
3. Tình hình Biển Đông có những dấu hiệu mới. Thông tin xuất hiện một “thỏa thuận tạm thời” giữa Trung Quốc và Philippines liên quan tới tình hình ở bãi Cỏ Mây. Thỏa thuận này không được công khai cụ thể và quan điểm từ phía Trung Quốc cũng không thực sự rõ ràng khi đề cập tới thỏa thuận ngầm này. Theo đó, Philippines dường như đã được phép tiếp tế nhu yếu phẩm hằng ngày và thực hiện các nhiệm vụ luân phiên tới tàu BRP Sierra Madre. Nhưng điều này không đồng nghĩa với sự rút lui của Trung Quốc. Các va chạm mới giữa hai bên cũng có dấu hiệu giảm, nhưng các hoạt động xung quanh các điểm nóng gần như không giảm.
4. Ngày 24/7, máy bay ném bom chiến lược của Nga và Trung Quốc cùng nhau tiến gần Alaska. Đây là hoạt động quân sự chung hiếm thấy giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu ở “Viễn Đông”. Lý do cho hoạt động lần này được đưa ra nhằm đáp trả việc Mỹ tăng cường triển khai các máy bay chiến lược và máy bay trinh sát gần không phận của Nga và Trung Quốc.
5. Động thái “chưa từng có” của Mỹ tại Nhật Bản. Theo một tuyên bố vào ngày 28/7/2024, Mỹ sẽ cải tổ bộ chỉ huy ở Nhật, trao cho cơ quan này “vai trò lãnh đạo trực tiếp” đối với các lực lượng Mỹ trong việc lập kế hoạch tác chiến trong mọi hoàn cảnh. Dưới quyền chỉ huy của cơ quan này hiện có 55.000 quân nhân đang đồn trú tại Nhật Bản. Đây là động thái sẽ khiến tình hình căng thẳng giữa liên minh Mỹ – Nhật với tam giác Nga – Trung – Triều càng khó lường.
Khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương
6. Bất đồng trong nội bộ EU. Những động thái gần đây liên quan tới Hungary đang cho thấy những rạn nứt trong Liên minh châu Âu, nhất là liên quan tới những mối quan hệ chồng chéo giữa EU và NATO. Cụ thể, Hungary bị xem là yếu tố rào cản đối với quá trình mở rộng của NATO. Thậm chí, Thủ tướng Hungary Viktor Orban được cho là đã thực hiện chuyến thăm Nga bất chấp sự phản đối của các thành viên EU cũng như NATO. Ba Lan đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi đưa Hungary ra khỏi EU và NATO. Tuy nhiên, chính những điều được coi là “Hiến chương” của cả EU và NATO đang khiến các tổ chức này rơi vào thế lưỡng nan trong việc tìm kiếm sự thống nhất.
7. EU – Trung Quốc vẫn căng thẳng thương mại. Hai bên vẫn lao vào vòng xoáy áp thuế đối với nhiều hàng hóa của nhau, khiến quan hệ kinh tế 2 chiều gặp nhiều thách thức. Đầu tiên và việc EU áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc nhằm cố gắng bảo vệ nền sản xuất trong lục địa già trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp đến từ cường quốc châu Á. Mức thuế được cho là 38,1% và có hiệu lực từ ngày 4/7/2024. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ khởi động cuộc điều tra chính thức về rào cản thương mại và đầu tư liên quan đến các tương tác của EU đối với họ.
8. Pháp tổ chức Thế vận hội Olympic gây nhiều tranh cãi. Những hình ảnh của buổi lễ khai mạc cũng như những ồn ào xoay quanh hoạt động của sự kiện thể thao hàng đầu thế giới đã cho thấy những bất ổn trong công tác tổ chức, đồng thời thể hiện những dấu ấn văn hóa không được đánh giá cao trên toàn cầu. Thậm chí, dư luận đã đưa ra những phê phán gay gắt về những hình ảnh từ Paris.
9. Công đảng Anh chiến thắng trong cuộc bầu cử. Đầu tháng 7, bầu cử tại Anh đã ngã ngũ với chiến thắng đầy ý nghĩa của Công đảng Anh. Điều đó cũng có nghĩa rằng Anh sẽ có Thủ tướng mới – ông Keir Starmer. Điều này đã đánh dấu sự kết thúc của “triều đại bảo thủ” Anh sau 14 năm.
10. Quan hệ Anh – EU có dấu hiệu được tăng cường trở lại. Một trong những động thái đáng chú ý là việc Anh đang tìm cách đạt được một thỏa thuận an ninh chung với EU. Sau sự kiện Brexit, nhiều ràng buộc kinh tế, chính trị và an ninh giữa EU và Anh coi như đã đổ vỡ. Nhưng có vẻ Anh đang có xu hướng nối lại một trong các trụ cột quan hệ với Liên minh châu Âu, và lựa chọn của họ đang là lĩnh vực an ninh.
