Sức mạnh hải quân Trung Quốc đang được tăng cường với tốc độ nhanh trong những năm gần đây. Gần đây, Trung Quốc đang hoàn thành những quy trình thử nghiệm cuối cùng đối với chiếc tàu sân bay thứ tư, Type-004. Tuy nhiên, tâm điểm của sự chú ý dường như đang đổ dồn về sự xuất hiện của mẫu hạm UAV mới Type-076. Được đánh giá là một tàu sân bay đa nhiệm có thể sử dụng được đa dạng các máy bay không người lái (UAV) bao gồm cả các UAV cỡ lớn, trực thăng chiến đấu và thậm chí có thể hỗ trợ sử dụng được một số loại tiêm kích, Type-076 có thể tạo ra một bước đột phá quan trọng đối với chiến lược quân sự của hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Sự xuất hiện của Type-076 đang cho thấy PLA đã bắt kịp được nhiều xu hướng mới của chiến tranh hiện đại.
Những tiết lộ ban đầu
Với những gì đã được rò rỉ trên các phương tiện thông tin truyền thông, Type-076 về cơ bản là một phiên bản “phóng to” của tàu đổ bộ trực thăng Type-075. Và không chỉ đơn thuần là có kích cỡ lớn hơn, Type-076 cũng có sức mạnh hỏa lực, năng lực tác chiến đa dạng và mạnh hơn đáng kể so với Type-075. Điều được nhấn mạnh ở đây là chiếc Type-076 đã được định hướng, chuẩn hóa là chiếc mẫu hạm UAV đầu tiên của Trung Quốc. Quá trình chế tạo Type-076 đang được thực hiện bởi nhà máy đóng tàu Hudong Thượng Hải, dự kiến sẽ được hạ thủy vào năm 2025, quy trình thử nghiệm sẽ được hoàn thành trước thời điểm năm 2027.
Quay trở lại việc so sánh Type-076 với người anh em Type-075 của nó, nếu như Type-075 là một tàu tấn công đổ bộ thông thường có thể mang theo máy bay trực thăng, Type-076 có khả năng vận chuyển một lực lượng hùng hậu hơn các loại máy bay chiến đấu, trong đó tập trung vào các loại UAV (cả UAV trinh sát và UAV tấn công với đa dạng các kích cỡ khác nhau, kể cả các UAV tàng hình cỡ lớn như Hongdu GJ-11 hay phương Tây gọi là GJ-11 Sharp Sword). Và vì khả năng này, việc gọi Type-076 là một tàu tấn công đổ bộ giống như cách gọi đối với Type-075 dường như không còn chính xác.
Như đồ họa trên đã cho thấy, Type-076 có hệ thống thang nâng có sức tải lên tới 30 tấn, có máy phóng điện từ (EMALS) tương tự như tàu sân bay Type-003 (Phúc Kiến) và hệ thống hãm giúp nó có thể vận hành được các loại máy bay cánh cố định, kể cả các loại tiêm kích J-15B, J-35 và máy bay cảnh báo sớm KJ-600. Có nghĩa rằng, mặc dù được định hướng là một mẫu hạm UAV, nhưng trong điều kiện cần thiết, Type-076 vẫn có thể phục vụ các loại chiến đấu cơ truyền thống trong lực lượng hải quân PLA. Và dĩ nhiên, sức mạnh của nó vượt trội hoàn toàn so với Type-075.
Nguồn tin báo chí nhận định rằng, Type-076 sẽ có tải trọng khoảng 50.000 tấn (gấp rưỡi so với Type-075), kích thước của nó được cho là khoảng 252x45m (có nguồn tin phỏng đoán con số này là 263x43m[1])- so với 237x36m của Type-075. Type-076 vẫn có bố cục sàn đáp chữ nhật giống Type-075, dùng thiết kế 2 đảo tàu. Nếu như Type-075 có thể cho cất/hạ cánh cùng lúc 6 máy bay trực thăng đồng thời nó có thể mang theo 30 máy bay trực thăng các loại, ụ tàu có thể mang theo 2 tàu đệm khí và 35 xe chiến đấu lội nước thì Type-076 được cho là có sức chở vượt trội hơn thế.
Các loại máy bay có người lái được sử dụng trên Type-076 có thể bao gồm: trực thăng hạng nặng Z8, trực thăng hạng trung đa nhiệm Z9, trực thăng đa nhiệm Z20 và trực thăng săn ngầm Ka28. Cũng có thể, PLA có những phương án sử dụng các loại máy bay khác trên Type-76. Với danh sách các loại máy bay đã nêu, rõ ràng Type-076 có rất nhiều phương án tác chiến ứng với các tình huống quân sự khác nhau.
Bên cạnh đó, một nguồn tin cho rằng, Type-076 có khả năng tác chiến toàn diện với tư cách là một tàu sân bay, nó vượt xa khả năng chiến đấu của hai tàu sân bay thông thường của Ấn Độ, hay hai tàu sân bay mang theo F-35 của Anh, thậm chí vượt qua tàu sân bay lớp Ford của Mỹ. Hơn nữa, lợi thế của Type-076 còn nằm ở việc nó có chi phí sản xuất thấp, dễ sản xuất hàng loạt trong tương lai. Và vì vậy, năng lực tổng thể của hải quân PLA sẽ được gia tăng nhanh chóng[2].
Tính lưỡng dụng và vai trò của Type-076 đối với chiến lược quân sự của PLA
Type-076 có khả năng tấn công ba chiều (trên không, trên bộ và trên biển) và thậm chí, với việc tích hợp công nghệ cao, nó có khả năng trở thành một trung tâm chỉ huy cho hoạt động tác chiến, hay các hoạt động giám sát, tình báo ở các chiều “phi vật lý” khác. Đồng thời, Type-076 cũng kế thừa và nâng tầm hơn nữa vai trò của một tàu tấn công đổ bộ.
Với việc lớn hơn Type-075 và nhỏ hơn 1 chút so với tàu sân bay Sơn Đông (Type-002) của Trung Quốc, bên cạnh việc thực thi được những chức năng, vai trò chính của một tàu sân bay chuyên dành cho UAV, Type-076 cũng có thể đảm nhiệm được một số công việc nhất định của một tàu đổ bộ tấn công kiêm nhiệm vai trò của một tàu sân bay. Điều này giúp Type-076 có thể có nhiều giá trị sử dụng hơn đối với nhu cầu của PLA trong tương lai.
Type-076 được thiết kế chuyên phục vụ các máy bay không người lái, nhưng nhiệm vụ thứ yếu của nó cũng được tính đến là có thể phục vụ cả những loại máy bay cánh cố định cỡ vừa khi cần thiết. Điều này có thể mang đến một phương án tình thế dự phòng quan trọng trong trường hợp 4 tàu sân bay Liêu Ninh, Sơn Đông, Phúc Kiến, Giang Nam (dự kiến) vì một lí do nào đó mà không thể tham gia thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, với việc Type-076 trong những hoàn cảnh nhất định có thể đảm đương được một số nhiệm vụ của 4 tàu sân bay cỡ lớn hiện có của PLA, trong một cuộc chiến giả định Type-076 cùng các tàu sân bay khác có thể thay phiên nhau đóng vai trò nghi binh chiến lược.
Nhìn từ cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine, kinh nghiệm sử dụng UAV trên chiến trường đã cho thấy cách thức tổ chức chiến tranh truyền thống không theo kịp được xu hướng chiến tranh hiện đại. Đối với Trung Quốc, trong một cuộc chiến giả định trong tương lai nhằm thống nhất đảo Đài Loan về với Đại Lục, Type-076 sẽ thể hiện được nhiều vai trò hơn.
Thứ nhất, Type-076 có thể tạo ra ưu thế toàn diện nhờ các phương tiện bay không người lái, thậm chí là cả các phương tiện lặn không người lái nhằm kiểm soát được tình hình trên không lẫn trên biển (bao gồm cả lòng biển). Với quy mô không quá lớn của đảo Đài Loan, sự xuất hiện của Type-076 sẽ đẩy các tàu sân bay lớn của Trung Quốc (bao gồm Type-001; Type-002; Type-003 và Type-004) thực hiện được đúng vai trò chiến lược của nó nhằm phong tỏa các vùng biển xa và tạo ra sức răn đe đối với các kẻ thù tiềm tàng từ bên ngoài.
Thứ hai, song hành cùng việc kiểm soát chiến tranh bằng các phương tiện không người lái, cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy sự cần thiết của một lực lượng mặt đất hùng hậu. Nếu chỉ phụ thuộc vào khả năng đổ bộ của Type-075 tương đối nhỏ so với Type-076, lực lượng đổ bộ của PLA sẽ bị hạn chế, khó có thể tạo ra sự thay đổi chiến lược chớp nhoáng trong thời kỳ đầu diễn ra một cuộc chiến giả định. Tờ NavalNews năm 2023 đưa ra báo cáo rằng, Trung Quốc khi đó sở hữu 8 tàu đổ bộ Type-071, 3 tàu tấn công đổ bộ Type-075. Nguồn tin cũng đánh giá rằng, lực lượng này chưa đủ để thực hiện tham vọng “thu hồi” Đài Loan bằng một hành động quân sự[3]. Do vậy, sự ra đời của Type-076 đang từng bước khắc phục sự thiếu hụt này.
Một điều quan trọng hơn, việc thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ giả định nhằm vào Đài Loan là điều không hề dễ dàng, nếu không thể làm tê liệt khả năng phòng thủ của hòn đảo này trong quá trình đổ bộ sẽ dẫn đến rủi ro thiệt hại vô cùng lớn. Type076 có thể khắc phục được những rủi ro này bằng việc triển khai lực lượng hùng hậu các loại UAV cũng như các phương tiện chiến tranh khác để tạo lợi thế ban đầu cho quá trình đổ bộ. Ưu thế ban đầu có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với việc làm thất bại khả năng phòng thủ của Đài Loan, mà còn làm lung lay ý định can thiệp của Mỹ và các đồng minh. Nếu không có lực lượng đổ bộ lớn về số lượng, mạnh về năng lực tác chiến sẽ không thể tạo ra sự thay đổi căn bản, lực lượng quân đội của Đài Loan hoàn toàn có thể ngăn chặn hiệu quả một lực lượng hạn chế của PLA hoặc ít nhất là kéo dài thời gian chờ đợi các tính toán của đồng minh.
Thứ ba, như đã trình bày, Type-076 có thể sử dụng một số loại máy bay cánh cố định, thậm chí là J-15B, J-35. Phương án này sẽ ngày càng trở nên thực tế với việc Trung Quốc có thể cải thiện được hiệu suất chiến đấu của động cơ, tối ưu hóa hệ số lực đẩy/khối lượng của các loại tiêm kích hạm, đồng thời cải thiện năng lực vận hành của các máy phóng điện từ trên tàu sân bay. Việc kết hợp sử dụng các loại tiêm kích hải quân mới có sức chiến đấu vượt trội so với các UAV tấn công có thể tạo ra các đòn đánh có giá trị chiến lược, vừa làm tê liệt các lực lượng chiến lược của đảo Đài Loan, vừa có khả năng răn đe trên không nhằm vào các lực lượng không quân hải quân từ bên ngoài có ý định can thiệp. Điều đó sẽ giúp bù đắp cho chính lực lượng UAV vốn không có nhiều ưu thế trong không chiến.
Việc sử dụng GJ-11 tạo ra vai trò mới cho Type-076
Trước đây đã từng có nhận định cho rằng GJ-11 (Sharp Sword) có thể được sử dụng trên tàu đổ bộ tấn công Type-075, tuy nhiên có vẻ sự ra đời của Type-076 phù hợp với loại UAV tàng hình tấn công cỡ lớn này hơn. Với sải cánh 14m, việc đưa GJ-11 hoạt động trên Type-075 có chiều rộng sàn chỉ 36m sẽ khá chật trội. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các thiết bị khác trên tàu. Do đó, chiều rộng sàn 45m của Type-076 sẽ tạo ra một không gian hoạt động “thoải mái” hơn đối với UAV tấn công đặc biệt này.
