Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương của Mỹ – được Tiến sĩ Eric Sayers, nhân viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện và cựu trợ lý đặc biệt cho Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đề xuất, được Thượng nghị sĩ John McCain và những người khác thúc đẩy – đã mô phỏng theo Sáng kiến Răn đe Châu Âu năm 2014. Sáng kiến này đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng vào tháng 7 năm 2020 và được cựu Tổng thống Donald Trump ký thành luật vào tháng 12 năm đó.
Tám năm sau khi thành lập Sáng kiến Răn đe Châu Âu, xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Vì vậy, phiên bản Thái Bình Dương của sáng kiến này sẽ báo trước điều gì cho tương lai?
Từ năm tài chính 2021 đến 2027, Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương đã được phân bổ tổng cộng 34,4 tỷ USD để thực hiện những việc sau với mục đích duy trì lợi thế quân sự của Mỹ trước Trung Quốc:
- Hiện đại hóa và tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Mỹ;
- Cải thiện năng lực hậu cần, bảo trì và định vị trước nhiên liệu, đạn dược, thiết bị và các vật tư khác;
- Thực hiện chương trình huấn luyện, thử nghiệm và nghiên cứu đổi mới cho lực lượng liên hợp;
- Cải thiện cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng đáp ứng và tính linh hoạt của các lực lượng vũ trang Mỹ;
- Xây dựng năng lực quốc phòng, an ninh, sức mạnh và sự hợp tác của các đồng minh, đối tác;
- Cải thiện khả năng sẵn có của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Khoản chi quân sự khổng lồ như vậy – bên cạnh khoản đầu tư quốc phòng thông thường – chắc chắn sẽ mở rộng lợi thế của Quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự thống trị của nước này trong các vấn đề khu vực. Nó buộc các nước trong khu vực phải đáp trả và tăng ngân sách quốc phòng, do đó, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang và leo thang căng thẳng trong khu vực.
Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mở rộng lợi thế quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ để Mỹ thống trị các vấn đề ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã triển khai 60% số tàu, 55% lực lượng lục quân, 2/3 lực lượng lính thủy đánh bộ trên tàu và 60% lực lượng không quân chiến thuật ở nước ngoài tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm hơn 2.000 máy bay chiến đấu, 200 tàu chiến và tàu ngầm cùng 370.000 nhân viên quân sự và dân sự.
Ngoài khoản đầu tư quốc phòng thông thường, Quân đội Mỹ trong khu vực cũng có thể nhận được 27 tỷ USD trong quỹ dành riêng thông qua Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương trong 5 năm tới – 9,1 tỷ USD để hiện đại hóa và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình; 1 tỷ USD để cải thiện khả năng hậu cần và bảo trì cũng như thiết bị định vị trước, đạn dược, nhiên liệu và trang thiết bị; 7,95 tỷ USD cho các cuộc tập trận, huấn luyện, thử nghiệm và nghiên cứu đổi mới quân sự; 6,82 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao khả năng đáp ứng và tính linh hoạt của các lực lượng Mỹ; 2,17 tỷ USD để xây dựng khả năng quốc phòng và an ninh, sức mạnh và sự hợp tác của các đồng minh và đối tác; và 131 triệu USD để cải thiện khả năng sẵn có cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Tất cả điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ trong khu vực có đủ nguồn lực để làm những gì họ muốn. Vào tháng 2 năm 2023, Mỹ tuyên bố đã có được 4 địa điểm mới đã được thống nhất trong các khu vực chiến lược của Philippines và đã phân bổ hơn 82 triệu USD để hoàn thành các dự án tại 5 địa điểm đã được thống nhất hiện có.
Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương thúc đẩy các quốc gia trong khu vực phản ứng và tăng ngân sách quốc phòng, do đó gây ra một cuộc chạy đua vũ trang. Theo Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương, Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác của mình tung hô lý thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” và yêu cầu tăng ngân sách đáng kể để cải thiện khả năng chiến đấu của các lực lượng của họ.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thay đổi tư thế phòng thủ độc quyền của Nhật Bản, đề xuất phát triển khả năng tấn công các căn cứ phóng tên lửa và các tổ chức chỉ huy cấp cao của Trung Quốc, đồng thời triển khai hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa đến các đảo xa xôi phía Tây Nam và khu vực Kyushu để tên lửa có thể bao trùm bờ biển phía Đông Trung Quốc và khu vực Triều Tiên. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được phê duyệt cho năm tài chính 2023 là 6,8 nghìn tỷ Yên (51 tỷ USD), tăng 26% so với 5,4 nghìn tỷ Yên của năm tài chính trước đó.
Ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc cho tài khóa 2023-2027 đạt 331,4 nghìn tỷ won (265,1 tỷ USD), với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,8%. Nước này cũng có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đảo Jeju (chỉ cách Thượng Hải 500 km).
Để “chống lại tác động kinh tế và chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực này”, Australia đã tăng ngân sách quốc phòng lên 8% trong năm tài khóa 2023 và sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ trong tài khóa 2023-2024 là 5,94 nghìn tỷ rupee (71,9 tỷ USD), tăng 13% so với năm tài khóa trước. Trước hành vi hiếu chiến của Mỹ và các đồng minh, Trung Quốc và các nước yêu chuộng hòa bình khác buộc phải tăng ngân sách quốc phòng để chuẩn bị tốt.
Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương làm tăng tần suất các hoạt động răn đe của lực lượng Mỹ và làm leo thang căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau khi được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ có thể nhận được nhiều tiền hơn để thực hiện các hoạt động răn đe. Vào năm 2022, Mỹ đã tổ chức và thực hiện 87 hoạt động răn đe trong khu vực, bao gồm các cuộc tập trận quân sự, hoạt động tự do hàng hải (FONOP), và trinh sát áp sát tàu và máy bay – nhiều hơn 5 hoạt động so với năm 2020 (82), năm tồi tệ nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.
Các hoạt động răn đe của lực lượng Mỹ chống lại Trung Quốc chắc chắn sẽ gây áp lực buộc Quân đội Trung Quốc phải có biện pháp đối phó. Các lực lượng Mỹ tiến hành các hoạt động như vậy càng thường xuyên thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao và căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương càng lớn.
Vào ngày 21 tháng 12 năm 2022, một máy bay trinh sát RC-135 của Không quân Mỹ xâm nhập Biển Đông để tiến hành trinh sát tầm gần và bị một máy bay chiến đấu J-11 của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chặn lại, với khoảng cách ngắn nhất giữa chúng chỉ là 6 mét. Một sai sót nhỏ có thể phá hủy máy bay, điều này sẽ gây ra một cuộc đối đầu quân sự và đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.
Sáng kiến Răn đe Châu Âu đã dẫn đến cuộc xung đột Nga-Ukraine 08 năm sau khi được thành lập. Liệu Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương có dẫn đến xung đột Mỹ – Trung, Nhật – Trung hay bất kỳ xung đột nào khác trong thời gian tới? Hãy theo dõi nó chặt chẽ với sự cảnh giác cao độ.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không dại diện cho quan điểm chính thức của BBT Nghiên cứu Chiến lược)
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Fan Gaoyue là Giáo sư khách mời tại Đại học Tứ Xuyên, Nguyên Chuyên gia trưởng tại Học viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc