Năm 2023 trôi qua với nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, có tác động sâu rộng. Bám sát các diễn biến khó lường đó, Nghiên cứu Chiến lược (NCCL) đã có những bài nghiên cứu đáng chú ý, đóng góp những góc nhìn đa hướng về các vấn đề quốc tế cho cộng đồng các nhà nghiên cứu. Cùng nhìn lại một số sự kiện đáng chú ý cùng những nghiên cứu nổi bật trên Nghiên cứu Chiến lược trong năm 2023 vừa qua:
1. QUAN HỆ CỦA VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC LỚN TRONG BỐI CẢNH MỚI
Năm 2023 chứng kiến nhiều sự kiện ngoại giao đáng chú ý liên quan tới Việt Nam. Có thể kể đến như việc Việt Nam nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Mỹ và Nhật Bản. Đồng thời, Hà Nội cũng đã thúc đẩy nhiều tương tác ngoại giao quan trọng với các đối tác truyền thống khác như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
1.1. Trước hết, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ chắc chắn là sự kiện tạo ra sự quan tâm hàng đầu đối với dư luận cũng như giới học giả. Trước thời điểm nâng cấp quan hệ, bài viết “Triển vọng và thách thức đối với Việt Nam trong việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ” đã đưa ra một số nhận định, đánh giá ban đầu về khả năng nâng cấp quan hệ giữa hai nước.
1.2. Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam – Mỹ chắc chắn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc. Bài viết: “Trung Quốc nhìn nhận như thế nào về việc Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện?” đã có những quan sát kỹ lưỡng về quan điểm từ phía Bắc Kinh về sự kiện ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.
1.3. Ở chiều hướng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở khu vực Đông Nam Á, bài viết “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung tại khu vực Đông Nam Á và hàm ý đối với Việt Nam” đã có những đánh giá tổng quan hệ quan hệ song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ở Đông Nam Á hết sức phức tạp.
1.4. Sau việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ, Nhật Bản cũng trở thành đối tác chiến lược toàn diện tiếp theo của Việt Nam. Bài viết: “Quan điểm của một số nước về việc Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ” có những tổng hợp về quan điểm của cộng đồng quốc tế đối với sự kiện ngoại giao đáng chú ý giữa Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11/2023.
1.5. Cuối cùng, sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam vào thời điểm trung tuần tháng 12/2023 đã đóng lại một năm ngoại giao sôi động của Việt Nam. Đây được xem là một sự kiện ngoại giao đặc biệt, ở một thời điểm đặc biệt. Bài viết “Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình nhìn từ phía Trung Quốc” đã tổng kết một cách bao quát quan điểm từ phía Trung Quốc về chuyến thăm đặc biệt này.
2. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TRONG NĂM QUA
Biển Đông là một điểm nóng có tác động không chỉ đối với khu vực Đông Nam Á, mà bất cứ biến cố nào ở vùng biển này cũng có thể tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đối với toàn cầu. Trong năm 2023, vấn đề Biển Đông cũng thu hút sự quan tâm không nhỏ với những diễn biến đặc biệt phức tạp, chủ yếu xoay quanh cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung và mâu thuẫn mới giữa Philippines và Trung Quốc.
3 bài viết đáng chú ý sau đây đã tiếp cận vấn đề Biển Đông từ góc độ cạnh tranh Mỹ – Trung và căng thẳng Philippines – Trung Quốc cũng như có những gợi mở chính sách đối với Việt Nam trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong năm qua. Cụ thể:
– “Cạnh tranh Mỹ – Trung tại biển Đông leo thang: lựa chọn nào cho ASEAN và Việt Nam?”.
– “Căng thẳng Philippines – Trung Quốc gia tăng trên Biển Đông: hệ lụy và hàm ý đối với Việt Nam”.
– Và bài viết với tựa đề “Cục diện Biển Đông năm 2023 và dự báo trong năm 2024” đã tổng kết về tình hình biển Đông trong năm 2023 cũng như đưa ra một số nhận định, dự báo cho năm tới.
3. TÌNH HÌNH KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ VÀ XUNG ĐỘT QUÂN SỰ TRÊN TOÀN CẦU
Trong năm 2023, xung đột Nga – Ukraine và xung đột ở dải Gaza vẫn là hai cuộc chiến thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, các điểm nóng khủng hoảng mới cũng đã manh nha xuất hiện. Nhu cầu nghiên cứu về các điểm nóng này ngày một lớn. Để đáp ứng được nhu cầu đó, các cây viết của Nghiên cứu Chiến lược đã có những bài nghiên cứu đáng chú ý:
3.1. Bài viết “Nhìn lại một năm cuộc xung đột Nga – Ukraine” đã đánh giá một cách tổng quan cuộc chiến Nga – Ukraine nhân thời điểm cuộc chiến này diễn ra tròn 1 năm (24/02/2022 – 24/02/2023)
3.2. Liên quan tới tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine:
– Bài viết “Xung đột Nga – Ukraine: cơ hội thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ” nhận định rằng xung đột Nga – Ukraine đã tạo ra một động lực mới cho quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
– Bài viết “Tác động của xung đột Nga – Ukraine tới luật pháp quốc tế và an ninh toàn cầu: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực” đã có một cách tiếp cận mới mẻ đối với những tác động của cuộc xung đột.
– Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine đã có tác động mạnh, buộc EU phải có những điều chỉnh về chính sách năng lượng. Điều này phần nào được thể hiện qua bài viết “Điều chỉnh chính sách năng lượng của EU trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine”
3.3. Xung đột ở dải Gaza tạo ra mối quan tâm mới đối với cộng đồng quốc tế
– Bài viết “Giải mã những bí ẩn đằng sau cuộc xung đột Hamas – Israel” đã làm rõ hơn các vấn đề xoay quanh cuộc chiến này ngay tại thời điểm cuộc xung đột vừa nổ ra.
– Loạt bài viết công phu với tiêu đề “Xung đột Hamas – Israel từ những góc nhìn lịch đại và đồng đại” đã nhìn nhận cuộc xung đột Hamas – Israel từ góc độ khoa học lịch sử. Chi tiết 3 phần nội dung đây: Phần 1 – Phần 2 – Phần 3.
– Bài viết “Xung đột Hamas – Israel đang tạo ra một tình thế nguy hiểm vượt khỏi phạm vi khu vực Trung Đông” đã góp phần đánh giá phạm vi ảnh hưởng của cuộc chiến giữa Hamas với Israel.
3.4. Bài viết “Chiến sự bùng nổ trên dải Gaza tác động đến cuộc chiến tại Ukraine như thế nào?” đã góp phần làm rõ mối liên hệ giữa hai cuộc xung đột ở dải Gaza và Ukraine.
3.5. Một điểm nóng khủng hoảng mới cũng đã xuất hiện trong năm 2023, bắt đầu từ cuộc đảo chính ở Niger. Bài viết có tựa đề “Tác động của cuộc khủng hoảng Niger tới an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU)” đã có những đánh giá ban đầu về tác động của cuộc khủng hoảng chính trị này đối với vấn đề an ninh năng lượng của EU.
3.6. Các cuộc xung đột, khủng hoảng trên toàn cầu có tác động theo nhiều chiều hướng đối với các quốc gia có liên quan. Nhưng để tận dụng được các cơ hội từ các cuộc xung đột, có lẽ không có nhiều quốc gia thành công tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ. Bài viết “Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia hưởng lợi từ các cuộc xung đột?” đã đánh giá một cách chi tiết cách thức Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng các cuộc xung đột để mang lại lợi ích cho họ.
4. ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC NƯỚC LỚN VÀ CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC MỸ – TRUNG
Trong năm 2023, các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nga và các cường quốc khu vực khác đã có nhiều động thái điều chỉnh chính sách đáng chú ý. Các điều chỉnh này thể hiện đa dạng ở nhiều cấp độ, từ chính sách đối nội cho tới các chính sách tiếp cận khu vực và toàn cầu.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – một đại dự án nhằm hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa. BRI cũng trở thành một yếu tố quan trọng hàng đầu định hình chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong thập niên vừa qua cũng như trong tương lai. Một số cây viết của Nghiên cứu Chiến lược đã có một số bài viết đáng chú ý, nghiên cứu về vấn đề này, như:
4.1. Bài viết: “Nhìn lại một thập kỷ triển khai Sáng kiến Vành đai Con đường: Cơ hội và thách thức đối với khu vực cũng như toàn cầu” đã có cái nhìn tổng quan về chặng đường 10 năm triển khai BRI của Trung Quốc.
4.2. Một bài viết khác với tựa đề “Trung Quốc công bố Sách Trắng về Sáng kiến Vành đai và Con đường khẳng định nỗ lực vì tương lai của nhân loại” đã làm rõ hơn một số nội dung trong Sách trắng về Sáng kiến Vành đai và Con đường công bố năm 2023 của Trung Quốc.
4.3. Loạt bài viết “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam”, đã nghiên cứu công phu các góc cạnh mới về BRI cũng như ảnh hưởng, tác động và những gợi mở chính sách đối với Việt Nam. Độc giả có thể tham khảo qua hai phần nội dung sau đây: Phần I – Phần II
4.4. Trong năm 2023, Trung Quốc cũng đã triển khai tổng kết công tác ngoại giao láng giềng và công bố chính sách ngoại giao láng giềng của họ trong kỷ nguyên mới. Bài viết “Điểm mới trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” góp phần làm rõ hơn các nội dung trong tài liệu của Trung Quốc.
4.5. Đánh giá về “bộ ba chiến lược” mới của Trung Quốc, bài viết “Sáng kiến Văn minh Toàn cầu – Sự khác biệt chiến lược của Trung Quốc” đã làm rõ hơn cách tiếp cận khác biệt của Bắc Kinh trong chiến lược toàn cầu mới của họ.
4.6. Một động thái chính sách của Trung Quốc gây nhiều phản ứng quốc tế trái chiều là việc nước này công bố “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023”. Tấm bản đồ này tiếp tục vi phạm chủ quyền với các quốc gia láng giềng, thậm chí đã biến nước Nga trở thành một nạn nhân mới. Bài viết “Trung Quốc công bố bản đồ mới 2023 nhằm gây áp lực cho các quốc gia trước các Hội nghị thượng đỉnh quan trọng” đã phân tích rõ hơn các vấn đề trong tấm bản đồ tiêu chuẩn của Trung Quốc.
4.7. Liên quan tới các điều chỉnh chính sách từ phía Mỹ, bài viết “Cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ với các cường quốc: Ván cờ đầy thách thức” làm rõ hơn chiến lược đối phó với các đối thủ của Mỹ, hiện trạng và xu hướng bố trí, triển khai lực lượng của Mỹ trên toàn cầu.
4.8. Năm 2023, Mỹ cũng đã công bố một tài liệu đáng chú ý, đánh giá toàn diện sức mạnh quân sự của “đối thủ chiến lược trong thế kỷ XXI” của họ. Bài viết “Mỹ đánh giá sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay như thế nào?” đã tổng hợp và đánh giá những điểm cốt lõi trong tài liệu công bố từ phía Washington, góp phần đánh giá các đặc điểm, quy mô, xu hướng phát triển quân sự của Trung Quốc nhìn từ phía Mỹ.
4.9. Nghiên cứu về quan hệ của Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, bài viết: “Ảnh hưởng của Mỹ tại các quốc gia Đông Nam Á hải đảo hiện nay” là một trong những nghiên cứu tiêu biểu trên Nghiên cứu Chiến lược.
4.10. Để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Mỹ đã tăng cường đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng ở khu vực này. Liên quan đến xu hướng mở rộng liên minh, liên kết ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, một loạt bài viết đáng chú ý có thể liệt kê gồm:
– Khả năng thành lập liên minh ba bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines
– Philippines trong tham vọng liên minh hóa – quân sự hóa Đông Á của Mỹ.
– Quan hệ Nhật Bản – NATO trong bối cảnh hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Loạt bài viết về chủ đề “NATO xoay trục sang châu Á”
– Phần 1: Khả năng và thực tiễn của quá trình xây dựng lực lượng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
– Phần 2: Tác động và hệ quả đối với cấu trúc an ninh mới của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Bên cạnh đó, bài viết “Liên kết chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn có làm phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở Đông Á?” cũng đã đưa ra những đánh giá dự báo về sự phát triển của tam giác chiến lược Mỹ – Nhật – Hàn trong xu thế xây dựng lực lượng của Mỹ trong khu vực.
4.11. Bên cạnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, cạnh tranh Ấn Độ – Trung Quốc cũng là một chủ đề thu hút sự quan tâm. Bài viết “Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ – Trung Quốc tại Đông Nam Á trong bối cảnh gia tăng ảnh hưởng của Mỹ” đã nghiên cứu một cách tổng thể các biểu hiệu của cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc châu Á này.
4.12. Cạnh tranh nước lớn trên những lĩnh vực khác cũng đã thể hiện hết sức đa dạng trong năm 2023. Bài viết “Công nghệ sinh học – lĩnh vực mới trong cạnh tranh Mỹ – Trung. Ai sẽ là người dẫn đầu?” đã có những gợi mở thêm một khía cạnh hoàn toàn mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường.
5. CÁC VẤN ĐỀ KHU VỰC VÀ TOÀN CẦU ĐÁNG CHÚ Ý KHÁC
Đối với khu vực Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực đã có nhiều điều chỉnh quan trọng trong bối cảnh phức tạp của thế giới đương đại.