Giới truyền thông Trung Quốc nhận định rằng, với tốc độ cận âm và bán kính chiến đấu lên tới 1.200km, trọng lượng cất cánh 10 tấn với khoang vũ khí khoảng 2 tấn của GJ-11, nhiệm vụ chính của nó là tiến hành các cuộc tấn công xuyên sâu vào các mục tiêu quan trọng[4]. Có nghĩa rằng, nó thích hợp cho những đòn đánh chiến lược, hoặc “viễn chinh”, bảo vệ các khu vực lợi ích có phạm vi lớn của Trung Quốc. Trong trường hợp PLA cần dồn toàn lực cho một cuộc chiến giả định ở Đông Á, Type-076 với những chiếc GJ-11 có thể giữ nhiều vai trò: (1) Tung ra các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các cơ sở đầu não của hòn đảo; (2) hỗ trợ kiểm soát không gian biển khổng lồ ở Thái Bình Dương, ngăn chặn hoặc thậm chí có thể tiêu hao và tiêu diệt các lực lượng tiếp viện từ phía bờ Tây Thái Bình Dương cho mặt trận Đông Á. Điều này vốn không nằm trong phạm vi vai trò mà Type-075 có thể dễ dàng thực hiện được. Thay vào đó, bên cạnh việc cùng Type-075 thực hiện một cuộc đổ bộ quy mô lớn, nó sẽ được đảm nhận nhiệm vụ kép là vừa tham gia đổ bộ vừa trong trạng thái tổ chức phong tỏa một khu vực rộng lớn xung quanh mục tiêu.
Về tính chiến lược – chiến thuật trong các phương thức sử dụng của Type-076
Ở góc độ vai trò của một tàu tấn công đổ bộ, Type-076 có giá trị chiến lược đặc biệt. Nó phù hợp với một cuộc đổ bộ quy mô lớn, có khả năng thay đổi cục diện chiến lược của một cuộc chiến, trong khi Type-075 có giá trị về mặt chiến thuật hơn, phù hợp với những cuộc chiến quy mô hạn chế hơn. Điều đặc biệt ở Type-076 là khả năng vừa đổ bộ, vừa triển khai các hoạt động tác chiến tấn công phủ đầu/phòng thủ toàn diện bằng lực lượng hùng hậu các UAV mang theo. Khả năng tác chiến đa nhiệm của Type-076 làm tăng thêm giá trị chiến lược của nó, đặc biệt đối với một tình huống giả định nhằm vào đảo Đài Loan cũng như các khu vực lục địa ven biển nằm trên tuyến lợi ích của Sáng kiến Vành đai và Con đường trong tương lai.
Ở góc độ hỗ trợ hoạt động của lực lượng không quân hải quân, nếu như 4 chiến tàu sân bay (Type 001-004) của Trung Quốc là các phương tiện mang giá trị chiến lược. Type-076 lại có giá trị nằm giữa tính chiến lược và chiến thuật. Việc Type-076 có thể thay đổi cục diện tới mức độ nào còn tùy thuộc vào việc vận hành các phương tiện không người lái mà nó mang theo. Kinh nghiệm tổ chức chiến tranh tại Ukraine đã cho thấy rõ vai trò chiến lược của việc sử dụng kết hợp các loại UAV từ trinh sát cho tới tấn công. Nó không chỉ tạo ra các chiến thắng chiến thuật, mà có thể đem lại các hiệu quả mang tính chiến lược đối với toàn bộ cuộc chiến.
Đối với một cuộc chiến tiềm tàng quy mô lớn, có phạm vi liên khu vực trong tương lai, Type-076 sẽ có giá trị chiến thuật rõ rệt. Vai trò của nó sẽ được thể hiện một cách xuất sắc trong nhiệm vụ kiểm soát một khu vực nhất định kiêm nhiệm vụ vận tải. Đồng thời, việc vận hành Type-076 cũng như tàu sân bay Type-004 sẽ đem lại nhiều kinh nghiệm có ý nghĩa nền tảng, giúp Trung Quốc phát triển các tàu sân bay đa nhiệm cỡ lớn trong tương lai. Đó sẽ là những tàu có giá trị chiến lược cho tình huống chiến tranh quy mô liên khu vực.