11. EU tạm dừng kế hoạch mở rộng thành viên. Theo đó, ngày 9/7, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Gruzia, ông Pavel Gherchinsky, tuyên bố tạm ngừng quá trình gia nhập liên minh của Gruzia. Điều này thể hiện sự cân nhắc thận trọng của EU, bởi vị trí của Gruzia có thể thổi bùng ngọn lửa căng thẳng với Nga trong hoàn cảnh căng thẳng ở Ukraine còn chưa có lối thoát.
Khu vực châu Mỹ
12. Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát “hụt”. Đây có thể coi là một sự kiện gây chấn động thế giới vào ngày 13/7/2024. Theo đó, khi đang vận động tranh cử tại bang Pennsylvania, ông Donald Trump đã may mắn thoát nạn khi kẻ ám sát đã bắn trượt qua tai phải của vị cựu Tổng thống Mỹ. Kẻ tấn công nhanh chóng bị phát hiện và tiêu diệt một cách khá ấn tượng. Điều đặc biệt là dư luận nhanh chóng tung ra nhiều nghi vấn cho rằng các lực lượng an ninh dường như đã phớt lờ các cảnh báo an ninh từ trước đó. Vụ ám sát hụt lần này chắc chắn sẽ có nhiều tác động tới cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
13. Ông Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm giữa tháng 7, không lâu sau vụ ám sát hụt ứng viên Tổng thống Donald Trump. Sự rút lui của ông Biden đang mở đường cho ứng viên thay thế Kamala Harris và bản thân ông Biden được cho là đang ủng hộ “sức trẻ” của Đảng Dân chủ.
14. Tàu Hải quân thuộc Hạm đội Baltic Nga thăm Cuba. Ngày 27/7/2024, 3 tàu hải quân thuộc hạm đội Baltic của Nga đã cập cản La Habana (Cuba). Chuyến thăm này được cho là không bình thường khi đây đã là lần thứ 2 chỉ trong 2 tháng. Đồng thời, các tương tác hải quân giữa Cuba và Nga cũng đang cho thấy dấu hiệu tăng lên.
15. Bầu cử Venezuala kết thúc, không có gì thay đổi bên trong, nhưng có nhiều thay đổi bên ngoài. Cụ thể, ngày 28/7, Venezuela đã công bố kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Nicolas Maduro. Kết quả này đã bị lực lượng đối lập cũng như các nước phương Tây phản đối và cho rằng có bất thường. Không những vậy, ngay trong nội bộ khu vực Mỹ Latinh cũng có những ý kiến trái chiều. Trong khi đó, Brazil, cường quốc khu vực đã lên tiếng ủng hộ kết quả, cho rằng quá trình bầu cử diễn ra hết sức bình thường. Sau bầu cử, Venezuela đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Peru và trục xuất nhiều nhà ngoại giao của 6 nước Mỹ Latinh khác. Nội bộ khu vực Mỹ Latinh sau các cuộc khủng hoảng gần đây đang tỏ ra rời rạc, bất đồng nghiêm trọng.
Khu vực Trung Đông & Châu Phi
16. Một trong những thủ lĩnh Hamas bị ám sát ngay tại Iran. Cuộc ám sát được thực hiện bởi Israel. Đây không phải là lần đầu tiên Israel thực hiện các cuộc ám sát tương tự như vậy. Tình thế xung đột ở Trung Đông đang ngày càng leo lên một nấc thang mới. Nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới đã lên án cuộc ám sát này. Các lực lượng thánh chiến chống nhà nước Do Thái đang sẵn sàng tổ chức các cuộc tấn công mới nhằm trả đũa. Các cảnh báo về xung đột quy mô lớn ở khu vực Trung Đông đã được đưa ra. Mới đây nhất, Iran và các đồng minh được cho là đang lên kế hoạch tấn công Israel.
17. Israel đang chuẩn bị mở rộng các cuộc tấn công nhằm vào Lebanon và các lực lượng đối lập do Iran hậu thuẫn khác. Các biểu hiện gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực biên giới Israel – Lebanon đã không ngừng xuất hiện. Thậm chí, Israel đã đưa ra thông tin rằng, kế hoạch tấn công Lebanon đã được phê duyệt. Nhưng thời điểm và khả năng của một cuộc chiến tổng lực vẫn còn tương đối mơ hồ. Thùng thuốc súng ở Trung Đông luôn được đặt trong tình thế bên bờ vực, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
18. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng toàn cầu ngăn chặn Israel trước khi quá muộn. Trước các hành động của Israel, với tư cách là một nước lớn có vai trò trong cấu trúc an ninh khu vực Trung Đông, ông Erdogan đã có lời kêu gọi thế giới có động thái ngăn chặn các hành động của Israel. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng bảo vệ các “nạn nhân” của Israel.
Loạt động thái đang cho thấy quan hệ Israel với cộng đồng các quốc gia Arab đang bên bờ vực sụp đổ.
HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn, xu hướng thay đổi cấu trúc an ninh, kinh tế tại các khu vực trên toàn cầu.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
Ban Biên tập