5.1. Bài viết “Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023-2028 của Philippines và một số tác động tới khu vực” đã làm rõ hơn các điều chỉnh chính sách mới của Philippines trong 5 năm tiếp theo.
5.2. Cũng liên quan tới các điều chỉnh chính sách của Manila, bài viết: Điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và một số hàm ý với Việt Nam đã đi cụ thể hơn vào những thay đổi trong chính sách đối ngoại của vị tân Tổng thống Philippines.
5.3. Trong một bài viết khác có tựa đề “Chính sách đối ngoại của Thái Lan đối với Trung Quốc và dự báo những thay đổi sau bầu cử”, những nhận định ban đầu về quan hệ Thái Lan – Trung Quốc sau cuộc bầu cử ở quốc gia Đông Nam Á đã được gợi mở.
5.4. Bài viết “Điều chỉnh chính sách đối ngoại của Lào và hàm ý đối với Việt Nam” góp phần đánh giá những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Lào cũng như triển vọng quan hệ Việt – Lào trong thời gian tới.
5.5. Nghiên cứu về vấn đề quốc phòng của Indonesia, bài viết “Quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng của Indonesia và một số vấn đề đặt ra” đã đánh giá tổng quan về tiềm lực quốc phòng cũng như xu hướng phát triển của quốc gia vạn đảo Đông Nam Á.
5.6. Campuchia cũng là quốc gia đặc biệt được chú ý trong năm 2023, một trong những dự án thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế đó là dự án kênh đào Funan. Trên cơ sở những thông tin đã được công bố, bài viết “Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia” đã tạo ra một sức hút lớn đối với cộng đồng độc giả.
5.7. Quan hệ của ASEAN với các đối tác là một điểm nhấn thường xuyên được khai thác nghiên cứu trong năm 2023.
– Bài viết “Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á: tác động đến khu vực và hàm ý cho Việt Nam” đã làm rõ hơn những điểm mới trong cách tiếp cận Đông Nam Á của Ấn Độ.
– Bài viết “Quan hệ Nga – ASEAN hiện nay và hàm ý đối với Việt Nam” cũng đã làm rõ được điều tương tự đối với chính sách Đông Nam Á của Nga.
– Một quốc gia đáng chú ý khác là Australia cũng đang ngày càng thể hiện tham vọng gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Bài viết “Chính sách Đông Nam Á của Australia thời Thủ tướng Anthony Albanese” đã góp phần làm rõ được điều này.
5.8. Nghiên cứu về kinh tế quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nền kinh tế lớn mới nổi, nhằm tìm kiếm những kinh nghiệm gợi mở đối với Việt Nam, bài viết “Hệ sinh thái khởi nghiệp của Thâm Quyến – Trung Quốc trong nâng cao năng lực công nghệ và bài học cho Việt Nam” và “Trung Quốc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam” là những bài viết tiêu biểu, có giá trị tham khảo.
5.9. Đối với một số vấn đề đáng chú ý khác liên quan tới Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
– Bài viết đánh giá tổng quan về Sáng kiến An ninh Vũ trụ của Nhật Bản phân tích rõ nội hàm của sáng kiến và những tác động của nó đối với tình hình an ninh Nhật Bản cũng như của khu vực, đồng thời đã có những đánh giá mang tính liên hệ đối với Việt Nam.
– Một bài viết đáng chú ý khác cũng liên quan tới các điều chỉnh chính sách của Nhật Bản với tiêu đề “Nhật Bản thay đổi chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia và hàm ý đối với Việt Nam”.
– Ở phía châu Âu, Liên minh châu Âu cũng đang liên tục có những điều chỉnh thích ứng trong quan hệ với các nước lớn. Bài viết “Điều chỉnh chiến lược của Liên minh châu Âu đối với Mỹ, Nga, Trung và một số vấn đề rút ra với Việt Nam” phần nào đã làm rõ được những điều chỉnh mới của EU đối với bộ ba siêu cường này.
Trên đây chỉ là một số trong hàng trăm bài viết được đăng tải trên Nghiên cứu Chiến lược. Với mục tiêu xây dựng cộng đồng chuyên gia nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế đương đại, Nghiên cứu Chiến lược tiếp tục sẽ là một địa chỉ học thuật tin cậy, bám sát vào các sự kiện quốc tế sẽ diễn ra trong những năm tiếp theo. Mọi trao đổi học thuật và cộng tác trong nghiên cứu, quý đồng nghiệp, độc giả, các nhà nghiên cứu có thể liên hệ với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
TM. BAN BIÊN TẬP