Một số nhận định, đánh giá
Về xu hướng phát triển. Sự ra đời của Type-076 tất nhiên không phải là sự phủ định vai trò của Type-075. Hai phiên bản này đều có vai trò riêng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc. Hiện nay, PLAN đã sở hữu 3 chiếc Type-075. Hiện chưa có thông tin rõ ràng về việc PLA có muốn đóng thêm Type-075 hay không, nhưng có vẻ số lượng này đã đủ với nhu cầu của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa. Trong khi đó, Trung Quốc đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ ở các khu vực trên thế giới song song với sự phát triển của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Điều này cho thấy nhu cầu viễn dương của hải quân Trung Quốc sẽ gia tăng nhanh chóng trong tương lai. Trong 10 năm tới, có thể PLA sẽ đóng thêm các tàu Type-076, ít nhất số lượng sẽ tương đương với Type-075 – tức 3 chiếc, để đảm bảo việc duy trì sự hiện diện quân sự của họ dọc tuyến con đường tơ lụa trên biển cũng như nhu cầu đảm bảo an ninh vây quanh đảo Đài Loan. Sự có mặt của Type-076 sẽ gia tăng khả năng kiểm soát tình hình Đông Á, ngăn cản các hành động phiêu lưu đòi ly khai. Hoặc đối với các khu vực lợi ích bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, Type-076 sẽ tỏ ra hữu dụng hơn so với việc sử dụng các tàu sân bay cỡ lớn, ít nhất là về mặt chi phí vận hành.
Đồng thời, như đã nêu, sự xuất hiện của Type-076 và tàu sân bay Type-004 có thể sẽ tạo nền tảng cho Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm, tiếp tục phát triển một loại tàu sân bay mới, lớn hơn, đa nhiệm hơn và tất nhiên là mạnh hơn trong tương lai không xa. Thời điểm mà một tàu như vậy xuất hiện có thể vào giữa thế kỷ XXI nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đó sẽ là một hình mẫu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể trở thành một trung tâm chỉ huy – tác chiến trên biển với lực lượng trên tàu hùng hậu, đa dạng các phương tiện chiến tranh có người lái và không người lái, phạm vi tác chiến sẽ mở rộng bao gồm: trên không – không gian, trên biển – trong lòng biển, trên bộ và các chiều không gian “phi vật lý” khác.
Các diễn tập quân sự trong tương lai của PLA xung quanh đảo Đài Loan sẽ tạo ra những áp lực mới cho các đối thủ. Sự xuất hiện của Type-076 trong lực lượng hải quân PLA chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh của họ. Các phương thức tác chiến của Trung Quốc cũng có thể được triển khai đa dạng hơn. Điều đó có nghĩa rằng, nhiều áp lực mới sẽ xuất hiện đối với các đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc trong tương lai. Để chứng thực được các phương thức tác chiến mới từ sự phát triển của công nghệ, đảo Đài Loan sẽ là một khu vực thử nghiệm giàu tiềm năng. Trong những năm tới, các cuộc tập trận của Trung Quốc trên vùng biển xung quanh đảo Đài Loan sẽ được tổ chức với những chiến thuật mới. Sự xâm nhập mô phỏng thậm chí là xâm nhập thực tế của các phương tiện không người lái cả trên không lẫn trên biển sẽ được tăng cường. Trung Quốc cũng sẽ mở rộng phạm vi giám sát trên Thái Bình Dương hướng tới các lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh của họ. Và các bài huấn luyện tác chiến mô phỏng việc ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào Đài Loan sẽ được thực hiện với nhiều thiết bị công nghệ quân sự mới. Các giải pháp ứng phó của Mỹ và các nước đồng minh cũng sẽ là một dữ liệu quan trọng đối với PLA: (1) PLA có thể sử dụng kinh nghiệm có được tiếp tục cải thiện năng lực công nghệ quân sự của họ; (2) Trung Quốc sẽ có thêm những đánh giá quan trọng phục vụ cho việc thực hiện tham vọng thống nhất Đài Loan trước thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Type-076 cũng có những điểm yếu. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, năng lực tác chiến của Type-076 đang được Mỹ và phương Tây thổi phồng hơn so với thực tế.
Thứ nhất, mặc dù được trang bị máy phóng điện từ, nhưng việc sử dụng các loại máy bay cánh cố định là tương đối hạn chế. Ngay cả việc cho cất cánh UAV tấn công tàng hình GJ-11 cũng phải sử dụng tới máy phóng điện từ thì không có gì đảm bảo rằng J-15B, J-35 hay thậm chí là KJ-600 có thể được vận hành trên Type-076 trong tương lai gần. Trong trường hợp khả năng vận hành tiêm kích hạm bị hạn chế trên Type-76, khả năng phòng không cũng như việc chi viện hỏa lực cho các điểm nóng sẽ là một điểm yếu.
Thứ hai, Type-076 được cho là không chạy bằng năng lượng hạt nhân giống như tàu sân bay cỡ lớn Type-004 (dự kiến). Do vậy, khả năng “viễn dương” của nó cũng sẽ gặp những hạn chế nhất định. Trong một cuộc chiến giả định, trường hợp bị đối phương kéo dài thời gian và ngăn chặn nguồn hậu cần cho hoạt động của Type-076 sẽ tạo ra là một vấn đề lớn với chiến “hàng không mẫu hạm” này.
Điều quan trọng hơn, Type-076 vẫn đang trong quá trình chế tạo (được bắt đầu từ khoảng tháng 10/2023), trước khi chứng minh được các năng lực theo lý thuyết, mẫu hạm UAV này sẽ còn phải trải qua nhiều giai đoạn hoàn thiện và thử nghiệm khác. Hiện tại, mọi thứ vẫn còn đang ở dạng phỏng đoán.
Những vấn đề đặt ra
Trước hết, sự xuất hiện của Type-076 trên bàn cờ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ đối với các thực thể có tâm lý coi Trung Quốc là một mối đe dọa. Yêu cầu chống đổ bộ kết hợp chống các phương tiện chiến tranh không người lái tiên tiến sẽ là một bài toán có tính cấp thiết đặc biệt đối với các chủ thể này. Nhu cầu cải thiện năng lực quân sự trong hoàn cảnh hiện nay của họ sẽ tiếp tục thúc đẩy thêm tâm lý chạy đua vũ trang vốn đã và đang bao trùm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các nước có chính sách trung lập, không liên kết bị rơi vào tình thế buộc phải tham gia cuộc chạy đua vũ trang để tránh bị động trong cuộc chơi địa chiến lược ở khu vực. Cũng có nghĩa rằng, điều này sẽ tạo thêm động lực cho quá trình phá vỡ quan điểm không liên kết vốn có ở nhiều quốc gia trong khu vực này.
Bên cạnh đó, sự nghi ngại của dư luận các nước Đông Nam Á cần được kiểm soát liên quan tới sự phát triển của sức mạnh hải quân của Trung Quốc. Sự gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay được xem là một xu thế tất yếu. Cùng với tâm lý thận trọng, các nước Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam cũng không nên mặc định coi sự phát triển sức mạnh này nhằm vào các lợi ích vốn có của họ. Điều đó sẽ tạo ra một hình ảnh méo mó về mối quan hệ vốn đã phức tạp của Đông Nam Á với Trung Quốc. Thay vào đó, đối với Việt Nam, sự phát triển năng lực quân sự của các quốc gia trên thế giới (bao gồm cả Trung Quốc) nên được xem là các kinh nghiệm có thể tham khảo, từ đó nâng cao năng lực quốc phòng trong nước nhằm thích ứng với những chuyển biến mới về lĩnh vực quân sự trên toàn cầu./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tham khảo:
[1] Joseph Trevithick (2024), “China’s Type 076 Is Shaping Up To Be A Monster Amphibious Warship”, The Warzone, https://www.twz.com/sea/chinas-type-076-is-shaping-up-to-be-a-monster-amphibious-warship
[2] China Arms (2024), China’s First UAV Quasi-Aircraft Carrier Nears Final Assembly During Fujian Carrier Sea Trials, https://www.china-arms.com/2024/05/china-first-uav-quasi-aircraft-carrier-nears-final-assembly/
[3] Gordon Arthur (2024), “China Continues To Exploit Commercial Shipping For Sealift”, Naval News, https://www.navalnews.com/naval-news/2023/10/china-commercial-shipping-for-sealift/
[4] Army Recognition Group (2024), China Gonji-11 UAV setting new standards in unmanned aerial operations, https://armyrecognition.com/news/army-news/2024/china-gonji-11-uav-setting-new-standards-in-unmanned-aerial-operations
[5] Parth Satam (2024), China Flaunts ‘Carrier-Compatible’ GJ-11 Sharp Sword UCAV At Singapore Air Show As It Prepares For Naval War, https://www.eurasiantimes.com/china-flaunts-carrier-compatible-gj-11-sharp-sword/